Võ Nguyên Giáp một danh từ Việt Nam

29/08/2020 18:11

(VHNT) - Tháng 11/2019, đoàn nhà văn Việt Nam (gồm nhà thơ Bằng Việt và nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng) tham dự Hội nghị Quốc tế văn học tổ chức tại ISLAMABAD (Thủ đô nước Cộng hòa Hồi giáo PAKISTAN), khi giao lưu bên lề Hội nghị được nhiều đại biểu làm quen với đoàn bằng tiếng Việt qua lời chào thân thiết: “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, lại có người nói rõ hơn: “Việt Nam - Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp”.

Có một nhà văn già hơn 80 tuổi cho biết, ông đã từng sang Việt Nam và trực tiếp phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông hết sức khâm phục Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp. Đúng là mở mày mở mặt với bạn bè quốc tế. Riêng tôi nghĩ, Võ Nguyên Giáp là Một danh từ Việt Nam

Sẽ rất khó khăn với nhà văn khi tái hiện nhân vật lịch sử tầm cỡ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì cái “khoảng cách sử thi”, như các nhà lý luận đã chỉ ra. Nhưng tác giả đã khéo léo vượt qua cái ranh giới tưởng như nhất thành bất biến này.

Bằng cách như là người trong cuộc, ướm mình vào nhân vật mà viết (cùng nung nấu nghĩ suy, cùng chịu đựng thử thách, cùng ứng biến vượt qua, cùng chung lưng đấu cật, cùng chia sẻ ngọt bùi đắng cay,…). Ngay chương 1, nhân vật chính Võ Nguyên Giáp đã xuất hiện, từ đó cho đến dòng cuối, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm. Như vậy, lồng lộng hình tượng Đại tướng là con người của tinh thần “dĩ công vi thượng”, cao như Thái sơn, dài như Hồng hà.

Con người của hành động với trí tuệ mẫn tiệp tuyệt vời, tình cảm sâu thẳm vì nước, vì nhân dân: “ Vì điều Chính phủ đang làm cũng là nguyện vọng, là ý chí của toàn dân. Chính phủ chỉ thất bại khi làm mất lòng dân, làm trái với nguyện vọng của nhân dân. Vì dân sẽ có dân, có dân là có tất cả” (tr. 566). Theo tôi, đây là tư tưởng căn cốt của tác phẩm - tư tưởng về NHÂN DÂN. Nếu nói tinh thần đối thoại lịch sử cũng chính là đối thoại về NHÂN DÂN. Hơn 500 trang sách chỉ tập trung khai thác thể hiện cuộc dấn thân vĩ đại của một thế hệ vàng, suốt đời vì nước vì dân.

Tiểu thuyết tiếp cận trang trọng nhiều nhân vật lịch sử tầm cỡ thời đại: Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, và tiếp đến là các học trò xuất sắc của Người như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp,… những nhân sỹ trí thức, những bậc túc nho của đất nước như Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên,…

Nhưng cần chú ý là, trong Đường về Thăng Long, có thể nói tác giả đã vượt qua được những rào cản về tư tưởng, tình cảm để công bằng khi “chạm” đến các nhân vật lâu nay được coi là những “tập mờ” (khái niệm Toán học) như Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh,….

Nhân vật Võ Nguyên Giáp sẽ, theo tôi, trở nên “lẻ loi” nếu thiếu mối liên hệ giường cột với các nhân vật lịch sử cùng thời khác như đã nói. Họ là những thỏi nam châm cực mạnh có sức hút nhau khó cưỡng. Đọc Đường về Thăng Long, tôi thấy, nhân vật chính Võ Nguyên Giáp có “hào quang”, một hiện tượng hiếm thấy trong các tiểu thuyết lịch sử từ trước tới nay. Nhưng nhân vật này không khiến độc giả “kính nhi viễn chi”, trái lại gần gũi, ruột thịt, thậm chí như có thể tri âm tri kỷ.

Tôi cũng đã đọc bản thảo bản in một số tiểu thuyết lịch sử viết về Võ Nguyên Giáp của các tác giả khác, đế đối chiếu, so sánh với Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang. Như ai đó nói “mọi sự so sánh đều khập khiễng”. Nhưng nếu không hiểu A làm sao ta biết B. Nguyễn Thế Quang, tôi thấy, cũng mạnh dạn đi sâu tái hiện chuyện tình cảm riêng tư của nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp (với “vong linh” của người vợ trẻ quá cố Nguyễn Thị Quang Thái, cũng như quan hệ với người phụ nữ khác sau đó). Nhưng không khêu gợi trí tò mò bằng các “chiêu” câu khách.

Nếu có viết về sự “phân thân” của nhân vật cũng chỉ nhằm làm cho nó đầy đặn, sinh động, linh hoạt, “mềm hơn”, gần gũi và đời hơn. Nói cách khác là tác giả đã khá thành công khi đi tìm cái gọi là “con người trong con người” (theo quan điểm của nhà bác học Nga M. Bakhtin, tác giả của công trình Lý luận và thi pháp tiểu thuyết đã dịch và giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam).

Phê bình - Lý luận  - Võ Nguyên Giáp một danh từ Việt Nam

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thiết nghĩ, phê bình tác phẩm không có nhiệm vụ kể lại nội dung câu chuyện mà chính nhà văn đã kể rất hay bằng ngôn ngữ tiểu thuyết của mình. Tôi sẽ làm cái việc đạp vào cánh của đã mở sẵn nếu cứ kể lại chi tiết trong hơn 500 trang sách nhân vật chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm, nghĩ, ứng xử những gì. Tôi đồng tình với ý kiến của nhà văn Nguyễn Khắc Phê trong Lời giới thiệu in đầu sách: “Tác giả đã mạnh dạn tái hiện những điều “có thể có thật”- đó là những “khoảng mờ” trong lịch sử hay những riêng tư, thao thức mà chính sử không thể có…”.

Theo lý thuyết văn học thì cách viết của tác giả trong Đường về Thăng Long, là nương theo phép của “cái khả nhiên” (cái có thể có). Toán học còn có “Lý thuyết tập mờ”, huống hồ văn chương. Có vẻ như tác giả tin tưởng vào xác tín của mình nên đã mạnh dạn “giải phẫu” những “ca” phức tạp của lịch sử như Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam,…Nghĩa là tác giả đã thoát ra được khá xa lối viết “nệ thực”.

Lối viết của tác giả khiến tôi nhớ tới cuộc tranh luận thú vị vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước về “văn học phản ánh hiện thực” hay “văn học nghiền ngẫm hiện thực”. Dẫu cho không có “phe” nào chiến thắng tuyệt đối, cuối cùng thì đa số chấp nhận: “Văn học vừa phản ánh hiện thực vừa nghiền ngẫm hiện thực”. Vậy trong Đường về Thăng Long, tương quan giữa phản ánh và nghiền ngẫm như thế nào? Theo tôi, tỷ lệ này là 50/50.

Để kết bài báo nhỏ này, tôi thấy cần nói thêm, Nguyễn Thế Quang viết đối thoại hay. Đối thoại hay, theo tôi, như một động lực làm cho cốt truyện diễn tiến mau lẹ, tạo nhịp điệu (rythme), thậm chí bộc lộ tính cách nhân vật trong một ngữ cảnh đặc biệt nào đó. Xin dẫn một ví dụ nhỏ:

“Giáp thoáng nhớ lại: Đêm ấy, hơn 8 giờ tối, đồng chí cận vệ vào báo: “Có nhà văn Nhất Linh đòi gặp”. Giáp vội mời vào ngay. Tam bước vào phòng, gương mặt rắn rỏi, dạn dày phong sương. “Rất giống anh chàng Dũng trong Đoạn tuyệt” (tác phẩm nổi tiếng của Tam với bút danh Nhất Linh). Giáp thoáng nghĩ thế rồi đưa tay chỉ vào ghế trước mặt:

- Mời anh ngồi.

Anh chưa kịp nói gì thì Tam đã hỏi:

- Ông Giáp. Các ông đã cướp được chính quyền. Vậy ông điện mời tôi về làm gì?

“À! Như vậy bức điện mình đã gửi đến tay ông ta. Nội dung có mấy dòng: “ Của Võ Nguyên Giáp tức Văn gửi cho ông Tam (nhờ AGAS chuyển). Việt Minh đã thành lập Chính phủ Cộng hòa lâm thời. Nhân danh cá nhân tôi, mời ông về Hà Nội”. (Bức điện này được SOS chuyển sang Trùng Khánh với ký hiệu số M/C. 52 ngày 31/8/1945). Giờ nghe giọng Tam có vẻ gay gắt, Giáp nhẹ nhàng:

- Có gì phải vội đâu anh Tam. Mời anh dùng tạm chén trà đã. Đưa chén trà cho Tam, Giáp nhìn thẳng vào mặt anh ấy, bắt gặp một cái nhìn thẳng và sâu như dò hỏi, như thách thức. Giáp thấy thích cái nhìn ấy, bèn nói:

- Chính quyền mới đã được thành lập, đất nước còn rất nhiều khó khăn, chúng tôi mời anh về cộng tác.

- Cảm ơn anh đã mời tôi. Nhưng, tôi lại muốn mời anh cộng tác cùng chúng tôi.

Giáp ngạc nhiên:

- Chúng tôi là ai vậy?

Là Chính phủ Việt Nam Dân quốc. Các anh nhân lúc Nhật đầu hàng, chúng tôi chưa về kịp đã tự ý tuyên bố thành lập chính quyền. Chính quyền đó không được Đồng Minh công nhận. Thống chế Tưởng Giới Thạch sẽ đưa chúng tôi lên cầm quyền. Các nước trong phe Đồng Minh sẽ công nhận Chính phủ do chúng tôi thành lập. Chúng tôi sẽ được ủng hộ về mặt tài chính. Giáp ngắt lời:

- Và nước Việt Nam thuộc Tàu?

- Đúng vậy. Thế càng tốt chứ sao?

- Dứt khoát không. Nhân dân Việt Nam không bao giờ chấp nhận điều đó” (tr. 14-15).

Đối thoại hay và câu văn được trau chuốt kỹ càng khiến cho đọc sách dày nhưng không mệt, không bỏ cuộc. Trái lại hấp dẫn và thú vị. Còn gì thành công hơn với một nhà văn hiện nay khi tác phẩm không bị lãng quên trong thời gian.

Bùi Việt Thắng

Bạn đang đọc bài viết "Võ Nguyên Giáp một danh từ Việt Nam" tại chuyên mục NÔNG NGHIỆP. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).