Vũ Trọng Phụng của hôm nay Kỳ 2

05/11/2020 23:05

(Arttimes) - Thêm một khía cạnh thuộc tài năng lớn Vũ Trọng Phụng. Bất cứ một hạng người nào được xây dựng thành nhân vật đều trở thành một hiện tượng, một cái mốc mà người sau khó vượt qua.

Chẳng hạn, thử đặt cạnh ông với Nam Cao. Nam Cao cũng là một bậc kỳ tài, cũng am hiểu cuộc sống thành thị, cũng viết về sự tha hóa. Nhưng viết về sự tha hóa ở thành thị thì không ai có thể vượt qua Vũ Trọng Phụng. Nam Cao thông
tuệ nhường ấy, thừa hiểu cái lẽ đó. Ông chuyển sự tha hóa về địa bàn nông thôn, nông dân. Và Chí Phèo ra đời từ đó. Kết quả, văn học Việt Nam có hai vế đối về sự tha hóa trước 1945 thật ngoạn mục.

Văn  - Vũ Trọng Phụng của hôm nay Kỳ 2

Số đỏ - Tiểu thuyết lừng danh của nhà văn Vũ Trọng Phụng

Có những lần, tôi nghe đây đó một nhận xét về cánh nhà văn, cho rằng, bao nhiêu cái tốt đẹp, cao thượng, hay ho, người ta đưa lên tác phẩm hết rồi, con người nhà văn chỉ còn lại những cái bã. Nếu lời kia là nghiêm chỉnh, thì Vũ Trọng Phụng sẽ là người cải chính thích hợp nhất, giúp chúng ta. Vũ Trọng Phụng tung lên tác phẩm Không phải cái hay ho, cao thượng. Đọc ông, người ta cứ phải tưởng tượng ra một người lọc lõi, nham hiểm, háo danh, bừa bãi. Vậy thì ông là con người như thế nào? Tất cả những bạn văn vong niên hoặc cùng lứa với ông đều phải thừa nhận lời nhận xét của Lưu Trọng Lư sau đây về Vũ Trọng Phụng là hoàn toàn đúng đắn.

“Người vừa từ giã chúng ta tuy là một văn tài lỗi lạc, mà than ôi! Chỉ là một người bình dị, một người cha đứng đắn, một người chồng đứng đắn hơn, một người con rất hiếu, người của khuôn phép, của nề nếp”. Hóa ra, sau tác phẩm là nhân cách nhà văn. Mọi sự phê phán, lên án, phơi bày cái xấu, cái ác chỉ thực sự có ý nghĩa khi tác giả đứng về phía cái thiện, nhân danh cái thiện, hiện thân của cái thiện. Có một dạo, trong trạng thái lạc quan có phần hơi thái quá, chúng ta suýt nữa quên mất Vũ Trọng Phụng, tưởng như cuộc sống không cần đến ông nữa. Chúng ta vui vẻ một cách bồng bột xếp nhà văn họ Vũ yên ổn một chỗ trong quá khứ, trong kỷ niệm. Bỗng, đi vòng quanh một đoạn, những gì mà Vũ Trọng Phụng đau buồn và lên án lại lù lù hiện hữu. Và Vũ Trọng Phụng lại từ trong cánh gà bước ra sân khấu, trẻ trung và hợp mốt như thời ông sung sức nhất. Đã hơn 100 năm Vũ Trọng Phụng, nói đúng hơn là chúng ta đón Vũ Trọng Phụng trở về sau hơn 100 năm người vừa hoàn thành một chuyến đi xa.


Vâng! Xin mời bậc tiền bối hãy về đây với chúng tôi, chia sẻ và khích lệ với chúng tôi cái gánh nặng của các nhà văn
trước biết bao câu hỏi bức thiết từng ngày. Năm 1949, tại Chiến khu Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu nói: “Vũ Trọng Phụng không phải là nhà văn Cách mạng, nhưng Cách mạng biết ơn Vũ Trọng Phụng...”. Giữa biết bao mặc cảm và định kiến, đánh giá của Tố Hữu là rất dũng cảm và công bằng. Câu nói đó đã được khắc trên phần mộ của Vũ Trọng Phụng tại làng Mọc, xã Nhân Chính, nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội. Sau này mỗi lần có việc lên gặp, Anh luôn luôn hỏi tôi: “Vũ Trọng Phụng đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chưa?” Tôi nói, thưa Anh, Hội Nhà văn đã xét với sự nhất trí rất cao, mấy lần đưa lên Hội đồng Quốc gia, đều bị vướng về quy chế. “Trời ơi, quy chế, quy chế là do mình làm ra, thấy chưa phù hợp thì mình sửa, tội gì đâu. Vũ Trọng Phụng xứng đáng Giải thưởng Hồ Chí Minh”.
Tố Hữu nhất quán, can đảm và thực tâm.

Hữu Thỉnh 

 

Bạn đang đọc bài viết "Vũ Trọng Phụng của hôm nay Kỳ 2" tại chuyên mục VĂN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).