Trả lại cổ vật sau 15 năm "dính lời nguyền"

13/10/2020 05:24

(VHNT)- “Làm ơn, hãy nhận lại chúng, chúng chỉ mang đến điều xui xẻo”, bà Nicole viết trong thư. Trong những năm gần đây, Nicole vừa phải chống chọi với căn bệnh ung thư vú, vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn tài chính.

Một khách du lịch đã gửi trả lại nhiều mảnh cổ vật thuộc thành phố cổ Pompeii sau 15 năm “dính lời nguyền” và gặp nhiều điều xui xẻo. Đó là bà Nicole đến từ Canada đã gửi thư thú nhận hành vi trộm cắp cho một đại lý du lịch ở Pompeii thuộc miền Nam Italy, theo Guardian. Người phụ nữ còn gửi kèm một gói hàng bao gồm nhiều cổ vật đáng giá: 2 viên gạch được chạm khắc, một phần của chiếc bình gốm cổ và một mảnh sứ.

Thế giới - Trả lại cổ vật sau 15 năm 'dính lời nguyền'

Toàn cảnh thành cổ Pompeii sau khi được khôi phục. Ảnh sưu tầm

Trong bức thư, Nicole cho biết bà đã đến thăm công viên khảo cổ Pompeii vào năm 2005. Ở độ tuổi 20, Nicole khi ấy quyết định lấy trộm nhiều mảnh cổ vật với lý do muốn lưu giữ một phần lịch sử mà “không ai có thể sở hữu”. 

Song người phụ nữ này khẳng định những đồ vật bị lấy trộm khiến bà liên tiếp gặp điều bất hạnh trong những năm qua. Bà nhận ra những mảnh cổ vật đều chứa đựng “quá nhiều năng lượng tiêu cực có liên quan đến vùng đất Pompeii bị hủy diệt”.

Pompeii là những phần di tích còn sót lại của một thành phố cổ, vốn bị bao phủ trong tro bụi từ Mount Vesuvius, trong lần "thức giấc" của núi lửa này cách đây gần 2.000 năm. Theo lịch sử ghi chép lại, Vesuvius phun trào khi đó đã bất ngờ phun nham thạch kèm theo những cột tro bụi khổng lồ. 16.000 người đã chết, trong khi thị trấn Pompeii của thành bang La Mã cổ thì bị chôn vùi dưới lớp đá và tro núi lửa dày hàng chục mét. 

Đến tận thế kỷ XVI, các chuyên gia khảo cổ mới khám phá và khai quật được nhiều mảnh tàn tích. Đồng thời, các nhà khảo cổ còn tìm thấy di thể các nạn nhân với đủ mọi tư thế. Họ bị đông cứng ngay tức khắc bởi nham thạch, nên di thể được bảo quản gần như nguyên vẹn theo thời gian. 

Thế giới - Trả lại cổ vật sau 15 năm 'dính lời nguyền' (Hình 2).

Bức họa "Ngày cuối cùng của Pompeii" của tác giả Karl Brullov

Pompeii, trước khi bị thảm họa núi lửa năm 79 chôn vùi, là một thành bang La Mã, nằm trong vùng Campania, thuộc địa giới công xã Pompei. Thành phố này nằm xung quanh chân núi lửa Vesuvius. Các thị trấn, vùng đất nông nghiệp của Pompeii đã từng rất nhộn nhịp nằm dưới chân ngọn núi này.

Theo sử sách và một số tài liệu, thành Pompeii được 10 bộ lạc lớn có tên Aus cùng nhau xây dựng. Đến năm 79, nơi đây đã trở thành câu lạc bộ của những người giàu. Tầng lớp quý tộc thương gia giàu có kéo nhau đến đây tìm lạc thú, bởi vậy thành Pompeii đã trở thành một Thủ đô Tửu Sắc.

người trước khi chết đã dùng đá viết lên tường di ngôn vội vàng “Tội ác dẫn đến diệt vong!” để cảnh tỉnh hậu thế. Thành Pompeii đầy rẫy các loại bích họa rất khó coi, quan hệ tập thể loạn tính có thể thấy ở khắp nơi. Pompeii có 20.000 nhân khẩu mà có tới 25 tòa kỹ viện.

Năm 1819, quốc vương Napoli là Francis lúc cùng vợ tham quan bích họa ở Pompeii, cảm thấy xấu hổ không chấp nhận được, liền đóng cửa triển lãm.

Bên cạnh lối sống hưởng thụ đầy hoan lạc, ngược đãi nô lệ thảm hại vô nhân tính cũng là một "tội ác" lớn của Pompeii.

Bộ phận quan trọng nhất khi mậu dịch với bên ngoài không phải hàng hóa, mà là nô lệ. Những người nô lệ tham gia vào lao động nặng nhọc, ở “đấu trường” bị dã thú cắn xé, người ta vẫn cứ hưng phấn hò hét.

Những người giàu thậm chí dùng nô lệ vừa bị giết để nuôi lươn biển, bởi vì như thế mới cho mùi vị tươi ngon…Nhưng đó là câu chuyện của ngày xưa. Giờ đây, khoảng 3/5 diện tích của Pompeii được khai quật, cho thấy nơi đây từng là thành phố sầm uất, phồn vinh.

Địa điểm này được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, thu hút đông khách du lịch bậc nhất tại Italia, với 2.571.725 du khách năm 2007.

Khu di tích được bảo tồn một cách đặc biệt này là thắng cảnh thu hút nhiều khách du lịch thứ hai tại Italy, sau đấu trường Colosseum ở thủ đô Rome. 

Vé vào cửa có giá 5 euro (5,5 USD)/người, nhưng du khách sẽ phải trải qua những thủ tục phức tạp hơn thường lệ khi họ sẽ phải đặt vé trước và được kiểm tra thân nhiệt trước khi bước vào bên trong. 

Vũ Anh

Bạn đang đọc bài viết "Trả lại cổ vật sau 15 năm "dính lời nguyền"" tại chuyên mục PHÊ BÌNH - LÝ LUẬN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).