Chiến dịch săn lùng nhóm bạo loạn xông vào Điện Capitol

13/06/2021 20:31

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã kêu gọi người dân giúp chính quyền xác định danh tính những người tham gia vụ bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6/1.

Ngày 6/1 đánh dấu một thời điểm sóng gió chưa từng có của nước Mỹ. Trong ngày này, hàng chục nghị sĩ đảng Cộng hòa cùng thách thức kết quả bầu cử trong khi đám đông người ủng hộ ông Donald Trump, khi đó vẫn là tổng thống nhưng sắp mãn nhiệm, xông vào chiếm đóng Điện Capitol.

Theo các đoạn video và hình ảnh từ truyền thông Mỹ, đám đông đã kéo vào tòa nhà quốc hội, đập phá đồ đạc để thể hiện sự tức giận. Họ không hài lòng khi ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Sau vụ bạo loạn, trợ lý của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi còn trình báo một chiếc máy tính xách tay đã bị đánh cắp.

Trước tình hình này, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) kêu gọi người dân giúp chính quyền xác định danh tính của những người tham gia vụ bạo loạn. Đến nay, có ít nhất 90 trường hợp bị bắt giữ, BBC dẫn thông tin từ giới chức của Bộ Tư pháp.

Chien dich san lung nhom bao loan anh 1

Thủ đô Washington, Mỹ, trong ngày 6/1. Ảnh: AP.

Chiến dịch truy lùng

Ông Richard Barnett, một cư dân 60 tuổi của thành phố Gravette, bang Arkansas, nhanh chóng bị bắt giữ sau vụ bạo loạn. Theo BBC, giới chức không mất nhiều thời gian để truy lùng người đàn ông này.

Cụ thể, ông Barnett gây chú ý sau khi xuất hiện trong một bức ảnh trên mạng xã hội. Trong ảnh, ông thoải mái gác chân lên bàn làm việc của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Hiện ông Barnett bị khởi tố vì trộm cắp tài sản công và nhiều tội danh liên quan khác.

Nhà lập pháp Derrick Evans của bang West Virginia cũng bị buộc tội sau vụ bạo loạn. Chính ông Evans đã đăng tải một đoạn video lên mạng xã hội. Trong đó, ông và đám đông ủng hộ Tổng thống Trump đã cùng xông vào tòa nhà quốc hội.

Theo giới chức trong lĩnh vực hành pháp, có hơn chục người đang bị cáo buộc vì có liên quan đến vụ bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1. Dự kiện có thêm nhiều vụ bắt giữ trong thời gian tới.

Chien dich san lung nhom bao loan anh 2

Ông Richard Barnett, một cư dân 60 tuổi của thành phố Gravette, bang Arkansas. Ảnh: AFP.

Nhóm người xông vào tòa nhà quốc hội có thể đối mặt với nhiều tội danh nghiêm trọng như sử dụng vũ khí hay chế tạo chất nổ. Nếu bị kết án, họ sẽ phải ngồi tù nhiều năm.

Lúc này, FBI đang tiến hành một chiến dịch săn lùng trên quy mô lớn, tranh thủ sự giúp đỡ của công chúng. Đơn vị đã đăng tải ảnh chụp những kẻ xâm nhập và kêu gọi người dân Mỹ lên tiếng tố giác.

FBI thậm chí còn thiết lập một đường dây nóng và trang web riêng để tiếp nhận thông tin liên quan đến vụ bạo loạn. Trên tài khoản Twitter, họ treo phần thưởng “lên đến 50.000 USD” cho các đầu mối dẫn đến việc bắt giữ nghi phạm.

Thám tử công dân

Theo các cựu nhân viên của FBI, chiến thuật này tuy không tốn nhiều thời gian và khá hiệu quả.

Ông Steven Pomerantz, một cựu quan chức lãnh đạo bộ phận chống khủng bố của FBI, cho biết ông từng dán áp phích truy nã nghi phạm ở khắp các bưu điện. Ông Pomerantz nhận xét cách tiếp cận cộng đồng thường nhanh chóng mang về hiệu quả.

Vào giữa những năm 1990, FBI từng tiến hành một chiến dịch tương tự để bắt giữ Theodore Kaczynski, sống tại bang Montana. Người đàn ông này là nghi phạm trong các vụ gửi chất nổ qua đường bưu điện, khiến 3 người thiệt mạng.

Ông Shaun King, chuyên gia sử dụng công cụ trực tuyến để truy lùng tội phạm, đã xác định được một vài thành phần quá khích xông vào tòa nhà quốc hội. Để làm được điều này, ông King phải tích cực đăng ảnh chụp hiện trường vụ bạo loạn.

Trong số đó có bức ảnh chụp ông Richard Barnett, 60 tuổi, ngồi gác chân lên bàn làm việc của Chủ tịch Hạ viện Nacny Pelosi. Không lâu sau khi bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội, giới chức đã tiến hành bắt giữ nghi phạm Barnett.

Một người đàn ông khác, Jake Angeli, cũng xuất hiện nhiều lần trong các bức ảnh hiện trường. Ông Angeli, nổi bật với chiếc mũ lông cắm sừng, nhanh chóng bị bắt giữ và đang chờ được kết tội.

Song trong nhiều trường hợp, thông tin từ các “thám tử công dân” không hoàn toàn chính xác, thậm chí gây hại nhiều hơn lợi.

Cuộc điều tra sau vụ đánh bom ở thành phố Boston, năm 2013, là một ví dụ điển hình. Lúc này, cư dân mạng đã truyền tay nhau bức ảnh chụp hai người cùng xách balo và trò chuyện gần khu vực chạy marathon. Họ gọi đây là những kẻ tình nghi, dù thực chất hai người này không hề liên quan đến vụ việc.

Sau vụ tấn công Điện Capitol, mạng xã hội không chỉ ngập tràn thông tin thiếu chính xác mà còn bị tiêm nhiễm sự công kích bạo lực.

Chien dich san lung nhom bao loan anh 3

Đám đông người ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào chiếm đóng Đồi Capitol. Ảnh: AP.

Một số người ủng hộ Tổng thống Trump đang đưa ra thuyết âm mưu, cho rằng nhóm tham gia bạo loạn có liên quan Antifa hay các cuộc biểu tình Black Lives Matter. Dù vậy, họ không đưa ra được bằng chứng xác thực cho giả thuyết này.

Nhìn chung, phần lớn người Mỹ đều muốn trừng trị những người coi thường pháp luật khi tấn công tòa nhà quốc hội. Giáo sư chuyên ngành luật Stephen Saltzburg của Đại học George Washington cho biết người dân đang có động lực giúp đỡ chính quyền.

“Mọi người đều quan tâm đến nền dân chủ”, ông Saltzburg nói. “Họ muốn thấy tội phạm bị trừng phạt. Họ muốn thấy công lý được thực thi”.

Bạn đang đọc bài viết "Chiến dịch săn lùng nhóm bạo loạn xông vào Điện Capitol" tại chuyên mục TIN TỨC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).