Bệnh “nan y” của ngành Y: Bệnh viện K có thổi giá thiết bị y tế hay không?

01/10/2020 00:14

(VHNT)- Trong bài “Giới văn nghệ sĩ và người dân chữa bệnh ở Bệnh viện K được hưởng lợi gì từ 5 nhà đầu tư trúng thầu hơn 947 tỷ đồng liên doanh, liên kết” mà Thời báo Văn học Nghệ thuật đăng tải đã đưa ra những lợi ích mà nghệ sĩ, người dân được hưởng từ hình thức đầu tư xã hội hóa trang thiết bị y tế tại Bệnh viện K. Tuy nhiên, việc đầu tư từ hình thức này đã không mang lại những lợi ích thực sự như cam kết.

Y tế - Bệnh “nan y” của ngành Y: Bệnh viện K có thổi giá thiết bị y tế hay không?

Bệnh viện K trực thuộc Bộ Y tế.

Theo tài liệu điều tra cho thấy, dự án xã hội hóa ở Bệnh viện K sau khi trừ các chi phí chụp CT scanner 64 dãy và 128 dãy (không bao gồm thuốc cản quang) chi phí 3,5 triệu đồng/ca, bệnh viện và công ty chỉ được lợi nhuận trên 170.000 đồng, chia 50/50, mỗi bên chỉ được nhận trên 85.000 đồng/ca bệnh.

Con số này là rất bất thường, khi nhà đầu tư nào bỏ ra tiền tỉ lại chấp nhận lợi nhuận mỗi ca chụp chỉ 85.000 đồng. Bệnh viện cũng có mặt bằng, có thương hiệu, có bệnh nhân, có bác sĩ nhưng cũng chỉ thu được 85.000 đồng/ca.

Nhưng không chỉ thiết bị này, mà hàng loạt thiết bị khác đầu tư theo diện xã hội hóa tại bệnh viện này cũng có khoản thu về cho bệnh viện ít đến đáng thương: hệ thống chụp CT 128 lát cắt doanh thu 10 năm là hơn 211 tỉ đồng, nhưng bệnh viện chỉ thu được trên 6 tỉ, tức mỗi năm bệnh viện thu được khoản lợi nhuận chỉ hơn 600 triệu đồng, trong khi bệnh nhân phải chi hơn 20 tỉ.

Hệ thống chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla doanh thu 10 năm gần 375 tỉ, bệnh viện chỉ thu được 21 tỉ, tức mỗi năm 2,1 tỉ, trong khi thu của bệnh nhân trên 37,5 tỉ đồng.

Trả lời báo chí, đại diện Bệnh viện K cho rằng lý do phần lợi nhuận bệnh viện thu được trong các đề án xã hội hóa quá thấp là do bệnh viện đã xây dựng giá thu trên cơ sở bù đắp chi phí và tích lũy không quá 10% để đảm bảo giá thu thấp cho người bệnh.

Y tế - Bệnh “nan y” của ngành Y: Bệnh viện K có thổi giá thiết bị y tế hay không?  (Hình 2).

 

Y tế - Bệnh “nan y” của ngành Y: Bệnh viện K có thổi giá thiết bị y tế hay không?  (Hình 3).

Thông báo trúng thầu của Bệnh viện K Hà Nội.

Một bằng chứng khác cho thấy, khi giữ chức Giám đốc Bệnh viện K, ông Trần Văn Thuấn (hiện đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế) đã mua nhiều thiết bị y tế có giá trị lớn. Cụ thể:

Gói thầu mua sắm hệ thống robot trong phẫu thuật nội soi và thiết bị phụ trợ, nhà thầu là Công ty CP đầu tư y tế Việt Mỹ, giá trúng thầu: 88.360.000.000 đồng. Cùng thiết bị như trên Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh mua với giá 79.000.000.000 đồng.

Gói thầu mua máy X quang di động, nhà thầu là công ty Trang thiết bị y tế Đại Dương, giá trúng thầu 2.835.000.000 đồng.

Gói thầu thiết bị chẩn đoán hình ảnh, nhà thầu là Công ty CP MOPHA, giá trúng thầu 7.027.000.000 đồng.

Gói thầu chụp mạch xóa nền, nhà thầu là Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ kỹ thuật TNT, giá trúng thầu là 29.620.000.000 đồng.

Gói thầu chụp nhũ KTS, nhà thầu là Liên danh Công ty CP vật tư trang thiết bị y tế Cường An – Công ty TNHH Đại Tiến Đức. Giá trúng thầu 8.385.000.000 đồng.

Đặc biệt những gói bảo trì, thay thế thiết bị giá rất cao ví dụ như: Gói bảo trì bảo dưỡng máy CT là 6.240.000.000 đồng được trao cho Công ty CP y tế Việt Nhật. Hay gói bảo trì máy SPECT 2 đầu thu 1.172.000.000 đồng, thay bóng phát cho máy CT có giá lên tới 2.049.079.000 đồng.

Với những thống kê trên, có thể thấy một thiết bị y tế khi được mua mới đã bị thổi giá lên gấp nhiều lần so với giá ban đầu. Và việc gánh những khoản chi hay thu mua trang thiết bị này không ai khác chính là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Xã hội hóa trang thiết bị y tế có thực sự mang lại lợi ích cho người dân hay không? Và số tiền thu được từ việc khai khống các trang thiết bị y tế sẽ vào túi ai?

Từ vụ việc ở Bệnh viện Bạch Mai, người dân không khỏi nghi ngại về giá trang thiết bị ảnh hưởng tới giá dịch vụ khám chữa bệnh ở nhiều cơ sở y tế khác. Việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế nếu không công khai, minh bạch, sẽ dẫn đến việc nâng khống, thổi giá để trục lợi. Chủ trương xã hội hóa y tế công đã triển khai được nhiều năm nay, nhưng mặt trái của nó đã gây ra nhiều biến tướng để trục lợi.

Chuyện thổi giá thiết bị y tế đã được dư luận bàn tán từ nhiều năm nay. Nhưng lạ thay, đến nay vẫn ồ lên như mới tinh kinh ngạc. Dân cứ vào bệnh viện không chỉ để khám, chữa bệnh mà còn thấp thỏm nỗi lo, thậm chí cảnh giác không an toàn cho chính sức khỏe của mình…

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Nhóm PV

 

Bạn đang đọc bài viết "Bệnh “nan y” của ngành Y: Bệnh viện K có thổi giá thiết bị y tế hay không? " tại chuyên mục THẾ GIỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).