Nơi thanh lọc tâm hồn

01/08/2020 13:57

Trên thế giới, rất nhiều quốc gia có những khu đất mang dấu ấn lịch sử tâm linh để người ta hành hương về tưởng niệm. Truông Bồn sẽ trở thành nơi để ta đến hương khói, để con người thanh lọc tâm hồn.

Tác phẩm mới - Nơi thanh lọc tâm hồn

 

Ngày 30 tháng 10 năm 1968. Một đoàn xe quân sự sẽ vượt Truông Bồn trước lúc trời sáng. Cần một lực lượng bảo vệ và thông đường.

Trong lúc đó, một thông tin mật đã truyền đi các sở chỉ huy của cả hai phía. Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa Mỹ buộc ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc.

Trong lúc đó, 14 người con trai, con gái của đại đội 317, sau 100 ngày trực chiến, phá bom thông đường ở Truông Bồn, đang chuẩn bị cho cuộc sống bình thường khi hoàn thành nghĩa vụ người lính.

Một người sẽ được về chăm sóc mẹ già vì không còn ai ở nhà.

Một người có anh trai là liệt sĩ mới hy sinh nên được xuất ngũ.

Một đôi tình nhân yêu nhau 3 năm chờ về nhà làm đám cưới.

Bốn người sẽ vào các trường trung học dạy nghề để có một nghề cho cuộc sống dài lâu.

Tám người này đã liên hoan chia tay đồng đội. Nhưng đoàn xe lớn sẽ vượt truông, cần thêm người làm việc. 14 người của đơn vị, như nhiều lần khác đã xung phong ra tuyến đường.

6 giờ sáng bọn Mỹ đến, 14 con người trẻ tuổi này lại trong tốp cuối cùng đi tìm nơi trú ẩn. Một tốp 4 chiếc máy bay Mỹ trút xuống 2 loạt với 238 quả bom phá.

Trên một diện tích nhỏ 238 quả bom đã bóp nát vụn từng nắm đất chỉ trong vài phút. 13 người trẻ tuổi chết ngay, chỉ còn 6 thi thể nguyên vẹn.

Những mảnh thi thể khác đã không còn phân biệt được, đã trộn lẫn vào đất. Cô gái trẻ tên là Thông khi ấy ôm khẩu súng trường.

Người và súng bị vùi trong đất, nòng súng nhô lên cao. Nhờ cái họng súng trường, người ta đã tìm được cô, người duy nhất sống sót trong 14 người. Còn 13 người khác đã mãi mãi dừng lại ở tuổi thanh xuân. Mãi mãi trẻ.

Trần Thị Doãn 20 tuổi - Hà Thị Đang 20 tuổi - Hoàng Thị Nhung 20 tuổi - Nguyễn Thị Tâm 22 tuổi - Phạm Thị Dung 20 tuổi - Nguyễn Thị Phúc 21 tuổi - Vũ Thị Hiên 20 tuổi - Đàm Thị Bốn 21 tuổi - Trần Văn Hạp 21 tuổi - Nguyễn Thị Văn 18 tuổi - Nguyễn Thị Hoài 17 tuổi - Đinh Thị Vinh 18 tuổi - Cao Ngọc Hòa 20 tuổi.

Tôi nhìn một thiếu niên 17 tuổi của ngày hôm nay sống trong bao bọc của rất nhiều sự chăm chút, lại thấy đau tận đáy lòng thương xót người thiếu niên bị tan ra trong đất Truông Bồn cái ngày khốc liệt đó.

Tôi đã từng sống những ngày chiến tranh ở các trọng điểm ác liệt nhất trên đường 1 và đường 15. Từng biết thế nào là tiếng rít của đạn đại bác bắn từ tàu Mỹ, nó xé gió qua đầu ta, rơi gần nơi ta đứng như một trái bom. Cái chết ấy luôn bất chợt ở các vùng Hoàng Mai - khe Nước Lạnh - Cầu Lau - Cầu Hổ - Cầu Vằng.

Bất chợt như thứ bom tọa độ. Bom rơi rồi nổ, máy bay xa rồi mới nghe tiếng động cơ của nó. Các anh chị ở Truông Bồn đã chết vì các loạt bom tọa độ. Chết bất ngờ.

Tác phẩm mới - Nơi thanh lọc tâm hồn (Hình 2).

 

Làm sao chỉ trên một diện tích nhỏ hẹp mà bọn chúng phải rải từng ấy bom? Chỉ cần một phần mười số bom ấy, mặt đất đã không còn thở được.

Có lần, ở sân một trường đại học thuộc bang Minesota (Mỹ), người ta chỉ cho tôi một gã bảnh bao tóc hoa râm cao lớn đang ngồi uống cà phê, một cuốn sách trong tay. Gã kia đã từng lái máy bay ném bom ở Việt Nam.

Tôi nhìn gã, thấy bình thường ôn hòa thư thả, có lẽ gã không hình dung nổi tâm trạng chúng tôi những ngày chiến tranh khi miếng ăn giấc ngủ không thể bình thường khi hai tai điếc đặc vì tiếng rú rít của các loại phản lực, các loại bom pháo.

Máy bay của gã cất cánh từ Utapao, từ Cò Rạt, từ Wusan, nơi người ta cho Mỹ thuê đất để lấy tiền và giàu lên từ chiến tranh Việt Nam. Gã đến Việt Nam rất nhanh.

Gã không cần ngó nghiêng, cứ tọa độ đó gã cắt bom. Lần ấy, tôi nhìn gã chằm chằm, cố hiểu xem gã có biết người ta chết thế nào dưới cái bấm nút vô cảm của gã. Chưa có cái gì sạch sẽ thế vô can thế trong cái sự giết người dã man như trong chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Dã man vì người ta không thể tóm cổ một thằng phi công khi nó đang trút bom, bắt nó nhìn cái kết quả nó gây ra...

Ở Truông Bồn các anh chị đã sống những ngày oanh liệt, cả khi không có tiếng máy bay, hiếm hoi có những phút như thế, cái mặt đất tan hoang vẫn luôn gợi đến sự tàn khốc... 5.000 lượt máy bay đã đánh phá Truông Bồn. Có ngày 131 lần ném bom. Hãy tưởng tượng 131 lần bom nổ tung một ngày ở Truông Bồn. Còn đâu không khí để thở, 18.936 quả bom đã rơi trên một vùng đất nhỏ hẹp. Bom phá, bom na pan, bom lân tinh, bom phát quang rồi bom sát thương xen với bom nổ chậm, bom từ trường...

Dưới mặt đất là những cô gái nhỏ bé như Thái Thị Văn, như Nguyễn Thị Hoài... Con người bị tàn sát. Rừng bị tàn sát. Làng xóm hoang tàn đổ nát.

Chị Thông, người sống sót trong số 14 người ngày ấy nhờ cái nòng súng trường, có một bàn thờ nhỏ đặt trên cao lối lên cầu thang, ngày rằm, ngày một, chị thắp hương tưởng nhớ các bạn. Chị có 4 người con giờ đây ở quây quần quanh chị. Người chồng chu đáo nói chị hay bị lẫn lộn khi chuyện trò lâu. Di chứng sức ép bom từ ngày ấy. Nhà của chị khang trang rộng rãi. Chị được sống cuộc sống mà các bạn chị không có được. Cuộc sống có vui buồn, có vất vả nhưng được sống là được phúc lớn, là sống cho tất cả bạn bè.

Anh Cớn cũng nói tới điều đó. Anh là người đi thu lượm thân thể của các bạn, làm biên bản ghi chép về thực trạng của từng người để lưu giữ cho công tác giáo dục truyền thống. Anh cũng có nhà cửa khang trang sau gần 40 năm kết thúc chiến tranh, cũng gian nan lắm mới được như vậy.

Anh đã cùng đồng đội phá 400 quả bom các loại mà bọn Mỹ ném xuống như những cái bẫy trên các tuyến đường. Cũng là người sống sót trong chiến tranh, là người lập công, là người hết lòng vì đồng đội, anh không thể nghĩ gì hơn ngoài ý nghĩ là mang ơn những người đã chết giữa tuổi thanh xuân để cho cuộc sống hồi sinh.

Cách Truông Bồn quãng đường gần một cây số là mộ của nhà khoa học từ lâu tôi kính trọng. Anh Hoàng Kim Giao và chiến sĩ lái xe phóng từ Lương Văn Tín.

Anh Giao là cán bộ Phòng Nghiên cứu thông tin trinh sát - Cục Nghiên cứu kỹ thuật - Tổng cục Hậu cần, ngày nay là Viện Điện tử - Viễn thông, Viện Khoa học - Công nghệ Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng. Anh Giao đã từng học tại Trường Bonnal Ngô Quyền (Hải Phòng).

Nhập ngũ, anh được quân đội cử đi học chuyên ngành vật lý chất rắn, về công tác tại Xưởng Quân giới, phụ trách kỹ thuật ra-đa. Rồi lại đi học và tốt nghiệp chuyên ngành vô tuyến điện ở Đại học Bách khoa.

Học hành đến nơi đến chốn, tài năng, anh đã ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật phá được nhiều “mưu mô” của giặc Mỹ. Từ một ngòi nổ quả bom lạ, anh Giao và nhóm nghiên cứu Cục Nghiên cứu Tổng cục Hậu cần đã tìm ra nguyên lý gây nổ, làm thực nghiệm thành công trên mấy quả bom. Rồi nghiên cứu mạch điện ngòi nổ bom MK42...

Anh xung phong vào Khu IV, vùng đất mù mịt khói bom, nơi cái sống cái chết phải tính từng giây đồng hồ, để nghiên cứu phá bom từ trường, loại bom quỉ quyệt đang gài bẫy khắp mặt đất nơi đây.

Ngày 30/12/1968, thời điểm bọn Mỹ ném bom trở lại, cách ngày hy sinh của 13 liệt sĩ Truông Bồn có 2 tháng, anh cũng ngã xuống khi đang tìm cách lôi một quả bom lên.

Quả bom phát nổ, anh và chiến sĩ Lương Văn Tín đã tan thành đất. Người dân địa phương đã nhặt thi thể còn lại của các anh, chia đôi bỏ vào hai quan tài rồi xây phần mộ tưởng niệm các anh. Cách ngôi mộ của các anh còn nguyên hố bom tấn khổng lồ. Chúng tôi thắp hương trên phần mộ các anh, không nén nổi xúc động khi nghĩ cái tuổi 26 thanh xuân quý giá, chưa kịp nếm trải hạnh phúc lứa đôi, gia đình riêng, chỉ kịp học hành để trở thành nhà khoa học thực sự.

Trong quán ăn trưa bên đường 15A đông đúc, tôi không thể không sà vào trò chuyện với nhóm sĩ quan trẻ mặc quân phục vừa đi dã ngoại về. Họ gần tuổi anh Giao, trẻ trung khỏe mạnh. Nhìn những sĩ quan thanh niên, chợt hiểu vì sao cái cảm xúc mãnh liệt về tuổi thanh xuân lại chi phối mình mạnh mẽ thế từ khi bước chân đến Truông Bồn.

Tuổi trẻ, lại chết giữa lúc mọi giác quan trong con người căng ra vì công việc... đã khiến cho những linh hồn sống động, linh thiêng.

Cả vùng đất được các anh chị phù hộ đã xanh mướt trở lại. Cây trái nở trong vườn. Những trái hồng mùa này cũng hồng rực cái màu đặc trưng mùa thu. Anh Nguyễn Hồng Kỳ, người đàn ông trẻ có khuôn mặt đôn hậu, người đang giữ trọng trách của ngành giao thông tỉnh Nghệ An, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về sự linh thiêng của các liệt sĩ.

Các anh cùng toàn ngành giao thông và chính quyền địa phương đang chuẩn bị mặt bằng khởi công xây dựng khu di tích lịch sử Truông Bồn. Trên thế giới, rất nhiều quốc gia có những khu đất mang dấu ấn lịch sử tâm linh để người ta hành hương về tưởng niệm.

Truông Bồn sẽ trở thành nơi để ta đến hương khói, để con người thanh lọc tâm hồn.

Nhà văn Lê Minh Khuê

Bạn đang đọc bài viết "Nơi thanh lọc tâm hồn" tại chuyên mục SÂN KHẤU - ĐIỆN ẢNH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).