Lễ độc lập trong ký ức cựu thanh niên cứu quốc

31/08/2020 18:48

Đã 75 năm trôi qua nhưng những cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu vẫn giữ nguyên vẹn ký ức về lễ độc lập mùa thu năm 1945.

"Thế hệ chúng tôi có may mắn đặc biệt trong đời là được trực tiếp nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình", Trung tướng Phạm Hồng Cư, 94 tuổi, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, bồi hồi nhớ lại buổi chiều ngày 2/9/1945.

Ông Cư sinh ra ở Thanh Hóa, trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, nhà ông là nơi in các tờ báo yêu nước.

Từ khi còn là học sinh trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An, Hà Nội) ông đã bí mật tham gia lưu hành sách, báo, truyền đơn cho Mặt trận Việt Minh. Tháng 4/1944, ông bị Pháp bắt giam tại xà lim Thanh Hóa. Đến khi Nhật đảo chính Pháp ông cùng các bạn phá tù, thoát ra ngoài tiếp tục hoạt động ở địa phương.

Sau ngày 19/8, nghe tin Tổng khởi nghĩa thành công, cách mạng giành chính quyền ở Hà Nội, ông vội vã trở ra để nhận nhiệm vụ bảo vệ lễ độc lập.

Lúc đó, Thành ủy Hà Nội lập ba trung đội tự vệ chiến đấu, gồm một trung đội nữ, hai trung đội nam bảo vệ an ninh thành phố. Ông Cư được cử làm trung đội trưởng.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Lễ độc lập, ba vòng bảo vệ được thiết lập. Các đơn vị giải phóng quân từ chiến khu về Hà Nội trực tiếp bảo vệ lễ đài ở vòng trong. Sở Công an Bắc Bộ đứng ở vòng hai, dưới chân lễ đài, bảo vệ các thành viên Chính phủ lâm thời. Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu bảo vệ vòng ngoài cùng. Từ mấy hôm trước, tự vệ đã rà soát nhiều lần toàn bộ quảng trường để phòng vật liệu gây cháy nổ.

Trung đội của ông Cư chịu trách nhiệm bảo vệ tuyến đường ở phía Nam từ cột cờ Hà Nội đến quảng trường Ba Đình.

Từ sáng sớm ngày 2/9, hàng vạn người dân Hà Nội từ mọi ngả đường, mang theo cờ hoa, biểu ngữ, nô nức đổ về Quảng trường Ba Đình. Ông Cư và lực lượng tự vệ có mặt từ sớm. "Trung đội phân chia người bảo vệ dọc tuyến đường, nhưng vẫn chú ý theo dõi diễn biến trên lễ đài", ông kể.

Xã hội  - Lễ độc lập trong ký ức cựu thanh niên cứu quốc

Chú thích ảnh

2h chiều, công tác chuẩn bị đã xong, đoàn xe Chính phủ lâm thời từ từ tiến vào quảng trưởng Ba Đình, giữa rừng cờ hoa, biểu ngữ. Không chỉ ông Cư mà hàng vạn người dân có mặt khi đó đều hồi hộp chờ đợi. Đứng ở xa, nên ông Cư chỉ thấy thấp thoáng một ông cụ ăn mặc giản dị, dẫn đầu đoàn bước lên lễ đài. Vừa làm nhiệm vụ ông Cư vừa chăm chú hướng về phía lễ đài lắng nghe.

"Hỡi đồng bào cả nước", khi giọng đọc pha âm sắc miền Trung của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu vang lên trên loa truyền thanh, thì ông Hoàng Phương (sau này là Trung tướng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân), mới ghé vào tai ông Cư, nói: "Cậu có biết không, ông cụ là Nguyễn Ái Quốc đấy".

"Nghe vậy, tôi sung sướng vỡ òa, chực trào nước mắt. Vậy là Nguyễn Ái Quốc đã về nước, sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước", ông Cư nhớ lại và khẽ hát: "Người về mang tới ngày vui/ Mùa thu tỏa nắng Ba Đình".

Hai câu hát như nói giúp cảm xúc của những người đứng ở quảng trường Ba Đình nghe bản Tuyên ngôn độc lập cách đây 75 năm.

Từng lời trong bản Tuyên ngôn độc lập thấm vào trong trí nhớ của ông Cư. Nhưng điều ông ấn tượng nhất là sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập xong, buổi lễ kết thúc bằng những lời thề độc lập vang rền khắp quảng trường.

Đến giờ, ông Cư vẫn nhớ như in ba lời thề: Thứ nhất kiên quyết ủng hộ một lòng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thứ hai, cùng Chính phủ giữ nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù phải chết cũng cam lòng; thứ ba, nếu Pháp đến xâm lược lần nữa thì không đi lính, không làm việc, không bán lương thực, không đưa đường cho Pháp.

Sau mỗi lời thề được đại diện nhân dân đọc, hàng vạn người ở quảng trường Ba Đình lại đồng thanh hô ba lần "Xin thề". "Tiếng hô vang của hàng vạn người xúc động lắm. Lời thề độc lập ấy in sâu trong trái tim tôi, vang vọng theo tôi suốt trong những năm tháng chiến đấu sau này", ông Cư chia sẻ.

Ba mươi năm sau, trưa ngày 30/4/1975, với tư cách là phái viên của Tổng cục Chính trị cùng đoàn quân giải phóng tiến vào đến thềm Dinh Độc Lập ở Sài Gòn, ông Cư ôm lấy đồng đội, trào nước mắt nói "Chúng ta đã hoàn thành lời thề độc lập năm xưa". Đó là lúc ông nhớ lại lúc giơ tay hô vang "Xin thề" ở quảng trường Ba Đình mùa thu năm 1945.

Xã hội  - Lễ độc lập trong ký ức cựu thanh niên cứu quốc (Hình 2).

Lễ đài độc lập ở quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Bà Nguyễn Thị Thái Tiên (95 tuổi, khu tập thể Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội) vẫn nhớ rất rõ ký ức đứng ở quảng trường Ba Đình, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Hàng năm, cứ đến dịp này, bà lại kể cho con cháu nghe những năm tháng hào hùng và sôi nổi ấy.

Trước cách mạng tháng Tám, nhà bà Tiên ở 96 Hàng Bột được coi là "địa chỉ đỏ" để nhiều cán bộ Việt Minh lui tới bàn công việc. Vì cha bà là quan tri phủ của triều Nguyễn, nên mật thám Pháp không dám ập vào.

Cả nhà bà Tiên đều giác ngộ và tham gia các phong trào tiền khởi nghĩa. Từ tháng 10/1944, khi còn là nữ sinh trường Đồng Khánh (nay là Trưng Vương), bà đã tham gia đóng nguyệt phí và phát truyền đơn cho Việt Minh. "Mỗi tờ truyền đơn được chúng tôi vê nhỏ lại như que tăm, với nhiều ký hiệu như CQ (cứu quốc), DK (du kích), TV (tự vệ), CK (chiến khu)...", bà kể.

Tháng 5/1945, khi ba chị em bà đang may cờ để chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa, thì lính Nhật đi tuần ập vào. Nhưng cô em gái út của bà đã nhanh trí cuốn tất cả trốn xuống gầm giường, nên không bị phát hiện.

Cách mạng tháng Tám thành công, đêm trước ngày 2/9, mấy chị em bà đã được thông báo về cuộc mít tinh rất lớn tổ chức ngày mai. "Dù chỉ biết sẽ có mít tinh ở Quảng trường Ba Đình, chứ chưa biết sẽ được dự Lễ độc lập, nhưng ba chị em chúng tôi háo hức lắm, không ngủ được", bà Tiên xúc động nhớ lại.

Xã hội  - Lễ độc lập trong ký ức cựu thanh niên cứu quốc (Hình 3).

Chú thích ảnh

Tờ mờ sáng 2/9, ba chị em bà dậy sớm, mặc áo dài trắng, búi tóc gọn gàng, ra đón tàu điện từ Hà Đông chạy qua. Nhưng tàu điện đã chật kín người, ba chị em mãi mới trèo lên được để đến trụ sở Phụ nữ cứu quốc bên Hồ Gươm. "Lúc đó, đã có những hàng dài người xếp hàng quanh Hồ Gươm, để chuẩn bị diễu hành ra Quảng trường Ba Đình. Chúng tôi xếp hàng ở cạnh nhà Thủy Tạ (nay là đường Lê Thái Tổ) suốt từ sáng, không nhớ đứng đợi bao nhiêu lâu, nhưng không ai biết mệt, quên cả đói khát", người cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu kể.

Hàng người diễu hành ra Quảng trường Ba Đình, mỗi khi người đứng đầu hô "Việt Nam độc lập muôn năm", bà Tiên và những người phía sau đồng thanh hô ba lần "Muôn năm". Sau đó, đoàn người lại cùng hát vang "Bao chiến sĩ anh hùng/ Lạnh lùng vung gươm ra sa trường".

"Tôi đứng trong đoàn phụ nữ trước khán đài, thấy từ xa một ông cụ dẫn đầu các thành viên Chính phủ lâm thời bước lên. Xen giữa bài phát biểu vang vọng từ trên lễ đài, ở dưới chúng tôi lại hô "Việt Nam độc lập muôn năm"", bà Tiên kể.

Nhạc sĩ Doãn Nho (87 tuổi, Hà Nội) tham dự lễ độc lập khi mới là cậu bé 13 tuổi. Sáng đó, ông được cử vào đội trống ếch của làng Cót, dẫn đầu đoàn diễu hành từ Cầu Giấy theo đường Kim Mã đến Ba Đình.

Mấy hôm trước, ông được các anh trong đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu giao nhiệm vụ lập đội thiếu niên cứu quốc ở làng Cót. Chỉ trong vài ngày, ông đã kịp học thuộc nhạc và lời bài Tiến quân ca (Văn Cao), Du kích ca (Đỗ Nhuận), rồi dạy lại cho các bạn cùng lứa tuổi trong làng.

Xã hội  - Lễ độc lập trong ký ức cựu thanh niên cứu quốc (Hình 4).

Nhạc sĩ Doãn Nho.

"Tôi rất nhớ hình ảnh nhỏ bé của những thiếu niên chúng tôi, thấp hơn hẳn các anh lớn trong hàng ngũ, nhưng rất sung sướng và tự hào", ông kể.

Ấn tượng của cậu bé được dự lễ Tuyên ngôn độc lập là động lực để sau này ông tham gia quân đội, trở thành nhạc sĩ với nhiều bài hát nổi tiếng như Tiến bước dưới quân kỳ, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Người con gái sông La, chiếc khăn piêu...

Theo VNE

Bạn đang đọc bài viết "Lễ độc lập trong ký ức cựu thanh niên cứu quốc" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).