Ông Biden xây dựng chính quyền mới giữa thời dịch thế nào?

19/11/2020 05:25

Việc Nhà Trắng vài lần trở thành ổ dịch Covid-19 những tháng gần đây khiến đội ngũ phụ trách chuyển giao của ông Biden gặp rủi ro hơn khi làm việc trực tiếp để nắm tình hình.

Không có nhiều thời gian để ăn mừng kết quả bầu cử, tổng thống đắc cử Joe Biden phải bắt tay ngay vào xây dựng bộ máy để đưa nước Mỹ thoát khỏi đại dịch tồi tệ nhất trong thế kỷ qua. Dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng của hơn 238.000 người Mỹ và tàn phá nặng nề nền kinh tế nước này.

Ông Biden được dự đoán gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai kế hoạch chống dịch vì có thể bị làm khó dễ ở quốc hội. Thượng viện nhiều khả năng nằm trong tay đảng Cộng hòa, trong khi số ghế của đảng Dân chủ tại Hạ viện được dự báo giảm sau cuộc bầu cử.

chuyen giao quyen luc giua Biden va Trump anh 1

Ưu tiên hàng đầu sau khi đắc cử của ông Biden là xử lý đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một chính trị gia kỳ cựu và nhóm cố vấn xung quanh, ông Biden có kiến thức sâu rộng về cách thức vận hành của chính phủ. Do vậy, tổng thống đắc cử được kỳ vọng sẽ phần nào giải quyết được các khó khăn trong quá trình chuyển giao quyền lực giữa hai chính quyền cũ và mới.

"Đội ngũ của ông Biden là nhóm có nhiều kinh nghiệm nhất, được chuẩn bị kỹ càng nhất và tương xứng với những trở ngại sắp tới", chuyên gia về chuyển giao quyền lực tổng thống David Marchick nhận xét.

Khó khăn trong định hình bộ máy chính quyền

Để hoàn tất quá trình chuyển đổi, ông Biden và các đồng minh sẽ phải bổ nhiệm hơn 4.000 viên chức vào các vị trí trọng yếu trong chính quyền mới. 1.200 người trong số này phải được sự chấp thuận từ Thượng viện.

Ông Marchick cho biết phần lớn công việc tìm kiếm nhân sự sẽ do các phụ tá của ông Biden đảm nhận.

Các trợ lý này sẽ làm việc trực tiếp với những người đồng cấp trong chính quyền Trump để nắm được tình hình nhân sự và chính sách bên trong Nhà Trắng.

chuyen giao quyen luc giua Biden va Trump anh 2

Nhóm của ông Biden sẽ làm việc trực tiếp với đội ngũ của chính quyền Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters.

Quá trình chuyển giao quyền lực sẽ chính thức bắt đầu khi Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) xác nhận người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, dựa trên những thông tin được kiểm phiếu rõ ràng và đầy đủ từ các tiểu bang.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 là yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ định hình bộ máy chính quyền mới, AP nhận định.

Nhóm bổ nhiệm nhân sự nội các của tổng thống đắc cử buộc phải thực hiện quá trình tuyển dụng theo phương thức khác với truyền thống, chẳng hạn phỏng vấn qua video với hàng nghìn ứng viên.

Đội này cũng gửi email tới một lượng lớn ứng viên tiềm năng cho các chức vụ trong chính quyền liên bang. Theo Defense News, phần lớn trong số này là những người đang làm việc cho các nhà thầu có liên kết với Bộ Quốc phòng, nên họ được cho là sẽ phù hợp với các vị trí trong Lầu Năm Góc.

"Chúng tôi cho rằng có thể bạn hứng thú với vị trí viên chức liên bang trong chính quyền Biden - Harris", Defense News trích đăng một đoạn trong email nói trên. "Email này được gửi đến bạn nhằm đưa ra hướng dẫn cụ thể về quy trình tuyển dụng của chúng tôi".

Mỗi email được cá nhân hóa cho từng người nhận, có chứa đường dẫn đến một biểu mẫu xác nhận tham gia. Email cũng lưu ý rằng "việc chia sẻ liên kết có thể bị theo dõi và ảnh hưởng đến quy trình ứng tuyển của bạn".

"Quá trình chuyển giao quyền lực của liên minh Biden - Harris đang tạo ra một mạng lưới nhằm hỗ trợ những ứng viên đủ khả năng ứng tuyển vào chính phủ nhiệm kỳ tới. Tính năng này đã ra mắt trên trang web BuildBackBetter của chúng tôi", một phát ngôn viên của nhóm chuyển tiếp cho biết.

"Ông Biden và bà Harris muốn chính quyền trong 4 năm tới được cấu thành bởi những tài năng đa dạng và giàu kinh nghiệm đến từ mọi miền đất nước", người này nói thêm.

Trong diễn biến khác, khi Nhà Trắng nhiều lần trở thành ổ dịch Covid-19 những tháng gần đây, giới quan sát lo ngại các phụ tá của ông Biden sẽ gặp khó trong việc tiếp cận nhóm của Tổng thống Trump.

Theo quy trình, tổng thống đương nhiệm sẽ mời những người phụ trách chuyển giao quyền lực của ứng viên chiến thắng trong cuộc bầu cử đến văn phòng. Tại đây, những phụ tá này sẽ được cung cấp bản ghi nhớ chi tiết và chia sẻ kinh nghiệm về điều hành Nhà Trắng.

chuyen giao quyen luc giua Biden va Trump anh 3

Tổng thống Trump được cho là đã chỉ đạo cấp dưới không làm việc với đội ngũ phụ trách chuyển giao của ông Biden. Ảnh: Reuters.

Một số công việc hậu cần như dọn dẹp và trang trí lại văn phòng tổng thống cũng đòi hỏi đội ngũ trợ lý của ông Biden phải có mặt trực tiếp để phụ trách, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Giới phân tích cho rằng một khi GSA chính thức xác định người chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Biden và các cộng sự vẫn phải tiếp tục làm việc từ xa để hạn chế khả năng nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, ông Biden cũng cần xác định vai trò và trọng trách của đối tác tranh cử - Thượng nghị sĩ Kamala Harris.

Với tư cách phó tổng thống thời Obama, ông Biden đã phụ trách nhiều vấn đề trọng yếu như phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đối phó với dịch cúm H1N1 vào năm 2009, thắt chặt quản lý súng đạn sau vụ xả súng ở trường học Sandy Hook khiến 26 người chết vào năm 2012.

Mặt trận Quốc hội

Những sóng gió trên chính trường Mỹ cũng được dự báo từ trước, đặc biệt khi Thượng viện tiếp tục bị chia rẽ trầm trọng với sự phân cực của hai đảng. Điều này khiến việc thông qua các đạo luật lớn trở nên khó khăn hơn.

Cụ thể, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy ở Connecticut dự đoán Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mitch McConnell "sẽ buộc Joe Biden phải thỏa hiệp trong mọi tình huống".

chuyen giao quyen luc giua Biden va Trump anh 4

Thượng nghị sĩ Chris Murphy của bang Connecticut. Ảnh: Reuters.

Ông Biden đã cam kết sẽ kéo hai đảng xích lại gần nhau hơn và "trở thành tổng thống của toàn bộ người Mỹ". Điều này có thể mở ra cơ hội cho các nhân viên chính phủ thuộc đảng Cộng hòa được tiếp tục giữ chức.

Tổng thống đắc cử cũng có thể sử dụng đạo luật bổ nhiệm chức vụ liên bang để đưa những nhân sự mà ông ưu tiên vào các vị trí quan trọng trong thời hạn 300 ngày mà không cần sự phê chuẩn của Thượng viện.

"Đó là một loại quyền lực đáng kể mà chỉ tổng thống mới có", nhà hoạt động chính trị Jeff Hauser nhận định.

Tuy nhiên, việc thi hành đạo luật nói trên chỉ phần nào giúp ông Biden yên tâm hơn về việc bổ nhiệm nhân sự. Những vấn đề hóc búa hơn có thể phát sinh trong quá trình chuyển giao quyền lực, bao gồm sự bất hợp tác từ người tiền nhiệm. Và nó đòi hỏi phương thức giải quyết đa dạng lẫn cứng rắn hơn.

"Sự chuyển tiếp giữa tổng thống Mỹ thứ 45 và 46 sẽ là một trong những quá trình chuyển giao quyền lực quan trọng nhất, khó khăn nhất và tốn kém nhất lịch sử nước Mỹ hiện đại", Giám đốc Tài chính Chris Korge của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ nhận định. "Có quá nhiều việc phải làm".

Zing từ Mỹ: Ông Trump vẫn tuyên bố không nhận thua Jesse Hardman của Zing cho biết ông Trump đăng tweet ám chỉ Biden rằng “ông ta thắng”, dù vậy vẫn chưa chính thức chấp nhận thua cuộc.

Bạn đang đọc bài viết "Ông Biden xây dựng chính quyền mới giữa thời dịch thế nào?" tại chuyên mục TIN TỨC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).