Ký ức nghệ thuật: Văn nghệ Huế - Bình Trị Thiên - Từ thuở ấy...

30/07/2020 17:48

“Đến hẹn lại lên”, tháng 7/2020, giới văn nghệ Thừa Thiên - Huế tổ chức Đại hội lần thứ 13. Một sự trùng hợp, số lần kỳ đại hội văn nghệ ở Cố Đô Huế bằng số kỳ đại hội Đảng.

“Đến hẹn lại lên”, tháng 7/2020, giới văn nghệ Thừa Thiên - Huế tổ chức Đại hội lần thứ 13. Một sự trùng hợp, số lần kỳ đại hội văn nghệ ở Cố Đô Huế bằng số kỳ đại hội Đảng.

Chỉ là ngẫu nhiên thôi, nhưng quả là lịch sử văn nghệ cách mạng trên miền Núi Ngự sông Hương trải qua nhiều chặng đường, nếu tôi không nhầm thì dài nhất so với các địa phương khác trong cả nước – 75 năm, bằng số tuổi của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Năm ngoái, cũng vào đúng tháng 7, vào dịp kỷ niệm tròn 30 năm chia tách tỉnh Bình Trị Thiên (1989-2019), văn nghệ sĩ trên dải đất hẹp này đã có cuộc gặp gỡ ôn lại chuyện buồn vui một thuở. Chưa kể tới các sự kiện từ 75 năm trước, chỉ riêng chuyện “tách-nhập” ba thập kỷ vừa qua đã có bao điều đáng suy ngẫm.

Thời gian - có thể gọi là “thước đo” hay “quan tòa” công minh, không thiên vị ai, nhiều khi giúp ta bình tĩnh để nhìn nhận, suy ngẫm về sự “được-mất”, “thắng-thua” trong cuộc đời sáng suốt hơn. Điều dễ thấy hơn cả trong vụ “chia tỉnh” (không riêng gì ở Bình Trị Thiên) là một lần nữa, chúng ta có thêm bài học đắt giá về sự “duy ý chí”. Đâu phải cái gì muốn “vẽ” ra cho to, cho hoành tráng là hơn thiên hạ. Hà Lan, Singapore nhỏ xíu mà làm nên bao kỳ tích khiến thế giới khâm phục.

Và đâu phải bỗng dưng chính quyền “ngày xưa” định ra địa giới các tỉnh, huyện như chúng ta đã “khôi phục” lại 30 năm qua. Quanh cái địa giới ấy, bao nhiêu là vấn đề phải nghiên cứu: truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, nguồn gốc dân cư, lời ăn tiếng nói…

Nhìn rộng ra, chuyện “tách và nhập” quả là không đơn giản. Ngay các nước hiện đại, nhiều khi gỡ không nổi; vụ nước Anh rời Liên minh châu Âu là một ví dụ hiển nhiên. Mặt khác, cuộc sống luôn thay đổi, có lẽ chẳng nên áp đặt một quy chuẩn cố định mãi; với trình độ công nghệ và quản lý ngày một hiện đại, nhanh chóng, một số địa phương đã và đang nhập xã, nhập huyện. Huế cũng đã có dự án mở rộng gấp mấy lần...

Tuy vậy, có một thứ vượt qua sự “tách-nhập”, không lệ thuộc địa giới hành chính - đó là những giá trị văn hóa mà sự gắn bó “Văn nghệ Bình Trị Thiên” là một bằng chứng hùng hồn và cảm động...

Dải đất hẹp Bình Trị Thiên thường được ví như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước, không nhiều tài nguyên, không ruộng đất thẳng cánh cò bay, không sân bay, cảng biển lớn dễ thu hút giới đầu tư quốc tế nên chịu nhiều thua thiệt trong phát triển kinh tế là điều đương nhiên. Nhưng Văn nghệ Bình Trị Thiên (VNBTT) lại có một chỗ đứng đáng kể trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam, kể từ sau Cách mạng Tháng 8/1945.

Kỷ yếu “70 năm Hội Văn nghệ Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế 1945-2015” (NXB Thuận Hóa, 2015) căn cứ vào thông tin trên nhật báo “Quyết chiến” - cơ quan của Thành bộ Việt Minh Thuận Hóa, số 23 ngày 20/9/1945 cho biết:

“Hơn 50 nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ở Thuận Hóa họp tại Sở Tuyên truyền tối hôm 18/9/1945 đã lập xong Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên. Liên đoàn gồm 4 ban: Văn học, Hội họa điêu khắc và Kiến trúc, Âm nhạc, Ca kịch dưới sự điều khiển của một Ủy ban Chấp hành lâm thời 5 người: Chủ tịch: Hoài Thanh; Phó Chủ tịch: Đào Duy Dếnh; Thư ký: Thanh Tịnh, Hà Thế Hạnh; Thủ quỹ: chị Quốc Thuận…”

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và Thường trực Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã nhất trí việc lấy ngày 18/9/1945 - ngày thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên là ngày thành lập Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế. Đây cũng là tổ chức văn nghệ cách mạng địa phương đầu tiên được thành lập trong cả nước, đến nay vừa tròn 75 tuổi!

Lật mở lại những trang tư liệu từ ba phần tư thế kỷ trước, hình dung những hoạt động văn nghệ liên tục sôi nổi ngày đó, từ việc ra báo, tổ chức triển lãm, lập đoàn tuyên truyền lưu động đi các địa phương..., lòng thật vui trước khí thế náo nức và tình đoàn kết rộng mở ngày đầu cách mạng.

Những tên tuổi như Hải Triều, Hoài Thanh một thời từng “đối đầu” trong cuộc tranh luận học thuật, ngày 15/9/1945 đã cùng nhà văn Thanh Tịnh, nhân danh “Ban Tổ chức”, ký tên vào một văn bản kêu gọi các nhà văn, nhà báo, kịch sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ và các nhà nhiếp ảnh tham gia thành lập Liên đoàn Văn hóa Trung Bộ.

Xã hội - Ký ức nghệ thuật: Văn nghệ Huế - Bình Trị Thiên - Từ thuở ấy...

 

Chính từ lời kêu gọi này, tổ chức của giới văn nghệ tại Huế đã được thành lập và khi mặt trận Huế vỡ, thực dân Pháp bắt đầu tấn công và chiếm đóng nhiều vùng thuộc cả 3 tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình thì những văn nghệ sĩ từng là thành viên sáng lập tổ chức văn nghệ cách mạng đầu tiên được thành lập tại Huế đã mau chóng kết nối, mở rộng hoạt động ra khắp vùng Bình Trị Thiên.

Những năm tháng đó, mặt trận Bình Trị Thiên đã thành một tên gọi thân thương, thành một vùng đất gắn bó máu thịt trong khói lửa, có nhiều tấm gương dũng cảm được cả nước tôn vinh, là nơi hội tụ nhiều văn nghệ sĩ tài năng của cả nước.

Sau Đại hội Lần thứ nhất Đoàn văn nghệ Kháng chiến Liên khu 4 (tháng 3/1948), nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi lần lượt vào chiến trường Bình Trị Thiên sáng tác và biểu diễn phục vụ. Vì sự nghiệp kháng chiến cao cả và tình yêu thương nhân dân, bộ đội Bình Trị Thiên anh dũng và đau thương trong khói lửa, không ai còn nghĩ nhà thơ Lưu Trọng Lư, quê Quảng Bình sao lại được cử làm Trưởng đoàn Thừa Thiên và đội quân văn nghệ sĩ với những tên tuổi ưu tú như Bùi Hiển, Phan Nhân, Nguyễn Hồng, Mặc Hy, Nguyễn Văn Thương, Trịnh Xuân An, Hoàng Tuấn Nhã, Hồng Chương, Đình Quang, Nguyễn Khắc Thứ, Chế Lan Viên, Dương Tường, Lương An, Tấn Hoài, Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Dinh... không ai còn nghĩ mình quê ở tỉnh nào, hăng hái đi vào vùng tạm chiếm Bình Trị Thiên, đồng cam cộng khổ với nhân dân, sẵn sàng hy sinh để có tác phẩm mới.

Trong đợt công tác này, nhạc sĩ Nguyễn Hồng đã hy sinh ngày 19/11/1949, trong khi nhiều tác phẩm mới ra đời, tiêu biểu nhất là ca khúc “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Đó là hình ảnh đẹp nhất của VNBTT thời kháng chiến chống Pháp...

Nhà báo-nhà văn-dịch giả Phan Quang, vượt qua tuổi 90, trong tập tuyển truyện ngắn vừa in đầu năm 2020 “Tím ngát tuổi hai mươi” (NXB Văn học) đã cho in lại những sáng tác đầu tay của ông được viết chính vào thời “Bình Trị Thiên khói lửa”, trong đó có truyện “Lửa hồng”. Đó là lúc ông làm phóng viên báo Cứu Quốc tại Liên khu 4. Tác giả đã kể lại xuất xứ truyện ngắn này trong hồi ký “Trên những nẻo đường này xưa ta đã đi” (NXB Văn học, 12/2019) như sau: Cuối năm 1948, Phan Quang (lúc đó lấy bút danh Hoàng Tùng) vừa từ vùng địch hậu Bình Trị Thiên ra, tòa soạn họp xem lại số báo mừng Xuân mới, nhà thơ Chế Lan Viên thấy thiếu một truyện ngắn hay đã bảo: “Hoàng Tùng từ vùng địch hậu mới ra, hãy viết truyện gì về trong nớ đi!”...

Truyện ngắn “Lửa hồng” không phải là tác phẩm xuất sắc thời kỳ này, nhưng nhà văn Phan Quang là một trong rất ít nhân chứng một thời “Bình Trị Thiên khói lửa” còn sống đến hôm nay. Trong hai cuốn sách vừa dẫn, ông đã cho chúng ta gặp lại những tên tuổi hàng đầu văn học Việt Nam như Chế Lan Viên, Bùi Hiển... đã dấn thân vào cuộc chiến đấu gian khổ của dân tộc như thế nào: “Bình Trị Thiên thành điểm hẹn và mối cơ duyên giữa nhiều nước cầm bút. Chế Lan Viên và Bùi Hiển gặp lại nhau trong một buổi tối vượt qua Quốc lộ I, nơi địch thường phục kích…” Những ngày sống tại vùng địch hậu, nhiều lần gặp địch càn, vậy mà ông rất thích thú, cố tình “vô kỷ luật”, kéo dài thời gian ở chiến trường...

Cũng với tinh thần đó, bước sang cuộc kháng chiến lần thứ 2, tuy hình thái cuộc chiến đấu có khác nhau, nhưng VNBTT vẫn là một mặt trận, nếu không quá khiêm tốn thì có thể nói rằng VNBTT vẫn luôn tạo nên sự kiện và tác giả đứng ở tốp đầu so với cả nước. Trong khi Quảng Bình là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc thành lập Hội Văn nghệ với các thành viên sáng lập là các cây bút trưởng thành từ thời chống Pháp như Xuân Hoàng, Dương Tử Giang, Trần Công Tấn... thì trên chiến trường Trị Thiên, bắt đầu từ các năm 1964-1966, lại là điểm hội tụ nhiều tài năng văn nghệ như Thanh Hải, Trần Hoàn, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vĩ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thuận Yến, Ngô Kha, Trần Vàng Sao, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Nguyên Vấn... Một danh sách dài, khó kể hết, gồm những tên tuổi mà nói vui một chút là nhiều miền đất khác nghe danh đã... thèm!

Đó là chưa kể đến những văn nghệ sĩ hoạt động tại đô thị Huế trước 1975 như Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Bửu Chỉ, Võ Quê, Thái Ngọc San, Đinh Cường, Phạm Đăng Tri... sau ngày đất nước thống nhất, rồi Bình Trị Thiên trở thành một tỉnh, đã mau chóng xóa bỏ “giới tuyến” hòa nhập vào phong trào văn nghệ mới...

Nhắc chuyện kết nối VNBTT một thời oanh liệt để không quên những người đi trước đã thực sự quên mình, dành trọn tâm huyết tạo dựng nên một vùng văn nghệ như một “bó hoa” có hương vị riêng trong vườn hoa văn học nghệ thuật đa sắc của đất nước Việt Nam.

Đã đành thời thế đổi khác, cả thế giới đang đứng trước những biến động khó lường ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, mọi địa bàn, mọi giới mà đại dịch Covid-19 là một “thảm họa toàn cầu” chưa đến hồi kết và có khi đó mới chỉ là khởi đầu của một chuỗi những sự cố gây xáo trộn cả hoàn cầu thì hoạt động văn nghệ cũng khác “ngày xưa”, có thể rồi sẽ gặp nhiều trắc trở, không dễ tạo được không khí đồng thuận vui vẻ “rập ràng” như trước, công chúng cũng ít gần gũi, quan tâm, hưởng ứng văn nghệ như trước do bị nhiều loại hình giải trí và thông tin cuốn hút...

Mặc dù vậy, tôi tin vùng đất Huế giàu truyền thống văn hóa luôn có lớp người kế tục xứng đáng đảm đương trọng trách tại Đại hội nhiệm kỳ thứ 13 sắp tới. Chính hoạt động độc đáo của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế trong đại dịch Covid-19 đã cho tôi niềm tin đó. Trong khi nhiều cơ quan “bó tay”, nhiều tổ chức văn nghệ ở các địa phương khác “án binh bất động” thì Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế đã tổ chức kêu gọi văn nghệ sỹ trong tỉnh tham gia cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19”. Chỉ trong một thời gian ngắn phát động, tổng số tiền từ đóng góp, bán ảnh, đấu giá tranh gây “Quỹ văn nghệ sỹ giúp đồng bào khó khăn vì dịch bệnh Covid-19” đã là 91.075.000đ...

Đây chỉ là một bằng chứng mới nhất. Những trại sáng tác, những chuyến đi thực tế, các cuộc giới thiệu tác phẩm mới dựa vào sự giúp đỡ của các địa phương, các ngành được tổ chức trong các năm qua cũng có thể xem là bước “đổi mới tư duy” theo hướng “xã hội hóa” hoạt động văn nghệ...

Những hoạt động như thế đã góp phần động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tạo nên nhiều tác phẩm có sức lan tỏa, vượt ra ngoài ranh giới một địa phương, tiếp nối xứng đáng truyền thống văn nghệ Huế-Bình Trị Thiên từ thuở lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Kỳ đài Huế một ngày thu Tháng Tám 75 năm trước...

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê     

 

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức nghệ thuật: Văn nghệ Huế - Bình Trị Thiên - Từ thuở ấy..." tại chuyên mục DU LỊCH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).