Nghệ nhân Đặng Thị Mát: Người nặng tình với di sản văn hóa

31/08/2020 20:16

(VHNT) - Nặng tình với di sản văn hóa, Nghệ nhân Đặng Thị Mát đã dày công dành cả một đời tâm huyết vừa xây dựng, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa, vừa tích cực thực hành, bảo tồn, phát huy di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Trải qua nhiều giai đoạn hưng suy, thăng trầm cùng lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng vẫn luôn được xem như “bệ đỡ tâm linh” góp phần tích cực trong việc cân bằng đời sống tinh thần của con người, ở Việt Nam đậm tình nhất là tín ngưỡng dân gian (tục thờ Mẫu) và Phật giáo.

Với vai trò quan trọng như vậy, cộng đồng nói chung và những người trực tiếp nắm giữ, thực hành di sản nói riêng luôn nỗ lực kế thừa, phát huy, bảo tồn di sản gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng trong đó có Nghệ nhân Đặng Thị Mát.

Góc nhìn - Nghệ nhân Đặng Thị Mát: Người nặng tình với di sản <a href=văn hóa" src="/uploads/media/v-mai-hng/2020/08/30nghe-nhan.jpg" width="450" height="263" />

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp và Ông Hoàng Thái Tuấn Anh trao tặng Kỷ lục Việt Nam cho Nghệ nhân Đặng Thị Mát - người có công bảo tồn và tôn tạo Cụm di tích Chùa Hang, Đền thờ Quan Tam Phủ, Đền thờ Tứ bất tử

Bén duyên với tín ngưỡng thờ Mẫu từ khi lên 4 tuổi trong hoàn cảnh bà được gia đình gửi cho người cô ở Sơn Tây là cụ Đặng Thị Quý, người có tâm theo Thánh tại Đền Quan Tam chăm sóc, nuôi dưỡng. Dưới sự dạy dỗ hết mực của cụ Quý, bà đã có lòng tin đối với Phật, Thánh. Lên 8 tuổi bà đã được trình đồng. Thời trẻ bà làm giáo viên trường cấp 1, 2 Thanh Mỹ. Sau khi cụ Quý qua đời, trọng trách “đồng đền” được đặt lên vai bà.

Tin tưởng tài đức của Nghệ nhân Đặng Thị Mát, lãnh đạo chính quyền địa phương và Ban Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì đồng ý và hỗ trợ bà Đặng Thị Mát xây dựng Đền Thượng trên đỉnh Tản Viên - núi Ba Vì. Ngày 9/10/1993, Nghệ nhân Đặng Thị Mát chính thức khởi công xây dựng Đền Thượng cùng sự hỗ trợ của các kiến trúc sư, nhân dân địa phương và các quý khách thập phương công đức, đóng góp công sức, tâm huyết.

Thời gian đầu xây Đền, nắng gió mưa rừng, không đường không lối, núi cao lại càng cao hiểm trở vô cùng. Bà đã cùng 15 người thợ gùi từng viên đá, phát từng hàng cây để leo lên đỉnh núi. Vật liệu xây dựng chỉ chuyển được bằng xe lên cốt 1.100, còn hơn 800m nữa leo núi phải vận chuyển bằng sức người. Sau hơn ba năm tiến hành xây dựng trong điều kiện hết sức khó khăn, Đền Thượng đã được hoàn thành để phụng sự Thánh, phục vụ nhân dân lễ Phật - Thánh và chiêm ngưỡng di tích lịch sử.

Đến năm 2008, Đền Thượng cùng với đền Trung và đền Hạ được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Tháng 12/2019, Nghệ nhân Đặng Thị Mát chính thức được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục Người có công đầu tiên xây dựng và tôn tạo Đền Thượng nhằm ghi nhận công đức và những đóng góp lớn lao của bà.

Góc nhìn - Nghệ nhân Đặng Thị Mát: Người nặng tình với di sản <a href=văn hóa (Hình 2)." src="/uploads/media/v-mai-hng/2020/08/30den-tho.jpg" width="450" height="431" />

Cây sanh tại Cụm di tích Chùa Hang, Đền thờ Quan Tam Phủ, Đền thờ Tứ bất tử

Ngoài Đền Thượng, với trọng trách “đồng đền” Đền Quan Tam phủ, Nghệ nhân Đặng Thị Mát đã xây dựng, tôn tạo nên cụm di tích Chùa Hang, Đền thờ Quan Tam Phủ, Đền thờ Tứ Bất tử thôn Vị Thủy, xã Thanh Mỹ, TX Sơn Tây, Hà Nội từ năm 1983 cho đến nay.

Vào ngày 13/8/2020 vừa qua, Cụm di tích vinh dự được đón nhận Chứng nhận Không gian văn hóa tâm linh của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam và đón bằng công nhận Cây di sản cho 01 cây sanh và 01 cây si có tuổi đời lên đến hơn một nghìn năm tuổi tại Cụm di tích.

Đồng thời, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tiếp tục trao bằng xác lập Kỷ lục cho Nghệ nhân Đặng Thi Mát - người có công bảo tồn và tôn tạo Cụm di tích Chùa Hang, Đền thờ Quan Tam Phủ, Đền thờ Tứ bất tử. Phát biểu tại buổi lễ, TS Lê Doãn Hợp - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam nhấn mạnh: Cuộc đời và công việc của Nghệ nhân Đặng Thị Mát gắn với tâm linh, gắn với việc phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và chung tay giữ gìn, phát huy giá trị ấy không chỉ trong nước mà còn lan tỏa ra quốc tế.

Tôi nói ngắn gọn về chị bằng năm chữ T trong văn hóa. Chữ T thứ nhất, chị Mát là người có “trách nhiệm” với di sản văn hóa dân tộc. Chị là người đã cùng nhiều con nhang đệ tử cõng đá lên núi Ba Vì để xây đền Thượng. Chị cũng là người tôn tạo, bảo tồn Cụm di tích chùa Hang, đền Quan Tam và xây đền Tứ Bất tử thờ bốn vị thánh của Việt Nam.

Chị là người có “trí tuệ” nghiên cứu nhiều và sâu sắc về phập pháp, tín ngưỡng thời Mẫu và di sản đồng thời dành “tâm huyết” cả cuộc đời từ khi mới 4 tuổi để học tập, thực hành, phát huy các giá trị di sản gắn với những công trình di tích, đóng góp tích vào việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và góp phần đưa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đi trình diễn, quảng bá đến quốc tế như Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc….

Góc nhìn - Nghệ nhân Đặng Thị Mát: Người nặng tình với di sản <a href=văn hóa (Hình 3)." src="/uploads/media/v-mai-hng/2020/08/30cay-da.jpg" width="450" height="412" />

Cây đa tại Cụm di tích Chùa Hang, Đền thờ Quan Tam Phủ, Đền thờ Tứ bất tử

Chị cũng không quản ngại dành trí tuệ, công sức, góp tiền của làm “từ thiện” khi chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, dành thời gian quan tâm, huy động con nhang đệ tử thực hiện các hoạt động từ thiện... Đồng thời chị có khả năng lôi cuốn, “truyền cảm hứng”, chị luôn huy động được nhiều người tự nguyện tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, công tác xã hội, các hoạt động vì cộng đồng.

Cùng với quá trình tôn tạo, bảo tồn di tích, Nghệ nhân Đặng Thị Mát còn có đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Theo Nghệ nhân Đặng Thị Mát: “Đến với Mẫu phải bắt nguồn từ tâm, tâm luôn hành thiện thì mới có thể theo được nghiệp đó. Đạo Mẫu không dung túng cho những người hành đạo nhưng không hiểu đạo, không hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu hoặc cố tình “lợi dụng” Thánh để trục lợi cá nhân, làm sai lệch bản chất tốt đẹp của giá trị đạo Mẫu”.

Từ đây, Nghệ nhân Đặng Thị Mát cũng hy vọng những giá trị tốt đẹp của đạo Mẫu sẽ được lan tỏa nhiều hơn nữa trong nước và thế giới.

Nguyễn Chi

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ nhân Đặng Thị Mát: Người nặng tình với di sản văn hóa" tại chuyên mục GÓC NHÌN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).