Mai Lâm: Một nghệ sĩ xanh màu áo lính

10/08/2020 23:06

Nhà văn từng mặc áo lính Nguyễn Văn Thọ nhận xét: “Đã có nhiều người ở nước ngoài viết về Hà Nội, nhưng luôn có nét này nét kia. Còn Mai Lâm viết chỉ thấy Hà Nội đẹp, kể cả trong khi đói nghèo, Hà Nội trong văn Mai Lâm yêu và thương lắm…”

Tôi thân Mai Lâm, nghệ sĩ đàn Contrabass (Đại hồ cầm), của Đoàn ca múa quân đội từ những ngày mặc áo lính. Anh lớn lên trong gia đình xanh một màu áo lính nghệ thuật, một gia đình gần như hết thảy con cháu đều làm nghệ thuật và đều là những văn nghệ sĩ tên tuổi: Nghệ sĩ Mai Thu Hiền, Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Nhạc sĩ Trương Anh Quân, ca sĩ Mỹ Linh, Nghệ sĩ - nhà văn Mai Lâm, đạo diễn điện ảnh Cao Mạnh, Nghệ sĩ đàn bầu Đoàn ca múa quân đội Cao Mai Nhi…

Bố dượng anh là ông Cao Nhị, một nhà báo tên tuổi. Quê ông ở Phú Thọ, ngay từ thời trai trẻ ông đã đi theo tiếng gọi núi sông, tham gia bộ đội đánh Pháp. Ông cầm súng, cầm bút làm thơ, viết văn. Hòa bình, ông chuyển ngành về Bộ Văn hóa, làm phóng viên cho Báo Điện ảnh và là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng. Ông cũng là chủ một gia đình có hai dòng họ, họ Cao bên ông và họ Mai chồng trước của vợ.

Văn  - Mai Lâm: Một nghệ sĩ xanh màu áo lính

Nghệ sĩ Mai Lâm trong một lần về thăm Hà Nội, cùng nhà báo Phan Thanh Phong (bìa trái), nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà văn Đỗ Bích Thúy (bìa phải)

Tuy là hai dòng họ chung một mái nhà, nhưng mọi người đều hết mực thương yêu nhau, và cái lạ là ai cũng đều có gen nghệ thuật. Số là năm 1954, khi ông Cao Nhị còn mải miết đi chiến dịch, chẳng hiểu sao vợ ông lại bế hai con vào Nam, cắt đứt mọi liên lạc với ông. Ít năm sau ông gặp bà Nguyễn Thị Huyền, là nhân viên Thư viện Quốc gia nơi phố Tràng Thi mà ngày ngày ông thường lặng lẽ tới đọc sách, dịch sách. Bà Huyền lúc ấy đã có hai con, nhưng vẫn còn mặn mà lắm.

Người chồng trước của bà (tức là bố đẻ chị Mai Thu Hiền và Mai Lâm) là một Công an viên của ta hoạt động trong lòng địch và sớm bị hy sinh, để lại bà một mình nuôi dạy hai người con. Thế là ông Cao Nhị ngỏ lời, chẳng biết vì cảm ông hiền lành ít nói hay cảm cái duyên thầm của một người văn chương chữ nghĩa mà bà Huyền đồng ý, bế hai con là Mai Thu Hiền và Mai Lâm về chung sống với ông Cao Nhị. Rồi hai ông bà sinh thêm hai người con đặt tên là Cao Mạnh và Cao Mai Nhi…

Cả bốn người con của ông bà sau này đều đi theo con đường nghệ thuật và phần lớn là các đoàn nghệ thuật quân đội (đất nước thời chiến tranh mà!). Thoạt đầu là người con gái lớn xinh đẹp Mai Thu Hiền trở thành ca sĩ Đoàn Quân khu 3. Ít thời gian sau, chị dẫn về ra mắt bố mẹ người yêu cũng là một nghệ sĩ mặc áo lính cùng đoàn: tay violon Trương Ngọc Ninh (sau này anh trở thành nhạc sĩ và là Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hà Nội).

Tiếp theo là người con trai Mai Lâm, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội cũng lên đường nhập ngũ, tham gia Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị; sau này khi chuyển sang đoàn xiếc anh cũng lại dẫn một nữ nghệ sỹ xiếc ra mắt bố mẹ để làm dâu trong nhà.

Người con thứ ba là Cao Mạnh tưởng đã đi học Đại học Xây dựng là yên phận, ai dè nửa chừng xin thôi học để chuyển sang học Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh, sau này trở thành một đạo diễn phim của Đài Truyền hình Hà Nội. Và rồi đến cô gái út xinh đẹp Cao Mai Nhi học đàn bầu ở Nhạc viện, ngay sau khi tốt nghiệp cũng về công tác tại Đoàn Ca múa Quân đội…

Ngày ấy vì thân thiết với Mai Lâm và cũng là người lính nên thi thoảng chủ nhật, tôi cũng từ đơn vị về “ăn chạc” gia đình. Chị Hiền, anh Ninh cũng thường hay về, bế hai con là Hương Ly và Anh Quân (sau này là nhạc sĩ Trương Anh Quân) đến thăm ông bà, rồi Mai Lâm, Cao Mạnh, Cao Mai Nhi… nghĩa là cả một nhà nghệ thuật chật một gian nhà ríu rít tiếng nói cười. Duy một người không nói một lời nào, cứ đánh trần ngồi tủm tỉm nhìn con cháu và khi cao hứng lại “bắn” một điếu thuốc lào phả khói mù mịt gian phòng, là ông Cao Nhị. Ông đang hạnh phúc! Nhìn ông lúc ấy hệt như ông Phật Di Lặc luôn nở nụ cười…

Sinh ra trong một gia đình như thế, Mai Lâm - bạn tôi có trở thành một nghệ sĩ biểu diễn hay sau này viết văn, làm thơ âu cũng là lẽ thường tình (bởi nói thật, nhà anh chữ nghĩa văn chương có thừa). Nhưng qua bao nhiêu trôi nổi, thăng trầm, lại hàng chục năm đi xuất khẩu lao động ở Đức, bỗng ngoài 60 tuổi cho ra mắt liền 6 tập sách, gọi là tản văn (cũng có thể gọi là tập Chân dung - Tùy bút) dày đến cả ngàn trang, thật cũng rất đáng trân trọng và nghĩ suy.

Với hơn ngàn trang sách ấy, anh đã viết về những kỷ niệm tuổi ấu thơ Hà Nội, những con đường đá lát ven Hồ Gươm, những người thân yêu trong gia đình của anh như người bố dượng Cao Nhị và những người bạn văn của ông: nhà văn Nguyễn Dậu làm nghề cắt tóc nơi chân cầu Thê Húc, nhà văn Phùng Quán thường uống rượu suông với ông Cao Nhị… Mỗi chân dung, Mai Lâm đặc tả chỉ vài trang sách, nhưng đều rất có nét và rất ấn tượng với bạn đọc. Lĩnh vực này, phải nói văn Mai Lâm đạt đến mức tinh xảo!

Nhà văn từng mặc áo lính Nguyễn Văn Thọ nhận xét: “Đã có nhiều người ở nước ngoài viết về Hà Nội, nhưng luôn có nét này nét kia. Còn Mai Lâm viết chỉ thấy Hà Nội đẹp, kể cả trong khi đói nghèo, Hà Nội trong văn Mai Lâm yêu và thương lắm…”

Tôi luôn yêu quý và tự hào về người bạn lính, người đồng đội của tôi, cũng như gia đình nghệ thuật xanh màu áo lính của bạn…

Châu La Việt

Bạn đang đọc bài viết "Mai Lâm: Một nghệ sĩ xanh màu áo lính" tại chuyên mục NHIẾP ẢNH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).