Nhà thơ Bằng Việt: Đổi mới tránh rơi vào chủ nghĩa hình thức

15/08/2020 18:23

(VHNT) - Cách đây nửa thế thế kỷ, Bằng Việt là gương mặt thơ tài năng của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh.

Tập thơ “Hương cây, bếp lửa” in cùng với nhà thơ Lưu Quang Vũ thời điểm ấy đã mở đầu cho hành trình thơ của những trí thức trẻ ở “hậu phương lớn” miền Bắc hướng về “Tiền tuyến lớn” miền Nam. Nhà thơ Bằng Việt (tên khai sinh Nguyễn Việt Bằng), sinh năm 1941, quê Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Tây, học Luật tại Liên Xô (cũ), ông về nước làm biên tập văn học, rồi làm Tổng biên tập Báo Người Hà Nội, ông nguyên là Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Nhà thơ Bằng Việt đã in gần 20 tập thơ, thơ dịch và phê bình tiểu luận. Ông được trao nhiều giải thưởng văn học, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2001, giải thưởng ASEAN 2003.

Văn  - Nhà thơ Bằng Việt: Đổi mới tránh rơi vào chủ nghĩa hình thức

Nhà thơ Bằng Việt

Chuyên mục chân dung văn nghệ sĩ kỳ này của chúng tôi có cuộc trò chuyện của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến với nhà thơ Bằng Việt về tập thơ mới nhất “Thơ Bằng Việt 1986 - 2016” vừa in tháng 6/2020 ghi dấu chặng đường 30 năm thơ đổi mới sau chiến tranh của ông.

Nguyễn Việt Chiến: Thưa nhà thơ Bằng Việt, độc giả yêu thơ cách đây nửa thế kỷ vẫn còn nhớ những câu thơ tài hoa của ông trong bài thơ Trở lại trái tim mình: “Sông Hồng ơi giông bão chẳng thay màu/ Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp/ Chùa Một Cột đổ trên đầu giặc Pháp/Lại nở xòe trọn vẹn đóa hoa sen”. Đến hôm nay, cuộc chiến tranh giữ nước đã khép lại sau lưng chúng ta 45 năm cùng với thành tựu thi ca của thế hệ các ông ngày ấy. Tập thơ mới nhất của ông gồm 96 bài thơ viết trong thời kỳ 30 năm đất nước đổi mới có khá nhiều suy tư, trăn trở với cuộc sống mới, với con người hôm nay. Xin ông cho biết những đổi mới của thơ ông giai đoạn này kể cả nội dung đề tài và thi pháp nghệ thuật?

Nhà thơ Bằng Việt: Tôi phải nói ngay một điều khi các độc giả thơ nhìn về lớp nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh giữ nước thì người ta hay nghĩ về những đóng góp của chúng tôi thời chiến tranh từ những năm 60 đến những năm 80 của thế kỷ XX.

Sau những năm 80 đã có dư luận nói rằng lớp nhà thơ thời chiến tranh đã hoàn thành xong nhiệm vụ rồi và có thể bây giờ phải nhường “trận địa” thơ cho các nhà thơ trẻ hơn, các nhà thơ đổi mới, cách tân của thời đại mới, cụ thể là những nhà thơ trưởng thành sau năm 1975. Tôi nghĩ rằng thơ là một sự tiếp nối không ngưng nghỉ và liền mạch với nhau từ thơ chiến tranh sang thơ hòa bình, từ thơ chiến đấu sang thơ xây dựng, theo tôi nghĩ thì nó không có khoảng cách nào cả. Vì thế tôi khẳng định lớp nhà thơ trưởng thành qua chiến tranh với độ tuổi lớn của mình, với những kinh nghiệm từng trải của mình vẫn có thể có những đóng góp xứng đáng trong thời đổi mới.

Và vì thế, tôi mới nảy ra ý định tập hợp một loạt những bài thơ của mình chỉ viết từ năm 1986 bắt đầu thời kỳ đổi mới tới bây giờ là 30 năm thơ, để khẳng định rằng các tác giả thời chiến tranh vẫn còn đủ sung sức để có thể đi tiếp chặng đường đổi mới với những đóng góp mới cho văn học đất nước. Việc đổi mới trong thơ theo quan điểm của tôi không phải chỉ là đổi mới về nội dung hay là hình thức tách rời nhau mà phải là sự đổi mới trên thực chất từ cách chọn đề tài, từ cách thể hiện đề tài, từ góc nhìn của tác giả, góc nhìn của nhân vật trữ tình trong thơ nó phải có những thay đổi. Còn nếu chúng ta chỉ chú trọng vào việc thay đổi về hình thức, về kỹ thuật thể hiện thôi thì nó sẽ bị lệch đi tức là chúng ta sẽ bị rơi vào chủ nghĩa hình thức.

Và, đổi mới thực chất phải là cách anh nhìn vào hiện thực như thế nào, anh lấy cái gì từ hiện thực để đưa vào thơ của anh, cách đưa nhân vật trữ tình vào thơ của anh nó thể hiện những suy nghĩ gì, cảm nghĩ gì phù hợp với suy nghĩ, quan tâm của người khác, của lớp trẻ hôm nay và đây chính là những điều mà thơ phải quan tâm đến. Trong 30 năm đổi mới nói chung của đất nước, tôi cũng rất muốn thơ Việt Nam, trong đó có thơ của thế hệ chúng tôi cũng phải có những đổi mới tương tự như vậy. Đấy là lý do mà tôi muốn trình làng tập thơ 30 năm 1986 - 2016 của tôi.

Nguyễn Việt Chiến: Tôi cũng cho rằng cái quan trọng nhất của thơ đổi mới, cách tân hôm nay nó không chỉ nằm ở phía đổi mới cấu trúc nghệ thuật và hình thức thể hiện của ngôn ngữ thơ mà điều quan trọng nhất để nhận biết các nhà thơ ở các thời đại khác nhau thế nào chính là cái nội dung đời sống trong thơ ở thời đại ấy được thể hiện trong một trường thẩm mỹ khác trước nhu thế nào. Thưa ông, tập thơ đầu tiên “Hương cây, bếp lửa” ông in chung với nhà thơ Lưu Quang Vũ cách đây đã hơn nửa thế kỷ, ông có thể cho biết tình bạn thi ca của ông với nhà thơ Lưu Quang Vũ thời ấy?

Nhà thơ Bằng Việt: Có thể nói những năm 60, thế hệ chúng tôi còn rất trẻ chỉ trên dưới 20 tuổi thôi, sống với nhau rất giản dị và chân tình, tôi thường xuyên đến chơi nhà Lưu Quang Vũ ở 96 phố Huế thời kỳ đó trong căn buồng rất nhỏ. Đầu tiên anh Vũ ở chung với gia đình, sau khi lấy người vợ đầu là nữ diễn viên điện ảnh Tố Uyên, rồi anh chia tay và lấy nhà thơ Xuân Quỳnh, anh ở riêng trong căn phòng chật chỉ khoảng 10m2.

Các nhà thơ thời ấy sống rất chật vật, vất vả về vật chất nhưng lại tràn đầy cái lạc quan yêu đời và sống chính bằng tinh thần và tôi cho đấy cũng là một điểm đẹp của thời gian đó. Chúng tôi luôn luôn gặp gỡ nhau và trong những buổi tối “trà dư tửu hậu” thường đọc thơ của mình và góp ý cho nhau về thơ. Tôi nhớ trong số bạn bè thân thiết hay gặp nhau lúc đó có Lưu Quang Vũ, tôi, chị Xuân Quỳnh và anh Vũ Quần Phương, thỉnh thoảng có các anh Nguyễn Xuân Thâm, Trúc Cương…

Đặc biệt, nhóm chúng tôi khá thân với nhà thơ lớp trước là anh Việt Phương (tác giả tập thơ Cửa mở nổi tiếng và là thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Việt Phương là người rất yêu thơ nên ông chủ động gặp gỡ và kết bạn với nhóm thơ chúng tôi. Chính sự gặp gỡ của các thế hệ thơ như thế đã tạo cho mỗi người sự chắt lọc, đổi mới, hòa quyện trong thơ. Tôi với Lưu Quang Vũ có mối quan hệ rất thân tình như anh em trong nhà. Khi chúng tôi định in tập thơ thì bác Lưu Quang Thuận (bố nhà thơ Lưu Quang Vũ) bảo: “Hai chúng mày in thơ thì để tao lo in cho và hai thằng nên in một tập thơ chung vì đã gắn bó với nhau nhiều năm, và thơ của hai thằng tao thấy có nhiều điểm tương đồng”.

Thời đó, in thơ rất khó, nên chúng tôi đồng ý in chung và bác Lưu Quang Thuận là người đặt tên cho tập thơ. Bác Thuận nói: “Trong tập thơ của Vũ có bài Hương cây, trong thơ của Việt có bài Bếp lửa nên chắp hai bài thành tên tập thơ “Hương cây, Bếp lửa”. Sau đó, bác Thuận đến nhờ nhạc sĩ, họa sĩ tài danh Văn Cao vẽ bìa cho tập thơ mặc dù hai chúng tôi chưa có tên tuổi gì trong làng thơ lúc đó.

Nguyễn Việt Chiến: Trong tập thơ Bằng Việt 1986 - 2016, có rất nhiều bài thơ ông dùng tứ thơ theo kiểu tự sự về thời sự như kể lại một câu chuyện, dựng lại một sự kiện đời sống vừa xảy ra. Tôi nghĩ, sau những trải nghiệm của thơ trữ tình lãng mạn và thơ trữ tình tâm trạng trước đây, có cảm tưởng trong những năm gần đây, thơ Bằng Việt đã tìm thấy nguồn cảm hứng mới từ thơ trữ tình thế sự và thơ trữ tình chiêm nghiệm với những bài thơ khơi gợi sự suy ngẫm từ những hiện thực của đời sống. Với mạch thơ này, ông có những tìm tòi, đổi mới gì cho thơ ca của mình?

Nhà thơ Bằng Việt: Trong những năm gần đây, tôi nghĩ thơ càng ngày càng phải gần với đời sống thường ngày như có thời người ta cho rằng phải đưa cái chất đường phố, bụi bặm hàng ngày vào trong thơ chứ không phải thơ là cái gì đó tách riêng ra một khoảnh quá ư là thanh tĩnh, riêng biệt. Tôi cũng rất muốn làm điều ấy để thơ mình gần hơn với đời sống xã hội và trong tập thơ này, tôi dành nhiều bài thơ kiểu này trong phần “Muôn mặt chuyện đời”.

Không chỉ mang chất thơ đường phố vào thơ để mỗi bài thơ là một câu chuyện nhỏ của đời sống hôm nay, tôi còn muốn minh họa cho thơ không phải bằng tranh ảnh nghệ thuật mà bằng chính những tấm ảnh thời sự hàng ngày rất bình thường như bài thơ “Xin ấn đền Trần” với những câu thơ sau:

Chẳng lẽ : Dân ta rất thích làm quan?
Xe biển đỏ biển xanh về kín đền, xin ấn!
Rách áo, tuột giày, hung hăng, bậm trợn,
Không ai nhìn ai kịp rõ mặt người
(Còn may chưa dẫm bẹp đầu nhau
Như các cuộc hành hương Hồi giáo!)

Các vua Trần đánh giặc, rồi về đi tu,
Thích đọc kinh, ưa thanh cao tĩnh mịch,
Nào có ai xui: Chỉ xin sớ rồi đóng ấn
Mà đủ lăn lưng ăn bẫm lộc trời? ?

Bài thơ nói trên được minh họa bằng bức ảnh nhiều người tranh nhau xin ấn ở đền Trần và bài thơ cũng là một câu chuyện thế sự hàng ngày. Có bài thơ tôi dựa vào thông tin báo chí vừa phản ánh để nhào nặn về mặt hình tượng, về mặt cảm xúc để cho độc giả thấy bài thơ đã nói được một điều chiêm nghiệm gì đấy về đời sống xã hội hôm nay.

Nguyễn Việt Chiến: Được biết nhà thơ thời trẻ đã du học ở Nga, tìm hiểu về văn học Nga khá kỹ và từng dịch khá nhiều thơ Nga. Trong tập thơ Bằng Việt 1986 -2016, ở bài thơ “Thơ hay - có cần phải chết?”, dường như ông đã nhìn thấy sự hữu hạn của những bài thơ một thời được cho là hay nhưng đã không vượt qua được thời gian và có lẽ người làm thơ đừng nên nghĩ đến sự bất tử của thi ca khi cầm bút. Xin ông cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này?

Nhà thơ Bằng Việt: Trong bài “Thơ hay - có cần phải chết” ở tập thơ mới in, tôi viết như sau:

Maiakopxky giơ cao tấm hộ chiếu đỏ tươi
Ngẩng đầu hiên ngang “Ta chính là Liên bang Xô Viết”
Câu thơ trác việt một thời, nhưng hôm nay phải chết
Khi ngay cả Liên bang Xô Viết không còn!
Tố Hữu dịch bài thơ “Đợi anh về”

Bài thơ được chuyền tay, suốt một thời bom rơi đạn nổ…
Cho tới lúc hàng vạn người xuất ngũ,
Người mất cũng mất rồi, người chờ đợi đã già đi,
Bài thơ kiên trung đầy khắc khoải, chia ly
Đành thở phào ra đi khi làm xong nhiệm vụ

Các cô gái, nếu trọn đời cứ vô danh, bé nhỏ
Đâu phải chịu số phận ngặt nghèo như số phận Tây Thi!
“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng…”
Đã vượt qua tầm cao, cái chết có xa gì?!

Thơ càng sắc, càng kiêu, càng chớ màng bất tử
Miễn đừng để loài người hèn hạ tối tăm đi.

Có nhiều anh em của giới sáng tác, trong đó có nhà thơ thường huyễn hoặc, muốn thơ của mình phải sống mãi, phải bất tử, cứ ví mình như các đại thi hào Puskin, Nguyễn Du… Tôi nghĩ đó chỉ là những ảo tưởng, phi lý nên tôi mới viết thẳng ra là: Thơ hay cũng phải chết như thường, thơ hay có ích vào lúc nó sinh ra, khiến người ta thuộc và nhớ nó bởi vì người ta cần đến nó lúc ấy, còn khi làm xong nhiệm vụ, người ta không cần đến nó nữa thì nó cũng phải chết chứ làm sao sống mãi được.

Nhà thơ Nga Ximônốp, tác giả bài thơ “Đợi anh về” được Tố Hữu dịch sang tiếng Việt thời kháng chiến chống Pháp, khi sang thăm Việt Nam năm 1970 có viết bài thơ “Gửi nhà thơ Tố Hữu” với triết lý nhân văn rất hay rằng: “Nhưng tôi mong sao/ Trên con đường dài/ Khi tới được tự do độc lập/ Hàng triệu người trở về yên ổn/ Để không còn một ai phải đợi/ Để yên bình ngự trị cả thiên nhiên/ Thơ của tôi - thở phào êm ái/ Và sẽ chết/ Trong lời dịch tuyệt vời của anh”. Tôi muốn nói một điều, vào lúc ra đời, thơ cần làm cho loài người cao thượng hơn, làm cho cuộc sống đẹp hơn lên và đừng làm cho con người hèn hạ, tối tăm đi và cũng không nên màng tới chuyện thơ tồn tại mãi mãi và bất tử.

Nguyễn Việt Chiến: Xin cảm ơn cuộc trao đổi, trò chuyện khá thú vị dành cho Thời báo Văn học Nghệ thuật của nhà thơ Bằng Việt về tập thơ ghi dấu ấn 30 năm thơ đổi mới vừa xuất bản của ông.

Nguyễn Việt Chiến

Bạn đang đọc bài viết "Nhà thơ Bằng Việt: Đổi mới tránh rơi vào chủ nghĩa hình thức" tại chuyên mục GÓC NHÌN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).