Ngôi đền văn chương

31/07/2020 13:12

Năm 1954, sau khi thủ đô Hà Nội được giải phóng, “Nhà số 4” trở thành ngôi nhà chung của các văn nghệ sỹ quân đội.

Văn hoá - giải trí - Ngôi đền văn chương

“Nhà số 4” là một nét riêng đầy cá tính nhưng lại hòa đồng cùng những cái chung. Bởi nó nằm ngay trên phố Lý Nam Đế, mà xưa nay mọi người vẫn gọi một cách dân dã và trìu mến là “phố nhà binh”, bởi nơi này tập trung hầu hết các cơ quan quan trọng của quân đội, cùng rất nhiều các khu gia binh.

Phố Lý Nam Đế nằm dọc theo tường thành phía đông của thành Hà Nội thời nhà Nguyễn; dưới thời Pháp thuộc mang tên một vị tướng Pháp. Năm 1945, trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình, Thị trưởng Hà Nội trong Chính phủ Trần Trọng Kim – bác sỹ Trần Văn Lai đã đổi một loạt đường phố mang tên Pháp về tên địa danh xưa và các anh hùng dân tộc Việt Nam. Phố nhà binh Lý Nam Đế nằm trong số đó.

Tháng 1 năm 1957, Tạp chí Văn nghệ Quân đội chính thức ra số đầu tiên, và nhà số 4 phố Lý Nam Đế chính thức là trụ sở của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thuộc Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Suốt hơn nửa thế kỷ qua, “Nhà số 4” không chỉ là một trụ sở cơ quan đơn thuần. “Nhà số 4” là một địa chỉ văn chương, không chỉ của riêng những người lính. “Nhà số 4” được coi là “hội quán”, “quán văn”, “điểm hẹn”, là “chốn đi về”, là… “trụ sở thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam”… Nơi đây đã ghi dấu ấn của biết bao nhà văn, nhà thơ, của những tên tuổi lớn trong nền văn học hiện đại Việt Nam... Nơi đây đã chứng kiến những cuộc chia ly với những nhà văn vào chiến trường, và có nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn không trở về. Nơi đây cũng đón bao người lính cầm bút và là bệ phóng đưa họ trở thành nhà văn.

Văn hoá - giải trí - Ngôi đền văn chương (Hình 2).

Các góc nhìn bên ngoài công trình

Văn hoá - giải trí - Ngôi đền văn chương (Hình 3).

Ngói ống lợp mái có hình chữ “Thọ”

Văn hoá - giải trí - Ngôi đền văn chương (Hình 4).

Chi tiết đầu đao mái sảnh

Văn hoá - giải trí - Ngôi đền văn chương (Hình 5).

Bậc thềm này đã in dấu bao nhiêu văn nhân, thi nhân?

Văn hoá - giải trí - Ngôi đền văn chương (Hình 6).

Phòng làm việc của Nguyên Tổng biên tập Ngô Vĩnh Bình

Trước sân “Nhà số 4” có hai cây đại (cây sứ) cổ thụ, không biết được trồng tự bao giờ nhưng nhiều tuổi hơn cả “Văn nghệ Quân đội”. Người ta nói rằng: Hai cây đại làm thiêng cho “Nhà số 4”, nói vậy bởi một cái lý: Bản thân kiến trúc “Nhà số 4” có dáng dấp của một ngôi đền, miếu; với vẻ trang nghiêm, thâm trầm mà lại rất đỗi gần gũi.

Người ta cũng nói rằng: Bao nhiều linh khí của “Nhà số 4”, bao nhiêu tinh hoa văn chương cũng tụ vào hai cây đại. Hai cây đại thiêng đứng bao năm như hai người lính già gác cổng - một sự liên tưởng và so sánh thú vị. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là nhân duyên tiền định? Nhưng chắc rằng “Nhà số 4” nếu không có hai cây đại ấy thì cũng không còn là “Nhà số 4” nữa… Hình ảnh “Nhà số 4”, kiến trúc “Nhà số 4” gắn liền với hai cây đại.

Chuyện kể rằng có những nhà văn phương xa tới Hà Nội, thì phải cố tới “Nhà số 4” để lượm một vài bông hoa đại, như là cầu xin một chút lộc, chút thiêng từ “Nhà số 4”.

“Nhà số 4” (chẳng cần tên phố) - thế là đủ, cái cụm từ ngắn gọn ấy nói lên rất nhiều điều và là niềm tự hào của tất cả những ai từng đặt chân tới, trong đó có cả tôi. “Nhà số 4” không phải là cách nói tắt, nói vui... Tôi đã nhìn thấy trong phòng truyền thống của “Văn nghệ Quân đội” có một cuốn sách mang tên.... “Nhà số 4”.

Cũng có thể một phần may mắn đứng ngay đầu phố (bên cạnh là Truyền hình Quân đội mang số 2), “Nhà số 4” có lẽ không phải lo âu vì tình trạng quy hoạch số nhà hay tình trạng chia năm xẻ bảy hay điều gì đó tương tự. Đến giờ phút này, tôi đã nghĩ và tin rằng: “Nhà số 4” đã là, sẽ là một di sản kiến trúc, một địa chỉ văn hóa và vĩnh viễn là ngôi đền văn chương.

Nguyễn Trần Đức Anh

Bạn đang đọc bài viết "Ngôi đền văn chương" tại chuyên mục SÂN KHẤU - ĐIỆN ẢNH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).