Phạm Thúc Chương – Một họa sĩ lớn, một nhà triết học

29/08/2020 17:45

Vào cuối tháng trước (tức tháng 10 năm 1971 – TCMT), ông Phạm Thúc Chương, một họa sĩ người Việt Nam, sinh ở Bắc Kỳ, năm 1918, người đã từng giành giải thưởng lớn của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (vào năm 1938 – TCMT), và đã chọn một ngôi làng nhỏ bình yên gần Yvonand làm nơi sinh sống – đã mất.

Hội họa như vậy cũng đã mất đi một trong những họa sĩ tinh tế và nhạy cảm nhất, một tâm hồn phương Đông và nghệ thuật “tinh lược” của ông (đấy là ta đang nói về một họa sĩ Á châu, ông có thể vẽ ra một cành mận mà ta như thấy cả một mùa xuân!)

Ông biết ép các đồ vật, con vật, các thực thể bộc lộ ra tất cả, khiến chúng trở nên thanh khiết hơn (và cứ thế, có vẻ trái ngược, nếu như ta đi tìm trong nghệ thuật lớn, một nét bền vững và chắc chắn).

Mỗi một bố cục của Phạm Thúc Chương có vẻ như thoáng qua theo một khoảnh khắc của cuộc sống, nơi chúng ta sẽ trải qua với sự nhẹ nhàng ấy, sự trong trẻo ấy của nghệ thuật ông, nó âm thầm đến từ một sức mạnh đôi khi không thể hiểu nổi.

Các tác phẩm của ông viễn du qua hai thời kỳ: thời kỳ của sự trưởng thành được tạo ra ở mức độ trực giác, và một thời kỳ mang đầy tính nhục cảm trong thể hiện, ngắn ngủi hơn nhưng có rất nhiều cái hay hơn so với thời kỳ đầu tiên; cả hai thời kỳ như thế nối với nhau bằng cái thoáng chốc tinh khôi khi ngọn bút vẽ bắt vào bề mặt trắng (một kiểu cách bắt đầu với không gian như vậy chắc rằng hay hơn sự bắt đầu với những cái cây, con đường, những bông hoa mà người họa sĩ ấp ủ).

SỰ LÃNG QUÊN ĐỐI TƯỢNG

Để trông đợi cái đẹp, cần phải bắt đầu từ trừu tượng hóa. Sự trừu tượng hóa ư? Đó chính là chìa khóa của Phạm Thúc Chương: Quên đi đối tượng để không có gì hơn ngoài cảm nhận cái bản chất, tuyến đường của vô thức. Điều này có thể thấy ở Phạm Thúc Chương qua các bức tranh lụa, tranh vẽ trên giấy Nhật Bản hay trên toan, làm người ta không thể cầm được suy tưởng về một chất thơ phương Đông, về những bài thơ tứ tuyệt kiểu Trung Hoa hay Nhật Bản, mà ta có thể gọi là theo truyền thống.

Thế nhưng, ở trường hợp của Phạm Thúc Chương, cả hai cái đó lại chiếu vào mắt ta theo một cách riêng biệt, bằng sự đa dạng trong xử lý bề mặt và cách thức phải chịu đựng truyền thống ấy, nhằm khai thông một bút pháp hiện đại và duy nhất, mà tự trong nó vẫn biểu lộ được sâu sắc lòng trung thành với nòi giống, cho sự ngự trị của cây cỏ và muông thú mà nó vốn thích gợi lên bằng nét và mảng…

Phạm Thúc Chương sống ở Chavannes-le-Chêne (gần Yvonand), cùng người vợ trẻ, trong một ngôi nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng, nơi ông đã nâng cao và đổi mới chính bản thân mình. Ở đấy cũng tạo ra một môi trường tiện nghi để mỗi năm hai lần, ông tập hợp các nhóm học chuyên đề để giảng dạy các bí mật của phương pháp ăn chay thực dưỡng (macrobiotic), vì người họa sĩ này cũng kiêm cả một bậc hiền triết.
Ông đã làm, như điều ông nói, là “người truyền đạt đạo lý của phương Đông…”

Mỹ thuật - Phạm Thúc Chương – Một họa sĩ lớn, một nhà triết học

PHẠM THÚC CHƯƠNG – Qua cầu. Lụa. 21×47,5cm. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Mỹ thuật - Phạm Thúc Chương – Một họa sĩ lớn, một nhà triết học (Hình 2).

Họa sĩ Phạm Thúc Chương (1918-1971)

Mỹ thuật - Phạm Thúc Chương – Một họa sĩ lớn, một nhà triết học (Hình 3).

Chữ ký của Phạm Thúc Chương trên một bản in năm 1965

Mỹ thuật - Phạm Thúc Chương – Một họa sĩ lớn, một nhà triết học (Hình 4).

PHẠM THÚC CHƯƠNG – Hươu. Lụa. 63x60cm. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Mỹ thuật - Phạm Thúc Chương – Một họa sĩ lớn, một nhà triết học (Hình 5).

PHẠM THÚC CHƯƠNG – Trẻ em chơi đùa. Lụa. 18×44,5cm. Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội

Theo Tạp chí Mỹ Thuật

Bạn đang đọc bài viết "Phạm Thúc Chương – Một họa sĩ lớn, một nhà triết học" tại chuyên mục GIAO THÔNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).