Minh họa song hành, cùng sáng tạo với văn học

01/10/2020 18:41

(VHNT) - Trong một vài năm trở lại đây, các nhà xuất bản liên tục làm mới những tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam bằng hình thức minh họa mới lạ, hấp dẫn có thể kể đến những ấn phẩm tạo được tiếng vang như: Lĩnh Nam chích quái, Dế mèn phiêu lưu ký của NXB Kim Đồng hay mới đây nhất là tiểu thuyết Số đỏ và Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp do Đông A phát hành.

Điều này cho thấy, làm mới tác phẩm kinh điển qua hình thức minh họa không còn là một thực hành mới lạ hay đơn lẻ mà đã phát triển thành xu hướng trong ngành xuất bản.

Cuộc gặp gỡ giữa ngôn từ và màu sắc

Bàn luận xoay quanh việc vẽ minh họa cho tác phẩm văn học từ trước nay, TS Mai Anh Tuấn cho rằng hoạt động vẽ minh họa văn chương ở Việt Nam gắn liền với hoạt động xuất bản, in ấn báo chí hiện đại bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20. Trong khi đó, ở thời kỳ trước đây, minh họa có nhưng chỉ với số lượng ít, chủ yếu ở hai hình thức thạch bản là in trên đá và mộc bản là in trên gỗ. Vị tiến sĩ cũng cho rằng, thời kỳ trung đại khái niệm minh họa gần như không có chỉ đến thời hiện đại có in ấn và xuất bản thì minh họa mới bắt đầu xuất hiện rõ ràng hơn.

Văn  - Minh họa song hành, cùng sáng tạo với văn học

Minh họa tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh đăng trên báo Phong Hóa số 124 (16/11/1934)

“Theo quan sát của tôi có hai loại minh họa văn chương là minh họa văn chương trên báo và minh họa văn chương trong sách. Trong đó minh họa văn chương trên báo là hình thức minh họa phổ biến, nhiều biến đổi, nhiều thành tựu và cũng đáng chú ý khi kéo dài từ đầu thế kỷ 20 cho đến hôm nay. Thứ hai, minh họa trong sách, trước năm 1945 cũng có và những năm gần đây ngày càng phát triển khi có nhiều nhà sách đã rất nỗ lực, cố gắng để bắt hút với độc giả qua hình thức minh họa” – TS Mai Anh Tuấn nhận định.

Trước năm 1945, việc minh họa văn chương trên báo chí là hoạt động sôi nổi và mới mẻ. Được xem là một trong những đóng góp có ý nghĩa để văn chương được đến với độc giả nhiều hơn. Đồng thời cũng là một trong những dấu ấn quan trọng để hội họa đến gần hơn với công chúng.

Văn  - Minh họa song hành, cùng sáng tạo với văn học (Hình 2).

Tiểu thuyết Số đỏ được minh họa làm mới do Đông A phát hành - Ảnh: Đông A

Riêng với việc vẽ minh họa tác phẩm văn học trên báo chí, từ năm 1932, khi Nhất Linh làm chủ bút tờ Phong Hóa đã có rất nhiều họa sĩ tên tuổi tham gia vào vẽ minh họa trên báo chí có thể kể đến như: Đông Sơn (bút danh của Nhất Linh), Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung,… Những họa sĩ này đảm nhận vẽ, minh họa, trang trí tranh bìa và trình bày cho một số tờ nổi tiếng thời bấy giờ như Phong Hóa, Ngày Nay.

“Có thể thấy ngay từ thời báo chí và xuất bản Việt Nam hiện đại những năm 30 của thế kỷ trước, mối quan hệ giữa hội họa và văn chương đã rất chặt chẽ trong đó có qua “kênh” minh họa. Ở thời điểm này, vẽ minh họa còn khá đơn giản, tức là dừng lại ở việc minh họa theo tình tiết của câu chuyện, minh họa theo sự kiện, diễn biến của nhân vật. Sau này, các họa sĩ đương đại mới gửi gắm ý tưởng, ý niệm của mình vào tác phẩm. Nhưng vào thời điểm đó việc minh họa đã là một hình thức mới, tạo hứng thú cho độc giả bởi việc tiếp nhận ngoài kênh chữ có cả kênh hình” – TS Mai Anh Tuấn nói.

Cũng theo họa sĩ Kim Duẩn, người có “nghề” vẽ minh họa cho rằng: “Về bản chất, việc vẽ minh họa hiện nay không khác quá nhiều so với giai đoạn trước, nhất là những trích đoạn được in lẻ trên báo, thường các họa sĩ sẽ chọn cách minh họa các tình tiết trong truyện, bám sát nội dung câu chuyện. Nhưng khi tác phẩm được in thành sách, các họa sĩ được quyền lựa chọn sẽ vẽ các tình tiết mô tả như trong truyện hoặc sẽ chọn theo một ý khác muốn vẽ’.

Tranh minh họa mang đến cái nhìn mới về tác phẩm

Không loại trừ trường hợp tranh minh họa dễ “đóng đinh” trong đầu độc giả từ đó làm mất đi khả năng kích thích trí tưởng tượng của văn bản gốc, “rủi ro” bóp méo tác phẩm, TS Mai Anh Tuấn cho rằng, đó là đặc điểm chung của các hình thức nghệ thuật tạo hình, không chỉ hội họa mà phim ảnh cũng là kênh đôi khi làm cho độc giả cũng bị “bắt vít” vào các hình tượng câu chuyện nhân vật. Nếu đặt minh họa trong khả năng tả thực thì minh họa văn học có nhiều đóng góp quan trọng và việc “đóng đinh” vào trong đầu độc giả cũng có những ý nghĩa nhất định.

Văn  - Minh họa song hành, cùng sáng tạo với văn học (Hình 3).

Tranh vẽ nhân vật Don Quixote của danh họa Pablo Picasso - Ảnh: Tư liệu

“Ví dụ tiểu thuyết Don Quijote (tiếng Tây Ban Nha) nổi tiếng của văn sĩ Miguel de Cervantes Saavedra có hai nhân vật Don Quixote và Sancho Panza. Trong đó, Don Quixote được miêu tả là một anh hiệp sĩ gầy gò, lênh khênh nên dễ thấy lịch sử toàn bộ minh họa trong truyện cho nhân vật Don Quixote đều nằm trong một mô tuýp như thế. Dù Pablo Picasso là họa sĩ bậc thầy về trường phái hội họa lập thể nhưng khi vẽ Don Quixote cũng vẽ với mô tuýp chung nên đóng đinh qua nhiều thế hệ, Don Quixote là một ông hiệp sĩ gầy gò, lênh khênh, cưỡi trên con la” – TS Mai Anh Tuấn đưa ra dẫn chứng.

TS Mai Anh Tuấn cũng cho rằng hội họa minh họa tác phẩm văn học kinh điển có đóng góp quan trọng cho nhận thức của con người hiện đại, khơi gợi trí tưởng tượng về những bối cảnh lịch sử văn hóa xã hội trong quá khứ đã xa. “Rất nhiều tiểu thuyết lớn của Trung Hoa được minh họa mà nhờ đó phim ảnh sau mới có cứ liệu để hình dung được bối cảnh sinh hoạt xã hội qua từng giai đoạn. Một trong Tứ đại danh tác của Trung Quốc là bộ tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng đã có bản minh họa từ thế kỷ 18, mô tả chi tiết, sinh động, đầy đủ các nhân vật, bối cảnh và chính nhờ đó mà sau này trở thành tư liệu hình dung rõ hơn bối cảnh xã hội Trung Hoa vào giai đoạn thế kỷ 18”.

Bản thân họa sĩ Kim Duẩn khi thực hiện sáng tác minh họa cho tác phẩm văn chương cũng hạn chế tối đa việc “đóng đinh” hình khối vào bất cứ một nhân vật, bối cảnh nào. “Họa sĩ sẽ mở ra góc nhìn riêng. Khi tôi vẽ minh họa truyện trên báo tôi cũng tránh vẽ chân dung của nhân vật, tôi không muốn “đóng đinh” nhân vật bằng một gương mặt cụ thể, thường tôi sẽ vẽ nhân vật mờ hoặc ở xa để cho người đọc cũng có độ tưởng tượng nhất định cho nhân vật. Tôi nghĩ sách có minh họa là điều nên làm vì mục đích ngay từ đầu đã tạo được sự hấp dẫn cho người đọc và giúp họ thưởng thức, cảm thụ tác phẩm sẽ dễ chịu hơn. Nếu một cuốn sách làm giảm nhẹ đi yếu tố mỹ thuật sẽ giới hạn độc giả, người đọc sẽ ngại ngần khi đọc những cuốn sách như vậy” – họa sĩ Kim Duẩn chia sẻ.

Văn  - Minh họa song hành, cùng sáng tạo với văn học (Hình 4).

Mộc bản có hình minh họa của bộ tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, in năm 1791 - Ảnh: Tư liệu

Hiểu minh họa trong minh họa văn chương theo TS Mai Anh Tuấn chính là “làm sáng rõ lên, làm rõ nghĩa hơn tác phẩm văn chương qua “kênh” hội họa. Tức là người họa sĩ đọc một tác phẩm văn học và nhìn thấy ý nghĩa của tác phẩm để hiện thực hóa ý tưởng, suy nghĩ, cảm nhận về tác phẩm thông qua hình khối. Vì lẽ đó, minh họa tác phẩm văn chương không phải sự vẽ và mô tả đúng nội dung của một tác phẩm.

Để vẽ được minh họa văn học, người họa sĩ phải có hai phẩm chất quan trọng. Một là phải đọc được lớp nghĩa của tác phẩm văn học. Hai là phải có khả năng đồng sáng tạo với tác giả. Do đó có thể coi các tác phẩm minh họa văn chương là những tác phẩm sáng tạo thực thụ, là sự đồng hành đồng sáng tạo với văn chương chứ không phải là những giá trị có cảm giác đi sau văn chương. Không phải! Minh họa là sự song hành, đồng sáng tạo với văn học”.

Tuy nhiên xét cho cùng, “giá trị của một tác phẩm văn học quan trọng đầu tiên vẫn nằm ở góc độ hiện hữu vật chất là ngôn ngữ, còn minh họa là sự đồng hành cùng sáng tạo, làm cho yếu tố vật chất ngôn ngữ được sáng rõ lên và kích thích cảm xúc cùng sự tiếp nhận tiếp theo nơi độc giả”.

GK

Bạn đang đọc bài viết "Minh họa song hành, cùng sáng tạo với văn học" tại chuyên mục TIN LIÊN HIỆP VHNT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).