Kỳ nữ họ Tống (Kỳ 3)

15/08/2020 19:21

(VHNT) - Chuyện kể về cuộc đời Tống Thị, một người đàn bà có thật trong lịch sử Việt Nam từ những thập niên đầu thế kỷ XVII.

CHƯƠNG III: CHỊ TỐNG VÀ TÂM SỰ THẦM KÍN

Tôi được chị Tống cho người gọi gấp. Tôi đến nhà ngang nơi chị đang trò chuyện với bà Thụy Kha. Tôi chào. Chị Tống chỉ một cái ghế cho tôi ngồi. Tôi kéo ghế lùi một tí để tỏ sự cung kính, chị Tống nói:

- Cậu đã lớn rồi. Bây giờ lập ra đình thì cũng hơi muộn đấy. Lớp tuổi cậu, có người đã có mấy mặt con cậu ạ. Tiện đây có bà Thụy Kha vợ quan ở ty Xá sai là chị con dì tôi mà cũng có họ hàng với bà thông phán họ Lê, mẹ cô Túy Nguyệt.

Tôi thấy bà thông phán có biệt nhãn với cậu mà cô Túy Nguyệt cũng không đến nỗi dửng dưng nên tôi hỏi ý bà Thụy, nhờ bà mai mối cho. Bà Thụy bằng lòng đấy. Cậu thấy thế nào?

Văn  - Kỳ nữ họ Tống (Kỳ 3)

Minh họa (Họa sỹ Lê Huy Quang)

Túy Nguyệt quả là tình cũng dễ coi, có thể nói là xinh xắn. Nhất là ở cái xứ Quảng Nam chưa có chiều sâu lịch sử này, đàn bà, con gái phần lớn ít chú ý việc tô điểm nhan sắc thì nàng cũng là một bông hoa. Ác thay! Mỗi lúc tôi đang ngắm cô nàng thì chị Tống lại xuất hiện một cách bất ngờ và lập tức tôi chẳng còn thấy người thiếu nữ - còn trẻ măng, chưa chồng con - bên cạnh một thiếu phụ đã ba con. Ánh sáng của chị rực rỡ làm chói mắt. Tôi chưa có ý kiến gì, cứ nghĩ là càng kéo dài càng hay. Nhưng bây giờ tôi đứng trước một việc gần như đã được xếp định: chị Tống tự ý tìm người mai mối, người mai mối đã bằng lòng và mẹ con bà thông phán sắp ra đi. Muốn gặp gỡ lại, không phải chuyện một ngày, một buổi.

Chị Tống, giọng buồn rầu tiếp:

- Chị em bây giờ chẳng mấy ai. Bệnh quan lớn lại mỗi ngày một trầm trọng. Việc coi trong, ngó ngoài chỉ trông cậy vào cậu để chị rảnh tay lo chạy chữa cho quan lớn. Cậu có vợ, vợ cậu về đây, chị em có nhau cho chị đỡ cô quạnh.

Chứ cậu mà không lấy vợ thì lại như con chim chẳng biết bay nhảy thế nào.

Tôi thấy chị nói tha thiết, không cầm lòng được. Bà Thụy Kha bảo:

- Tôi thấy bà lớn thương yêu, lo lắng cho cậu như thế, thậm chí tính đến chị em ruột chưa chắc đã hơn. Còn về phía Túy Nguyệt, tôi xem tình ý nó đối với cậu cũng có phần nặng rồi đó. Đám này không lo cho xong, sau này cậu sẽ tiếc lắm.

Bà nghiêng tai tôi, nói nhỏ nhưng cũng cốt cho chị Tống nghe:

- Tôi thấy cậu, tôi cũng thương như con tôi. Chính ông nhà tôi cũng bảo tôi kiếm cho cậu một chỗ xứng đôi, vừa lứa. Chắng có đám nào khá hơn đâu, cậu ạ. Mà thật tình, người ta gả cho cậu là cũng còn nhờ cái bóng mát quan lớn nhà che cho. Cậu nên nhân cơ hội quan lớn còn sức khỏe, nhận lời đi thì bước đường tương lai thanh thản hơn là khi đã muộn màng.

Tôi yên lặng cúi đầu. Hai bà cùng hiểu tôi đã bằng lòng. Các bà đâu có nghĩ tôi bằng lòng chỉ vì điều kiện rất may mắn: lấy Túy Nguyệt, vợ tôi ở với chị Tống và tôi sẽ có cơ hội gần gũi chị một cách hợp lý và lâu dài.

Khi bà Thụy Kha đi ra, chị ứa nước mắt bảo tôi:

- Cậu có biết hôm nọ, một võ sĩ thiếu lâm tự biết đoán bệnh viết cho chị điều gì không? Chắc cậu không đoán ra đâu. Ông ta nói nếu chị lo ngay từ bây giờ thì sẽ có việc xảy ra nội trong năm nay thôi. Chị buồn lắm. Mà biểu lo thì lo những gì! Chị đã đi cầu đảo khắp các đền đài. Chùa nào, miếu nào, chị cũng đều thân hành tới để kêu, để vái. Cả mấy ông cố đạo ngoại quốc, chị cũng nhờ giúp đỡ; thầy thuốc có tiếng dù người Tàu, Nhật, Bồ, Hà Lan chị cũng đều cậy người đến mời. Chị nghĩ quan lớn chỉ còn thiếu có gan trời là chưa đụng tới thôi. Nhưng khí sắc quan lớn mỗi ngày một suy kém. Cậu có thấy không?

- Có. Tôi có thấy.

- Cậu có nghe người ta nói gì không? Cứ nói thật với chị đi.

- Tôi mới về mấy ngày, chưa quen biết ai cả.

- Tôi đoán người ta xào xáo nhiều lắm.

Chị ứa nước mắt, vuốt lại mái tóc nhìn tôi một cách trìu mến như thể chỉ còn tôi là người chị thổ lộ được tâm tình.

- Mọi người đều xét đoán sai lầm về chị. Chị rất đau khổ. Nhưng chẳng lẽ chị đi phân trần với họ? Thôi thì có trời phật biết cho chị. Cả ở chính dinh, nơi phủ chúa cũng không thiếu những miệng lưỡi dông dài. Cậu thừa biết quan lớn mà rủi ro có mệnh hệ nào thì đời chị chấm dứt. Vì con vua cháu chúa đâu phải ít tham vọng. Sau khi chúa Thượng mất, chắc chắn ngôi tôn không vào tay con chị được.

Chị gần như nức nở:

- Quan lớn thì ngày một suy nhược, chị không thể vừa coi trong ngó ngoài vừa chạy chữa thuốc thang. Đã thế cậu cả lại chậm hiểu mà ham chơi, chẳng thiết học hành gì, suốt ngày chỉ đánh đu với bọn mò cua, bắt ốc la rầy không nổi chẳng còn thể thống con vua, cháu chúa gì. Cậu ở đây giúp chị, lo cho cháu học hành, quản trị trong ngoài, chớ không, chắc chị sẽ ngã gục lúc nào không biết!

Tôi không biết nói gì thêm chỉ nhắc là nhân ông Đào về thăm chính dinh, chị nên thay quan lớn đi đưa để tiện thể ghé chùa Non Nước cầu đảo Phật bà và Lồi Phi phu nhân. Chị đồng ý.

Buổi tối, đêm không trăng sao, tôi đi quanh một vòng xem động tĩnh. Đây chỉ là việc làm chiếu lệ. Nơi đây, không bao giờ có ai tới lui trong giờ này. Nhà quan trấn thủ ở cũng là nhà các tiền nhân nên có cương vị một cái miếu. Nhà gồm năm gian, hai chái, tường bằng đá lấy ở núi Non Nước. Mái lợp tranh săng dày, chống mưa bão rất tốt. Nền không bằng đất, bằng gạch mà bằng toàn ván gỗ, cách mặt đất hơn một thước mộc, đánh bóng sáng ngời. Kèo cột chạm trổ tinh vi đã lên nước đen bóng. Trong nhà, ba gian giữa thờ các bậc tiền bối danh vọng khắp nước, hai gian kế thờ những người ít quan trọng. Ở giữa nhà đặt hai bộ ván bằng gỗ trước hai bàn thờ phụ dành cho các vị khách người trong tôn tộc Nguyễn Phước. Hai chái là phòng của cợ chồng trấn thủ. Chái dưới dành cho vợ và các con, chái trên cho người chồng. Để vợ chồng đi lại với nhau theo truyền thống, đàn bà ít khi bước qua bàn thờ gia tiên - cử kinh nguyệt, cho là dơ bẩn - người ra tạo sau dãy bàn thờ một hành lang dài, thông suốt.

Trong cảnh vắng vẻ, chỉ nghe tiếng gió lào xào qua lá cây, tiếng mõ, tiếng trống cầm canh từ vọng gác dội lại, tôi chợt nghe có tiếng rón rén, rồi Ba Lé hiện ra. Tại đây, ngoài tôi chỉ có Ba Lé và Lê Sách - người phụ tá cũng là người bạn thân tôi mới quen - có thể đi lại giám sát lúc đêm hôm khuya khoắt. Ba Lé không nói gì, nắm tay tôi dắt đi như dắt đứa con nít. Tôi chưa kịp có phản ứng thì đã đến trước một bức phên lụa (gỗ rất mỏng), y chỉ cho tôi nơi bị mọt ăn thành lỗ hổng khá lớn đủ cho một con mắt tinh ma nhìn vào. Ba Lé cầm ngón tay tôi trỏ vào một cái lỗ. Tôi liền đặt con mắt bên phải vào chỗ đó. Trong buồng có ánh sáng chập chờn, tôi chưa thấy gì. Một lát sau, khi định tỉnh, mới phân biệt rõ, khá rõ, một thân hình đàn bà lõa lồ, trong trắng như ánh trăng uyển chuyển như cành mai, ngồi tựa vào chiếc gối xếp, đang từ tốn đưa món ăn, thức uống cho một cái đầu rũ rượi đặt trên vế nàng. Tôi biết ngay đó là chị Tống và quan trấn thủ - Tôi vẫn viết chị Tống rất đẹp, đẹp lạnh người nhưng không ngờ trong tư thế này, trong ánh sáng chập chờn và khung cảnh toàn nhung lụa lung linh, óng ánh này chị có thể đẹp não nùng đến thế! Đẹp làm rợn hết da thịt, lòng bàn chân và toàn bộ chân tóc tôi. Tôi có cảm giác cả người mất hết cảm giác. Trống ngực đánh dồn dập, đầu gối rụng rời. Tôi phải cố gắng kéo Ba Lé ra bến ngoài khi lương tâm chợt thức tỉnh.

Trong bóng tối, tôi lặng đi một lúc, không mở miệng được. Mãi tôi mới nói:

- Chuyện vợ chồng người ta không nên nhìn trộm.

Ba Lé thủ thỉ:

- Thầy coi: con ba đứa rồi mà ngực còn tròn vo. Mụ nhà tôi mới hai đứa mà lũ nhỏ cứ kéo vú ra sau bú như kéo trái mướp.

Ba Lé bắt đầu nói nhảm. Nông dân một số anh ăn nói tự do, dùng những danh từ vào việc hành lạc giản dị như điểm các thức ăn, đồ dùng, không thèm dò xem người nghe có phật ý không. Một nông dân có học ít nhiều, đã hầu hạ nhà quan khá lâu như Ba Lé càng không bỏ được thói tật ấy.

Tôi không để cho óc tưởng tượng của Ba Lé đi xa, nên chận lại:

- Thôi, đi ngủ đi!

- Nhưng thầy phải đãi tôi một lá thuốc ngon. Thầy hứa rồi mà.

- Ta đi uống chén rượu. Có mấy chai rượu hiệu Phước Xương ở Hội An mới biếu, ngon lắm.

Tôi dẫn Ba Lé về, trên đường tiện tay hái mấy trái ổi, trái khế. Ba Lé cũng tìm được mấy con cái khô, mực khô. Chúng tôi tổ chức bữa rượu xoàng xĩnh dưới ánh đèn tù mù. Tôi muốn say, thật say để quên hết cái cảnh chập chờn không rõ mơ hay thật, nhưng tôi không bàng quan như Ba Lé, chỉ nhìn sự việc để phê phán mà thực sự đang tham dự bằng cả tâm tư, tình cảm. Ba Lé ngạc nhiên hỏi:

- Tôi không ngờ thầy cũng có tửu lượng cao đến thế.

Lé uống thi với tôi và khi có chén, lè nhè kể chuyện này, chuyện nọ đã xảy ra. Về phần Thắng Bố, Lé cho không phải tự nhiên vô cớ anh ra rời nhiệm sở. Có một điều gì đó đáng ngờ. Lé nhìn thẳng vào tôi, càng nhìn chừng nào, hai con ngươi như càng đi tìm nhau, sát lại với nhau một cách đáng sợ trong ánh sáng nhập nhòa:

- Thầy à! Tôi không hiển đàn bà họ là người hay quỉ mà anh nào ngó vào là như hùm sa bẫy.

Rồi uống cạn một chén đày như để tự thưởng.

- Còn các ông con vua, cháu chúa! Chà! Họ giống nhau hết. Rứa! Rứa!

Với chất nông dân thô thiển biểu lộc cực độ, anh dùng ngón tay làm dấu cho tôi hiểu rứa! rứa! là như nào.

Tôi chỉ nhếch mép, không đủ sức để cười.

Vừa lúc ấy, Lê Sách sịch đến. Anh bảo đi luyện kiếm về, nhân thấy ánh đèn, đoán chúng tôi còn thức nên lại chơi. Lê Sách là một tay có cơ mưu chuyển biến, trung thực. Anh cũng là tay kiếm xuất sắc trong những anh em đang học võ với mấy thầy Nhật ở Chiêm Doanh. Công việc dạy dỗ chính có ông Ê Mông, ông Ki Cô (Ký Cô) và ông Xư Kê (Asami) Yasukê - Thiên kiến bát trợ. Cả ba ông đều mến Lê Sách. Việc rèn cho được một bảo kiếm thật thiên nan, vạn nan, không phải quá giản dị như trò chơi của mấy ông thợ rèn ta. Ai muốn có kiếm phải tự mình luyện lấy, phải nhồi thanh kiếm hàng trăm, hàng ngàn lần trong ngọn lửa rực rỡ cho đến bao giờ thành thứ thép dẻo nhẹo, chém sắt dễ dàng mới thôi. Còn việc đánh kiếm thì thật công phu. Tôi cũng là một tay kiếm không tầm thường, thế mà đến cửa này tôi phải tập luyện lại từ đầu.

Lê Sách tự rót rượu ra chén, uống từng hớp lớn. Anh phụ tá cho tôi công việc quản trị tài hóa của gia đình quan trấn thủ nên hay liên lạc giữa Chiêm Doanh và Hội An. Nhờ có anh mà tôi biết khá rõ công việc làm ăn của người ngoại quốc ở thành phố ấy. Tôi hỏi Lê Sách:

- Này anh Sách! Tôi thấy anh rất có khiếu võ nghệ, có tài kiếm thuật lại giỏi chữ nghĩa. Anh sẽ là một quân nhân xuất sắc đấy. Sao anh không tìm hướng khác mà lại ẩn náu nơi này để sống cuộc đời không hợp tí nào với anh?

Lê Sách nhắm đôi mắt lại rồi mới he hé dòm tôi một cách hóm hỉnh và bảo:

- Anh Hải Bằng, anh cũng biết xứ Đàng Trong là của ai rồi chứ! Tất cả thanh niên từ mười tám tuổi tới sáu mươi tuổi đều ở trong quân ngũ. Tất cả thợ rèn, thợ mộc, thợ nê, thợ tiện ở cũng đều là lính. Vậy mà có điều lạ lùng này anh thừa rõ, ai cũng thừa rõ cả...

- Điều gì thế anh?

- Là các chức quan lớn trong ngạch võ: cai đội, cai cơ, chưởng cơ, chưởng dinh tuốt tuột đều ở trong tay người Thanh Nghệ, nói đúng ra là người Thanh Hóa. Thanh Hóa cũng chưa đủ, phải là người huyện Tống Sơn mới leo lên đó được.

- À! À!

- Còn hạng bách tính họ Phạm, họ Lê, họ Trần, họ Dương như anh, như tôi làm đến chức đội trưởng là tuyệt đỉnh rồi. Anh có đi trọn đường đời trong dinh quan lớn cũng đến chỗ đó là hết. Thế thì tôi ra trận làm gì cho mệt. Ở đây chơi với Ba Lé có vui hơn không?

Tất cả chúng tôi phá ra cười nhưng chắc không ai không ngậm ngùi nghĩ tới thân phận mình, những bạn bè mình... Điều Lê Sách nói có lẽ hợp với suy nghĩ riêng của tôi từ lâu mà tôi tự dối, không muốn thổ lộ cùng ai. Lê Sách bỗng nhìn tôi và dí dỏm:

- Anh là con nuôi quan cai cơ, ông ấy gốc Thanh Hóa lại đúng vọng tộc họ Tống, biết đâu số phận lại chẳng khá hơn bọn này? Thế sao anh không lên ngựa, múa kiếm cho hả cuộc đời? Rồi cùng cai đội, cai cơ có thua gì ai? Sao cũng tìm tới chốn an nhàn này làm gì?

Chúng tôi lại cười ha hả, uống đến say mèm rồi chia tay.

Tôi ngủ vùi một lúc, bỗng giật mình thức dậy. Tinh thần tỉnh táo lạ thường. Tôi biết tôi đang muốn làm gì. Tôi nhất định không làm điều ấy. Xấu xa, hèn hạ không xứng với bậc trượng phu. Nhưng vừa tự nguyền rủa mình, tôi vẫn cứ đi tới, tới đúng chỗ có tấm phên lụa, chỗ mọt gặm vừa đủ cho một con mắt tò mò đặt vào. Dưới ánh sáng lù mù, vợ chồng trấn thủ vẫn ở trong tình trạng thiên nhiên và hơi lạ là như đang xô đẩy nhau. Hình như họ cũng vừa mới thức giấc vì tôi nghe tiếng ngáp và người chồng lấy tay khêu cao sợi bấc trong dĩa dầu. Tôi đoán ông ấy muốn thấy rõ hơn hình dung của vợ để tăng thêm thèm muốn. Trong phòng, cảnh tuy diễn ra lặng lẽ nhưng không phải bất động. Tại sao có tình trạng này. Hễ ông chồng tới thì bà vợ đẩy ông sang bên một cách âu yếm nhưng quyết liệt. Người chồng vùng vẫy thoát khỏi sự kiềm chế của vợ. Người vợ vẫn nhẫn nại né tránh. Lát sau, tôi có nghe tiếng van vĩ:

- Đừng anh! Đừng anh! Anh nên thương anh, thương em, thương con. Việc gì anh phải tự đày đọa như thế? Anh còn trẻ, đời chúng ta còn dài, tình chăn gối còn đến bạc đầu. Đâu phải chỉ là chuyện một ngày, một bữa. Ba đứa con chúng ta còn thơ dại cả. Anh phải gắng sống, sống cho lâu để nuôi nấng, dạy dỗ chúng chứ! Giọng nói của vợ nghẹn ngào:

- Anh mà lỡ có thế nào thì tương lai em, tương lai con sẽ ra sao anh cũng biết rồi. Các chú em của anh đâu phải thuần lương hết cả đâu. Họ sẽ diệt nhau để tranh giành địa vị. Vì cái ngôi cao, họ sẽ không từ bỏ sự hèn nhát, tàn bạo nào đâu. Mẹ con em đến lúc ấy cũng không còn đất dung thân chứ đừng nói đến hai chữ bình an.
Bấy giờ xem chừng trấn thủ đã thấm mệt vì cuộc va chạm không cân sức. Người vợ bồng hẳn ông lên, vuốt ve lưng ông, tựa đầu ông vào vai, âu yếm dỗ:

- Anh mệt lắm rồi! Hơi thở dồn dập rồi. Anh nên gắng ngủ đi để cho em ngủ yên một lát, lấy sức sang mai em phải đi chùa Non Nước cầu cúng, van vái cho anh. Lạy trời Phật, thần linh độ trì cho chồng tôi khỏe mạnh. Anh đừng tự làm khổ thân anh, khổ thân em.

Trấn thủ có vẻ ngoan ngoãn cầm chai rượu gần đến tu một hơi dài, gối đầu trên vai vợ, một tay choàng lên cái cổ trắng ngần của nàng, một tay đặt trên ngực nàng, không còn có gì để nhìn nữa, tôi định quay đi... Tôi lầm. Cuộc chiến chưa chấm dứt vì người đàn ông đã hồi sức sau một lúc nghỉ ngơi lại vùng dậy và tái diễn. Tôi không thấy chút động lòng vì dục vọng dễ trào dâng trong hoàn cảnh khêu gợi này mà chỉ thấy động lòng vì một mối từ tâm. Tôi thấy bây giờ trấn thủ chỉ còn là con thú bị sa bẫy cố vùng vẫy để tự kết liễu đời mình. Đúng hơn, ông là con thiêu thân trần trụi đã rơi hẳn vào đĩa dầu còn cố ngoi dậy tìm lạc thú một cách vô vọng bằng cách uống cho ngây ngất chất dầu độc hại. Và chị Tống xinh đẹp hơn bao giờ vừa như nàng tiên dơ bàn tay độ thế vừa như một loài hồ ly ma quái đang dìm đầu người tình lún sâu thêm vào vực thẳm khoái lạc.

Tôi đi ra. Nghe một tiếng thở dài ảo não. Không rõ là tiếng gió, tiếng của tôi hay của người nào.

Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Xuân

(còn tiếp)

Xem thêm: 

Kỳ nữ họ Tống - Kỳ 1

Kỳ nữ họ Tống - Kỳ 2

 

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ nữ họ Tống (Kỳ 3)" tại chuyên mục MỸ THUẬT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).