Nhà văn người Serbia Marko Nikolic đạt giải Bùi Xuân Phái với Phố Nhà Thờ

09/10/2020 04:29

(VHNT) - Nhà văn người Serbia Marko Nikolic đạt giải Bùi Xuân Phái với tác phẩm Phố Nhà Thờ, đây được xem là tiểu thuyết tiếng Việt đầu tiên do một người nước ngoài sáng tác.

Hà Nội dưới góc nhìn của một người Tây
Ý tưởng viết sách tiếng Việt xuất hiện cách đây 3 năm khi Marko đặt chân đến Hà Nội, anh dành 1 năm để chuẩn bị, 1 năm để viết và quyết định chọn Hà Nội làm bối cảnh chính cho “đứa con tinh thần”.
Lý giải về sự lựa chọn này, nhà văn Serbia hào hứng chia sẻ: “Ai cũng nghĩ có nguyên nhân sâu xa gì đó, với tôi là hoàn toàn ngẫu nhiên. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, nếu đã có ý định viết, tại sao không viết về thành phố mình đang sống? Với những chất liệu “sống” đang hiện hữu quanh mình? Con người và hoàn cảnh luôn trong mối quan hệ phức tạp, tôi nghĩ văn học cần tái hiện được hiện thực đó”.
Văn  - Nhà văn <a href=người Serbia Marko Nikolic đạt giải Bùi Xuân Phái với Phố Nhà Thờ " src="/uploads/media/nguyen-thi-hien-luong/2020/10/08marko-2.jpg" width="450" height="485" />

Tiểu thuyết Phố Nhà Thờ do Nhã Nam xuất bản 

Nằm trong số những tác phẩm viết về chủ đề Hà Nội, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng, Phố Nhà Thờ đơn giản chỉ là cuốn cẩm nang du lịch hay nhật ký vui chơi của một ông khách nước ngoài. Nhưng không, thông qua một câu chuyện tình yêu, Marko Nikolic đã soi chiếu những va chạm Đông - Tây, biểu đạt “cái chất” Hà Nội riêng có.
“Ban đầu khi đặt nhan đề tác phẩm, tôi cũng nghĩ đến một vài cái tên bay bổng liên quan đến tình yêu. Nhưng cuối cùng, tôi chọn Phố Nhà Thờ vì đây là bối cảnh chính bắt đầu câu chuyện, tôi rất thích Phố Nhà Thờ và muốn từ nơi này, mình sẽ khởi đầu một điều gì đó. Gần như trong toàn bộ tiểu thuyết, các địa điểm, địa danh được nhắc tới đều là những nơi có thật, có thể kể đến các danh thắng lịch sử, văn hóa đặc trưng, Hà Nội là một thành phố mang tính biểu tượng mà không phải ở đâu cũng có” - Marko Nikolic nói.
Dễ dàng nhận thấy, chất Hà Nội trong cuốn tiểu thuyết chính là bầu không gian văn hóa đậm đặc với các yếu tố thắng cảnh, ẩm thực và con người. Nhưng không đơn thuần dừng lại ở phản ánh, Marko Nikolic luôn đặt chúng trong tương quan so sánh, quá khứ - hiện tại, bản chất - sự biến chất, thực tế - truyền thông…
Điểm mới trong việc khai thác chất liệu Hà Nội của Phố Nhà Thờ chính là việc đặt Hà Nội dưới góc nhìn của một người Tây. Có lẽ điều này sẽ mang lại nhiều hơn sự mới mẻ và độc đáo. Nhân vật Nicolas đánh giá mọi thứ, anh ta đặt sự việc trong hệ quy chiếu với bản ngã cao nhất.
Có thể nói, trong tiểu thuyết Phố Nhà Thờ, Marko Nikolic không chỉ nhìn nhận Hà Nội dưới góc độ văn hóa mà còn khai thác sâu vào hiện thực, chỉ thẳng vào các vấn đề tồn đọng, những mánh khóe, lừa lọc, những thói hư tật xấu vẫn đang diễn tiến hàng ngày.
Đó là sự thật về một Hà Nội đầy bê tông và những vỉa hè nhếch nhác, những anh Tây ba lô ào ào đi dạy tiếng Anh không bằng cấp mà thiên hạ sốt sắng cho con theo học. Những cô gái Việt “xanh vỏ đỏ lòng” khoe cuộc sống hào nhoáng trên mạng nhưng ngoài đời ăn cơm bụi, bún chả rẻ tiền... Sự thật khi du lịch đại chúng bùng nổ khiến các danh thắng trở nên ngộp thở, người Việt Nam sính ngoại, thích da trắng, con gái mê trai Tây và rất nhiều, rất nhiều điều nữa...
Nhưng dù cho thế nào, Nicolas vẫn chấp nhận thành phố đó, như cái cách anh ta chấp nhận chất vấn bản thân, sống chậm lại và nhìn ra xung quanh, bắt đầu hành trình “tái trường thành”. Và rồi càng khám phá nơi này, cả nhân vật Nicolas (hay Marko Nikolic ngoài đời thật?) đều nhận ra, đằng sau sự lộn xộn, inh ỏi,vẫn còn bao mái ấm bình yên, dưới hiện thực ngổn ngang, bề bộn, người Hà Nội vẫn ăn ở, đối đãi một cách niềm nở, chân thành.
Quan trọng nhất, tại Phố Nhà Thờ, tình yêu đã xuất hiện, dội vào Nikolas một gáo nước lạnh, đẩy nhân vật vào chiều sâu nhận thức, phá vỡ vỏ bọc “ngộ nhận” của mình.
Lấy Hà Nội làm bối cảnh cho toàn bộ tiểu thuyết, Marko Nikolic đã tái hiện một Hà Nội rất đẹp, rất đời. Ở đó, độc giả giật mình khi thấy được bản ngã, ngỡ ngàng trước những chiêm nghiệm mới, biết thưởng thức hơn, tự hào hơn về một thành phố qua ngàn năm tuổi.
Văn  - Nhà văn <a href=người Serbia Marko Nikolic đạt giải Bùi Xuân Phái với Phố Nhà Thờ (Hình 2)." src="/uploads/media/nguyen-thi-hien-luong/2020/10/08marko.jpg" width="450" height="338" />

Nhà văn Marko Nikolic cùng bạn gái người Việt 

Điểm kết thúc của cuộc hành trình
Nicolas - nhân vật chính trong Phố Nhà Thờ đã từng cho rằng Hà Nội là một thành phố “rất có hồn”, “một chốn tràn ngập cảnh hài hòa của những con phố cổ kính, tựa như trường quay của một bộ phim lịch sử lãng mạn”, đó cũng là suy nghĩ của Marko Nikolic trước khi đặt chân tới Việt Nam.
Anh hài hước chia sẻ: “Quả thật lần đầu tiên tới Hà Nội, tôi có chút vỡ mộng, mọi thứ đều tấp nập và ồn ào, nhất là giao thông quá lộn xộn. Không khí tại Hà Nội khiến sức khỏe tôi không tốt, năm 2018, tôi phải nhập viện thường xuyên, mọi thứ cứ liên tục diễn ra, tôi cho đó là những thử thách”.
Tính đến thời điểm hiện tại, Marko đã sống ở Hà Nội được 4 năm, 4 năm không quá dài nhưng đủ để anh nhận ra đây là điểm dừng cuối của cuộc đời mình.
“Tôi đã đi qua hơn 70 nước và đến Việt Nam, tôi thích ở đây, tôi thích Hà Nội, tôi thích công viên, nhà hàng, quán ccà phê và những con phố… tôi không có ý định đi đâu nữa vì tại Việt Nam, tôi có thể hòa nhập và phát triển…”.
“Bạn tin được không, tôi biết nhiều địa điểm tại Hà Nội mà mọi người không biết, đó đều là những trải nghiệm tuyệt vời. Hà Nội là một thành phố vừa cổ kính, lại có gì đó rất năng động, trẻ trung. Tôi rất thích đọc tản văn về Hà Nội của Vũ Bằng, Thạch Lam phần vì muốn hiểu thêm về nơi mình đang sống, ngoài ra còn phục vụ sáng tác” - Marko cho biết.
Khi được hỏi về những khía cạnh Hà Nội cần thay đổi, Marko Nikolic thẳng thắn khẳng định: “Chắc chắn là giao thông, không khí và ngoài ra, tôi mong muốn chất lượng sống của người dân Thủ đô được nâng cao hơn”.
Chia sẻ một số dự định trong tương lai, Marko Nikolic bật mí sẽ tiếp tục là một tiểu thuyết lấy bối cảnh Hà Nội, nhưng điểm độc đáo ở chỗ câu chuyện này sẽ đặt dưới góc nhìn của một kẻ lập dị, đi sâu vào khai thác tâm lý, những va chạm trong nhận thức, anh đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu và triển khai ý tưởng. Đặc biệt hơn, phần tiếp theo của Phố Nhà Thờ cũng là một kế hoạch quan trọng mà Marko luôn ấp ủ.
Văn  - Nhà văn <a href=người Serbia Marko Nikolic đạt giải Bùi Xuân Phái với Phố Nhà Thờ (Hình 3)." src="/uploads/media/nguyen-thi-hien-luong/2020/10/08marko-3.jpg" width="450" height="450" />

Marko Nikolic không muốn đọc giả nhớ đến Phố Nhà Thờ vì tác giả là một người Tây

“Tôi không muốn độc giả nhớ đến Phố Nhà Thờ vì tác giả là một người Tây, vì như vậy chỉ có hiệu quả nhất thời, tôi có lối viết riêng, cách nhìn riêng và hy vọng mọi người tiếp nhận nó” - Marko Nikolic cho biết. “Có lẽ sau những dự định này, tôi sẽ không biết viết gì về Hà Nội nữa, nếu có thì cũng rất lâu. Thay vào đó, tôi muốn tiếp tục làm việc, cảm nhận và cống hiến một chút sức lực của mình vì tôi yêu thành phố này!”.
Phố Nhà Thờ là câu chuyện về một tình yêu đã vỡ, nhưng đến tận cùng, sự kết thúc ấy lại mở ra một tình yêu lớn hơn: “Tình yêu giữa hai nền văn hóa”, tình yêu ấy phải trả giá bằng những cú shock, những dằn vặt của Nicolas trong suốt năm tháng trưởng thành.
Cảm ơn tác giả vì một Phố Nhà Thờ thật độc đáo, vì đã chấp nhận Việt Nam, yêu Việt Nam cả những gì đẹp đẽ và thiếu sót. Để rồi như một người Hà Nội, thỉnh thoảng Nicolas sẽ đến Phố Nhà Thờ, nhấm nháp lại vị ngọt ngào pha đắng đót của mối tình đã mất…
                                                                                                                                                        Hiền Lương 

Bạn đang đọc bài viết "Nhà văn người Serbia Marko Nikolic đạt giải Bùi Xuân Phái với Phố Nhà Thờ " tại chuyên mục NHIẾP ẢNH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).