Đại tá Nguyễn Văn Tàu & bản cung của kẻ đầu hàng

26/08/2020 03:32

(VHNT) - Ngày 20/4/1968, trong căn hầm tại căn cứ Củ Chi, tôi đang truyền đạt nghị quyết của Trung ương Cục nhận định về thắng lợi của trận tổng tiến công Mậu Thân (nổ súng đêm 31/1/1968) cho anh em lực lượng vũ trang của Cụm tình báo thì đồng chí cán bộ cơ yếu mang đến cho tôi một bức điện tối khẩn của cấp trên. Tôi mở ra xem. Bức điện tối khẩn có mấy dòng: “Một cán bộ cao cấp của ta vừa ra hàng giặc, đồng chí hãy ra ngay Sài Gòn lấy bản cung của hắn đem về. Việc rất gấp. Ký tên: Sáu Trí”. Lúc đó, anh Sáu Trí là Trưởng phòng Tình báo B2, còn tôi là thiếu tá Cụm trưởng Cụm tình báo H.63.

Tôi mở ra xem. Bức điện tối khẩn có mấy dòng: “Một cán bộ cao cấp của ta vừa ra hàng giặc, đồng chí hãy ra ngay Sài Gòn lấy bản cung của hắn đem về. Việc rất gấp. Ký tên: Sáu Trí”. Lúc đó, anh Sáu Trí là Trưởng phòng Tình báo B2, còn tôi là thiếu tá Cụm trưởng Cụm tình báo H.63.

Không thể trì hoãn. Tôi nói với anh em tạm ngưng cuộc học tập, tôi đi Sài Gòn về sẽ tiếp tục. Quân Mỹ đang bố ráp Củ Chi và lập nhiều chốt chặn trên quốc lộ 1. Không ra Sài Gòn bằng ngõ ấy được, đồng chí liên lạc đưa tôi vượt sông Sài Gòn sang chiến khu An Thành (Nam Bến Cát), nơi đóng quân của Cụm tình báo A.36.

Sau vài câu trao đổi với đồng chí Bảy Anh – Cụm trưởng, nhận thấy nhiệm vụ của Trưởng phòng Sáu Trí giao cho tôi là rất khẩn trương, cần có sự giúp đỡ để tôi ra Sài Gòn bằng cửa ngõ quốc lộ 13 của Cụm A.36, anh Bảy phân công đồng chí Hai Thương đưa tôi đi. Tôi và Hai Thương đến An Điền, dùng xuồng vượt sông Thị Tính. Qua sông rồi, tôi phải thay đồ, mặc đồ thường dân, đóng vai là người chú của Hai Thương, hòa nhập với số thanh niên cả ngày ra biền sông trốn lính, chiều dắt nhau trở về ấp chiến lược.

Đêm đó, tôi ngủ tại nhà cơ sở của Hai Thương, sáng hôm sau bắt xe ôm chạy thẳng xuống Sài Gòn. Đến bến xe lam ba bánh tại đầu cầu Bình Lợi, tôi đổi xe để tránh sự theo dõi của địch. Vẫn thắc mắc không biết tên cán bộ ra đầu thú giặc là thằng nào, tôi mua một tờ báo để xem. Đây rồi, trên trang nhất tờ Thần Chung có hàng chữ lớn: “Thượng tá Tám Hà đã trở về chánh nghĩa quốc gia”. Dưới hàng chữ là một tấm ảnh to: Tám Hà đứng giữa, Tư lệnh quân đội Mỹ - đại tướng Westmoreland đứng bên trái, bên phải là đại tướng Phạm Quốc Thuần, Trưởng tiểu khu Bình Dương.

Văn  - Đại tá Nguyễn Văn Tàu & bản cung của kẻ đầu hàng

Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang). Ảnh do nhân vật cung cấp

Vài dòng về Tám Hà: Tên thật là Trần Văn Đắc, dân Cần Thơ; cấp bậc: trung tá; chức vụ: Phó chủ nhiệm chính trị cánh quân phía Bắc đánh vào Sài Gòn. Chỉ huy cánh quân này là đại tá Nguyễn Thế Truyện, mà anh em thường gọi là anh Năm Sài Gòn. Sau đợt 1, cánh quân này trụ lại trên cánh đồng vùng Nam Củ Chi, Bắc Bình Mỹ để chờ lệnh trên, sẵn sàng vào đánh tiếp. Thiếu đói, điều kiện sinh hoạt kham khổ, bom đạn, pháo dội liên tục, có lần trúng ngay hầm chỉ huy trưởng, anh Năm Truyện hy sinh.

Trong tình cảnh ấy, Tám Hà mất tinh thần, ngày 19-4-1968 đào ngũ, băng đồng vào đầu hàng giặc tại bót Phú Hòa Đông (Củ Chi). Chỉ huy bót Phú Hòa Đông thấy chức vụ Tám Hà lớn quá nên chở thẳng qua nộp cho cấp trên ở tiểu khu Bình Dương. Chỉ huy tiểu khu Bình Dương lập tức báo về Sài Gòn và đại tướng Westmoreland đích thân tiếp nhận.

Vào trung tâm Sài Gòn, tôi đi thẳng đến nhà Givral, nơi anh Phạm Xuân Ẩn thường đến uống cà phê sáng. Phạm Xuân Ẩn là một trong 3 điệp viên của Cụm tình báo H.63 mà tôi là Cụm trưởng kiêm Bí thư chi bộ. Anh được đào tạo về báo chí bên Mỹ. Trở về Sài Gòn, anh là phóng viên thường trú của tạp chí Time, một trong những tờ báo lớn có uy tín bên Mỹ.

Tôi phổ biến chỉ thị cấp trên, anh suy nghĩ một lúc rồi nói: “Có thể chỗ này có, anh lên xe đi với tôi”. Xe qua cầu Bông, cập bên lề lăng Ông Bà Chiểu, ngừng lại. Trước mặt là dinh đại tá tỉnh trưởng Gia Định. Ẩn bảo tôi ngồi trên xe chờ, còn anh băng qua đường, đi thẳng vào bên trong. Một lúc sau, cùng đi ra với anh là tên Lân, trưởng đội thám báo tỉnh Gia Định.

Nó cũng đã quen mặt tôi vì đã nhiều lần cùng với Ẩn và tôi ngồi uống cà phê, ăn sáng ở Chợ Cũ. Nó giở vạt áo sơ mi lên, rút ra một xấp giấy và nói với Ẩn: “Đây là tài liệu tuyệt mật, tôi cho ông mượn xem. Đúng 1 giờ kém 15, tôi ra đón tại đây để lấy lại, cấp trên cần đến mà tôi không có để trình là đi đứt đó”. Ẩn cười và nói: “Xem cho biết thôi mà, sẽ trả đúng hẹn”.

Văn  - Đại tá Nguyễn Văn Tàu & bản cung của kẻ đầu hàng (Hình 2).

Trong chiến thắng vang dội ngày 30-4-1975 có những đóng góp lặng thầm của Cụm tình báo H.63. Ảnh Tư liệu

Cần nói vài dòng về tên Lân để hiểu tại sao nó có trong tay tài liệu tuyệt mật và giao cho ông Ẩn một cách dễ dàng như vậy. Có một lần 3 người, tôi, nó và ông Ẩn cùng ngồi uống cà phê trong một quán ở Chợ Cũ, ông Ẩn bận đi ra vỉa hè mua lương thực cho chim thì nó khoe với tôi về thân phận và thành tích chống Cộng của nó: “Hồi đánh nhau với Pháp, tôi ở trong hàng ngũ Việt Minh ngoài Bắc, cũng hoạt động tích cực lắm, có nhiều giấy khen, nhưng phạm khuyết điểm tình ái lằng nhằng, bị phê bình kiểm điểm xử lý nghiêm khắc nên tôi bỏ Việt Minh đi theo Pháp. Ký hiệp định Genève năm 1954, Pháp rút về, bàn giao tôi cho Mỹ. Ông chủ mới này cho tôi sang Hawaii học thêm về tình báo và phá hoại. Hiện nay tôi là trưởng đội thám báo tỉnh Gia Định, được mặc đồ thường phục và thỉnh thoảng nghi trang cấp trung sĩ quản lý hồ sơ tuyệt mật cho đại tá tỉnh trưởng...”

Phạm Xuân Ẩn nói với tôi, đó là nơi béo bở để có những tài liệu tuyệt mật của địch. Lân chỉ biết Ẩn là nhà báo của Mỹ, nó tin tưởng Ẩn và điều quan trọng là Ẩn chi tiêu rộng rãi, thường cho nó khi thì bốn ngàn, khi thì năm ngàn đồng. Vàng thời kì đó 3 ngàn đồng một lượng mà lương hàng tháng của Ẩn là 52 ngàn đồng thì bây nhiêu đó ăn thua gì.

Xem và chụp ảnh lại mười lăm phút là xong. Tên phản bội đã khai rất thành thật và rất chi tiết với quan thầy không sai sót điều gì, từ ý đồ tấn công đợt 2, quân số các cánh cho đến những hầm chôn giấu trên 500 trái đạn DKP để sẵn sàng bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất vào giờ G bắt đầu đợt 2.

Thật là suôn sẻ ngoài dự đoán, nhiệm vụ cấp trên giao cho đã hoàn thành trong một buổi sáng. Giao trả tài liệu cho tên Lân xong, tôi nói với ông Ẩn: “Mình muốn biết thêm đánh giá của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc về sự kiện tên Tám Hà ra đầu hàng và đã tuôn ra những bí mật của đợt 2 sắp nổ ra, vậy chúng ta cùng đến nhà hàng Continental, anh lên lầu trò chuyện cùng các tay tình báo quốc tế moi tin xem có gì mới không”.

Continental là một nhà hàng sang trọng, lộng lẫy. Các tay tình báo quốc tế đến Sài Gòn thường lưu trú nơi đây. Mỗi lần từ bên nước ngoài qua, muốn cập nhật tình hình chính trị của Sài Gòn, họ thường hay mời Ẩn đến trò chuyện và mỗi lần như vậy, Ẩn được tiền thù lao rất hậu, tính bằng giờ.

Tôi ngồi bên dưới nhâm nhi ly cà phê đá, Ẩn lên lầu. Sau hơn một tiếng, Ẩn xuống, gọi một ly nước cam vắt. Anh nói với tôi: “Tổng thống Johnson đã nghe Sài Gòn báo cáo về tên Tám Hà ra đầu hàng và lời khai báo của nó về việc bên ta sắp mở đợt 2. Tổng thống Mỹ rất sợ bên ta đánh vào Sài Gòn và chiếm giữ mấy tiếng đồng hồ. Tin này được phóng viên truyền về làm dân Mỹ náo loạn không tin vào đường lối của Tổng thống nữa.

Johnson cho rằng nếu để Việt Cộng tấn công lần 2 như tên đầu hàng khai báo thì chỉ còn thương lượng rút quân”. Nói đến đây, ông Ẩn kề sát tai tôi, giọng nhỏ lại như muốn tiết lộ điều tối mật: “Tên tình báo Mỹ nói với tôi là Tổng thống đã ra mật lệnh cho đại tướng Westmoreland, tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở Đông Dương, là bằng mọi cách không cho Việt Cộng tấn công đợt 2 vào Sài Gòn, có thể tuyên truyền rầm rộ tên Việt Cộng ra đầu hàng đã khai hết rồi, đừng dại dột mà đánh vào Sài Gòn lần nữa”.

Thật là một tin quan trọng, có tầm chiến lược, phải nhanh chóng báo cáo lên cấp trên. Ngủ lại Sài Gòn một đêm. Sáng hôm sai, cô giao liên nội thành đưa tôi về thị trấn Hóc Môn, nơi đó có một chiếc xe ôm đợi sẵn để đưa tôi về ấp chiến lược Phú Hòa Đông (Củ Chi); tối đến, một tổ chiến sĩ vũ trang đột nhập vào ấp chiến lược, đến nhà cơ sở quần chúng đưa tôi về căn cứ Bến Đình bên sông Sài Gòn. Nơi đó có điện đài, tôi viết ngay bức điện gởi về Phòng tình báo: “Đã lấy được bản khai báo của tên Tám Hà.

Sẽ gởi về Phòng theo đường dây liên lạc hỏa tốc. Nó đã khai tất cả từ ý đồ tấn công của ta cho đến những nơi giấu đạn pháo DKP. Do đó mà bom B-52 thả nát vùng ven Sài Gòn để pháy hủy các hầm vũ khí đó. Có một tin rất quan trọng do X6(*) khai thác từ tên tình báo cao cấp của Mỹ. Tổng thống Johnson rất sợ ta mở đợt 2. Nó nói đợt 1 đã làm náo loạn dân Mỹ, đã dấy lên những cuộc biểu tình đòi rút quân, không tin vào đường lối chiến tranh của Tổng thống, nếu để Việt Cộng tấn công đợt 2, chỉ còn thương lượng và rút quân. Tôi đề nghị cấp trên nếu đã chuẩn bị sẵn các mặt thì ta chấp nhận hy sinh, dồn sức đánh một đợt nữa vào Sài Gòn buộc chúng đi vào thương lượng, xuống thang và rút quân”.

Văn  - Đại tá Nguyễn Văn Tàu & bản cung của kẻ đầu hàng (Hình 3).

GS.TS sử học Larry Berman và nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn (trái). Ảnh Tư liệu

Cán bộ cơ yếu và đài trưởng vô tuyến điện làm việc suốt đêm dưới hầm địa đạo để bức điện được chuyển về trên nhanh nhất. Theo tôi, thời chiến tranh giặc ngăn chặn làm khó đủ điều mà tốc độ làm việc của anh chị em tình báo như vậy thật đáng nể. Tên Tám Hà ra đầu hàng giặc ngày 19 tháng 4, ngày 20 trên Phòng điện chỉ thị cho cụm trưởng, ngày 21 cụm trưởng ra Sài Gòn làm việc với cán bộ điệp báo, ngày 22 cụm trưởng trở về căn cứ Bến Đình, sáng 23 bức điện về đến trưởng phòng tình báo và trình đến cấp trên.

Chiều 25/4, tôi nhận được bức điện của anh Sáu Trí trưởng phòng, có lời khen ngợi: “Bức điện của anh về rất kịp thời. Khi biết thằng Tám Hà trong Ban chỉ huy cánh Bắc ra hàng giặc, trên này rất lo. Bộ Tư lệnh Miền mở hội nghị cán bộ. Có sự tranh luận: Đợt 1 hôm 31/1/1968 đã có sự tổn thất lớn về quân số trong đội ngũ biệt động, nay lại có một thằng trong cánh quân chủ yếu ra đầu hàng khai báo, vậy ta có nên mở đợt 2 như đã chuẩn bị hay không... Bức điện của tình báo lóe lên một tia sáng, nhất là nó phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị trước khi mở màn tổng tấn công Mậu Thân 1968: đánh bồi, đánh nhồi, liên tục tấn công... Tất cả trong hội nghị nhất trí mở tiếp đợt 2 vào Sài Gòn”.

Đêm 4/5/1968, khắp Sài Gòn nổ súng mở đầu đợt 2. Lần này, ta sử dụng những đơn vị lớn cấp tiểu đoàn, cấp trung đoàn, chiến đấu trên một không gian rộng hơn, chủ yếu là phía Tây và Tây Nam Sài Gòn, thời gian kéo dài hơn: mãi đến tháng 8 mới lần lượt rút ra ngoài ven chuẩn bị đợt 3, và... sự hy sinh cũng tất nhiên nhiều hơn, điển hình như Trung đoàn 31 Phân khu 2 không còn mấy người. Chỉ huy trưởng đoàn này là anh Võ Văn Điều, dân Củ Chi, thường gọi là Hai Hoàng. Đánh đến cầu Palikao, cả đơn vị chỉ còn 7 người, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và tất cả hy sinh tại đó.

Mười năm sau Tổng tấn công Mậu Thân, vẫn còn nhiều cuộc tranh luận: Hy sinh nhiều quá, vậy Tổng tấn công Mậu Thân thắng hay thất bại. Đến 20 năm, mới có tổ chức kỷ niệm nho nhỏ. Vừa qua, kỷ niệm 50 năm Mậu Thân 1968 làm lễ rất lớn tại Dinh Thống Nhất có cấp lãnh đạo cả nước từ Hà Nội và các tỉnh thành bạn về dự. Bây giờ đã có sự khẳng định Tổng tấn công Mậu Thân là một mốc son trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không có Mậu Thân 1968 thì không có Hội nghị Paris dẫn đến việc rút về nước toàn bộ quân Mỹ và quân các nước chư hầu ngày 27/3/1973. “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Và ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, mang đến hòa bình trên cả nước Việt Nam.

Kỷ niệm 74 năm ngày thành lập ngành tình báo quốc phòng, nhắc lại chuyện xưa (hồi đó tôi 40 tuổi, nay đã 91 tuổi rồi), tôi rất tự hào vì đã góp phần nắm chắc địch để đi đến thắng lợi chung của dân tộc. Thắng lợi nào mà không trải qua hy sinh mất mát. Chỉ tính riêng một đơn vị nhỏ như Cụm tình báo H.63 mà tôi là Cụm trưởng từ đầu năm 1962, đơn vị vũ trang của cụm trước sau 45 người, hy sinh hết 27, bị thương 13 (cả tôi là Cụm trưởng cũng là thương binh nặng hạng 2/4).

Thành tích lớn nhất của cụm là diện mật không bị lộ, không bị bắt người nào, 3 điệp viên trong Sài Gòn, 15 chị em giao thông viên trong mấy ấp chiến lược ven sông Sài Gòn đều an toàn cho đến ngày giải phóng. Mỗi tuần 1 chuyến liên lạc giữa nội đô và căn cứ khi thì Củ Chi, khi thì Bến Cát, không kể nhiều chuyến liên lạc đột xuất theo mệnh lệnh từ trên Phòng. Cụm H.63 được tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ngày 20/9/1971. Điểm đặc biệt là kèm theo lá cờ Đơn vị anh hùng của Chính phủ còn có lá cờ của Mặt trận với dòng chữ vàng “Đơn vị 10 năm bám trụ Củ Chi”.

Điều đó nói lên sự vô cùng ác liệt của chiến trường Củ Chi và sự vững vàng bám trụ của đơn vị H.63 để thực hiện nhiệm vụ tình báo. Kết thúc chiến tranh, Cụm tình báo H.63 có 4 cán bộ được tuyên dương anh hùng là thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn – điệp viên, thượng úy Nguyễn Thị Yên Thảo – điệp viên, thượng úy Nguyễn Thị Ba – người liên lạc duy nhất giữa điệp viên Phạm Xuân Ẩn và cụm trưởng. Cuối cùng, tôi, cấp bậc đại tá, cũng được xét và tuyên dương anh hùng ngày 17/3/2006.

(*) Bí danh của Phạm Xuân Ẩn.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu

Bạn đang đọc bài viết "Đại tá Nguyễn Văn Tàu & bản cung của kẻ đầu hàng" tại chuyên mục GIẢI TRÍ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).