Ký ức Trung thu xưa

24/09/2020 15:59

(VHNT)- Tết trung thu ngày ấy thực sự là của chúng tôi - thực sự là Tết thiếu nhi (tết của trẻ con). Chúng tôi thực sự được vui- chơi.

Trung thu thời 4.0, những năm gần đây, tôi có dịp chứng kiến nhiều nơi tổ chức tết trung thu cho các cháu với nhiều tiết mục hát, giải câu đố có thưởng , liên hoan bánh kẹo hoa quả (ra về mỗi cháu còn có phần quà)…  Xét thấy, các cháu hồ hởi vui chơi, người lớn cũng vui lây.         

Văn  - Ký ức  Trung thu xưa

Mâm cỗ không thể thiếu trong ngày tết thiếu nhi

 Ấy vậy, tôi để ý xem có cháu nào mang đèn ông sao, đèn kéo quân hay đèn cù... mà không có cháu nào mang đi. Vì cha mẹ và các cháu nghĩ không cần dùng. Quả vậy, nếu có mang đi, các cháu không có cơ hội đốt nến rước đèn (Ở UBND phường  thì chỉ phát cho vài cháu có hoàn cảnh khó khăn mỗi cháu chiếc đèn ông sao bé tí, rất xấu). Như vậy ngoại trừ mấy cháu trong đội múa, hát là “được chơi” còn lại đại bộ phận các cháu “ĐƯỢC XEM” biểu diễn.

Văn  - Ký ức  Trung thu xưa (Hình 2).

Tết trung thu - tết của đoàn viên gia đình 

 Chạnh lòng tôi nhớ lại ngày xửa ngày xưa - cái ngày tôi còn bé như các cháu bây giờ:

TUỔI THƠ HOANG DẠI và TẾT TRUNG THU:

Thuở đất nước còn chia cắt Bắc - Nam, những năm 1950, lũ trẻ con vùng Ô Đông Mác, Hai Bà Trưng, Hà Nội (thường gọi là phố Cò ỉa - gọi vậy là bởi phố Lò Đúc xưa có nhiều cây Sao đen cao to có nhiều chim cò về sinh sống, cứt chim ỉa trắng cả lòng đường - giờ chim bay đi hết từ lâu rồi). Lũ chúng tôi sàn sàn trứng gà trứng vịt anh em nhỉnh hơn nhau 1-2 tuổi, mà nhà nào cũng đông anh em (có nhà có đến 12 đứa) còn thường 4-5-6-7 nên tầm tuổi tôi khá đông (con gái vì thế ít hơn).  Ngày đó cha mẹ mọi người dồn hết sức lực đi làm (phần lớn làm nhà nước ) mong sao kiếm đủ ăn mặc cho con nên bọn trẻ chúng tôi được “tự do phát triển”  (ngoài giờ học 1 buổi trên lớp - không học thêm, không phụ đạo, dạy kèm).

Văn  - Ký ức  Trung thu xưa (Hình 3).

Một tiệm bán đèn lồng và đồ chơi Trung Thu năm 1915 trên phố Hàng Gai với những món đồ chơi như đèn xếp, đèn ông sao, đèn con thỏ, hoa giấy, đầu sư tử

Ngày thường chúng tôi rảnh thì chơi bi, chơi đáo, chơi khăng, trốn tìm, xu vê ...(bọn con gái thì nhảy dây, chơi chuyền, ô ăn quan, trồng nụ trồng hoa hay nhảy ngựa ...). Chúng tôi còn đi câu cá, câu lươn, câu nhái (nhái làm chả - ngon tuyệt cú mèo ), mò ốc, bắt cua.  Thậm chí còn “vào làng “ ăn trộm ổi ... Mùa nước lũ sông Hồng tháng 7 âm lịch chúng tôi còn ra sông bơi ra rất xa vớt củi “rều”  về đun bếp.

Sau rằm tháng 7 nước Sông Hồng rút cũng là lúc chúng tôi chuẩn bị  cho tết trung thu.

Việc đầu tiên là tìm một vài đoạn dây thép (dài khoảng 30-50 cm, nhỏ bằng que tăm xưa). Ngày ngày đi học, chúng tôi tranh thủ nhặt hạt bưởi người ta bỏ đi, mang về bóc vỏ, tách làm 2 mảnh, xiên vào dây thép phơi khô.  Sau này dùng để đốt thay ngọn nến, cháy như ngọn đuốc .

Cùng với xâu hạt bưởi là chuần bị làm đèn. Đèn ông sao làm là dễ nhất, đèn cù thì khó ở chỗ phải kiếm cho được 2 bánh xe bằng gỗ, nan tre hay nứa dẻo dễ kiếm, cán tre hay trúc cũng không khó kiếm lắm. Còn giấy bóng kính thì chẳng kiếm vào đâu nhà nào có được ăn oản (bột nếp ngọt) có bọc giấy bóng kính đỏ hay vàng thì miếng giấy cũng bé phải “can”  mới đủ dán 1 bên cánh đèn ông sao.

Văn  - Ký ức  Trung thu xưa (Hình 4).

Trung thu trong ký ức

 Còn mua thì làm gì có tiền (chúng tôi không được cha mẹ dạy dỗ cho cách tiêu tiền như trẻ con bây giờ. Đến vé cho trẻ em vào bãi chiếu bóng xem phim giá 5 xu cũng không có phải chờ gần hết phim được xem “tháo khoán”  hôm nào phim hay (“Những người báo thù không thể bị bắt” hay “Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại” thì chúng tôi liều chui rào nứa vào xem, thằng nào “vô phúc”  gặp Ông Chén bảo vệ khua sào nứa vụt đau thì phải chịu - cấm khóc). Kể lan man một chút tôi muốn nhấn mạnh rằng tuổi thơ thế hệ trẻ con xóm tôi nhọc nhằn, nghèo khổ lắm. Nhưng hạnh phúc thay, chúng tôi không có ý thức khổ, chúng tôi không quan tâm ai mặc quần áo như thế nào, thằng nào áo vá, thằng nào quần thủng đít, đứt khuy ... Lũ chúng tôi cứ vô tư chơi, cũng không gây gổ đánh chửi nhau, cũng “ăn cắp”  nhưng chỉ trèo cây vặt quả ổi, quả roi (trong làng Thanh Lương , Thanh Nhàn xưa nhiều rặng ổi chín ngon , ngọt lắm).

Văn  - Ký ức  Trung thu xưa (Hình 5).

Trẻ con ngày xưa mỗi dịp tết trung thu thường đi bộ lên phố Hàng Mã ngắm đồ chơi

Gần đến ngày rằm tháng tám, trên khu phố hàng Mã, hàng Lược, Lương Văn Can ... người ta bày bán la liệt đèn các loại: đèn ông sao, con thỏ, kéo quân, đèn cù, chong chóng, trống…  các loại rồi các loại bánh ngọt bánh nướng, bánh dẻo, bánh qui hình cá chép, con lợn thơm nức mũi! Tôi cũng mò lên tận trên ấy  (đi bộ ) chỉ để ngắm và thèm! Thèm nhất là hàng bán giấy bóng kính : mỏng tang trong suốt đủ các màu! Ngắm chán, thèm chán thì về bằng lòng với những tờ hoá đơn (mỏng như giấy “ Pơ luya” ) tuy cũng 3 mầu hồng, vàng, trắng nhưng đã in viết chữ, màu lại nhạt.

 

Rồi tôi cũng làm cho mình ( và cho mấy thằng em trai của tôi )chiếc đèn ông sao

Đúng tối 15 /8 (âm lịch) không hẹn hò mà bọn trẻ chúng tôi đã tụ họp ở sân trước cửa nhà có khoảng sân khá rộng - lúc đó mọi nhà chưa “lấn chiếm “ đất công làm nhà ở. Chúng tôi đốt hạt bưởi, đốt nến xếp hàng đi vài vòng rước đèn, thường thì bọn con trai đi đầu, sau là mấy đứa em ... Bọn con gái ở xóm tôi ít lắm ( đứa bằng trang lứa tôi chỉ có 2, 3 đứa còn là mấy đứa “đàn em” . Chúng không có đèn nên đứng rụt rè xem chúng tôi rước đèn “đốt đuốc”. Sau chúng tôi rủ thêm mấy đứa em nhỏ chơi trò “Rồng rắn lên mây. Có cây lúc lắc. Có nhà cảnh binh.  Xin hỏi thày thuốc có nhà hay không ? “ Đứa sau túm áo đứa trước vừa đi vừa hát như vậy và ngăn không cho 1 đứa đuổi bắt đứa hàng sau cùng ... vui vẻ lắm

Văn  - Ký ức  Trung thu xưa (Hình 6).

Bốn đứa trẻ và chiếc đèn lồng con bướm

Chơi chán chúng tôi cũng “phá cỗ”: đứa nào có gì thì mang ra ăn. Thường thì mỗi đứa chỉ có một miếng bánh  (1/8 chiếc bánh rẻo hay bánh nướng loại nhỏ ) hay có đứa chỉ có một múi bưởi hoặc một cái kẹo, một nửa chiếc bánh qui phần đầu con cá có mắt đen là hạt đỗ đen rang chín. Của đứa nào đứa ấy ăn(nhưng vẫn có thể ăn ké và tất nhiên chỉ được cắn một miếng nhỏ . Tôi được anh bạn hàng xóm tốt bụng hào phóng cho hẳn con mắt con cá chép - giòn tan , thơm đáo để ... )

Cuộc vui như vậy thôi , chúng tôi tản mát về dần mà cũng không đứa nào có anh chị em hay cha mẹ phải ra (hay được ra) gọi về.

Tuổi thơ chúng tôi là vậy ! Như cỏ cây hoang dại , tự tìm hiểu , tự mầy mò , tự “ kiếm sống “ tồn tại , tự vui chơi , tự chăm sóc mình , lớn lên trong thơ ngây , ngờ nghệch và vô tư đến trong sáng.

Tết trung thu ngày ấy thực sự là của chúng tôi - thực sự là TẾT THIẾU NHI (tết của trẻ con). Chúng tôi thực sự được VUI - CHƠI chứ không phải như trẻ con bây giờ : chúng không được CHƠI mà chỉ được XEM (tôi để ý hầu như tất cả các cháu và cả người lớn không ai nhìn lên MẶT TRĂNG xem nó mờ hay tỏ).

Hỡi ôi ! Nay làm gì còn tết TRÔNG TRĂNG

Trần Ngọc Cầu

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức Trung thu xưa" tại chuyên mục ĐỐI THOẠI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).