Bất chợt Phú Quang

30/10/2020 12:34

Bất cứ ai yêu nhạc cũng thuộc vài ba bài hát của nhạc sĩ Phú Quang. Vì thế bất cứ lúc nào cũng có thể ngân nga những giai điệu ông đã viết, nhất là những lúc ở Hà Nội…

Những ca khúc ấy lại có dịp vang lên ở nhiều nơi khi nhiều người hay tin nhạc sĩ Phú Quang được Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020.

Âm nhạc  - Bất chợt Phú Quang

Nhạc sĩ Phú Quang

1.“Em ơi, Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa…”. Rồi: “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ/ Tôi vội vã trở về…”. Còn nữa: “Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm/ Một Hà Nội ngây ngất nắng/ Một Hà Nội run run heo may…”. Chưa hết: “Làm sao về được mùa đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/ Làm sao về được mùa đông/ Mùa thu cây cầu đã gãy/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về”...

Nhiều, nhiều lắm. Những tình khúc của Phú Quang về Hà Nội, về tình yêu đôi lứa như đưa người ta trở về một vùng kỷ niệm xa xưa. Tôi bất chợt nhớ tới Phú Quang vào lúc chiều muộn. Khi ấy news feed trên facebook chạy dòng tít từ trang báo mạng: “Nhạc sĩ Phú Quang đã qua cơn nguy kịch”. Ấy là cách đây mấy tuần, khi đó Phú Quang đang nằm ở Bệnh viện Bạch Mai để điều trị bệnh nan y. Sức khỏe của ông có lúc yếu, song gần đây đã chuyển biến tốt hơn.

Dạo này, thông tin về các nhạc sĩ mang trọng bệnh phải nhập viện điều trị cứ loang đi khiến cộng đồng mạng xôn xao. Sự ra đi cách đây ít ngày của nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn còn khiến nhiều người nhắc nhớ. Mới nhất, thông tin nhạc sĩ Trần Tiến bị “ung thư vòm họng” cũng được lan đi, rất may đó chỉ là tin đồn không có sở cứ. Còn Phú Quang, ông nằm viện là có thật, và cũng vì nằm trị bệnh, thế nên đêm nhạc “Có một vài điều anh muốn nói với em” diễn ra tại Hà Nội hồi đầu tháng 7 vừa qua ông không thể đến dự. Có mặt trong đêm nhạc ấy, tôi thấy có một khoảng trống lớn, dù các giọng ca Tấn Minh, Minh Chuyên, Kasim Hoàng Vũ, Lệ Quyên... đã cố gắng lấp đầy. Không thấy bóng dáng của nhạc sĩ Phú Quang, không thấy tiếng đàn piano của ông… Cũng không được nghe ông đứng trên sân khấu kể những câu chuyện theo một cách mà chỉ có Phú Quang mới đủ duyên để kể…

Phú Quang là một thương hiệu. Điều đó khỏi phải tranh cãi nhiều. Thương hiệu ấy đâu chỉ là những bài hát đi vào lòng người. Sự tài hoa của ông còn thể hiện ở những bài hát do ông tự đệm đàn. Thế nên, nhiều người nhiều khi chỉ đến với các đêm nhạc do chính Phú Quang tổ chức để nghe ông nói, nghe ông hát, nghe ông đàn… Người ta làm băng rôn quảng bá đêm nhạc phải trưng trổ hình ảnh long lanh của các ca sĩ ngôi sao để bán vé, riêng đêm nhạc Phú Quang, chủ yếu thấy ông trưng ảnh mình ngồi bên cây đàn. Vui vui mà nói như đạo diễn Lê Hoàng, năm nào Phú Quang cũng “bán” Hà Nội, mà chẳng năm nào bị “ế”.

2. Nhạc sĩ Phú Quang sinh tháng 10/1949 tại Phú Thọ, quê gốc ở Hà Nội. Ông từng học tại Nhạc viện Hà Nội, chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc, sau đó công tác tại các nhà hát, làm việc cho các dàn nhạc ở Hà Nội, TP.HCM. Gia tài của ông có tới hơn 600 bài hát, phần lớn tạo dệt nên một tên tuổi Phú Quang là những ca khúc về Hà Nội.

Phú Quang là người có biệt tài phổ thơ. Hầu hết những ca khúc của Phú Quang đều phổ thơ người khác. Những Phan Vũ, Chu Hoạch, Hoàng Phủ Ngọc Tường rồi Nguyễn Trọng Tạo, Thái Thăng Long, Giáng Vân… Các thi phẩm có thể dài như trường ca hơn 400 câu “Em ơi, Hà Nội phố” của nhà thơ Phan Vũ, khi qua tay Phú Quang, ông chỉ “cấu” một đoạn, thành một nhạc phẩm tuyệt hay về Hà Nội.

Về điều này, nhạc sĩ Phú Quang từng tiết lộ, ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố” khởi nguồn từ một buổi chiều, ông cùng nhạc sĩ Trần Tiến và nhà thơ Phan Vũ gặp nhau tại sân khấu ở Quận 3, TP.HCM. “Biết tôi người Hà Nội, Phan Vũ nói: “Anh đọc cho Quang nghe bài này nhé”. Và anh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố”. Sau khi lắng nghe Phan Vũ đọc, tôi thấy xúc động quá. Tôi nói: “Anh viết cho anh mà nghe anh đọc, em cứ nghĩ anh viết cho em. Anh yên tâm, từ bài thơ này của anh, em sẽ có bài hát rất hay. Em tin nó sẽ nổi tiếng”. Phan Vũ hỏi: “Bài hát như nào? Hát thử đi!”. Hai ngày sau, bài hát “Em ơi, Hà Nội phố” ra đời. Đó là năm 1986, tôi vừa chơi piano vừa hát cho Phan Vũ nghe. Nghe xong, Phan Vũ bảo: “Quang ơi, nhạc của em làm cho thơ anh lấp lánh lên! Anh không ngờ em làm hay thế! Anh rất cảm ơn em”- Phú Quang dí dỏm kể lại.

Phú Quang là nhạc sĩ đa tình, có lúc ông được hinh dung với hình ảnh “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố”. Nhưng thực tế, Phú Quang là người cực tỉnh. Nhất là khi ông tự đứng ra là bầu sô cho những đêm nhạc của mình. Hay khi ông trực tiếp làm album kèm sách đựng trong hộp sơn mài với nhiều đầu tư công phu và bán giá bạc triệu. Song đó lại là chuyện khác. Mà chuyện ấy có thể là một chủ đề cho một bài viết khác, cũng nên.

Ở đây, lúc này, khi hay tin nhạc sĩ Phú Quang được nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội năm nay, trong tôi lại vang lên những ca khúc của ông: “Về lại phố xưa”, “Hà Nội ngày trở về”, “Mơ về nơi xa lắm”, “Im lặng đêm Hà Nội”… Những giai điệu cùng ca từ cứ vang lên, bất kể thực tế biết bao nhiêu cây cầu được nối nhưng Hà Nội ngày một tắc đường hơn. Nhưng không sao. Những ca khúc ấy của Phú Quang, dù phổ thơ nhiều người, đều đưa đến cho công chúng một xúc cảm chung về Hà Nội. Ở đó là một Hà Nội hào hoa. Một Hà Nội lãng mạn. Một Hà Nội của những luyến nhớ về những cuộc tình không trọn. Tự nhận, viết về Hà Nội như là bổn phận, những bản tình ca của Phú Quang vang lên trong tâm hôn hồn ông từ những xúc cảm chân thật, những tình yêu có thật và, tất nhiên, ẩn chứa cả mơ mộng cùng những ám ảnh về tình yêu.

Tự nhiên tôi nhớ đến ca khúc “Điều giản dị”: “Dịu dàng hạt nắng đùa nhẹ trên áo/ Đôi môi em gọi bao khát khao/ Mắt em vời vợi đăm đắm trời cao/ Em mong manh tựa rừng cây trút rơi lá/ Gió chiều bỗng chợt xao xuyến mãi không nguôi…”

Phú Quang không giấu rằng, mỗi bài hát của ông dường như đều có một bóng hồng nào đó. Ở ca khúc này thì đậm, ca khúc kia thì mờ mờ nhưng vẫn ám ảnh. Với “Điều giản dị”, em ở đây có bóng dáng của nghệ sĩ Lê Khanh. “Tôi từng rung động trước vẻ đẹp của Lê Khanh. Nhưng đó là tình yêu nghệ thuật chứ không phải tình yêu trai gái”- Phú Quang có lần dí dỏm. Chính Phú Quang cũng kể, ông từng nói điều này với đạo diễn Phạm Việt Thanh - chồng của nghệ sĩ Lê Khanh. “Ca khúc “Điều giản dị” là tôi viết về Lê Khanh đấy. Nhưng không phải bởi tình yêu mà tôi lấy cảm hứng từ sự xúc động trước vai diễn của cô cùng câu chuyện tình trong phim “Có một tình yêu như thế”.

Những bản tình ca của Phú Quang đều là tình ca buồn. Có lẽ cái tạng của ông hợp những bài tình ca buồn. Cũng có thể, bởi nó xuất phát từ đời sống cá nhân của ông chăng? Chắc là thế, nên có lần, trong một cuộc trò chuyện, Phú Quang chia sẻ: “Đời sống của tôi nỗi buồn nhiều hơn. Nỗi buồn thường liên quan đến tình yêu, tất nhiên rồi. Đôi khi người ta cố gắng bấu víu vào tình yêu và luôn thất vọng. Tôi uống cà phê vì vị đắng của nó an ủi được lòng tôi. Để thấy hóa ra đời sống này đắng cay mới là chính”.

Theo Đại Đoàn Kết

Bạn đang đọc bài viết "Bất chợt Phú Quang" tại chuyên mục ÂM NHẠC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).