Vũ Tú Nam - nhà văn hàng đầu của thế hệ chống Pháp

26/09/2020 02:14

(VHNT) - Nhà văn Vũ Tú Nam, Nguyên Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (khóa IV) đã vĩnh biệt chúng ta, vào hồi 10 giờ 15 ngày 9 tháng 9 năm 2020 tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, hưởng thọ 91 tuổi.

Sinh thời, nhà văn Vũ Tú Nam được công chúng văn học đông đảo biết đến là một nhà văn - chiến sĩ nổi tiếng, một đảng viên kiên trung của Đảng, một cán bộ lãnh đạo quản lý văn học giàu bản lĩnh, kiên định, mẫu mực, khoan dung và nhân hậu, được các nhà văn nhiều thế hệ tin cậy, kính trọng và cảm phục. Sự ra đi của nhà văn Vũ Tú Nam là một tổn thất to lớn của Hội Nhà văn Việt Nam, để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho các nhà văn và bạn đọc.

Văn  - Vũ Tú Nam - nhà văn hàng đầu của thế hệ chống Pháp

Nhà văn Vũ Tú Nam

Nhà văn Vũ Tú Nam, tên khai sinh là Vũ Tiến Nam sinh ngày 5 tháng 10 năm 1929, tại thôn Lương Kiệt, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong một gia đình viên chức yêu nước có truyền thống hiếu học. Thuở nhỏ, nhà văn Vũ Tú Nam theo gia đình lên sống nhiều năm tại Hòa Bình và Thanh Hóa. Tuy nơi cư trú có nhiều thay đổi nhưng nhà văn Vũ Tú Nam vẫn được gia đình tạo điều kiện để theo học đến nơi đến chốn. Và chính sự di chuyển này đã góp phần quan trọng mở rộng tầm nhìn của nhà văn tương lai.

Khi Cách mạng tháng Tám - 1945 nổ ra, gia đình nhà văn Vũ Tú Nam đang sống tại Thanh Hóa. Thân phụ của ông là cụ Vũ Duyệt Lễ đã sớm giác ngộ và tham gia Cách mạng, được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt huyện Yên Định, ủy viên tỉnh Hội Liên Việt tỉnh Thanh Hóa. Năm 1947, theo tiếng gọi của kháng chiến, Nhà văn Vũ Tú Nam “xếp bút nghiên” nhập ngũ và được cử về làm việc tại Báo Chiến sĩ và Vệ quốc quân Liên khu 4.

Từ tháng 5 năm 1950 đến giữa năm 1951, nhà văn Vũ Tú Nam được điều ra Việt Bắc làm báo Quân đội nhân dân.

Từ năm 1952 đến 1958, nhà văn Vũ Tú Nam được chuyển về Cục Tuyên huấn làm Phó Phòng Văn Nghệ thuộc Tổng cục Chính trị. Nhà văn được cử tham gia nhiều chiến dịch, sống và viết đầy nhiệt huyết bên cạnh những chiến sĩ chủ lực trên những mặt trận nóng bỏng nhất.

Từ tháng 8/1958, nhà văn Vũ Tú Nam được điều động ra công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, làm Thư ký Tòa soạn báo Văn học, Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ, sau đó được cử làm Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Nhà văn Vũ Tú Nam được bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam từ khóa I đến khóa IV, Đại biểu Quốc hội khóa IX.

Tại Đại hội lần thứ IV Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Vũ Tú Nam được bầu làm Tổng thư ký của Hội.

Đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam những năm đầu đổi mới đầy hứng khởi nhưng không ít ngổn ngang là một trọng trách rất nặng nề và khó khăn. Với bản lĩnh vững vàng, được tôi luyện trong chiến tranh, với kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều cương vị người đứng đầu các cơ quan văn học của Hội, nhà văn Vũ Tú Nam đã cùng với tập thể Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa IV kiên định Đường lối Đổi mới của Đảng, thực sự là trung tâm đoàn kết, gắn bó hội viên đối với Hội, vượt qua nhiều sóng gió, đưa nền văn học nước nhà tiếp tục phát triển.

Với đức tính ung dung mà gần gũi, giản dị mà sâu sắc, đôn hậu mà thuyết phục, nhà văn Vũ Tú Nam là một nhà lãnh đạo và quản lý văn học có tầm nhìn xa rộng, trong  sáng, đức độ, biết tổ chức và cộng hưởng một tài năng văn học, có sức cổ vũ và thuyết phục lòng người. Nhớ đến nhà văn Vũ Tú Nam, chúng ta nhớ đến một nhân cách văn hóa thanh cao, một lối hành xử tao nhã, một tâm hồn rộng mở thông cảm mọi hoàn cảnh, thương yêu và quý trọng tất cả mọi người xứng đáng, làm điểm tựa cho một tập thể nhiều tài năng nhưng cũng nhiều cá tính khác nhau.

Nhớ đến nhà văn Vũ Tú Nam, chúng ta nhớ đến một nhà văn tài năng đi đầu dấn thân triệt để và nhập cuộc hết mình trong những năm tháng khó khăn, ác liệt nhất. Với sự xuất hiện rất sớm của tập truyện ngắn Bên đường 12 (1950), tiếp theo là các tập Quê hương (1960), Sống với thời gian hai chiều (1983), Mùa xuân tiếng chim (1985) và nhiều tác phẩm khác, nhà văn Vũ Tú Nam xứng đáng là nhà văn hàng đầu của thế hệ các nhà văn chống Pháp. Với hơn 50 tác phẩm thuộc đủ các thể loại truyện ngắn, thơ, hồi ức văn học, truyện cho thiếu nhi và văn học dịch, thể hiện tài năng nhiều mặt, sức nghĩ và sức làm việc hiếm có của nhà văn Vũ Tú Nam. Di sản văn học của nhà văn cống hiến cho đất nước thật đa dạng và phong phú thấm đẫm lòng yêu nước, thương dân. Tên tuổi và sự nghiệp của nhà văn Vũ Tú Nam có vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.

Với những đóng góp to lớn hơn 70 năm cầm bút, nhà văn Vũ Tú Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, nhiều huân chương cao quý và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I năm 2001.

Ra đi ở tuổi 91, nhà văn Vũ Tú Nam đã sống một cuộc sống tận trung với nước, tận hiếu với dân, đạo lý thủy chung, nghĩa tình trọn vẹn. Hình ảnh một nhà văn tài hoa và uyên thâm, một nhà lãnh đạo có uy tín cao và thân thiết sẽ còn lại mãi với các đồng nghiệp và bạn đọc yêu quý. 

Hà Nội 11/9/2020

H.T

Bạn đang đọc bài viết "Vũ Tú Nam - nhà văn hàng đầu của thế hệ chống Pháp" tại chuyên mục GIẢI TRÍ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).