Nghĩ về đề thi bài thơ "Đất nước" trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020

18/08/2020 17:24

(VHNT) - “Đất nước muôn đời là đất nước của nhân dân”

Đó là lời khẳng định như “dao chém đá, rạ (rựa) chém đất” trong suốt trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, mà hôm nay các em học sinh thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020 môn Ngữ văn bình luận một đoạn thơ viết về đất nước trong chương “Đất nước”.

Cứ như cũ mà luôn luôn mới, ấy là khi chúng ta nghĩ và viết về đất nước. Bao máu xương từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ trăm năm nghìn năm nối tiếp, người dân Việt đã lao động, chiến đấu, hy sinh để làm nên một đất nước Việt Nam hình chữ S hôm nay.

Vâng, làm nên đất nước có bao nhiêu người anh hùng, nhưng cũng có bao nhiêu người lầm than vô danh đã “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” như câu thơ Nguyễn Đình Thi. “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm viết về những người lầm than vô danh đã để lại những cái tên gắn chặt vào sông vào núi, vào cả những đầm những gò những “nóc” (làng, bản) còn mãi cho tới bây giờ.

“Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”

Tên tuổi ấy có khi chỉ là tên một người phụ nữ ở Quảng Nam bán mỳ Quảng suốt cuộc chiến tranh với Mỹ, “một tấc không đi một ly không rời”, không một ngày đêm nào mà quán mỳ Quảng của bà không mở cửa phục vụ nhân dân, du kích và bộ đội Việt Cộng. Tên bà Cửu Trấu đã thành một địa danh: dốc Cửu Trấu. Đó chẳng phải thuộc về “những cuộc đời đã hóa núi sông ta” hay sao? (Trích theo hồi ký “Đồng bằng” của nhà văn Nguyên Ngọc).

Đất nước là của nhân dân, đúng vậy. Hồi xưa, thời phong kiến thì xưng tụng đất nước là của Vua. Nhưng ngay từ thuở ấy, đất nước đã là của nhân dân, do nhân dân xây dựng nên. Nhân dân ẩn khuất, nhân dân dấu mình, nhân dân “tạm vô danh” để đất nước tồn tại và phát triển. Để đất nước này có một cái tên vĩnh viễn.

Đoạn thơ “Đất nước” được các em học sinh thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020 hôm nay đã được Nguyễn Khoa Điềm viết cách đây gần 50 năm. Ngày ấy anh Điềm cũng còn rất trẻ, nên tiếng thơ của anh thuộc về tiếng thơ của tuổi trẻ, của người trẻ nghĩ và hình dung về đất nước. Kênh giao cảm, vì thế, đã được thiết lập giữa nhà thơ trẻ 50 năm trước và những học sinh trẻ hôm nay ngồi trong phòng thi, giữa áp lực của dịch bệnh Covid-19. Kênh giao cảm ấy bất chấp thời gian, bất chấp không gian, và hoàn toàn hiểu được vì sao các em học sinh làm bài văn này một cách đầy xúc cảm, đầy yêu thương và tự hào, cũng như đầy trách nhiệm.

Một cách hồn nhiên.

Khi biển Đông vẫn đang có những kẻ manh tâm lấn chiếm, khi “chiến lược mềm” mà thực chất là xâm lược không tiếng súng đang được ngoại bang thực thi trên đất nước ta, khi vẫn còn những kẻ nội phản như một gã ca sĩ nào đó công khai chà đạp lên tình yêu tổ quốc, thì lời cảnh báo của Julius Fucik: “Con người, hãy cảnh giác!” lại vang lên ngay trên đất nước Việt Nam hôm nay.

“Hãy để người trẻ hồn nhiên hiểu về đất nước như họ nghĩ. Khi họ được lựa chọn như vậy, họ sẽ có trách nhiệm về những điều họ nhận thức và suy nghĩ, và có trách nhiệm lâu dài với đất nước của họ” (trích trả lời phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm).

Vì thế, không nên nói đề thi văn năm nay khó hay là dễ. Với tình yêu tổ quốc, thì “trong khó có dễ, trong dễ có khó”. Bởi “Trên tất cả tình yêu/tình yêu này đi thẳng/đến mỗi đời ta/bất chấp những ngôn từ” (trích “Một người lính nói về thế hệ mình” - thơ Thanh Thảo).

Khi ta đã yêu, thì không một trở lực nào ngăn được ta thể hiện tình yêu đó.

>>> Bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

Thanh Thảo

Bạn đang đọc bài viết "Nghĩ về đề thi bài thơ "Đất nước" trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020" tại chuyên mục ÂM NHẠC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).