Vài nét phác hoạ diện mạo văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại

19/08/2020 04:30

Nhà văn Đỗ Kim Cuông sinh năm 1951, quê ở Thái Bình. Ông có bút danh: Đỗ Hồng Hà, Trà Lý, Trâm Anh. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyên Bí thư Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Khánh Hòa, Tổng biên tập Tạp chí Nha Trang, Nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương). Hiện ông là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Phê bình - Lý luận  - Vài nét phác hoạ diện mạo văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại

Nhà văn Đỗ Kim Cuông

Bước đột phá trong tư duy nghệ thuật của thời kỳ mới

Cách mạng Tháng Tám 1945 mở ra chân trời mới cho dân tộc ta và cho người nghệ sĩ. Tất cả đều hồ hởi đón nhận ngày độc lập, được làm con dân của một nước Việt Nam tự do, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hầu hết các văn nghệ sĩ, bất kể thành phần giai cấp nào, thuộc các khuynh hướng văn nghệ khác nhau, trong Nam ngoài Bắc... đều hướng theo ngọn cờ cách mạng.

Điều đó giải thích vì sao, khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, theo lời hiệu triệu kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng trăm văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến. Người vào quân đội, người tham gia các cơ quan chính phủ, tham gia các đoàn văn nghệ phục vụ nhân dân. Một trào lưu sáng tác mới gắn kết với nhiệm vụ "kháng chiến kiến quốc" ra đời tạo luồng sinh khí mới cho đời sống nghệ thuật. Đó là hàng trăm các ca khúc cách mạng, từ "Tiến quân ca", đến các tác phẩm thơ Tố Hữu, thơ ca

kháng chiến, tiểu thuyết..., các tác phẩm mỹ thuật, ảnh, điện ảnh... Chủ đề công - nông - binh và hình ảnh người dân Việt Nam trong kháng chiến được khắc hoạ chân thực và sinh động. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam với những giá trị tốt đẹp như lòng yêu nước, nhân hậu, dũng cảm, "quyết tử cho Tổ quốc sinh" thấm đẫm trong từng tác phẩm...

Hơn 20 năm chống Mỹ cứu nước, văn học nghệ thuật Việt Nam tiếp nối truyền thống của giai đoạn trước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng vượt lên những đỉnh cao mới. Cùng với sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, nhà nước, sức người sức của của toàn dân dồn tổng lực cho chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước...

Văn học nghệ thuật thời kỳ này đạt những thành tựu mới. Văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu,nghệ thuật biểu diễn... đều có những tác phẩm xuất sắc, cùng một đội ngũ nhà văn, nghệ sĩ mặc áo lính hình thành mang tới cho bạn đọc người xem một cảm xúc mới mẻ, khơi dậy lòng tự hào dân tộc tạo niềm tin và sức mạnh đưa người lính ra chiến trường. Nền văn nghệ ấy chỉ có thể ra đời, "con đẻ" của thời đại Hồ Chí Minh, cũng như hơn 700 trăm năm trước thời đại Đông A, của nhà Trần sản sinh ra bao anh hùng hào kiệt khi quân dân một lòng "sát Thát", mới tạo ra được sức mạnh khủng khiếp ba lần đánh tan quân Nguyên Mông...

30/4/1975, ngày vui thống nhất,ánh sáng hoà bình khiến cho cả dân tộc vỡ oà và ngỡ ngàng đứng trước bao điều mới lạ. Cả một thời kì dài sống trong cơ chế bao cấp, thiếu thốn: "tất cả cho tiền tuyến, cho sự nghiệp thống nhất đất nước..", "cái ta là tất cả, cái tôi là thứ yếu, là xấu xa, tội lỗi...", hình ảnh người cán bộ cách mạng vốn được tôn thờ, xem là biểu tượng... thì nay trong cuộc sống đời thường "cái xấu của con người tư hữu", bị lột trần phơi bầy bất kể họ là ai. Những âm mưu, thủ đoạn, thói hư tật xấu, kể cả những hành động phi nhân tính vốn trong chiến tranh bị khoả lấp vì nhiều lí do, nhưng bây giờ là không thể. Hiện thực cuộc sống với bộ mặt thật của nó được phơi bầy dưới ánh mặt trời, tác động tới người nghệ sĩ vốn nhạy cảm và hay xúc động,dằn vặt suy nghĩ trăn trở trước sự đổi thay của cuộc sống.

Đất nước có hoà binh, nhu cầu sống của mọi người dân khác trước. Cơm ăn, áo mặc, việc làm... Bao mối lo toan trong mỗi gia đình, tưởng là nhỏ nhưng lại cần hằng ngày với bao bức xúc, khó khăn... Cùng với nó là những xung đột xã hội... Vào những năm “80” của thế kỷ trước, khi các vở kịch của Lưu Quang Vũ ra đời, tiểu thuyết “ Đứng trước biển” của Nguyễn Mạnh Tuấn, thơ Nguyễn Duy, hàng loạt các truyện ngắn, bút kí xuất hiện trên báo Văn Nghệ như một luồng gió mới thổi vào cánh đồng văn nghệ vốn quen với một âm điệu đã trở nên nhàm chán chỉ sống với cái TA mà giấu kín cái TÔI vốn có thật trong mỗi con người.

Nhà văn Lê Lựu cho trình làng tiểu thuyết” Thời xa vắng”, Ma Văn Kháng có “Mưa mùa hạ”, Nguyễn Khắc Trường có “Mảnh đất lắm người nhiều ma", Dương Hướng có "Bến không chồng, Đỗ Kim Cuông có "Sau rừng là biển"...

Chiến tranh đã có một cách tiếp cận mới... Hình tương người lính trong chiến tranh, cũng như trở về sau chiến tranh được phản ánh góc cạnh hơn. Không chỉ có niềm vui mà còn có cả nỗi buồn, mất mát, lo toan, dằn vặt và cả tranh đấu cho lẽ phải công lý để bảo vệ phẩm giá của anh "bộ đội Cụ Hồ". Nhiều tác phẩm đã đề cập tới những vấn đề nhạy cảm như tham nhũng, tham ô, suy đồi lối sống, nhân cách, kể cả những hệ luỵ của cách ruộng đất, quan niệm lệch lạc về giai cấp làm khổ bao con người, bao gia đình tan nát...

Ánh sáng của "đổi mới tư duy" mà Đảng ta khởi động từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) và cuộc hành trình không ngừng nghỉ hơn 30 năm qua của cả một dân tộc đã làm nên bao kỳ tích trong cuôc chiến chống xâm lăng chống Pháp, rồi đánh Mỹ, chống giăc xâm lấn biên giới phía nam, phía bắc, chống đói nghèo, chống cấm vận...

Những bài học trả bằng giá máu của cả một dân tộc không hề nhỏ đủ giúp cho nhà văn và người nghệ sĩ thấu hiểu trách nhiệm công dân của mình khi ngồi trước trang viết... Không phải ngẫu nhiên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói "hãy cởi trói cho văn nghệ". Không phải ngẫu nhiên vào năm 1998, sau mấy kỳ Đại hội Đảng, Trung ương ra NQ 5 (khoá VIII), 10 năm sau Bộ chính trị ra NQ 23 về văn hoá và văn nghệ, khẳng định vai trò của văn hoá trong mối tương quan với chính trị và kinh tế, xã hội .

Tôi có một kỷ niệm nhỏ với Giáo sư, nhà lí luận văn học Hà Xuân Trường và nhạc sĩ Trần Hoàn. Năm ấy, tôi đi tháp tùng hai ông đi khảo sát ở Tây nguyên và Nam Bộ để chuẩn bị cho cho dự thảo NQ Trung ương V (khoá VIII). Đêm ấy ở Gia Lai, ông Hà Xuân Trường hỏi tôi. " Này cậu, cậu là nhà văn, có kinh qua quản lý, theo cậu "nhân vật trung tâm" của văn học ta bây giờ là ai?". Tôi nhìn vị giáo sư già với vẻ ngơ ngác. Tôi hỏi lại ông "Chú vẫn nghĩ là anh công - nông -binh- thêm anh trí thức nữa ư?". Ông Hà Xuân Trường thật thà gật đầu. " Mình nghĩ thế... nhưng phải khác đi..."

Đắn đo, tôi bảo ông. " Cháu là thằng lính may mắn còn sống sót sau chiến tranh, lứa bạn cháu cùng đi nhiều đứa chết cả rồi... Giá như đám bạn ấy còn sống, chắc có đứa sẽ là nhà khoa học, nhà văn chứ không phải là cháu? Bao năm đi học, đọc sách, và qua thực tế cuộc sống, cái mà chú gọi là nhân vật trung tâm ấy của cả một nền văn nghệ là Con người. Là CON NGƯỜI viết hoa”. Ông Hà Xuân Trường trợn mắt nhìn tôi. “Cậu nghĩ thế thật à?”...

Phê bình - Lý luận  - Vài nét phác hoạ diện mạo văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại (Hình 2).


Bám sát cuộc sống và phát hiện ra những cái mới

Nghị quyết Trung ương V (khoá 8) đã xác định "Các hội văn học nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp do Đảng lãnh đạo, nhà nước hỗ trợ kinh phí, có biên chế, trụ sở...". Khi nghe cố nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hoá trung ương thông báo tin ấy, trong căn phòng cấp bốn chật hẹp, nơi ông Trần Hoàn làm viêc, nay là khu nhà ăn của các ban Đảng (ở số 9 Nguyễn Cảnh Chân bây giờ) nhà thơ Cù Huy Cận ứa nước mắt. Ông đang ngồi cùng ông Trần Hoàn, ông Nguyễn Đình Thi chờ giây phút Trung ương bỏ phiếu...

Chặng đường đội ngũ văn nghệ sĩ đi theo Đảng làm cách mạng từ năm 1943, dưới ánh sáng của "Đề cương văn hoá", đi qua 9 năm đánh Pháp, rồi chống Mỹ, tạo dựng nên một nền văn nghệ cách mạng đã bao người nghệ sĩ ngã xuống chiến hào, hi sinh trong lòng địch như một người chiến sỹ ,theo lời Bác Hồ dạy... Các ông là những nhân chứng sống của thời đại.

Ngày nay, các hội Văn học Nghệ thuật đã thành một hệ thống, thống nhất cả nước. Theo quy định của Ban bí thư, hội Văn nghệ có hai cấp quản lý, cấp trung ương và cấp tỉnh, thành phố. Các văn nghệ sĩ ưu tú, có ảnh hưởng rộng rãi trong công chúng được xét kết nạp vào các hội chuyên ngành trung ương...

Điều may mắn là vào lúc các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô tan rã sụp đổ, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn vững tin vào con đường mà cả dân tộc ta đã lựa chọn. Vào những năm khó khăn chất chồng quẫy đạp thoát ra vòng xoáy "bao cấp", địch họa bủa vây, đã có những ý tưởng muốn xoá các hội Văn nghệ (1991), nhưng với một tầm nhìn chiến lược, ân tình, Đảng vẫn coi văn nghệ là một mặt trận của công tác tư tưởng văn hoá, là mũi xung kích hiệu quả, đưa đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng đến với nhân dân.

Trong mái nhà chung do Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật trung ương quản lý hiện nay gồm 10 hội chuyên ngành và 63 hội văn nghệ địa phương với hơn 4,2 vạn hội viên chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Hầu hết các hoạt động văn nghệ phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị của đất nước đều do các văn nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật do nhà nước và các hội thực hiện với hàng trăm cuộc biểu diễn nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật,nhiếp ảnh, mỗi năm xuất bản hàng ngàn các đầu sách, tổ chức các hội thảo, hội diễn về văn nghệ... Các hội tổ chức nhiều trại sáng tác về đề tài cách mạng, chiến tranh, công cuộc đổi mới đất nước, thông qua sáng tác phát hiện ra nhiều văn nghệ sĩ trẻ bổ sung cho đội ngũ...

Có 2 vấn đề lớn hiện nay luôn được các hội quan tâm. Một là động viên văn nghệ sĩ đẩy mạnh hoạt động sáng tác - một công việc đòi hỏi sự sáng tạo, tự thân của từng cá nhân văn nghệ sĩ, thể hiện rõ tài năng, sức lao động bền bỉ, sự hiểu biết xã hội và cả sự dấn thân vào những vấn đề sôi động phức tạp của đời sống.

Những năm gần đây đã có những truyện ngắn, tiểu thuyết, vở kịch, các bộ phim đề cập tới mảng đề tài đương đại. Các giá trị mới về con người, cuộc sống đang vươn lên trong cuộc đấu tranh sinh tử để khẳnng định cái tốt, tiên tiến đã xuất hiện và cùng với nó là cuộc chiến đấu chống lại cái ác, cái xấu, phi nhân tính đã được các tác giả tái hiện khá sâu sắc, sinh động. Những vấn đề của quá khứ cũng được tái tạo lại thuyết phục hơn...

Lý luận phê bình văn nghệ cũng được quan tâm hơn trong các tạp chí, song theo góc nhìn của cá nhân tôi, đội ngũ phê bình, lý luận chuyên nghiệp ngày càng thưa vắng, ít sắc sảo, tinh tế và ít chịu đọc. Xu hướng phê bình theo thị hiếu, thời thượng, chiều theo thị hiếu tầm thường xuất hiện... Hoặc, xu hướng phê bình vẫn bằng "đôi mắt" cũ, cứng nhắc khuôn sáo, cực đoan... Một số khác chịu ảnh hưởng lí luận phương tây, áp đặt vào văn nghệ Việt Nam không hợp thời, khiên cưỡng...

Nhiệm vụ cho văn học nghệ thuật hiên nay là góp phần xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam đáp ứng với đòi hỏi hội nhập và phát triển đất nước trở nên cấp bách và cần thiết. Sáng tạo nên những tác phẩm văn nghệ và lí luận phê bình văn nghệ đều hướng tới mục tiêu đó. Bám sát cuộc sống và phát hiện ra những cái mới là rất quan trọng với từng nhà văn, nghệ sĩ vao lúc này. Cuộc sống luôn nẩy sinh những mâu thuẫn, những vấn đề phức tạp. Tốt cũng có mà xấu cũng có. Cuộc đấu tranh khẳng định các giá trị truyền thống, nhân văn vẫn tiếp tục...

Hai là, đất nước ta đổi mới và hội nhập, thông tin và các phương tiện truyền thông có vai trò tích cực góp phần vào cuộc cách mạng 4.0 hôm nay. Thế giới mạng giúp cho chúng ta đến với nhân loại gần hơn bao giờ hết, thúc đẩy quá trình dân chủ hoá, minh bạch, công bằng, công khai. Ý thức trách nhiệm công dân được nâng cao. Song cũng vì vậy, các thế lực thù địch với nhân dân và đất nước, với cách mạng luôn lợi dụng mạng cá nhân, các báo đài thiếu thiện chí tuyên truyền chống phá đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta trên mọi mặt trận, trong đó có văn hoá văn nghệ.

Những năm gần đây, trên thị trường sách, phát tán trên mạng một số ấn phẩm độc hại. Một trong những mục tiêu kẻ xấu nhắm tới là phủ nhận và xuyên tạc hình tương Bác Hồ kính yêu của dân tộc ta. Ở nước ngoài và trong nước một vài kẻ mượn danh trí thức, nhà văn, nhà báo tung ra những ấn phẩm, phát ngôn lệch lạc, vu khống về thân thế sự nghiệp của Người. Có thể kể đến "Mặt thật" của Bùi Tín. "Đêm giữa ban ngày" của Vũ Thư Hiên," Đỉnh cao chói lọi" của Dương Thu Hương, Lê Hữu Mục xuyên tạc "Nhật ký trong tù" không phải của Bác... Những người Việt phản động di tản ra nước ngoài cũng làm phim, in tài liêu kích động...

Một số khác viết về truyền thống lịch sử, về chiến tranh nhưng nhìn nhận lịch sử, chiến tranh với sự thiên lệch, không đúng sự thật, không thuyết phục người trong cuộc... Do đó cuộc đấu tranh "chống diễn biến hoà bình, chống suy thoái, chống tự diễn biến" trong đội ngũ vẫn tiếp diễn...

Nhà văn Đỗ kim Cuông

Bạn đang đọc bài viết "Vài nét phác hoạ diện mạo văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại" tại chuyên mục GÓC NHÌN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).