Chủ nghĩa tình cảm trong lịch sử

28/10/2020 16:43

Có nhà học giả đánh giá Cụ Phan Châu Trinh: “Trên con đường cứu nước, Phan Châu Trinh là một nhân vật hiếm hoi đã có quan hệ với hầu hết những khuynh hướng, nhân vật chính trị quan trọng nhất phong trào giải phóng dân tộc một phần tư đầu thế kỷ XX.

Từ Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp, cho đến các sĩ phu phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Hoàng Hoa Thám cho đến Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh… Ông là người đã lặn lội ra Bắc gặp các yếu nhân của Đông Kinh Nghĩa Thục, lên Phồn Xương gặp Đề Thám, sang Nhật gặp Phan Bội Châu, rồi sau khi phải sống ở Pháp, Phan Châu Trinh trở thành hạt nhân tập hợp những người Việt Nam yêu nước khác…”.

Nhận định như thế mới chỉ đúng về hiện tượng mà chưa đúng ở bản chất. Một nhân vật “kinh bang tế thế”, “giúp dân dựng nước” ở thời hiện đại đòi hỏi phải có lí luận, có tổ chức, có lực lượng, có chiến lược sách lược phù hợp với thực tiễn. Cụ Phan Châu Trinh là nhà yêu nước vĩ đại, là bậc sĩ quân tử tam bất khuất (Phú quí bất năng dâm – Bần tiện bất năng di – Uy vũ bất năng khuất).

Song, con đường “kinh bang tế thế” của Cụ vẫn là phong cách của một bậc anh hùng cá nhân thời phong kiến, chưa thể là hạt nhân đoàn kết quần chúng theo yêu cầu của thời hiện đại. Chủ trương “Ỷ Pháp”, “bất bạo động” của Cụ không thể đoàn kết được phong trào vũ trang chống Pháp. Binh pháp Tôn Tử có câu Biết người biết ta trăm trận không nguy (theo chú giải của Đặng Minh Phương). Câu đó vẫn đúng cho thời hiện đại. Ta hãy xem Cụ Phan Châu Trinh “biết người biết ta” như thế nào.

Cụ Phan không phải là người thiếu cơ mưu, nói theo cách nói hiện đại là phương pháp luận tư tưởng. Thời cuộc đương thời, theo Cụ, “Nếu không lấy con mắt sắc bén, cái lòng công bình, xa thì xem lịch sử của dân tộc, gần thì xét thời cuộc hiện nay, cũng không biết được. Nếu chỉ xem hiện tượng, không xét nội dung, nhận nguyên nhân gần thành nguyên nhân chung, nắm cái nhỏ bỏ cái lớn, nhận hình thức không cần cái tinh thần để rồi thung dung nói là biết, lấy đó xét việc biến, thì không những dối người mà là tự dối mình, lấy đó mà đối phó, không những vô ích mà hại rất nhiều” (Pháp – Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam – Phan Châu Trinh và các tác phẩm chính luận. NXB Trẻ. 2018. Trg.148).

“Tuy nhiên, đã quí đã có chí, thì càng quí sự hiểu thời biết thế. Trong thì xem địa vị của nước nhà như thế nào, trình độ trí thức, trình độ đạo đức của quốc dân như thế nào; ngoài thì xem địa vị của các nước mạnh như thế nào, thế lực, trình độ trí thức, đạo đức của nước đến lấy nước ta như thế nào. Trên thì tìm cái đã qua của lịch sử, dưới thì xét xu thế của tương lai. Tính toán rạch ròi, tơ hào không xót, lợi hại đã rõ, mục đích đã định, cứ do đó mà tiến hành, không nao núng. May mà nên thì người người được hưởng, chẳng may mà hỏng thì thân ta mang họa, không than không tiếc, sống chết như không. Cho nên quí kẻ có chí lớn là như vậy” (Phan Châu Trinh… Sđd. Trg.178).

Phương pháp luận như thế thì quá hay. Chỉ còn xem thực tiễn luận của Cụ.

Đối với thực dân Pháp

Cụ Phan không xem quan hệ Pháp – Nam, ít ra là từ 1858, là quan hệ xâm lược, thực dân, mà Cụ gọi là “lịch sử giao thiệp”: “Nước Pháp từ khi bắt đầu giao thiệp với nước Nam, tính đến nay đã hơn 60 năm. Tựu trung chia ra làm hai thời kỳ: Một là thời kỳ thế lực phạm vi, hai là thời kỳ thế lực xác định. Và chính sách, phương châm cũng tùy lúc mà thay đổi.

Thời kỳ trước thì dùng chính sách nâng đỡ mở mang, thời kỳ sau thì dùng chính sách thống trị chuyên chế” (Phan Châu Trinh… Sđd. Trg.147).

Cụ Phan cho rằng: “Từ vài chục năm nay, nước Pháp không chủ trương khai hóa, ấy đều do nước Nam thích cái ngu, yên lòng với cái họa, lợi dụng cái nguy chứ không phải người nước Pháp muốn vậy…” (Phan Châu Trinh… Sđd. Trg.167). “Từ nay dân Việt Nam ta phải biết thương nước là tính tự nhiên trời đã phú cho, không thù nghịch gì với người Pháp” (Sđd. Trg.222). “… chớ có thấy chính quyền mình mất rồi mà đem lòng căm tức không kể đến việc hay của người ta… Thế thì lòng thương nước của dân Việt Nam có làm gì hại đến quyền lợi người Pháp không? Tôi xin thưa rằng không. Dân Việt Nam thấy người nào làm hại cho nước nó thì nó ghét, ấy là lẽ tự nhiên” (Sđd. Trg.221).

Đối với dân tộc

Cụ Phan cho: “Nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân chung: Trong lịch sử, dân tộc nước Nam có hai đặc tính cực đoan đối lập nhau: Một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại; hai là đặc tính tự tôn và tự ti. Hai đặc tính đó có sẵn ở quốc dân, trong não mọi người. Mỗi đặc tính đều nhân thời thế, địa vị mà phát lộ, và trong khi phát lộ lại đều đi tới cực đoan, và khi đã tới cực đoan, mỗi cái đều giữ lí do, chuyên cậy vào tập quán, lợi hại đều bị che lấp không thấy” (Sđd. Trg.149).

Tình hình quốc dân lúc bấy giờ theo Cụ Phan thì rất bi đát:

“Nhưng lầm lạc đã lắm, chìm đắm đã sâu, vừa mới thoát khỏi chín lần vực thẳm, thần hồn chưa định. Như người tù bị trói buộc lâu ngày vừa rời nhà ngục, chân run rẩy chưa đi được, phải dựa người bên phải bên trái; như kẻ dân ngu ở hương thôn vừa bước vào thành thị, miệng ngập ngừng không nói được, thật giả phải hỏi khách, chợt vui chợt buồn, vừa nghi vừa tin, suy nghĩ thầm lặng. Trạng thái tinh thần của quốc dân thời ấy thật không thể dùng bút mực, ngôn ngữ mà có thể hình dung ra được” (Sđd. Trg.155).

Cụ Phan cho rằng trình độ quốc dân cùng với cái học bát cổ (Nho giáo) là nguồn gốc của sự ngu muội, thấp kém của đất nước mà Phan Bội Châu là người tiêu biểu:

“Cho nên ông ấy là người đại biểu cho tính tình tập quán của người nước Nam, không biết chân tướng của người nước Nam, nhìn ông ấy thì biết. Người nước Nam ngu yếu mà thích tự cho là lớn, lại coi người khác là ngu, cho nên thích bài ngoại, mà ông ấy bài ngoại đạt tới cực đoan.

Người nước Nam ngu yếu, mà không biết sửa sang bên trong, phần nhiều cậy sức người khác để được mạnh, cho nên thích ỷ ngoại, thì ông ấy ỷ ngoại đạt tới cực đoan. Bởi vì tính chất, trình độ của ông ấy hoàn toàn hợp với tính chất, trình độ của quốc dân hiện nay, rồi thêm vào đó cái tài thông minh, gộp vào đó cái khí dám làm, phụ vào đó cái học ngu lầm” (Sđd. Trg.182).

Nhìn ra nước người, nhìn lại nước mình, Cụ Phan thấy cái sự nô lệ là không tránh khỏi: “Trình độ quốc dân người ta cao như thế ấy, trình độ quốc dân mình thấp như thế kia, không làm nô lệ sao được…” (Sđd. Trg.16).

Vì thấy kinh nghiệm của Nhật Bản như thế và tình hình ở Việt Nam là người Pháp đang đô hộ nên Cụ Phan đưa ra chủ trương dựa vào Pháp để canh tân đất nước. Chủ trương này không thể nói là khó khăn hay không khó khăn, mà là không có cơ sở thực tiễn, không thể thực hiện được. Không phải như lời ca ngợi của ông Nguyễn Xuân Xanh: “Cụ Phan muốn đỡ Việt Nam lên, như thần Atlas đỡ thế giới. Nhưng di sản Việt Nam khi ấy đang quá nặng, Cụ không đủ sức” (Sđd. Trg.21).

Một sự so sánh quá hay thể hiện sự tương đắc giữa Cụ Phan và nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Xanh.

Như trên đã nói, cách nhìn của Cụ Phan về các vấn đề xã hội Việt Nam đương thời là rất không đúng. Nói theo ngôn ngữ bây giờ là Cụ chưa có cái nhìn biện chứng, toàn diện; chưa thấy ra chỗ khúc mắc lớn nhất, mâu thuẫn lớn nhất có tính chất quyết định xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Là ách đô hộ của thực dân Pháp. Còn Nam triều chỉ là bù nhìn, tay sai. Cụ không nói đến cuộc xâm lược, cướp nước của thực dân Pháp và ách “bảo hộ” của chúng. Cụ chỉ nói đó là “quan hệ giao thiệp” trong các thời kỳ “thế lực phạm vi” và “thời kỳ thế lực xác định” (Sđd. Trg.147). Trong khi đó, trên thực tiễn, từ phong trào chống Pháp đầu tiên do Trương Định cầm đầu cho đến “Tiếng bom Sa Diện” của Phạm Hồng Thái năm 1925, tổng cộng có đến hơn 40 cuộc khởi nghĩa. Nhìn vào dân tộc Cụ chỉ thấy bi quan thảm hại. Ngược hẳn lại với cách nhìn của Cụ Phan Đình Phùng mà ở các bài trước chúng tôi đã nói (Văn Nghệ TP.HCM, các số 611-612-613). Dĩ nhiên cái học Nho giáo kìm hãm xã hội Việt Nam là đúng. Nhưng không phải không có những con người xuất chúng từ nền giáo dục đó do họ có ý thức dân tộc, như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ… Cách nhìn của Cụ Phan Châu Trinh đối với Cụ Phan Bội Châu thì thật đáng buồn mà chúng tôi không muốn nhắc lại. Chỉ lưu ý rằng cách nhìn kẻ thù của dân tộc, cách nhìn truyền thống dân tộc, cách nhìn các chiến hữu đương thời như thế thì làm sao có thể trở thành “hạt nhân đoàn kết” những người Việt Nam yêu nước được. Cụ Phan đã lẩn tránh không nói đến mối thù của nhân dân Việt Nam đối với thực dân Pháp, thậm chí còn tìm mọi cách để xoa dịu mâu thuẫn, “giải thoát” cho nước Pháp. Để mong “cậy Pháp”!

Còn chủ trương “khai trí trị sinh” thì quả thực là không thực tế, nếu không nói là ngây thơ. Chẳng hạn chính sách phổ biến thuốc phiện và rượu của Paul Doumer mà chúng tôi đã nói.

Cần thấy rằng vấn đề dân trí – dân sinh thời Cụ Phan nêu ra với đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam là có cơ sở hoàn toàn khác nhau. Ngày nay Đảng và Nhà nước Việt Nam đưa nhiệm vụ văn hóa – giáo dục lên hàng đầu, song không phải là bắt đầu hay tiếp tục tư tưởng “khai minh khai sáng” của Cụ Phan. Vấn đề “đạo đức – luân lí”, “quân trị – dân trị” cũng vậy.

Nếu cho rằng nước ta mất, dân ta hèn cũng vì luân lí – đạo đức… thì đơn giản quá. Và Cụ Phan có diễn thuyết đến hàng ngàn lần như thế người Pháp họ cũng không ngăn cản, có khi còn khuyến khích. Vì tại luân lí – đạo đức kém, dân trí lạc hậu nên người Pháp đến “khai hóa” cho, đâu phải họ đến xâm lược! Luân lí – đạo đức là vấn đề kinh tế – xã hội được hình thành qua hàng ngàn năm và muốn thay đổi nó, đâu phải câu chuyện một sớm một chiều!

Tóm lại, Cụ Phan là tấm gương yêu nước vĩ đại. Cụ sống mãi trong lòng người Việt Nam. Nhưng tư tưởng canh tân đất nước của Cụ thì rất sai lầm và vì vậy không thể nói là có giá trị khai minh, khai sáng, minh sáng cho dân tộc.

Cụ Phan Châu Trinh có cái phong độ của bậc anh hùng cá nhân thời phong kiến. Cụ mong muốn sự nghiệp của Cụ mà thành tựu thì người người được hưởng. Còn không thành thì chỉ mình Cụ chịu, Cụ không muốn làm liên lụy đến ai. Ông Nguyễn Xuân Xanh khen Cụ, ngợi ca Cụ như thần Atlas… Đây chính là vấn đề phương pháp luận sử học. Thời hiện đại, cách mạng xã hội là sự nghiệp của quần chúng. Đương nhiên phải có Đảng tiên phong, có tổ chức, có lực lượng… mới thành công được. Thưa Nguyễn tiên sinh, dẫu có một ngàn thần Atlas cũng không nâng được cái di sản của người Việt. Chỉ có đánh đuổi thực dân xâm lược dù là Pháp hay Mỹ để người Việt Nam tự đứng lên tiếp tục di sản của ông cha mình theo tinh thần thời đại mới là con đường đúng đắn, duy nhất.

Chúng tôi hiểu, nếu không có tình cảm thì không thể nghiên cứu lịch sử được. Dù là tình cảm nhân loại hay dân tộc hay cộng đồng… Nhưng tình cảm trong sử học, dù là máu mủ ruột thịt, cũng phải tôn trọng thực tiễn lịch sử. Bởi lịch sử là của muôn nhà, cao hơn tình cảm dòng tộc. Đây là vấn đề cần phải bàn luận trong tình hình sử học hiện nay.

Hà Nội, tháng 9-2020

Theo Tuần báo Văn nghệ TP.HCM

Bạn đang đọc bài viết "Chủ nghĩa tình cảm trong lịch sử " tại chuyên mục PHÊ BÌNH - LÝ LUẬN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).