Người vẽ hàng nghìn bức tranh Bác Hồ

30/10/2020 22:27

Nếu như NSƯT Tiến Hợi là người đóng vai Bác Hồ thành công nhất, thì Trần Xuân Phúc được mọi người biết đến là họa sĩ vẽ chân dung Bác Hồ nhiều nhất và thành công nhất.

Hơn bốn mươi năm hoạt động nghệ thuật, ước tính, ông đã vẽ hơn hai nghìn bức chân dung Bác Hồ; ghi dấu trong công chúng về một dòng tranh riêng.

Hơn bốn mươi năm vẽ Bác

Mỹ thuật - Người vẽ hàng nghìn bức tranh Bác Hồ

Trước khi gặp họa sĩ Trần Xuân Phúc, tôi cứ mường tượng đến một ông họa sĩ già đậm phong cách “cộng sản”. Nào ngờ, khi gặp tại nhà riêng, trước mắt tôi lại là một người đàn ông trung niên béo tốt, da dẻ hồng hào, ria mép lùm xùm.

Nhìn tướng tá Xuân Phúc có vẻ hơi dữ dằn. Nói chuyện với khách tiếng nói sang sảng mà khi gọi vợ, quát con âm lượng cũng không kém...

Học hết phổ thông, Xuân Phúc đi bộ đội. Anh được phiên chế vào Ban Tuyên huấn thuộc Phòng Chính trị, Sư đoàn 442, Quân khu Bốn.

Hành trang của anh thanh niên Xuân Phúc ngoài quân trang còn có thêm những hộp màu và bút vẽ. Hiện nay, tại phòng truyền thống của Sư đoàn này vẫn treo một bức tranh khá lớn chân dung của Bác.

Đây chính là tác phẩm của họa sĩ Xuân Phúc. Rời quân ngũ, anh về công tác tại Thanh Hóa, qua các đơn vị như Công ty Chiếu bóng thành phố, Trung tâm Mỹ thuật Lam Sơn... rồi nghỉ theo chế độ 176. Nhưng nhiều bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến anh gọi anh bằng cái tên “Xuân Phúc - Họa sĩ vẽ Bác Hồ”.

Từ trước tới nay, nói tới những họa sĩ vẽ chân dung Bác Hồ, người ta thường hay nói đến cố họa sĩ Diệp Minh Châu với bức tranh Bác Hồ và ba em bé Bắc Trung Nam vẽ bằng máu hay các họa sĩ: Dương Bích Liên, Lê Huy Trấp, Đỗ Năm, Nguyễn Văn Phúc, Trần Mai, Trần Thức...

Những họa sĩ này giờ đây người sống cũng phải trên 70, 80 tuổi, có những người đã đi vào cõi vĩnh hằng. Người ta bảo, đã là họa sĩ ai cũng có thể vẽ được Bác Hồ nhưng để vẽ có hồn, có tinh thần thì không phải ai cũng làm được. Thế nhưng, Trần Xuân Phúc một họa sĩ sinh năm 1963, chưa từng gặp Bác lại làm được cái điều mà người ta cho là khó ấy.

Họa sĩ Trần Xuân Phúc kể: “Tranh chân dung Bác Hồ thì tôi vẽ từ rất lâu rồi. Cơ duyên bắt đầu từ thời bố tôi - họa sĩ Trần Xuân Vỵ, ông có may mắn từng được ngồi gần Bác Hồ trong một lần Bác về thăm Thanh Hóa. Sau này ông vẽ Bác rất nhiều. Tôi đã tiếp xúc với những bức tranh ấy từ thuở nhỏ. Sau này, càng trưởng thành, tôi càng thấy Bác Hồ kính yêu của chúng ta là một lãnh tụ vô cùng vĩ đại của dân tộc.

Bác đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đất nước, dân tộc. Bác có một mong muốn, một mong muốn tột cùng, là làm sao cho đất nước hoàn toàn được độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do. Đồng bào, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Một ước mơ, nguyện vọng cả cuộc đời của Bác, phấn đấu hy sinh giành độc lập cho dân tộc.

Chính vì ngưỡng mộ Bác Hồ mà tôi đã vẽ Bác mấy chục năm nay. Đến hôm nay, ngoài sáng tác nghệ thuật nói chung và nhiều công việc về mỹ thuật khác thì tôi vẫn vẽ Bác Hồ với tất cả lòng kính yêu, trân trọng nhất”.

Mỹ thuật - Người vẽ hàng nghìn bức tranh Bác Hồ (Hình 2).

Điều đáng nói không chỉ là số lượng tác phẩm lớn qua một thời gian dài bền bỉ, Xuân Phúc còn rất nghiêm túc trong lao động nghệ thuật mặc dù chưa hề qua một trường lớp nào về hội họa. Học từ những người đi trước, học từ đồng nghiệp, chăm chút trong quá trình thu thập tư liệu, Trần Xuân Phúc có một hệ thống tư liệu theo chuyên đề như: Bác Hồ với công an, Bác Hồ với bộ đội, Bác Hồ với nông dân...

Tất cả đều được sắp xếp khoa học. Cẩn thận và tỉ mỉ, chỉn chu trong tư liệu, nhưng khi vẽ, Trần Xuân Phúc lại để mình chìm đắm trong cảm xúc và tình yêu với vị lãnh tụ kính yêu.

Xuân Phúc đã nâng lối vẽ truyền thần lên trường phái tranh cực thực. Từng chi tiết về ánh mắt, vầng trán, chòm râu, sợi tóc của Bác... trong tranh đều chân thực mà vẫn hiển hiện sự gần gũi, ấm áp và tình cảm.

Nói về đồng nghiệp của mình, họa sĩ Trịnh Yên chia sẻ: “Anh đã vẽ chân dung Hồ Chí Minh trong hòa sắc của ảo. Ảo nhưng mà thật. Thật nhưng lại có sự liên kết với tâm linh. Chúng ta còn nhớ những hình ảnh như Cụ Hồ đặt tay lên trán, những đụn mây vờn như một sự hòa quyện, như một sự thăng thiên, một sự cầm nắm ở thế gian này.

Tôi cũng đã chứng kiến nhiều họa sĩ các lớp trước vẽ rất nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng đều là những tác phẩm chân dung với hành vi cụ thể. Riêng Trần Xuân Phúc đã cho ta bắt gặp một ảo giác, một sự thực, một sự liên kết giữa âm và dương, giữa những hòa sắc của tâm hồn”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận xét: “Anh Phúc đã khẳng định được một đề tài không phải ai cũng có duyên để vẽ tốt là đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tác phẩm của anh đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi, đặc biệt là những cơ quan của Chính phủ, của Nhà nước.

Tôi cho đấy cũng là sự khẳng định khả năng của Trần Xuân Phúc. Tôi cho rằng, đây là đề tài về lãnh tụ nhưng không phải họa sĩ nào cũng đủ cái rung động về cảm xúc để truyền đạt lại cho những người ngắm nhìn dung nhan của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ. Tôi cho đấy cũng là một thành công ban đầu của Trần Xuân Phúc”.

Cơ duyên của cuộc đời...

Mỹ thuật - Người vẽ hàng nghìn bức tranh Bác Hồ (Hình 3).
 Họa sĩ Trần Xuân Phúc bên tác phẩm vẽ chân dung Bác Hồ

Trần Xuân Phúc kể, khi mới ra Hà Nội, ông mua một căn hộ nằm trên tầng năm của khu tập thể thành ủy Hà Nội. Căn hộ nhỏ hẹp, chật chội. Phòng ngoài dùng tiếp khách và làm tiệm may cho vợ. Không có phòng ngủ riêng. Nơi làm việc của ông chỉ vỏn vẹn áng chừng 6, 7 mét vuông, là nơi chứa tất cả tư liệu ảnh, sách, tranh vừa là chỗ ngủ của hai cậu con trai.

Hành lang tầng năm thường xuyên trong tình trạng bị “trưng dụng” để… phơi tranh. Hàng xóm có vẻ chẳng lạ gì cái “thói” ngang nhiên của gã họa sĩ gàn gàn chỉ thích vẽ tranh Bác Hồ ấy. Anh bảo, có những thời điểm, cái hành lang này cũng chẳng đủ để tranh của anh đứng “tắm nắng”.

Trước đó, ở Thanh Hóa, hai vợ chồng anh sống bằng nghề vẽ pa nô, áp phích quảng cáo phim tại rạp chiếu, rồi vẽ quảng cáo. Về sau làm ăn có uy tín, vợ chồng trẻ đầu tư vốn, thế chấp nhà để mở công ty. Nhưng vì không biết quản lý nên chẳng mấy chốc công ty phá sản, hai vợ chồng trắng tay nên quyết định bỏ quê ra Hà Nội mưu sinh. Ra Hà Nội, anh kiếm tiền bằng đủ nghề, từ vẽ công đức cho chùa, đến vẽ logo vườn quốc gia Cúc Phương, vẽ quảng cáo...

Thế rồi, may mắn đến khi anh vẽ chân dung Bác theo nhu cầu của khách. Vẽ được một bức, thấy thích người ta lại đặt vẽ hai bức, ba bức... rồi nhiều quá, chả đếm được. Khách đến chủ yếu đặt vẽ chân dung Bác ngồi ghế nhung, ghế mây làm việc, hay chân dung nửa người để treo trong các văn phòng, cơ quan, những nơi trang trọng nhất. Chẳng mấy chốc cái tên Xuân Phúc đã gắn liền với tranh chân dung Bác Hồ.

Họa sĩ Xuân Phúc cho biết, hơn 10 năm anh vẽ được khoảng gần 2.000 bức chân dung Bác. Còn nhớ có lần, anh phải thuê cả một chuyến xe tải mới đủ để chở nguyên vật liệu là khung tranh và toan để vẽ, có những bức mực chưa kịp khô, khách đã đến lấy.

Khách hàng có những người mua chỉ để treo nhà, để thờ nhưng cũng có những “khách sộp” như Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao. Có lần xem ti vi, đọc báo Xuân Phúc lại nhận ra đứa con tinh thần của mình đang nghiêm chỉnh ở Thái Lan, hình như là quà tặng nhân một dịp trọng đại, ý nghĩa nào đó.

Những lần như thế, Xuân Phúc lại lọ mọ cắt bài báo ra dán vào cuốn album ảnh do mình tự tổng hợp theo trình tự thời gian để “hồi ký” lại cuộc đời mình với vẻ đầy tự hào.

Sau hàng chục năm lao động nghệ thuật, họa sĩ Trần Xuân Phúc vẫn miệt mài sáng tác. Nhìn ngắm  những tác phẩm của họa sĩ Xuân Phúc, tôi chưa lần nào hết bất ngờ bởi vẫn không thể tin rằng anh chưa bao giờ học qua trường lớp đào tạo về mỹ thuật.

Sau hơn bốn mươi năm cầm cọ vẽ, anh vẫn dành thì giờ tìm hiểu, phát triển thêm nhiều mảng đề tài khác về đời sống lao động bình dị và  chân dung con người. Anh vẫn vẽ Bác Hồ hàng ngày và những tác phẩm của anh vẫn đến với những người yêu tranh anh, yêu kính Bác.

Họa sĩ Trần Xuân Phúc nói, điều khiến anh luôn say mê khi vẽ chân dung Bác là ánh mắt, khi là ánh mắt hiền hậu, trìu mến như một vị cha già, một người ông, khi là ánh mắt của sự toan lo trước những cuộc đàm phán gắn liền với vận mệnh của dân tộc…

Nhưng tất cả đều sáng ngời một niềm lạc quan, tin tưởng. Và như anh nói, “vẽ Bác Hồ là cơ duyên và định mệnh” trong đời anh.

Theo GDTĐ

Bạn đang đọc bài viết "Người vẽ hàng nghìn bức tranh Bác Hồ" tại chuyên mục MỸ THUẬT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).