03/09/2020 22:11

Hôm nay đọc bạn viết về thời tiểu học, rồi buông một câu cắt lòng, rằng không hiểu bằng cách nào mà chúng ta đã xài phí hai mươi mấy năm trời làm vậy?

Lại nhớ về cái trường cấp 1 trong phố. Nó nằm gọn trong ngôi nhà cổ ở Hàng Bè, các lớp học là những phòng dân dụng, nhỏ và ấm áp, với hành lang lát đá hoa màu vàng nâu và những hàng cột bằng đá xanh vững chãi.

Sáng sáng, chúng tôi tự đi học. Hồi đó gần như không có khái niệm học trái tuyến đối với cấp 1, cứ mấy phố thì có 1 trường, bọn trẻ đương nhiên đến đấy mà học. Mà trẻ con ở phố cách đây ba mấy năm, thì cứ cắm cái compa lên nóc Tháp Rùa, quay 1 vòng bán kính 2km không xó xỉnh nào xa lạ. Nói gì đến việc tự đi học.

Khoác cái cặp lên vai, chúng tôi lũn cũn chạy trên các vỉa hè, nhảy vọt qua các rãnh cống, vừa chạy vừa thắt khăn đỏ - luôn được vấn lại thành 1 cái cuộn xoăn tít để thắt cho nhanh. Và bằng một cách thần thánh nào đó cho đến giờ tôi vẫn không hiểu được, những đứa muộn nhất vẫn luôn kịp lao vọt qua cổng đúng khi 3 tiếng trống cuối cùng chấm dứt. Cái khoảnh khắc ấy rất là hệ trọng, vì nó là nguyên cớ cho những cuộc tranh cãi bất tận với bọn Sao Đỏ lăm lăm tay sổ tay bút ở cổng bắt lỗi, rằng Tao đã đến kịp đấy chứ sao mày ghi tao?

Văn  - Cũ

 

Ba mấy năm trước, vở kẻ li là sang, và cũng chỉ có đến loại ba sáu trang (thì phải), còn chủ yếu là vở bìa xanh Bãi Bằng trắng bóc chả có li gì cả, phải về lấy cái thước kẻ gỗ lăn lăn rồi kẻ chì từng dòng 1. Đấy là việc rất mất thời gian, và nó thịt của chúng tôi rất nhiều ngày hè, cùng với việc bọc vở bằng hoạ báo Liên Xô và dán nhãn nữa. Mực thì dùng hoá chất pha với nước trong lọ thuỷ tinh, quản bút bằng nhựa, cắm ngòi vào lọ mực chấm 1 cái, rồi viết được mấy chữ lại nhạt đi, thì lại chấm 1 cái.

Sau này có phát minh vĩ đại là cái ngòi-bút-chửa, nó chứa được ít mực trong cái bụng bút, nhưng phải hơi nghiêng khéo khi chấm để bụng bút không đầy quá, kẻo khi viết nó tràn ra thành 1 giọt to tướng trên giấy. Trong hoàn cảnh đó (mà nó xảy ra suốt), thì phải nhanh tay lấy 1 viên phấn lăn lên để thấm. Những viên phấn thấm nhiều biến thành màu tím hoặc xanh Cửu Long (tên 1 loại mực - sau này trở thành 1 từ chỉ màu sắc riêng, Cái quần màu xanh Cửu Long; Cho em miếng vải màu xanh Cửu Long đằng kia chị...), rất được bọn con gái yêu thích, dùng để vẽ hoa lá lên bảng vào giờ ra chơi.

Ở trường thì chán. Học thì có vui bao giờ, thành thật là thế. Nhưng cổng trường thì vui. Những hàng quà vặt có tỉ thứ mê tơi và giá thì ôi thôi là rẻ. Một gói kem mút (nước trộn với siro cho vào túi nylon nhỏ xíu, buộc chun rồi tống tủ lạnh thành đá), có giá Năm Mươi đồng. Một gói ô mai hoa đào cũng Năm Chục. Người ta còn bán cả táo dầm chua ngọt, dâu da xoan chín, bánh xốp mỏng như cái lá và tan đi rất nhanh khi đưa vào miệng. Nhưng hấp dẫn nhất là xe thò lò. Cơ bản thì nó giống như trò Chiếc nón kỳ diệu ấy, nhưng người chơi được chủ động dùng 1 que sắt buộc chun bắn vào cái miếng gỗ xoay, dừng ở ô nào thì được quà ô đấy. Giải to nhất những Một Nghìn, bé hơn thì dăm chục một trăm. Chả trúng giải nào thì được 1 thẻo bánh Chín Tầng Mây dẻo dẻo ngọt ngọt, được ông thò lò thả thẳng vào mồm sau khi cắt ra bằng 1 con dao đen xì với những ngón tay đen xì.

Văn  - Cũ (Hình 2).

 

Tan học thì về ăn cơm, xong mắt trước mắt sau là ra đường chơi. Đứa nào mà ngoan lắm thì chơi tí rồi về học bài. Nhưng đa phần là chơi 1 mạch đến tối mịt mới thập thò về nhà, khi mà tiếng bố mẹ đã riết róng, Thằng Tồ đâu rồi mày có vác cái xác về ngay tao bảo đây!!!
Tôi với thằng em họ, có lần vì ham chơi về muộn sợ quá, bèn... bỏ nhà ra đi. Sang mãi tận... Bờ Hồ (ngay bên kia đường), định câu cá kiếm ăn. Còn chưa câu được con nào thì đã bị ông hàng xóm đá đít về nhà.

Và úi dồi tối nào mất điện nữa thì nhất. Vừa không phải học bài, vừa được chơi trốn tìm thả cửa.

Những đứa bạn ở phố, bây giờ chúng nó vẫn ở đấy nhiều. Thằng Tùng Xoăn, Tùng Thoòng, Chiến Chiêm, Vinh Vượng... Còn bọn cái Diệp, cái Hoa, thì không thấy đâu nữa. Có lần gặp 1 thằng ở gần khu chung cư to lắm, cũng nhận ra nhau, hỏi nó làm gì nó bảo Tôi chạy Grab, rồi cười. Biết mấy chục năm nữa mới lại tình cờ cắt chéo nhau trên đường đời như thế nữa bạn ơi...

Còn cái trường, thì đã biến mất. Gõ tên tìm thì trường cấp 1-2-3 trùng tên ở tít bên Sóc Sơn. Đến cái ảnh cũng chẳng còn. Giờ nó chỉ còn trong ký ức những đứa học sinh rất cũ thôi, văng vẳng trong đầu vẫn nhớ bài hát riêng của trường: "Bắc Sơn mái trường mến yêu. Bắc Sơn ơi tổ ấm của em". Chả biết có còn đứa nào thuộc mà hát được cả bài không?

Phạm Gia Hiền

Bạn đang đọc bài viết "Cũ" tại chuyên mục THƠ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).