Có một Lê Mạnh Bính, nhà thơ…

31/08/2020 02:38

Hy vọng thơ Lê Mạnh Bỉnh “đứng được với thời gian” như chính anh mong mỏi, và rồi đây đồng nghiệp và bạn đọc sẽ biết đến nhà thơ Lê Mạnh Bỉnh nhiều hơn nữa qua các tác phẩm của anh…

Tôi quen biết nhà báo Lê Mạnh Bỉnh từ 1965, khi cùng học lớp Pv K6 của Việt Nam Thông tấn xã. Năm 1966 học xong, chúng tôi mỗi người đi một nơi, tôi lên PX Phú Thọ, Sơn La rồi về Tổng xã, đi học Cuba, và lần lượt làm phóng viên thường trú ở La Habana trong ba nhiệm kỳ… Anh Bỉnh ra công tác ở các PX Nam Hà, Thái Bình rồi về PX Hà Nội, Ban tin miền Bắc (tin Trong nước của TTX trước 75 có hai bộ phận: tin miền Bắc và tin miền Nam) và đi thường trú rồi làm Trưởng PX Matxcơva (anh tốt nghiệp đại học ngành tiếng Nga năm 1961 và là giáo viên tiếng Nga 4 năm trước khi đầu quân vào VNTTX).

Năm 1990 anh Bỉnh kết thúc nhiệm kỳ thứ hai ở Liên Xô về nước và sau đó chuyển sang Văn phòng Chính phủ…Khi còn công tác cùng cơ quan tôi có gặp anh một số lần ở Mat mỗi khi di chuyển từ Hà Nội sang La Habana và ngược lại, sau đó khi anh là cán bộ ở VP Chính phủ thì hầu như không có dịp nào gặp gỡ…chỉ đôi khi chào nhau ở đâu đó trong các dịp hiếu hỷ…Từ khi ở lớp phóng viên, tôi biết anh là người điềm đạm, lịch thiệp, ít nói và có phần mô phạm…Tôi cũng như nhiều bạn bè của anh ở TTX không biết và không nghĩ là anh có…làm thơ…

Thơ  - Có một Lê Mạnh Bính, nhà thơ…

Nhưng một ngày mùa thu đẹp trời tôi nhận được điện thoại của anh, sau đó anh đến thăm và anh em ngồi nói chuyện cả buổi về những kỷ niệm thời học lớp Pv K6 và những năm thường trú ở các tỉnh, cũng như ở nước ngoài, rồi anh tặng tôi tập thơ PHẬN NGƯỜI của anh vừa xuất bản…

Trước đó vài ngày tôi đã đọc trên FB của NB lão thành Nguyễn Văn Trường và trên tạp chí điện tử VĂN HIẾN VIỆT NAM mà TBT là TS Phạm Việt Long, cũng là bạn cùng học lớp PV TTX K6 của chúng tôi, bài Sáng thu nay, đọc thơ tình: Phận người - Câu thơ nặng lòng trắc ẩn, giàu nhân ái (Thơ Lê Mạnh Bỉnh)*

Tôi nghĩ những nhận xét của NB Văn Trường, cựu sinh viên Văn khoa ĐHTH khóa I, về thơ Lê Mạnh Bỉnh là rất xác đáng khi ông cho rằng “Nếu như trong Phần I “Phận người” , tác giả nặng lòng trắc ẩn trước thân phận những người đàn bà bất hạnh thì ở Phần II “Thoảng một mùi hương” và Phần III “Sống” là những bài thơ đa cảm đa sầu trước những số phận và cung bậc của tình yêu cùng triết lý về cuộc đời”.

Thơ  - Có một Lê Mạnh Bính, nhà thơ… (Hình 2).

Cũng không có gì lạ khi một người lâu nay không làm thơ, giờ bỗng có những tâm sự, những suy tư, cảm nhận cần được thể hiện dưới hình thức thơ, vấn đề là những điều bộc lộ ấy thực sự mang chất thơ, thơ là sự thật được chắt lọc, thơ là tiếng lòng, thơ là tiếng nói của trái tim…Thơ vang lên từ nỗi niềm của một trái tim nhưng nó có sức lan tỏa, làm rung động tình cảm của đồng loại, hướng con người tới Chân, Thiện, Mỹ.

Lê Mạnh Bỉnh tâm sự rằng không phải bây giờ, hay gần đây anh mới làm thơ mà anh đã đến với thơ từ khi còn trẻ, chỉ có điều anh chưa từng thổ lộ và công bố những bài thơ đó, cho đến một ngày anh cho ra mắt tập thơ “Phận người” chỉ mới bao gồm 36 bài, bản thảo được chuẩn bị xong từ một năm trước nhưng mãi tới tháng 7 vừa qua mới đưa in. Hy vọng rằng thơ Lê Mạnh Bỉnh “đứng được với thời gian” như chính anh mong mỏi, và rồi đây đồng nghiệp và bạn đọc sẽ biết đến nhà thơ Lê Mạnh Bỉnh nhiều hơn nữa qua các tác phẩm của anh…

Tôi sẽ không “bình loạn” gì thêm về thơ anh, chỉ post lên đây hai bài thơ không có trong tập “Phận người”, một bài “rất thời sự” và một bài mà anh cho biết là đã viết từ nhiều năm trước về đề tài liên quan đến thân phận con người, do báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đăng trong số ra ngày 11-7-2020 để bạn bè cùng thưởng thức…và rộng đường bàn luận…

Theo Văn hiến

Bạn đang đọc bài viết "Có một Lê Mạnh Bính, nhà thơ…" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).