Thầy giáo dạy văn là ai?

29/09/2020 18:59

(VHNT) - Cách nay chưa lâu, nhân ngày 20 -11, học trò tặng tôi cuốn sách “Niềm vui dạy học - Khởi đầu của tân giảng viên” của tác giả Peter Filene (GS. môn Lịch sử, thuộc University of North Carolina - Chapel Hill, Hoa Kỳ) do Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn ấn hành. Một cuốn sách viết giản dị nhưng sâu sắc, nhuần nhuyễn lý và tình, lý luận và thực tiễn, trên nền tảng sự khiêm tốn tuyệt vời. Đến nay, tôi đã có thâm niên dạy Văn ở bậc đại học, đồng thời có tham gia dạy Văn ở THPT Chuyên, nên ít nhiều đúc rút được một số trải nghiệm nghề nghiệp. Mới đây lại đọc bài “Tôi học Văn ở trường phổ thông” của GS. Trần Đình Sử (đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An online, 6/9/2020). Cuốn sách của GS. người Mỹ và bài của GS. Trần Đình Sử có nhiều chỗ đối nhau khiến tôi phải suy nghĩ về vấn đề “Thầy giáo dạy văn là ai?” (xin được thưa trước, nếu viết đầy đủ, theo một động hướng, thì nhan đề bài viết của tôi phải là “Thầy/ cô giáo dạy môn Ngữ văn trong trường phổ thông là ai?”).

CÁC GIÁO SƯ LỊCH SỬ, VĂN CHƯƠNG NÓI GÌ VỀ NGƯỜI THẦY?

Trong cuốn sách của mình, GS. Peter Filene đúc rút các phẩm chất (có tính lý tưởng nhưng không phải không trở thành hiện thực) của một giảng viên (đại học) là: lòng nhiệt tình (giảng viên là nguồn cảm hứng), sự rõ ràng (sẵn sàng lắng nghe và đối thoại), cách thức tổ chức (lớp học, môn học), khơi dậy khát khao (của người học), sự quan tâm (trong quan hệ thầy - trò), giảng dạy khoa học mang tính nghệ thuật, giảng dạy không tách rời nghiên cứu. Những tiêu chí này được hiểu là áp dụng/đòi hỏi với một giảng viên đại học không chỉ ở Hoa Kỳ mà có tính phổ biến thế giới. Nhưng tinh thần của nó có thể ứng nghiệm vào đội ngũ giáo viên dạy phổ thông (trừ hai tiêu chí cuối ở mức đòi hỏi cao). Rõ ràng muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi trước tiên (“không có thầy đố mày làm nên”).

Văn  - Thầy giáo dạy văn là ai?

Nhà văn - nhà giáo Bùi Việt Thắng (thứ 3 từ phải sang) trong sự kiện tặng sách cho Trường Chuyên KHXH&NV 

Bây giờ ta hay nói: “Học sinh là nhân vật trung tâm” của dạy và học. Nhưng theo tôi thì: “Thầy và trò là hai nhân vật trung tâm của nhà trường” (bất kỳ cấp nào). Tôi nói, giữa GS. Lịch sử Hoa Kỳ và GS. Văn học Trần Đình Sử có chỗ đối nhau là có cơ sở (nói có sách mách có chứng). Trong bài Tôi học Văn ở trường phổ thông, tác giả viết: “Thầy dạy Văn lớp 8 của tôi hồi ấy là thầy Lê Ngọc Cầu, từ khu V tập kết ra Bắc.

Sau này thầy nghiên cứu Tuồng, có sách viết chung với với nhà nghiên cứu Phan Ngọc. SGK lớp 8 có bài thư của Tiểu Kinh Tâm để lại. Chúng tôi đều phải học thuộc lòng. Khi học thuộc lòng tôi thấy bài văn rất hay, nhưng khi thầy giảng bài, thú thật không làm cho chúng tôi thấy hay thêm gì cả. Tôi có cảm tưởng các thầy khi ấy chưa biết dạy văn”. Lên lớp 9, tình hình cũng không có gì khả quan hơn, giờ dạy Văn của thầy Long khiến: “Chúng tôi cảm thấy đơn điệu”. Tôi cứ băn khoăn sau khi đọc, có ý gặp trực tiếp để hỏi cho ra nhẽ vì sao các thầy dạy văn phổ thông thời ấy thì như thế nhưng học trò lại rất giỏi (!?). Nhưng với tôi, học Văn ở cấp 3 (bây giờ là THPT) lại khác hẳn. Lớp 8 và 9 tôi được học với thầy Phan Viết Đan (quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, tốt nghiệp ĐHSP Vinh), lớp 10 học văn với thầy Hoàng Lân (quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội). Đó là những người thầy tuyệt với đã dẫn dắt tôi vào con đường văn chương.

THẦY GIÁO DẠY VĂN - NGƯỜI “TRUYỀN LỬA”?

Nói “Thầy giáo dạy Văn là người truyền lửa” nghe có vẻ to tát, chính xác và giản dị hơn, đó là người truyền cảm hứng cho học trò tình yêu văn chương. Thời học lớp 8, trong một buổi ngoại khóa, thầy Phan Viết Đan nói về vẻ đẹp của ca dao Việt, thầy nói theo cảm xúc của người nghệ sĩ (nay thầy là tác giả của mấy tập thơ, hội viên Hội VHNT Hà Tĩnh). Sau này anh bạn cùng lớp đại học Nguyễn Xuân Kính ra sách Thi pháp ca dao có tặng tôi, đọc mới hiểu chân tơ kẽ tóc về thể thơ “lục bát” là đặc sản dân tộc (trong ca dao thể “lục bát” chiếm đa số). Nhưng khi còn học trò lớp 8, nghe thầy giáo bình chú câu ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”, tôi và các bạn yêu văn cứ ngây ngất, vì cái hay “hữu xạ tự nhiên hương”, đã đành, cộng vào cái hay của người bình  mở rộng biên độ sang thơ Hàn Mặc Tử, thi sĩ viết nhiều và hay về trăng (được đọc lên một cách cẩn trọng vì thời ấy Thơ mới như là thứ cấm kỵ), nên câu ca dao cứ ngân nga trong tâm cảm tôi mãi đến bây giờ.

Nói truyền lửa/ truyền cảm hứng chính là “truyền mỹ cảm” (cảm xúc về cái đẹp) giữa người phát (thầy) và người nhận (trò). Thầy Hoàng Lân, khi tôi ra Hà Nội (1968) học lớp 10, thì say sưa giảng (cũng trong giờ ngoại khóa) thiên truyện Buổi học cuối cùng của nhà văn Pháp thế kỷ XIX. A. Đô-đê (A. Daudet). Thầy giỏi tiếng Pháp nên đôi chỗ bổng trầm nguyên bản đã lưu vào trí nhớ, khiến bọn học trò ngẩn ngơ (hồi ấy chúng tôi chỉ được học tiếng Nga, hoặc tiếng Trung Quốc). Kết thúc giờ học thầy giọng run run: “Các em nên nhớ, đó là cái đẹp - tiếng mẹ đẻ, tiếng Pháp - có nguy cơ bị đánh mất, người ta chỉ nhận ra đầy đủ giá trị khi cái đẹp có thể vuột khỏi tay mình”. Hơi cao, nhưng bằng sự mẫn cảm ít nhiều, những học trò giỏi Văn đã được thầy chắp cánh bay vào bầu trời văn chương bao la, hiểu được cái đẹp là sự giản dị, nhất là tình yêu tiếng mẹ đẻ.

 

THẦY GIÁO DẠY VĂN - “BA TRONG MỘT”?

Tôi được GS. NGND Hoàng Như Mai truyền nghề khi mới ở lại làm trợ giảng của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (từ 8/1974). Cách truyền nghề của thầy cũng không giống ai khi chỉ khơi dậy niềm tin của bản thân với người khác. Nhưng theo thầy, để trở thành một người thầy dạy tốt ở bậc đại học (cả bậc phổ thông) thì cần hội đủ ba phẩm chất “nhà sư phạm - nhà khoa học - nghệ sĩ”. Thầy tôi đã trải nghiệm dạy học từ phổ thông đến đại học, từng là Hiệu trưởng Trường Sư phạm, từng là diễn viên sân khấu, lãnh đạo đội kịch trong kháng chiến chống Pháp, vừa nghiên cứu - phê bình văn học, vừa sáng tác văn thơ.

Giờ dạy của thầy ở Khoa Ngữ văn dạo những năm 70 của thế kỷ trước lúc nào cũng chật lớp vì sinh viên các khoa Triết, Sử, Địa cũng xin vào nghe. Mỗi giờ giảng thầy như phóng chiếu hết mình, đôi lúc như lên đồng, tạo hấp lực vì kiến thức uyên bác, đã đành, còn vì cái lối mê dụ người nghe, tạo tương tác. Vận dụng kinh nghiệm của Thầy tôi thu được một số kết quả khả quan trong nhiều năm dạy đại học, cũng như phổ thông (THPT Chuyên). Sinh thời, TS. Chu Văn Sơn thường có những chia sẻ nghề nghiệp thú vị với tôi trong những dịp cùng nhau công tác hay giao lưu sách vở, chữ nghĩa.

Văn giới/ giáo giới gọi anh là người “lụy đẹp”, tôi thấy không sai. Anh là một thầy giáo tài hoa cả ở trên bục giảng trường đại học, cũng như phổ thông. Học trò thích bài giảng, bài viết của anh ở sự phá cách, tất nhiên, nhưng vẫn luôn luôn có khung khổ của cái đúng, cái quy phạm nhà trường. Anh dự giờ giáo viên dạy giỏi, anh dạy trường Chuyên, ở đâu cũng được ái mộ vì giống như một thỏi nam châm hút người học bằng tố chất “3 trong 1” (cả bẩm sinh năng khiếu, cả trui rèn tu luyện, cả trải nghiệm đời và văn,...). Anh còn là người nương theo phép hành động “đi - đọc - viết” như là phẩm tính của một nhà văn thực thụ.

Trong tiếp xúc với nhà văn Ma Văn Kháng, tôi biết rõ hơn những năm ông dạy học ở miền núi Tây Bắc đã đúc được nhiều kinh nghiệm. Khi được hỏi: “Thầy giáo dạy Văn là ai?”, ông trả lời giống như GS. NGND Hoàng Như Mai: “3 trong 1”.

THẦY GIÁO DẠY VĂN CÓ CẦN TINH THẦN DẤN THÂN?

Nói “dấn thân” với thầy giáo dạy Văn nghe có vẻ to tát.  Nhưng là một thực tế. Những giáo viên “cắm bản” như trong thiên truyện Cơn mưa màu mận trắng của nhà văn Phạm Duy Nghĩa (Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn 2003-2004 của tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam) đã là những con người - nhân vật dấn thân. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã dạy học ở miền núi Tây Bắc 10 năm, cũng là dấn thân, đó là quãng thời gian ủ men say văn chương, tích lũy đủ suy nghiệm, có đủ “bột” để viết Muối của rừng, Những ngọn gió Hua Tát (gồm 10 truyện),...

So với các nghề khác, nghề báo chẳng hạn, dạy học là một nghề ít nguy hiểm hơn, nhưng nếu thiếu tinh thần dấn thân (thiếu lửa) thì đôi khi dễ rơi vào lối “công chức” sáng cắp ô đến chiều cắp về, thậm chí cảm thấy đơn điệu, nhàm chán. Nếu người học có niềm vui đi học thì người dạy học càng phải có niềm vui dạy học. Ngày trước Nam Cao đề ra phương châm “Sống đã rồi hãy viết”, phép tinh thần này cũng có thể ứng nghiệm với thầy dạy Văn ngày nay.

Bùi Việt Thắng

Bạn đang đọc bài viết "Thầy giáo dạy văn là ai?" tại chuyên mục GIÁO DỤC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).