Còn vang mãi “Bài ca hy vọng”

28/10/2020 16:17

Giới nhạc sĩ và công chúng yêu nhạc đã bày tỏ niềm tiếc thương khi hay tin nhạc sĩ Văn Ký-tác giả ca khúc “Bài ca hy vọng” trút hơi thở cuối cùng vào sáng 26-10, tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, ở tuổi 92.

PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam rưng rưng khi hay tin nhạc sĩ Văn Ký qua đời. Sinh thời, nhạc sĩ Văn Ký coi nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân như con cháu trong nhà. “Nhạc sĩ Văn Ký là một trong những người đặt nền móng cho sự ra đời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông đã cùng với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhạc sĩ Đỗ Nhuận góp sức xây dựng nên nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Và trong suốt hơn 20 năm, các bậc tiền bối đã ngày càng làm dày thêm kho tàng âm nhạc, cho đến lúc chuyển giao sang thế hệ mới thập niên 1980. Nhạc sĩ Văn Ký mãi mãi là tấm gương để chúng tôi noi theo”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ.

Âm nhạc  - Còn vang mãi “Bài ca hy vọng”

Nhạc sĩ Văn Ký

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam bày tỏ niềm tiếc thương khi thông tin với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về sự ra đi của nhạc sĩ Văn Ký. Nhạc sĩ Đức Trịnh cho hay, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật đối với nhạc sĩ Văn Ký. Với những đóng góp đồ sộ cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, nhạc sĩ Văn Ký xứng đáng được nhận giải thưởng cao quý nhất về nghệ thuật mà Nhà nước trao tặng. Cũng theo nhạc sĩ Đức Trịnh, bên cạnh những ca khúc nổi tiếng, nhạc sĩ Văn Ký còn để lại cho đời một kho tàng lớn về tác phẩm khí nhạc. Trong sự kính trọng với người nhạc sĩ tài năng, nhạc sĩ Đức Trịnh còn ngưỡng mộ ông bởi đã sinh ra và “truyền lửa” cho hai người con trai đóng góp tài năng cho nghệ thuật nước nhà: PGS, TS Vũ Chí Nguyện, nguyên Phó giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và nghệ sĩ guitar bass nổi tiếng Vũ Hà.

Nhạc sĩ Văn Ký tên đầy đủ là Vũ Văn Ký, sinh năm 1928, tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi và sớm bộc lộ tài năng âm nhạc. Bằng cách tự học, năm 1946, Văn Ký đã viết ca khúc đầu tay mang tên “Trăng xưa”. Sau đó, ông được cử đi học lớp âm nhạc Liên khu 4 tại Nghệ An. Năm 1954, tại Đại hội văn công toàn quốc, Văn Ký giành giải thưởng lớn với hai nhạc cảnh: “Dân công lên đường” và “Lúa thoái tô”.  Được các nhạc sĩ tên tuổi thời ấy động viên, từ năm 1955, ông về Thủ đô Hà Nội, trở thành hội viên sáng lập và sau đó là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Những ca khúc của Văn Ký luôn đậm chất trữ tình, trong sáng, có giai điệu đẹp, ca từ giàu chất thơ, gợi hình ảnh rõ nét và đậm chất nhân văn sâu sắc, được công chúng yêu thích như: “Tây Nguyên bất khuất”; “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”; “Nha Trang mùa thu lại về”; “Trời Hà Nội xanh”; “Hà Nội mùa xuân”; “Bay lên Việt Nam”... Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Văn Ký đã viết khoảng 400 tác phẩm, trong đó có nhiều ca khúc được coi là những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam. Nổi tiếng nhất phải kể đến bài hát “Bài ca hy vọng”. Ca khúc ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ (năm 1958), trong thời kỳ chiến tranh gian khổ, được đông đảo công chúng yêu thích và trân trọng. Bài hát thể hiện tâm tư, tình cảm từ đáy lòng của người nhạc sĩ, gửi niềm hy vọng vào cuộc sống, từ thời chiến tranh ác liệt cho đến ngày đất nước hòa bình. Với giai điệu mượt mà, tha thiết cùng ca từ dung dị, sâu lắng đã thấm vào trái tim yêu nhạc và tâm hồn của bao thế hệ người Việt Nam. Ngoài những ca khúc, ông còn sáng tác nhạc kịch, nhạc giao hưởng. Tháng 12-1972 tại Berlin (Đức), tác phẩm giao hưởng “Tổ khúc múa K’Nhi” của ông đã được biểu diễn bên cạnh tác phẩm của các nhạc sĩ lừng danh thế giới như: Tchaikovsky, Beethoven...

Với tình yêu âm nhạc, với những đóng góp không mệt mỏi cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, nhạc sĩ Văn Ký đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý; năm 2011, ông được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật.

Dù đã ra đi nhưng chắc chắn âm nhạc mà nhạc sĩ Văn Ký để lại sẽ mãi còn lưu lại trong tâm trí của những người yêu nhạc. Tang lễ nhạc sĩ Văn Ký được tổ chức từ 11 giờ 30 phút đến 12 giờ 45 phút ngày 30-10-2020, tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Theo QĐND

Bạn đang đọc bài viết "Còn vang mãi “Bài ca hy vọng”" tại chuyên mục ÂM NHẠC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).