Dị bản gây tranh luận mãi về Truyện Kiều

24/10/2020 06:43

(Arttimes) - Vì Truyện Kiều vốn có dị bản. Có rất nhiều nguyên nhân và biểu hiện của tính dị bản trong Truyện Kiều - một tác phẩm có lượng người đọc đông đảo bậc nhất ở nước ta hơn 200 năm nay và cũng là một tác phẩm được bàn luận sôi nổi suốt cả vài trăm năm nay, nhất là khi người Việt Nam ta có chữ quốc ngữ và dần dần xóa được nạn mù chữ, việc quảng bá.

Truyện Kiều được kích hoạt từ một số ý định và kế hoạch xuất bản thuộc sự chỉ đạo của một phần trong chiến lược quốc gia, là xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc của đa dân tộc Việt Nam.Chúng ta có thể lược kể ra một số nguyên nhân và biểu hiện của tính dị bản trong Truyện Kiều như sau:

1.

Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào khoảng 20 năm đầu thế kỷ XIX, bằng chữ Nôm. Tác phẩm này bắt đầu được biết tới từ sau đó ít lâu qua bản chép tay của một ít quan chức có học thức với nhau, hay trong gia đình của mình.

Phê bình - Lý luận  - Dị bản gây tranh luận mãi về Truyện Kiều

Các dị bản Truyện Kiều

Họ lấy đâu ra mà đọc? Họ tìm được trong tủ sách cá nhân của các vị học giả như tiến sĩ, nhà giáo Phạm Quý Thích (1760-1825), người được cho là đã được Nguyễn Du tặng một bản Đoạn trường tân thanh chép tay rồi đem về quê mà đọc - dạy cho các học trò, trong số này về sau một số người trở thành các nhà trí thức - quan lại như Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan, Bà huyện Thanh .. Đó là các bản in Truyện Kiều trên giấy bằng kỹ thuật thủ công như bản Liễu Văn Đường khắc in vào năm 1866 và năm 1871.

Như ta biết, muốn viết và đọc được chữ Nôm, cố nhiên, tác giả và người lưu truyền tác phẩm phải sành chữ Hán. Mà chữ Nôm viết ra thế, thì cũng không chữ nào, ở đâu, cũng nhất nhất như nhau trong cách viết (con chữ) và cách đọc - hiểu từng chữ từng câu ấy.

Tính dị bản của Truyện Kiều bắt đầu có từ khi nó được lưu hành là thế.

2.

Vào cuối thế kỷ XIX, năm 1898, Đào Nguyên Phổ đem từ Huế một văn bản Truyện Kiều ra Hà Nội (bảnnày quen gọi là bản Kinh, đã được vua Tự Đức phê duyệt); Kiều Oánh Mậu đem bản Kinh này mà so sánh với một số bản Truyện Kiều từ lâu vẫn được người ngoài Bắc tìm đọc (giới thạo Kiều gọi là bản Phường), từ đó, ông “chế” ra một bản mới, đem in thành sách bằng chữ Nôm tại Quan Văn Đường thư quán vào năm 1902.

Truyện Kiều còn được lưu truyền bằng các bản in chữ quốc ngữ do một số người biên soạn như: Trương Vĩnh Ký vào năm 1875, A.Michels vào năm 1884... cố nhiên chữ quốc ngữ ta hồi cuối thế kỷ 19 và cách nói cũng như chính tả Việt Nam dạo ấy cũng rất khác với mấy chục năm về sau và càng khác xa với chúng ta bây giờ.

Từ những năm ấy, nước ta có một số văn bản Truyện Kiều bằng hai thứ chữ. Dị bản của Truyện Kiều ngỡ rằng từ đây bớt dần đi, ai dè, nó lại càng “phát triển” hơn. Vì sao?

Là vì: Khi chép ra để in, rồi đọc cho nhau nghe... thì mỗi nhà mỗi người đã theo một thứ chính tả tiếng Việt mang đặc điểm phát âm và viết riêng, chưa được sự thống nhất cao. Cái riêng ấy, gọi là “riêng vùng miền”, chẳng hạn:

Có nhà viên ngoại họ Vương

Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung

người lại đọc viết là:... Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung, nhà biên soạn sách phán: Người miền Trung nói/ đọc chưa chuẩn, dấu ngã, mà thành dấu hỏi mới ra thế thôi, vẫn là nói về vị thế và mức sống của ông Vương viên ngoại (bố đẻ của Thúy Kiều) cả.

Người thạo chữ Việt cổ (hiện còn dùng nhiều ở xứ Nghệ, xứ Mường) thì cho rằng: Nghĩ là đánh giá vềgia tư ông Vương viên ngoại (của tác giả rồi người đọc), chứ thực ra, cụ Nguyễn Du viết là nghỉ kia, là bởi: nghỉ, nghĩa trong tiếng Nghệ (một phần của tiếng Việt cổ, thời Nguyễn Du sống và viết Truyện Kiều), thì có nghĩa là ông ấy, chữ nghỉ này rất giống nghĩa chữ chả (ông ấy), bả (bà ấy)... ở Nam Bộ mà xưa nay bà con vẫn quen dùng.

Đọc tiếp Truyện Kiều, ta còn gặp từ nghỉ này khi Nguyễn Du thuật lại hành trạng không khoan thai đàng hoàng, mà ngược lại, là vội vã vụng trộm đáng ghét của kẻ mạo danh bậc thức giả là Mã giám sinh:

Vừa tuần chưa cạn chén khuyên

ngoài nghỉ đã giục liền ra xe

Từ nghỉ này cũng được Nguyễn Du dùng theo cách người Nghệ khi kể về kẻ bịp bợm tên là Sở Khanh:

Phụ tình án đã ràng

tuông nghỉ mới tìm đường tháo lui

Những tưởng sau Kiều Oánh Mậu, các văn bản Truyện Kiều ở nước ta được các nhà các vị như Bùi Kỷ, Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Duy Anh, Nguyễn Tài Cân, Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Quảng Tuân,... để công khảo đính và biên soạn rồi cho xuất bản, thì việc trao đổi, tranh luận ở cấp độ ngôn từ - ngữ nghĩa tiếng Việt trong tác phẩm này có độ hơn (vì đã có những Truyện Kiều văn bản được coi là “chuẩn hơn”, “gốc” hơn). Song xem lại bộ hồ sơ văn học về Truyện Kiều, ta thấy ngược lại. Tức là, từ những năm 1930 của thế kỷ trước đến nay, cuộc tranh luận này vẫn tiếp diễn, kéo theo cả những nhà hoạt động chính trị - văn hóa như Phạm Quỳnh và Ngô Đức Kế, Trần Trọng Kim; còn giới giáo chức và nghiên cứu văn chương cùng tham gia viết báo, viết sách bàn về tư tưởng và ngôn phong với tiếng Việt trong Truyện Kiều thì đông đảo vô cùng, khó mà kể ra cho đủ được.

Thế nên cũng có nhiều người trong giới học thuật ngạc nhiên hỏi: Sao mà cứ tranh cãi nhau mãi chỉ xung quanh mấy chữ như cắn răng với nghiến răng, hàm hay cằm, trót lòng hay trót đà, nhạt hay lạt, lột áo hay trút áo, nước non hay nước béo, rầu rầu hay dầu dầu, giữ đò hay giả đò, e lệ hay e thẹn... như thế?!

Tôi đưa cho một nhà nghiên cứu mấy cuốn Truyện Kiều do các vị vừa kể tên ở trên biên khảo - chủ giải và thưa: đối chiếu các sách này với nhau, chỉ riêng ở khu vực từ ngữ, bácsẽ thấy có nhiều chữ khác nhau nữa đấy. Ông hỏi tôi rất nghiêm: “Thế là mỗi ông có một phiên bản Truyện Kiều riêng à?” - “Vâng, mà họ đều là những nhà trước thuật nghiêm cẩm cả đấy ạ”.

Thời gian sau gặp lại, nhà nghiên cứu này trầm ngâm: “Ở nhỉ...” chốc lát, ông nói như độc thoại: “Thế là có cơ “loạn” rồi ư?”

Không phải là “loạn”, mà thực ra, cuộc trao đổi về ngôn từ tiếng Việt trong Truyện Kiều đang ngày càng sôi nổi hơn. Tác phẩm được đọc nhiều, được lan truyền rộng và lâu dài, thì khả năng có nhiều dị bản càng rõ, càng cao.

Có thể coi đây là một quy luật không chỉ ứng nghiệm ở Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nếu ta nhớ lại thơ của Hồ Xuân Hương hay là thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mấy trăm năm trước rồi còn thơ của Tú Xương và Nguyễn Khuyến đầu thế kỷ XX và gần đây hơn, là thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính và một ít Nguyễn Duy nữa, ít nhiều, cũng có các dị bản khác nhau với mức độ nhiều ít nào đó.

3.

Tính dị bản của Truyện Kiều còn có ở biểu hiện thứ ba này nữa là: Hơn trăm năm nay, Truyện Kiều đã được “dân gian hóa”, trước hết, là ở cấp độ ngôn từ - ngữ âm ở các hoạt động bói Kiều, diễn Kiều, đố Kiều...

Chúng tôi tìm hiểu thì được biết là: Cuộc nào mà người chủ xướng và người tham gia có một cuốn sách in Truyện Kiều trong tay thì sự dị bản nếu có, cũng đã là bình thường, nhưng vẫn là “có sách” hơn; còn cuộc nào mà người ta chỉ dựa vào trí nhớ, thì quả là tính phóng tác cũng phát triển lắm, sự dị bản theo đó càng phong phú hơn.

Biết đâu sẽ có ngày Ông Cụ Đã Nâng Cao tiếng Việt ở Truyện Kiều sẽ lại trầm lắng nữa, mà bâng khuâng, mà khen rồi cười cười khi biết là các cháu của Cụ đang thay chữ của Cụ thế này, thế này... 

NGUYÊN AN

Bạn đang đọc bài viết "Dị bản gây tranh luận mãi về Truyện Kiều" tại chuyên mục PHÊ BÌNH - LÝ LUẬN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).