Hình tượng Đại thi hào Nguyễn Du qua ngôn ngữ tiểu thuyết

28/09/2020 13:38

(VHNT) - Năm 2015, chẵn 250 năm sinh Nguyễn Du (1765-1820), UNESCO đã tôn vinh Đại thi hào DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI. Năm 2020, Việt Nam tổ chức kỷ niệm 200 năm năm mất của Đại thi hào dân tộc. Có nhiều cách thức tưởng nhớ và ghi công người con đã làm rạng danh đất nước mình. Dùng hình thức tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Thế Quang đã dựng nên một tượng đài bằng ngôn từ nghệ thuật khắc chạm hình tượng Đại thi hào Nguyễn Du, trước hết là một nghệ sĩ vĩ đại, một nhà nhân đạo lớn, và sau hết là một nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam.

Trên Tạp chí Hồn Việt (số 75, tháng 11-2013), Nguyễn Thế Quang đã viết bài Tôi đi tìm  Nguyễn Du, ông đã chia sẻ với độc giả quá trình  “đi tìm” Đại thi hào dân tộc bằng hình thức tiểu thuyết.  Nhà văn đã dồn công sức, thời gian đi vào Hà Tĩnh,  Quảng Bình, Huế; rồi ngược ra Thăng Long, Bắc Ninh,  Thái Bình,... Nghĩa là tìm về cội nguồn những vùng đất  mà Nguyễn Du đã từng sống (thậm chí mới in đó đây dấu chân thi nhân). Bảy năm trời ấp ủ, thai nghén, suy  ngẫm, thể nghiệm viết, sửa chữa, bổ sung, nâng cao,  hoàn thiện để cuối cùng đứa con tinh thần của mình - Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du - trình làng văn.

Tác giả tiểu thuyết Nguyễn Du đi tìm điều gì? Tôi đặc biệt chú ý câu thơ “Mai cốt cách tuyết tinh thần”  của Nguyễn Du được tác giả dùng làm Đề từ cho tác  phẩm đầu tay và thành công đầu tiên trên con đường  thiên lý văn chương của mình. Tôi hiểu, tác giả muốn,  bằng hình tượng văn học tái hiện một nhân cách,  không ham hố “lập công” với triều đại mới mà chỉ đau  đáu “lập thư” cho đời và hậu thế (cần chú ý tình tiết thi  nhân nghĩ về người mẹ đã khuất “Còn con của mẹ - đứa  con mẹ chiều chuộng nhất tóc đã bạc trắng, khoác trên  mình chiếc áo quan triều, sức còn khỏe, lưng còn thẳng  mà lắm lúc phải đi còng mẹ ạ”, “Bao năm qua, bao đau  đớn, bao lựa chọn, con muốn lập thư, con muốn viết  được những trang sách hay cho con người sống nhân  từ hơn, yêu thương hơn. Con sẽ từ quan để về với non  Hồng, về với những trang sách, về với chính con... Có  thể con sẽ thất bại nhưng trước hết được làm Người”).  Một nhân cách như Nguyễn Du tất yếu sẽ tìm được tự  do bên trong, từ chính mình. Đó không chỉ là phẩm  cách của một con người chân chính (viết hoa) mà là của một nghệ sĩ đích thực (có khả năng sáng tạo những  “tác phẩm làm thành người” - chữ dùng của văn hào  Pháp R. Rô-lăng).

Văn  - Hình tượng Đại thi hào Nguyễn Du qua ngôn ngữ tiểu thuyết

Tiểu thuyết "Nguyễn Du"

Nhưng rốt cục, Nguyễn Du cũng  không thể vượt qua được thời đại mình sống. Đã nhủ  lòng từ chối làm quan cho triều đại Tây Sơn, nhưng vẫn  phải đành lòng quay ra làm quan cho triều Nguyễn. Nhưng sẽ là thiếu hụt với độc giả khi tiếp cận nhân  vật văn học Nguyễn Du, nếu tác giả chỉ bó hẹp nó trong  các tương quan của trường chính trị. Nhân vật Nguyễn  Du được “vẽ” trong một không gian - thời gian mở, gồm tổng hòa các quan hệ xã hội - tự nhiên - gia đình - văn  chương. Và quan trọng hơn cả là miêu tả nó trong cuộc  đấu tranh nội tâm, tự nhận thức, theo tinh thần “phản tư”,  “sám hối”. Tác giả đã tránh được những “cạm bẫy ngọt  ngào” vốn hay giăng mắc sẵn với những cây bút non tay  khi tái hiện lịch sử (ví dụ quan hệ của Nguyễn Du với  phụ nữ nói chung, với Hồ Xuân Hương nói riêng). 

Cuối cùng “Tôi đi tìm Nguyễn Du” là khi tác giả hiện  thực hóa trong tác phẩm và kỳ vọng đưa hình tượng lên  tầm đối thoại văn hóa - chính trị - xã hội - thẩm mỹ - thế  sự: về bản chất của tự do, về nhân cách người nghệ sĩ,  về quan hệ giữa trí thức và quyền lực, về trách nhiệm  của người nghệ sĩ trước thời cuộc, về các giá trị văn hóa  được sáng tạo nên bởi những vĩ nhân (danh nhân).  Trong bốn cuốn tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế  Quang đã xuất bản Nguyễn Du, Thông reo Ngàn Hống  Đường về Thăng Long thì Nguyễn Du đậm đà tinh  thần đối thoại theo nguyên tắc chân - thiện - mỹ. Bởi vì  thời đại ngày nay đối thoại thay cho đối đầu, đối thoại  thay cho độc thoại trong một thế giới phẳng và mở. 

Có thể nói, trong số bốn tiểu thuyết lịch sử của  Nguyễn Thế Quang thì riêng với Nguyễn Du, tác giả  đã tập trung giải quyết thành công một nhiệm vụ nghệ  thuật khó khăn nhất khi chạm bút vào quá khứ, vào các nhân vật của dĩ vãng được xác định qua sử liệu lưu  trữ - mối tương quan giữa sự thật lịch sử và quyền hư  cấu của nhà văn. Thông thường “tiểu thuyết” là hư cấu  (tiểu thuyết là một câu chuyện bịa y như thật). Nhưng  “tiểu thuyết lịch sử” lại đòi hỏi nhà văn phải trung  thành tuyệt đối với các biến cố, sự kiện, con người đến  từng chi tiết. Bề ngoài tưởng như mâu thuẫn. Nhưng  văn chương có cách thức hóa giải mâu thuẫn này  bằng con dường riêng. Trong Hội thảo Đổi mới tư duy  tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (tháng  2-2018), Nguyễn Thế Quang có tham luận Đề tài lịch  sử và những vấn đề đặt ra về đổi mới tư duy tiểu thuyết,  đã nhấn mạnh: “Viết tiểu thuyết lịch sử là khám phá về  một thời đã qua, đã xa. Lịch sử chỉ có một, nhưng mỗi  thời, mỗi người có một lượng thông tin khác nhau,  có khi trái ngược nhau (…). Viết tiểu thuyết lịch sử,  không chỉ quay lại tìm vẻ đẹp của người xưa mà chính là để đối thoại với hiện tại, chia sẻ cùng bạn đọc, hướng  tới cái tiến bộ”. Về quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu  trong sự viết, ông xác quyết: “Từ mục đích tác phẩm,  chúng tôi chọn sự thật nhiều hay ít. Viết để giải trí, để  giễu nhại thì hư cấu, phóng đại phải nhiều hơn. Viết để  người đọc tin thì yếu tố thực phải nhiều hơn”. 

Văn  - Hình tượng Đại thi hào Nguyễn Du qua ngôn ngữ tiểu thuyết (Hình 2).

Tượng Đại Thi Hào Nguyễn Du

Ở tiểu thuyết lịch sử đầu tay Nguyễn Du, có thể  nói, tác giả đã khá mạnh tay khi giải quyết vấn đề tương  quan giữa sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật. Những  sự kiện liên quan đến mối quan hệ tình cảm giữa  Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, cuộc đối thoại giữa  vua Gia Long và Nguyễn Du, kể cả chuyện Nguyễn  Du chủ động phá “long mạch” để sau này trong dòng  họ không có ai ra làm quan (vì phải “bó thân vào với  triều đình”, như tiêu đề phần thứ hai tiểu thuyết), là  những “chuyện bịa như thật”, hay “thật như bịa”, đôi  khi khó phân biệt rạch ròi. 

Nếu coi hiện thực được phản ánh không đơn  thuần là hiện thực - sự kiện, vốn có mà quan trọng hơn  là hiện thực trong tính “khả nhiên” (có thể có) của nó  thì Nguyễn Du là một bước vừa thăm dò, vừa đột phá  trong cách viết của Nguyễn Thế Quang khi chăm chút  lịch sử, tất nhiên, nhưng không bỏ quên con người vừa  với tư cách là sản phẩm lịch sử, vừa với tư cách chủ thể  lịch sử, Nguyễn Du là một con người - nhân vật văn  chương như thế. 

Giáo sư AHN KYONG - HWAN, cựu Chủ tịch  Hội nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc, cựu GS  Trường Đại học Chosun, dịch giả bản dịch Truyện Kiều tiếng Hàn Quốc đã viết: “Việt Nam là một đất nước  văn hiến mãi mãi vì có tác phẩm Truyện Kiều bất hủ”  (Văn hóa Nghệ An, số 417, ra ngày 25/7/2020). Sinh  thời Đại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Bất tri tam bách  dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Nhưng  ngay năm 1965, khi chiến tranh còn ác liệt, trong bài  thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du, nhà thơ Tố Hữu đã viết:  “Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng  lời nghìn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng  thương như tiếng mẹ ru những ngày/ Hỡi người xưa  của ta nay/ Khúc vui xin lại so dây cùng Người”. ■ 

Bùi Việt Thắng

Bạn đang đọc bài viết "Hình tượng Đại thi hào Nguyễn Du qua ngôn ngữ tiểu thuyết" tại chuyên mục PHÊ BÌNH - LÝ LUẬN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).