Ngại thắt dây an toàn, đánh đổi bằng... cả tính mạng

01/08/2020 16:01

Chẳng phải ngẫu nhiên, dây đai an toàn ô tô trở thành một trong tám phát minh quan trọng nhất đối với nhân loại trong giai đoạn 1885 – 1985. Và không phải vô cớ khi phát minh của Nils Bohlin (hãng xe Volvo) đi vào lịch sử như sáng kiến then chốt nhất trong ngành an toàn giao thông thế giới. Ấy vậy nhưng ở xứ ta, nghịch lý nực cười: Sợ bị phạt hơn là sợ nguy hiểm khi không thắt dây an toàn vẫn mặc nhiên tồn tại.

Giờ nhìn lại clip những nạn nhân trong chiếc xe chở 40 cựu học sinh của trường THPT Đồng Hới đi du lịch nhân 30 năm ngày ra trường vui vẻ ca hát trước khi gặp nạn hôm ??? vẫn khiến người xem không khỏi nhói lòng. Vừa mới vui đó thôi mà đã thành thảm họa, thành tang tóc.

15 người đã ra đi mãi mãi chỉ sau chuyến đi họp khóa những tưởng là vui. 15 người ra đi là bao người thân, mẹ già, con nhỏ, là vợ, là chồng đau đớn, côi cút ở lại.

phóng sự - ký sự - Ngại thắt dây an toàn, đánh đổi bằng... cả tính mạng

Chiếc xe chở 40 cựu học sinh của trường THPT Đồng Hới đi du lịch đâm vào vách núi và lật nghiêng bên vệ đường

Lật xe dẫu là hiểm nguy nhưng sao hậu quả lại đau lòng, lại thảm khốc đến vậy?

Đành rằng xe đi với tốc độ cao, lực đâm mạnh nhưng chắc chắn sẽ không có nhiều người thiệt mạng vì gãy cổ, vì chấn thương vùng ngực hay văng khỏi vị trí ngồi khi xe lao vào vách đá. Số người bị thương có lẽ cũng sẽ nhẹ hơn nhiều nếu họ chỉ dành 1 phút sau khi lên xe với thao tác đơn giản: thắt dây an toàn.

Đáng tiếc, họ không phải là trường hợp hiếm hoi ở xứ ta “bỏ quên” phát minh của ngành an toàn giao thông thế giới. Hãy thử nhìn có bao nhiêu người ngồi trong xe ô tô ngoài ghế lái có thắt dây an toàn nếu không phải vào đợt cảnh sát tiến hành kiểm tra đồng loạt? Hãy đếm xem có bao nhiêu đứa trẻ, bao nhiêu người thắt dây an toàn khi ngồi ở ghế sau? Và câu nói “thắt dây an toàn vào đi không bị phạt giờ” bao giờ mới thôi trở thành phổ biến. Rõ ràng, chúng ta đang sợ phạt hơn sợ hiểm nguy khi không thắt dây an toàn.

Thắt dây an toàn đã được luật của ta quy định rõ ràng và nếu vi phạm sẽ có chế tài xử phạt. Nhưng phải chăng mức phạt vẫn còn nhẹ nên quy định này chưa có tính răn đe cao?

Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới, mức phạt cho các việc không cài dây bảo hiểm ô tô là khá nặng.

Ở Anh, mức phạt cho người lái xe và phạt cả hành khách không chấp hành quy định thắt dây bảo hiểm an toàn trên ô tô khá nặng. Trong khi người lái bị phạt ít nhất 500 bảng Anh (khoảng 15,4 triệu đồng) và bị trừ 3 điểm, hành khách vi phạm, nếu từ 14 tuổi trở lên cũng chịu mức phạt 500 bảng Anh và bị trừ 2 điểm.

Tương tự, ở Singapore, hành khách là người lớn nếu không thắt dây an toàn sẽ bị phạt 120 đô la Singapore. Nếu bị kết án ở toà, hình phạt sẽ là bị phạt tiền nhưng không quá 1.000 đô la Singapore hoặc bị tù dưới 3 tháng. Tài xế cũng sẽ chịu những hình phạt như vậy và bị trừ 3 điểm.

Ở Úc, từ năm 1972 đã ban hành quy định về việc thắt dây an toàn khi sử dụng xe ô tô. Mức phạt cho người vi phạm thực không nhẹ nhàng: Lái xe không thắt dây an toàn và có chở 1 hành khách cũng vi phạm tương tự, tài xế sẽ bị phạt 600 đô la Úc (khoảng 9,9 triệu đồng) và bị trừ 4 điểm.

Không phải dây đai an toàn ô tô là một trong tám phát minh quan trọng nhất đối với nhân loại trong giai đoạn 1885 – 1985. Đai an toàn giúp giảm nguy cơ dẫn đến tử vong cho người ngồi ở hàng ghế phía trước tới 50%. Riêng tại Mỹ, báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, mỗi năm, dây an toàn cứu sống khoảng 13.000 người tại nước này. Các ca tử vong do xe hơi ở châu Âu cũng giảm thiểu tới 40% nhờ dây an toàn.

Giá trị thực sự của chiếc dây an toàn có lẽ được người ta thấu hiểu hơn khi đã trải qua sự cố. Nhưng đó là sự thấu hiểu muộn màng. Hãy thôi đừng nghĩ đến xử phạt. Hãy nghĩ về sự an toàn của bản thân và những giá trị mà phát minh tuyệt vời này mang đến cho loài người!

Bạn đang đọc bài viết "Ngại thắt dây an toàn, đánh đổi bằng... cả tính mạng" tại chuyên mục GIÁO DỤC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).