Góc nhìn văn hóa trong “Không ai qua sông” của Nguyễn Ngọc Tư

02/10/2020 19:27

(VHNT) - Nguyễn Ngọc Tư là cây bút đa tài của văn học Việt Nam đương đại nói chung và văn chương Nam Bộ nói riêng. Các sáng tác của chị trải dài từ tản văn, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết đến cả thơ. Với một lối viết tự nhiên, ngôn ngữ trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư vừa giản dị, vừa phá cách bằng một nét phối trộn ngôn từ rất riêng. Với tập truyện ngắn "Không ai qua sông", chị đã vẽ lên cho người đọc không chỉ một xóm Nhơn Thành với đầy đủ loại người mà còn thấy đâu đó một Nam Bộ thu nhỏ.

Nguyễn Ngọc Tư thường kể lại những nỗi u hoài trầm lặng, sự nhẫn nại chịu đựng cam phận trong tâm hồn người dân quê miền Nam, mà đời sống gắn bó với con kinh, con rạch. Giọng văn và tinh thần sông nước của chị như một truyền thống nối dài từ Bình Nguyên Lộc, người đã gắn liền hai yếu tố đất và nước, thành ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ đất nước. Tư tưởng này, truyền qua Sơn Nam, đến Nguyễn Ngọc Tư, là thế hệ thứ ba, tuy đã bớt đậm đặc đi, nhưng vẫn đem lại cho người đọc, nhất là người đọc khác miền, những cảm xúc mới.

Không ai qua sông - Tập truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư gợi bạn đọc nhớ đến truyện dài Cánh Đồng Bất Tận đã từng gây xôn xao trên văn đàn một thời gian dài. Cũng lấy cảm hứng từ cuộc sống của người dân nông thôn miền Tây, nhưng giờ đây nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư có cái trăn trở của một vùng đất đã dần bị đô thị hóa, con người phải thích ứng với những thay đổi của cuộc sống hiện đại nhưng mối quan hệ trong gia đình cũng dần bị mất đi, chuyển biến theo chiều hướng khác nhau.

Ngay từ nhan đề, truyện ngắn đã hiện lên một dòng sông - có thể là dòng sông hiện thực, có thể là dòng sông tâm tưởng mà tác giả gợi ra để nói về những định kiến, những khó khăn trong cuộc đời mà những nhân vật trong truyện như Út Lẹ, Thiếp, Trầm… không thể vượt qua. Nỗi ám ảnh và trăn trở ấy đã theo người đọc từ nhan đề vào trong tác phẩm.

Văn  - Góc nhìn <a href=văn hóa trong “Không ai qua sông” của Nguyễn Ngọc Tư" src="/uploads/media/nguyen-thi-chi/2020/10/01ngoctusudl.jpg" width="450" height="338" />

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Nếu đọc Nhớ sông, Nước chảy mây trôi hay Qua cầu nhớ ngườita có thể cảm nhận được sự hùng vĩ, rộng lớn đến ngợp thở của những dòng sông Nam Bộ, thì điều kì lạ trong Không ai qua sông, dòng sông hiện lên qua rất ít chi tiết, mở đầu tác phẩm là cây cầu Mù U - mặc định của việc sử dụng hình ảnh cầu là cầu sẽ bắc qua sông. Đến giữa truyện, dòng sông cũng chỉ hiện lên trong 1 góc nhỏ: “Ra khỏi dãy chợ mé sông, gió bỏ ngọn thổi tạt mấy biểu ngữ làm đoàn người chao lắc” và kết thúc truyện, dòng sông hiện lên mờ nhạt qua câu chuyện về quá khứ của một người phụ nữ không tên. Nhưng người đọc luôn có cảm giác dòng sông là nhân chứng của tất cả số phận và cuộc đời của những người phụ nữ xóm Mù U. Sông cứ chảy lặng lẽ, đi bên đời và thầm lặng sẻ chia với những người phụ nữ nơi đây tất cả những nỗi đau đớn, bất hạnh và cả bất lực về cuộc đời của họ. Thế mới thấy văn hóa sông nước miền Tây đã ăn sâu vào tiềm thức của những con người nơi đây sâu sắc thế nào, để cho họ cảm nhận dòng sông không còn là thực thể của thiên nhiên mà đã trở thành người thân, một phần máu thịt đối với họ.

Văn hóa của Nam Bộ còn được thể hiện qua cách đặt tên những địa danh như xứ Mù U, doi Me Đất - những cái tên đã trở nên thân thuộc đối với những người dân Nam Bộ, vừa gợi được sự giản dị, dân dã, vừa gợi ra những vùng đất xa ngái, hoang sơ, là nét đặc trưng không thể nhầm lẫn với những vùng miền khác.

Những thân phận con người, những nẻo đường thôn quê của miền sông nước Nam Bộ trong Không ai qua sông cũng là một trong những biểu hiện đặc trưng của văn hóa Nam Bộ. Truyện ngắn chỉ như một lát cắt phác lược vài nét khái quát về cuộc đời của chị Thiếp, của Trầm nhưng đã thể hiện được những nỗi khốn khổ trong cuộc đời của những người phụ nữ miền Tây Nam Bộ. Với Thiếp, chỉ vì lỡ lầm trong quá khứ “bỏ nhà, bỏ chồng con, trốn đi theo anh lơ xe, không đem theo món gì”. Còn Trầm thì khốn khổ hơn, chị đang cấn bầu đứa con thứ ba và cả ba đứa con ấy đều là những đứa trẻ không cha. Nhưng đông đảo hơn cả là 50 chị em phụ nữ tham gia cuộc biểu tình chống nạn bạo hành gia đình - một vấn nạn đã và đang tồn tại trong xã hội Việt Nam, nhất là ở các tỉnh miền Tây. Văn hóa sống ngại va chạm, ngại đấu tranh, cam chịu, nhẫn nhục dường như đã ăn sâu trong nếp sống, nếp nghĩ của nhiều bà con nơi đây. Để rồi những thân phận dám sống khác, nghĩ khác, làm khác như Thiếp, như Trầm đều không nhận được sự cảm thông, chia sẻ. Nguyễn Ngọc Tư kể chuyện bằng giọng điệu như dửng dưng, thờ ơ nhưng chị ngầm gửi gắm trong đó niềm cảm thông, xót xa và trân trọng những cảnh đời, cảnh người khốn khổ. Nét đẹp văn hóa trong cách sống của người phụ nữ Miền Tây bao đời nay vẫn cần được phát huy, song Nguyễn Ngọc Tư còn đặt ra một vấn đề quan trọng hơn: trong cuộc sống hiện đại người phụ nữ cũng cần phải sống cho mình, phải dám đấu tranh để được hưởng hạnh phúc mình xứng đáng được hưởng.

Văn  - Góc nhìn <a href=văn hóa trong “Không ai qua sông” của Nguyễn Ngọc Tư (Hình 2)." src="/uploads/media/nguyen-thi-chi/2020/10/0114582086604176423459.jpg" width="450" height="225" />

Truyện ngắn "Không ai qua sông" - Nguyễn Ngọc Tư

Đặc trưng của văn hóa không chỉ thể hiện trong vẻ đẹp của tín ngưỡng, phong tục tập quán, trong nếp ăn, cách ở mà còn thể hiện trong những trăn trở, suy ngẫm về những hủ tục, những cách nghĩ còn lạc hậu vẫn tồn tại trong xã hội hiện đại như: nạn tảo hôn, chửa hoang, ngoại tình... Số phận của Thiếp, của Trầm trước hết là sự lựa chọn của họ nhằm thể hiện khát khao được hưởng hạnh phúc cho chính mình. Đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư người đọc cần phải hiểu, cảm thông rồi mới quay ra trách, hờn, giận, thương…mà có trách giận đấy, vẫn đau đáu nỗi xót xa về những thân phận con người ở vùng sông nước mênh mông, vắng lặng và còn lạc hậu, ấu trĩ.

Một trong những nét độc đáo nhất trong văn hóa Nam Bộ được thể hiện trong tất cả các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư là việc sử dụng các phương ngữ địa phương đậm đặc. Nguyễn Ngọc Tư không ngại đưa những từ ngữ vùng miền vào trong các sáng tác có tính phổ biến toàn dân của mình như: giọng giòn rụm, kêu má, má mình đang rinh chữ không nên đánh phụ nữ bằng một cành hoa; Út Lẹ lượm mấy trái bàng khô chọi dạt đám con nít khỏi đoàn người; Điện thoại trong túi chị nào cứ nhấp nhổm đổ chuông, nghe nôn ruột…. Cách sử dụng phương ngữ khéo léo, tinh tế, tự nhiên khiến bạn đọc ở miền Bắc hay miền Trung đọc không cảm thấy xa lạ, không chỉ hiểu rõ nghĩa mà còn vô cùng thích thú chất “ngọt lịm” trong ngôn ngữ của người phương Nam. Nguyễn Ngọc Tư chắt lọc ngôn ngữ từ cuộc sống đưa vào trong văn học một cách thản nhiên, nhẹ nhàng, không hề khiên cưỡng.

Không ai qua sông có thể chưa phải là truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Ngọc Tư nhưng là một trong số những truyện ngắn gây ấn tượng với tôi về đặc trưng văn hóa Nam Bộ. Từ không gian, ngôn ngữ truyện đến văn hóa trong giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt của con người Nam Bộ đều được đề cập một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc. Câu chuyện khép lại nhưng lòng người đọc vẫn mở ra những trăn trở, lo âu về tình đời, kiếp người ở nơi chốn miền Tây xa xôi. Những cảm xúc ấy có khi không thể chạm được nhưng luôn hiện hữu như từng cọng vàng của bông lúa miền Tây, từng cây cầu bắc qua những dòng sông mênh mông, từng câu hò ru con ầu ơ vẳng lên trong những đêm khuya thanh vắng… 

Nguyễn Thị Hồng Hạnh

 

Bạn đang đọc bài viết "Góc nhìn văn hóa trong “Không ai qua sông” của Nguyễn Ngọc Tư" tại chuyên mục ÂM NHẠC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).