Quy hoạch thành phố ven sông Hồng bao giờ thành hiện thực? (kỳ 1)

28/08/2020 16:21

(VHNT) - Sau rất nhiều những phương án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng được chính quyền thành phố Hà Nội nêu ra rồi để đấy, một lần nữa, Hà Nội lại tiếp tục khởi động về đề án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

Bài 1: Tầm quan trọng của sông Hồng và những dự án chưa thực hiện

Nhưng quy hoạch thế nào, phương án và cách giải quyết ra sao lại là hàng loạt những vấn đề mà không riêng gì Hà Nội có thể giải quyết được, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam quan điểm.

Theo KTS Nghiêm, từ thế kỷ thứ 3 TCN, An Dương Vương dựng nước đã xây kinh đô của nước Âu Lạc ở sát những dòng sông. Đến năm 1010, vua Lý dời đô về Thăng Long lấy trung tâm là dòng sông Hồng để phát triển Hà Nội 36 phố phường tiếp tục là minh chứng cho chân lý “Nhất cận thị, nhị cận giang”.

Xã hội  - Quy hoạch thành phố ven sông Hồng bao giờ thành hiện thực? (kỳ 1)

Hai bên bờ sông Hồng

Không chỉ Hà Nội, nhiều đô thị khác ở Việt Nam như Huế, Đà Nẵng… đều lấy dòng sông là trung tâm để phát triển. Cũng không riêng gì ở Việt Nam, ngay từ thời kỳ cổ đại ở Châu Âu người ta cũng dựa vào những dòng chảy để phát triển. Paris có sông Seine, Praha có sông Vltaha, London có sông Thames…

Sông Hồng ở Hà Nội luôn có vị thế rất quan trọng trong mọi thời kỳ. Thời phong kiến rồi thời Pháp thuộc, các cấp chính quyền đều quan tâm và xây dựng nhiều công trình, phát triển nhiều kiến trúc bám vào bên bờ sông Hồng.

Đặc biệt đến sau hòa bình lặp lại, năm 1954. Hàng loạt những khu nhà được xây dựng bên bờ sông Hồng, 11 khu nhà gỗ ở Chương Dương giải quyết vấn đề nhà ở cho cán bộ công nhân viên, khu Phúc Xá là mô hình tiểu khu nhà ở xã hội…

Hà Nội đã có 4 lần điều chỉnh địa giới, 7 lần quy hoạch chung. Quy hoạch năm 1982, Hà Nội chủ yếu khai thác phía Nam sông Hồng, nội đô bấy giờ. Nhưng đến năm 1998, Hà Nội đã có tư duy nhận thức mới, sự phát triển của Thủ đô không chỉ ở phía Nam, mà tràn sang cả phía Bắc. Đây được coi là bước đột phá.

Năm 2000, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển Hà Nội, nội đô được mở rộng sang bờ Bắc sông Hồng, quận Long Biên hình thành. Trước kia Hà Nội chỉ đặt vấn đề khai thác cảnh quan sông Hồng, xây dựng tuyến giao thông, nhưng đến năm 2011, Bộ Chính trị, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã thông qua bản quy hoạch Hà Nội mới định “trục không gian 2 bên sông Hồng là trục trung tâm quan trọng của Hà Nội”. Đồng thời, năm 2012, thành phố cũng đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế phân khu sông Hồng.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô năm 1998 và năm 2013 cũng xác định trục cảnh quan sông Hồng là trục cảnh quan quan trọng của Hà Nội.

Ngoài ra, từ năm 1992 Chính phủ đã đặt ra vấn đề an toàn cho dân cư hai bên bờ sông. Năm 1997 đến năm 2000 Bộ Thủy lợi đã miệt mài nghiên cứu các tuyến thoát lũ hai bên bờ sông.

Xã hội  - Quy hoạch thành phố ven sông Hồng bao giờ thành hiện thực? (kỳ 1) (Hình 2).

Quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng

“Năm 1994 chúng tôi lại đưa ra quy hoạch hai bên bờ sông Hồng (Hà Nội đã trả lại 7 quận huyện cho Hà Tây), lần này vấn đề đặt ra là việc bảo tồn 21 di tích 2 bên bờ sông Hồng như đền Chử Đồng Tử, làng cổ Bát Tràng… và vấn đề an ninh quốc phòng. Quy hoạch đã được nghiệm thu tuy nhiên chưa được thực hiện.” KTS Nghiêm cho biết.

Đến năm 1997, 1998, Bộ Giao thông Vận tải đã đầu tư rất lớn vào quy hoạch giao thông đường thủy, đặc biệt ở hai bên bờ sông Hồng. Hình thành cảng Chèm, cảng sông Hồng… để tận lực khai thác giao thông đường thủy để vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch, giảm tải áp lực cho giao thông nội đô.

Năm 2000 Hà Nội có quy hoạch ngoài đê, năm 2011 sông Hồng được xác định là trục trung tâm của Thủ đô. Như thế, với những quy hoạch, toan tính với sông Hồng, thì có thể nói hiếm có dòng sông nào nhận được sự quan tâm lớn như vậy cả ở trong nước và ngoài nước.

“Nếu nói về các dự án quy hoạch, phát triển hai bên bờ sông Hồng từ trước đến nay, thì phải có đến 20 những dự án lớn nhỏ. Có những dự án rất bài bản” KTS Nghiêm cho biết.

Năm 1994, dự án Trấn sông Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng ngoài đê khu vực An Dương. Phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử.

Năm 2005, Công ty Indochina Land (Hoa Kỳ) đề xuất dự án khu đô thị khoa học tại đây.

Năm 2006, lãnh đạo TP.Hà Nội và Thị trưởng TP.Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn qua Hà Nội, còn gọi là Đồ án quy hoạch thành phố hai bên sông.

Cùng với đó là các đề xuất dự án của Italia, Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam về khai thác bãi giữa sông Hồng… nhưng không thực hiện được.

(Còn tiếp)

>>> Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng (kỳ 2)

Minh Dương

Bạn đang đọc bài viết "Quy hoạch thành phố ven sông Hồng bao giờ thành hiện thực? (kỳ 1)" tại chuyên mục THƠ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).