Họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên một cốt cách kiêu hãnh khác người

02/11/2020 18:39

(Arttimes) - Nói về nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên, bạn bè của ông từng viết: “Tóc trắng, râu trắng, vóc hạc mình tiên, thi sĩ họ Bàng dù ngồi lù xù nướng khoai bên bếp lửa đêm cận giao thừa, chân tay lấm lem, râu tóc dựng ngược mà thỉnh thoảng vẫn loé lên cái cốt cách vương giả, kiêu hãnh khác người.”

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên vốn xuất thân trong một gia đình trí thức, dòng dõi hậu duệ triều Lý, sinh ra ở phố Thuốc Bắc (Hà Nội). Bố ông là Bàng Nguyên Dũng, hay còn gọi là cụ Nghị Dũng (Đại biểu Nghị viện tư vấn Bắc kỳ dân biểu), làm nghề dạy học và bốc thuốc cứu người ở phủ Bắc Giang. Từ nhỏ, Bàng Sĩ Nguyên đã được học chữ Hán, chữ La tinh, tiếng Anh, tiếng Pháp.

Mỹ thuật - Họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên  một cốt cách kiêu hãnh khác <a href=người" src="/uploads/media/tran-minh-tuan/2020/11/02gagaga.jpg" width="450" height="252" />

Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên là một trong số 37 người đầu tiên thành lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông từng tham gia viết báo “Xông Pha”, “Dân quân Việt Bắc”, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Nguyễn Khang. Năm 1956, ông được Ban tổ chức TƯ Đảng điều động cùng với Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi… thành lập báo Văn Nghệ. Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên là một trong số 37 người đầu tiên thành lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Năm 1973, ông quyết định dựng phòng tranh nguyên tác. Được sự ủng hộ của Trung tướng Trần Độ, ông tự tin mở phòng triển lãm tranh đầu tiên ở nhà riêng trên phố Giảng Võ (Hà Nội). Đang ổn định cuộc sống ở Hà Nội, ông lại quyết định chia tay thủ đô, tha phương nơi đất khách quê người, vào Sài Gòn từ năm 1978. Đến năm 1980, ông chính thức nhận công tác, làm việc ở TP. HCM mở xưởng vẽ tranh đi giảng triết học, lý luận phê bình văn học nghệ thuật…

Dù sống ở Sài Gòn, nhưng trong tâm trí ông vẫn khắc khoải nỗi nhớ Hà Nội. Bàng Sĩ Nguyên chia sẻ, trong số những tác phẩm đã hoàn thành, đề tài về Hà Nội chiếm phần lớn. Vào Sài Gòn sinh sống, mỗi lần nghe tiếng còi tàu là nỗi nhớ Hà Nội lại cồn cào trong ông. Nhớ Hồ Gươm bảng lảng sương sớm, góc phố Phan Đình Phùng rực lá vàng rơi mỗi độ Thu về. Hà Nội với những nếp cũ, người cũ, nghề cũ, mà chỉ khi đi xa người ta mới cảm nhận hết được. Và những nỗi nhớ ấy rất tự nhiên đã đi vào thơ, vào họa của ông, đẹp đến lạ lùng.

Mỹ thuật - Họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên  một cốt cách kiêu hãnh khác <a href=người (Hình 2)." src="/uploads/media/tran-minh-tuan/2020/11/02bang-si-nguyen160711.jpg" width="450" height="272.6057906458797" />

Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên (hàng đầu, thứ ba từ phải sang) trong lễ hội thơ xuân 2016

Xem tranh ông có một cảm giác rất lạ. Lạ bởi cách vẽ. Lúc ông vẽ bằng bút lông, khi không có bút, vớ được thứ gì, ông đều có thể “trình diễn” hội họa. Ngay đến 10 đầu ngón tay của ông cũng có thể là bút vẽ. Thế giới trong tranh của ông phảng phất liêu trai, mơ màng, nét bút chỗ thực, chỗ ảo. Lối vẽ của ông thiên về ẩn dụ, thuộc loại tranh thiền họa hay còn gọi là huyền họa của phương Đông.

Và những bức tranh vừa thực, vừa ảo như dẫn dắt người xem đến với một thế giới phiêu linh. Ngôn ngữ thi họa mang âm hưởng của tâm tính, thông qua những nét buồn vui trong cuộc sống. Ông vẽ tranh nhanh, xuất thần, không nệ kỹ thuật, không nắn nót, tỉa tót, trau truốt và không ngừng đột phá. “Ôi thực đã có biết bao nhiêu tinh thần nhân văn trong tác phẩm của cụ Bàng. Tôi rất xúc động trước sự gợi cảm của những “công trình” nghệ thuật này”- Daniel De Rudde (Viện Trao đổi Văn hóa Pháp) xúc động chia sẻ.

Mỹ thuật - Họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên  một cốt cách kiêu hãnh khác <a href=người (Hình 3)." src="/uploads/media/tran-minh-tuan/2020/11/02ajajaj.jpg" width="450" height="599.112426035503" />
Ông luôn vẽ bằng chính những ngón tay của mình thay cọ vẽ.

Ái nữ của ông - nữ sĩ họ Bàng luôn tự hào khi kể về bố mình. Cô cũng kế thừa ở ông sự mạnh mẽ, sức làm việc hiệu quả. Bàng Ái Thơ luôn ý thức bố là người thầy đầu tiên và duy nhất khai mở mình đến với văn chương nghệ thuật. Bàng Ái Thơ học được ở bố phong cách làm việc chuyên nghiệp, tấm lòng vị tha, bao dung, luôn sống tốt với mọi người. Nữ sĩ họ Bàng bày tỏ “Trong mắt tôi, ông là một người cha đáng kính. Tôi bị ảnh hưởng bố trong việc sáng tạo nghệ thuật và đời thường”.

Và nhắc đến Bàng Sĩ Nguyên, nhiều người biết đến đó là một học giả uyên thâm Đông Tây kim cổ. Khuynh hướng sáng tác của ông theo lối tư duy triết học, chú trọng về thân phận con người, về những vẻ đẹp dung dị, đời thường trong cuộc sống thường nhật. Thơ của ông theo phong cách chập chờn, siêu thực, khắc họa cái thực tại đang hiện hữu xung quanh mình. “Mỗi người đều đã chạm và bỏ qua những gì gần gụi với đời sống thường nhật, không nhìn thấy vẻ đẹp thiên nhiên, nắm bắt cơ hội…”.

Với ông, không bao giờ có tâm lý “đám đông”, một mình độc hành trên bước đường nghệ thuật, tự học thành tài. Sự học của ông không ngừng làm phong phú thêm về tâm hồn. Ông quan niệm, học chính là cách giải thoát mình khỏi cô đơn, sống ý nghĩa hơn với đời. Cả đời ông sống thanh bạch. Gia tài chỉ là tranh, sách và một nếp nhà tuềnh toàng.

“Người khôn phải biết làm lâu thì lui, làm xong thì về. Khi con người đã lên đến đỉnh thì phải biết xuống. Lập ngôn là dung ngôn ngữ của thi ca, nhạc họa để lập nghiệp, tạo danh. Lập ngôn là thứ cao nhất của mỗi con người. Tỷ như con chim dung tiếng hót để bắn tín hiệu. Con người đến với nhau bằng chữ tình”- Ông Bàng Sĩ Nguyên giãi bày về sự đời.

Tuấn Trần - Kiên Nguyễn

 

 

“Ôi thực đã có biết bao nhiêu tinh thần nhân văn trong tác phẩm của cụ Bàng. Tôi rất xúc động trước sự gợi cảm của những “công trình” nghệ thuật này”- Daniel De Rudde (Viện Trao đổi Văn hóa Pháp) xúc động chia sẻ.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên một cốt cách kiêu hãnh khác người" tại chuyên mục MỸ THUẬT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).