Kỳ nữ họ Tống (Kỳ 4)

30/08/2020 05:17

Chuyện kể về cuộc đời Tống Thị, một người đàn bà có thật trong lịch sử Việt Nam từ những thập niên đầu thế kỷ XVII.

KỲ 4 - CHƯƠNG IV: ĐÀO TƯỚNG CÔNG VÀ CUỐN CẨM NANG

Chúng tôi đi chùa Non Nước (Ngũ Hành Sơn) bằng một đoàn Hồng thuyền và Ô thuyền. Những thuyền sơn đỏ rực hoặc đen nhánh với mỗi chiếc năm, sáu chục thủy quân mặc quân phục đỏ, nó gõ nhỏ, gù nhọn, cũng sơn đỏ, răm rắp đưa chèo nhịp nhàng theo hiệu lệnh một võ quan ngồi ở mũi thuyền.

Họ cùng đứng chèo, cùng dậm ván, cùng hò khoan đẩy thuyền thoăn thoắt tiến lên lúc hàng hai, hàng tư hùng dũng. Ở thuyền chỉ huy nơi các thượng khách và chị Tống ngồi, có khoang riêng bằng gỗ khá rộng, tô điểm màu sắc dịu dàng, trải chiếu hoa, cạp điều. Các đồ dùng để pha trà, hút thuốc đều là sứ Tàu, hoặc công trình mỹ thuật tinh vi, cẩn xà cừ bóng loáng. Gác xếp dành cho hành khách đều bọc gấm nhiều màu. Quanh khoang thuyền đặt các loại binh khí để tôn vẻ uy nghiêm.

Thuyền này khác với các thuyền chiến là ở mũi có hình cái con vật không ra Lân, không ra Rồng và nơi lái có một cái đuôi với vảy bạc nhấp nháy ánh sáng. Một đài chỉ huy đặt giữa khoang và lái do một võ quan chỉ huy bằng trống và cờ lệnh. Võ quan này cũng sẽ dùng pháo thăng thiên báo hiệu vào ban đêm khi gặp khó khăn rắc rối.

Các bà lớn ngồi chuyện vãn với nhau ở cuối khoang gần bánh lái, nơi cách biệt với chỗ ngồi của nam phái bởi một tấm ván màu sắc dịu mắt.

Tôi đang ngồi bên ngoài khoang thì quan nội tán gọi tôi lại gần, cho phép được ngồi gần và bảo ban vài điều. Khi nghe tôi trình là đang học kinh dịch, môn học mà mọi người đều cho là ông sở đắc tới chỗ uyên thâm nhất (người tự cho là học trò Khổng Minh và là tác giả bài vãn “Ngọa Long Chương” nổi tiếng), ông bảo tôi:

- Học dịch rất hay. Nhưng dịch là môn triết lý cao xa. Vì thế chỉ nên học để biết, hướng dẫn bổ túc cho các môn học khác. Còn như để bói toán thì chú tự xét mình có thể bỏ ra nhiều chục năm để miệt mài nghiên cứu không?

Chưa thấy tôi nói gì, ông tiếp:

- Không chỉ nghiên cứu, chú có tự thấy trước khi học môn này, mình đã có sẵn một năng khiếu đặc biệt để cảm thông trời đất, tiên liệu không quá sai một vài việc bất ngờ xảy ra không?

- Thưa, tôi không có năng khiếu đó.

- Tôi thấy hàng trăm người học môn triết lý cao xa này đều không tìm thấy cái lẽ thâm sâu là để ứng dụng vào chính trị, đạo đức mà để ứng dụng vào thần linh, bói toán, tuy bói toán vẫn là cái lẽ cảm ứng giữa trời với người. Dịch không phải “vi tiểu nhơn mưu” mà dành cho người có trình độ, học thức cao để lo việc nước. Triết lý mà vào tay người không có trình độ thì phá hoại hết đời sống tinh thần có khi cả đời sống xã hội và kinh tế.

- Thưa nội tán. Vì quan lớn sắp đi xa, không mấy hi vọng được hầu hạ lần nữa nên xin quan lớn giúp cho tôi một lời chung thần để ứng phó với đời.

Quan nội tấn bảo:

- Sắc diện anh rất lạ. Tôi chưa hiểu rõ. Tôi có biết qua thuật xem tướng. Mấy ngày trước, mới thấy anh, tôi nghĩ anh đang rất thanh thản. Nhưng hôm nay, anh đang như bị ốm, như có khí khác làm chuyển động đến gốc rễ, tâm tư, tình cảm. Mà cái khí đó xem chừng ảnh hưởng rất sâu đậm đời anh đấy.

Ông bảo tôi quay lưng lại, xem qua và tiếp:

- Tướng anh vào loại trung bình, không có gì đặc biệt. Nghĩa là không quan cao, lộc cả. Cũng không chết bất đắc kỳ tử, không có bệnh nan y.

Đột nhiên mắt ông sáng lên, có vẻ ngạc nhiên và nói như tự nói với chính mình:

- Mà lại, anh có ẩn quí tướng. Nhưng tại sao người trung bình như anh lại có lúc như vươn tới đỉnh cao, vượt hẳn cương vị của mình. Anh không có quan cao lộc cả mà sao còn hơn quan cao lộc cả? Anh được quí nhơn phò trợ, mà quí nhơn đây lại là hạng phi thường. Thế sao anh lại không có địa vị cao sang? Tôi thật chưa hiểu. Để lúc nào các khí lạ trên mặt bớt đi mới có thể xem kỹ được.

- Bẩm quan lớn, tôi tự xét mình không có tài lớn, không nhiều tham vọng, lại ở trong thế bách tính không được dự triều chính, làm sao lại có tướng lạ. Chắc quan lớn quá thương mà dạy để tôi tự an ủi thôi.

- Chú xem tôi là hạng người thế nào mà phải ma mị chú như thế. Tôi thấy tướng lạ thì nói tướng lạ. Mà cái tướng của chú, tôi từ xứ Đàng Ngoài vào xứ Đàng Trong, từ hồi làm anh học sinh xuất sắc không được đi thi, bỏ vào làm tay giữ trâu rồi lên đến trụ cột triều đình, đã từng xem tướng cho hàng vạn người, cũng chưa thấy ai có tướng lạ như chú. Đó là điều tôi ngạc nhiên đấy.

Hầu chuyện quan lớn nội tán, tôi say sưa quên mất phải ghé qua Hội An đón bà Sataro (Hoàng Mộc Tông
Thái Lan), con gái chúa Sãi, em quan trấn thủ cùng đi.

Bà này được chúa gả cho người Nhật để mua bạc nén và nhất là binh khí như đại đao, kiếm nước thép tốt nhất thiên hạ. Thành ra mấy con công mà dân Nhật quí như vàng nhốt trong mấy cái giỏ lớn để đem tặng cũng không trao cho ông binh trưởng chồng bà công tước nữa được. Tôi đành lặng thinh, sẽ xin lỗi chị Tống khi tới Non Nước.

Núi Non Nước trong nắng sớm với cây cối xanh tươi, với đá ngũ sắc long lanh như thêu hoa, dệt gấm, có sông đào chảy bên cạnh bối cảnh núi Sơn Trà hùng vĩ sừng sững trước đại dương là cảnh dễ làm mê hoặc các thiện nam, tín nữ và du khách.

Chúng tôi phải khó nhọc lắm mới leo lên được lưng chừng núi. Vì từ đất bằng lên tới đỉnh Tam Thai, núi có hang động danh tiếng chỉ có những bậc cấp bằng đá lởm chởm. Nhiều viên đá lung lay làm các bà, các cô hết hồn. Các thị nữ của chị Tống, kẻ mang quạt lông, người mang tráp trầu cau phải nhiều lúc luống cuống, lo cho mình chưa đủ làm sao giúp cho chủ được.

Lên tới ngọn núi thì người nào cũng mệt ngất, phải ngồi lại hồi lâu. Nhà chùa đã có người mang bình nước cùng các thứ hoa quả để các thượng khách giải khát. Cảnh trí đẹp đẽ nhìn bao quát biển cả, sông nước, thôn xóm trong cơn gió hiu mát làm mọi người lấy sức lại dễ dàng.

Chúng tôi chia làm hai tốp. Quan nội tán vì chưa biết hang động Tam Thai nên một số quan lại, lính tráng theo hầu đưa ông đến tham quan. Còn các bà với tôi hộ vệ chị Tống vào chùa rồi đi đến động Chiêm Thành. Trên đường đi, có nhiều con khỉ đu từ cành này sang cành khác để xem chúng tôi, có lẽ vì chúng thấy các bà ăn mặc sang trọng dù đây chỉ là áo quần sắc màu giản dị, thích hợp cho việc cúng bái.

Những con khỉ làm gãy cành khô lộp bộp, đánh đu, chuyền cành làm náo động cả một vùng núi. Có con táo tợn lượn ngay trên đầu các bà, động tới những món trang sức, khiến các bà rú lên rồi cười như nắc nẻ. Lũ khỉ ở đây không biết sợ ai vì không ai dám bắn giết chúng; có người còn mang cả những con khỉ nơi khác đến để làm công đức.

Chị Tống, trong một lúc vô ý vấp phải hòn đá lớn, chưa kịp lấy lại thăng bằng đã bị một con khỉ má và đít đỏ au, lông đầu trắng như ông lão, nhảy phóc đến, móc một chân trên cành, thòng đầu và tay xuống giật cây quạt chị cầm nơi tay. Đó là cái quạt ngà tuyệt đẹp của ông em rể người Nhật - Hoàng Mộc Tông Thái Lang - tặng.

Chị sững sờ thét lên. Rồi không hiểu vì tiếc của hay quá sợ hãi nên choáng váng suýt ngã. Tôi kịp thời dang hai tay - đúng lúc, chị ngã vào vòng tay khao khát đến tuyệt vọng của tôi. Tôi cảm thấy một cái gì thật êm ái nhồi toàn bằng nhung tơ có sinh khí làm dịu hết giá quan, mơn man đến các thớ thịt và hơi thở. Tôi mang cái tai nạn dịu dàng phủ gấm vóc ấy đặt lên một tảng đá rồi rút cây quạt dắt ở thắt lưng ra quạt lấy, quạt để.

Cả đám đàn bà - có cả Túy Nguyệt - cùng đổ đến để hỗ trợ, rồi cả đám quạt thi nhau phe phẩy như đang múa quạt, trông rất buồn cười. Chị Tống tỉnh hẳn lúc con khỉ đầu bạc tưởng đã chạy trốn, bỗng trở lại. Và kỳ quái chưa! Nó còn ngoặm cây quạt nơi miệng, một tay nắm trái bưởi đèo cuống lá mới hái trộm ném xuống cạnh chị Tống khiến mọi người cười ồ lên một tiếng cùng nhìn xem khỉ còn giở trò gì ra nữa. Con khỉ không vội vàng, chuyền lên một cành cao, ngồi yên vị, xòe quạt một cách khó khăn khiến chị Tống sợ hãi kêu lên:

- Nó làm nát cây quạt rồi!

Con khỉ không mở quạt ra hết, nhưng cũng đã khiến nó yên trí là làm đúng cách và bắt đầu phe phẩy. Chị Tống hơi gắt giọng:

- Cậu lấy lại cây quạt cho tôi. Cây quạt ấy quí lắm, đừng để nó mang đi.

Con khỉ ngồi trên cao ngắm chúng tôi. Tôi biết nếu bọn lính lao lên nó sẽ vọt sang cây khác, rồi sẽ mất hút trong đám cây cối sum suê kia, không thể nào đuổi kịp. Chỉ còn cách giả vờ không chú ý rồi dùng súng bắn một phát cho chết tươi, nó mới rời cây quạt ra. Nhưng giết một sinh vật nơi thiền lâm là một điều cấm kỵ mà cũng sẽ gây nhiều mối lo sợ, hoang mang cho các thiện nam, tín nữ này.

Vả chăng, có nên nói thêm là tôi rất hàm ân con khỉ bạc đầy. Vì không nhờ người bạn ngu ngơ đó, làm sao tôi được cái diễm phúc vô song ngàn năm một thuở ôm người ngọc vào lòng! Bả vai của tôi còn nóng hổi da thịt chị, mũi tôi còn phảng phất hơi thở thơm nồng, tâm hồn tôi còn mê lịm trong giấc viễn mơ đạt được bất ngờ cũng chỉ vì con khỉ đít đỏ này.

Đột nhiên khi dẫn quân lính đi vây các gốc cây tôi cũng lại nghe thêm: nó không phải vô tri đâu! Rõ ràng, nó là con khỉ đực. Rất có thể nó cũng là “nòi tình” cảm nhan sắc tuyệt thế gian nhân nên bày những “trò khỉ” một cách trâng tráo ra đấy thôi. Giết nó thật như giết một tình địch không tự vệ. Nhưng biết làm thế nào?

Tôi đi đến đoạn cuối của cuộc bao vây và sắp phạm tội sát nhân thì đột nhiên một chú tiểu xuất hiện. Thấy tôi đang chuẩn bị nổ súng, chú hỏi:

- Thầy định bắn con khỉ à?

- Phải.

- Tại sao?

- Nó giật cái quạt của bà trấn thủ, đang phe phảy kia kìa!

- Thầy không nên phạm luật sát sinh ở trong chùa. Vả chăng, muốn lấy lại quạt, thầy chỉ nên dùng chước mà đừng dùng sức.

- Chà! Chú này cũng có óc quân sự ghê! Thế muốn dùng chước thì thế nào?

- Ở đây, nhiều người cũng hay mất cái này, cái nọ luôn. Khỉ giỏi bắt chước, nên các vị cứ quạt hăng lên rồi cùng vất quạt đi. Quả nhiên, con khỉ đít đỏ cũng ra tay quạt rồi cũng vất luôn quạt và tôi đã sẵn sàng chụp lấy khiến quạt không bị xây xát chút nào. Chị Tống đón cây quạt ra vẻ trìu mến và cùng các bà vào hang động Chiêm Thành. Nơi đây, có thờ Lồi Phi phu nhân, một hình thức thờ đức Quan Âm như người Việt để bảo hộ sinh linh hoạt động trên bể cả, cứu khổ, cứu nạn cho những người bệnh hoạn thập tử nhất sinh.

Nhưng chị Tống không cần biết đó là Quan Âm hay ai. Chị chỉ cần biết bà Lồi không phải người Việt. Bà thuộc về một dân tộc có nhiều bí mật, có mê tín cực đoan, nơi tràn ngập những bóng ma Lồi, ma Chăm, ma Lạc dễ gây những huyễn tưởng kỳ bí rất thích hợp cho một tâm hồn đau khổ đang cầu cứu thần linh.

Văn  - Kỳ nữ họ Tống (Kỳ 4)

 

Tôi thấy chị quỳ lạy rất lâu và khấn vái những gì chỉ có hai người đàn bà biết với nhau, bà kia là chúa của một vùng đất đã bại trận, đã mất và bà này thực sự là chúa thắng trận đang từng bước thăng hoa. Có thể chị mong người đàn bà có linh hồn bất diệt, phép lại cứu giúp chị mà biết đâu chị không kêu gọi bà thần linh ấy dẹp bỏ oán thù đối với gia đình chị, buông tha cho chồng chị. Làm sao biết được cuộc độc thoại diễn ra đầy bí ẩn, linh thiêng và nghịch lý này!

Tôi lặng lẽ lui ra ngoài để hai người đàn bà âm thầm thông cảm nhau trong hương trầm ngào ngạt. ở sau một viên đá to rêu phong vẽ nên nhiều hình quái lạ, tôi thấy có hai con mắt đen lay láy nhìn tôi và như muốn thu hút tôi. Tôi không do dự đi về phía ấy với một thứ cảm xúc ngọt lịm nơi cuống lưỡi khi bàn tay êm ái đặt lên tay tôi. Túy Nguyệt cứ nhìn tôi, nhìn tôi như mới khám phá ra một điều mới lạ trên mặt tôi khiến tôi phải khôi hài:

- Mặt anh bị lọ nghẹ phải không?

- Lọ nghẹ nhiều lắm. Anh đưa em lau cho.

Nàng lấy cái khăn lụa điều, một tay vít vai tôi xuống, một tay lau mồ hôi, bụi đường còn bết trên mặt tôi một cách âu yếm và hỏi tôi:

- Bao giờ anh ra chính dinh chơi?

- Ra làm gì? Ai chờ mà ra?

- Em chờ đó. Anh không ra, em giận lắm.

- Giận thì giỏi vào đây mà tìm.

- Em đâu có sợ. Thiên sơn, vạn lý còn không ngại, kể gì mấy cái đèo.

- Được thế thì còn gì bằng.

- Nhưng anh muốn em vào thì anh phải ra đã. Anh hứa với em đi, nghe anh!

Tôi vuốt tay, vuốt vai, vuốt lưng và Túy Nguyệt ngây ngất trong một giấc mơ êm ái làm cho đầu nàng không còn đứng vững trên cái cổ ba ngấn trắng ngần để lộ một sợi dây chuyền vàng rất mảnh, chạm trổ tinh vi mà chỉ thợ kim hoàn ở phủ chúa mới thực hiện được. Cái đầu ấy tự tìm đến vai tôi, dựa vào đó để tự do cười tươi và khi nghe có tiếng ai kêu gọi chuẩn bị ra về thì cũng tự do nhỏ mấy giọt lệ thấm tới da thịt rôi.

Nàng thổn thức bên tai tôi: “Biết bao giờ mới gặp lại anh! Đừng quên em nghe anh! Tội nghiệp em nghe anh!”. Rồi lau nước mắt đứng lên. Tôi định bóp chặt tay nàng để ghi lại kỷ niệm cuối cùng thì cũng vừa lúc chị Tống xuất hiện. Tay tôi trở nên luống cuống và tôi có cảm tưởng làm một điều gian lận nào đó đối với bà chúa bằng xương thịt mới từ giã bà chúa cõi âm.

Tôi chỉ còn đủ sức nhẹ nhàng nâng tay Túy Nguyệt lên và ấp úng:

- Không. Không bao giờ đâu em!

Tôi ngờ ngợ, giọng tôi không phải của tôi.

Xuống chân núi, chúng tôi tạm chia tay. Chị Tống cùng đám phụ nữ về lại dinh Chăm. Các bà mệnh phụ và Túy Nguyệt ra Trà Sơn (Đà Nẵng) nghỉ ngơi để chờ quan nội tán. Quan nội tán và một đám tướng tá đi thăm mấy cơ sở phòng thủ Đà Nẵng. Tôi tháp tùng đoàn này.

Chúng tôi dừng lại Nhật Bản dinh để viếng thăm. Dinh này là một bộ phận để bảo vệ hải cảng lớn, nơi có nhiều tàu thuyền đồ sộ của người ngoại quốc đến giao thương hoặc nghỉ ngơi để tránh gió bão hoặc mua thêm thực phẩm, củi, nước. Người Nhật ở Hội An và Đà Nẵng. Tại Hội An có những quan chức được chúa dùng để quản trị thuyền buôn và bang người Nhật.

Hiện nay, bang trưởng là Hoàng Mộc Tông Thái Lan; rất được tín nhiệm vì ông là rễ chúa Sãi, có tài văn võ và quản trị - Do lẽ đó, bang người Trung Quốc cũng giao thông để điều động và thu thuế. Ông đã chu toàn trách nhiệm rất tốt nên khi chúa Sãi mất, chúa Thượng lên thay vẫn một mực tin cậy ông. Người Tàu cũng xem ông là vị bang trưởng mẫu mực.

Còn quân đội Nhật giúp chúa Nguyễn thì phần lớn đóng tại Trà Sơn, tiền cảng của Hội An để giúp đỡ việc giữ vững an ninh trật tự. Sự thật, vì người Nhật tận tâm; nhiều thiện chí, lại rất khỏe mạnh, giỏi võ nghệ nên chúa không muốn để họ ở quá gần dinh Chăm, nơi đầu não chính trị, quân sự của ta mà đưa ra Trà Sơn để canh gác và đối đầu với người ngoại quốc.

người Tây Dương to lớn, kềnh càng lại có uy dũng, nên một số quân lính người Việt rất ngại trong việc tiếp xúc; người Nhật tuy rất thấp, nhưng bạo dạn, liều lĩnh, lại có kỷ luật cao nên dùng vào địa điểm này rất đắc thế. Lý do có sự tin cậy sâu sắc ấy còn là vì năm xưa (1593) ba chiếc tàu của quân đội Y Pha Nho (do đô đốc Galinato chỉ huy) từ Phi Luật Tân sang Cửa Hàn muốn gây rối trên xứ sở ta, đã bị quân đội ta với sự hỗ trợ đắc lực, can cường, có tính quyết định của quân Nhật, đã đánh bại đoàn quân kiêu hãnh của Y - Pha - Nho, đốt một chiếc tàu, đuổi luôn hải đội của họ ra khỏi biển làm vang danh lực lượng phòng thủ xứ này.

Do đó người ngoại quốc hay gọi cảng này là cảng Nhật Bổn. Sự kiện này xảy ra trước khi chúa Sãi làm trấn thủ Quảng Nam nhưng cũng từ đó, việc dùng quân lính Nhật canh gác hải cảnh thành truyền thống.

Chúng tôi được quân nhân người Nhật đón tiếp trọng thể và có bày ra những cuộc biểu diễn mua vui, đặc biệt là trò khuyển truy rất hùng tráng và thú vị. Người ta dẫn ra một bầy chó nuôi dưỡng kỹ, luyện tập công phu. Đồng thời, những quân nhân Nhật, tóc búi ngược, mặc áo giáp, vai mang cung tên nhảy lên những con ngựa chiến cao lớn đã sẵn yên cương.

Đáng tiếc. Nếu người họ cao hơn thì trông uy dũng chẳng khác những pho tượng chiến tranh. Nhưng phần lớn đều lùn với đôi vai to bè bè, thêm áo giáp cồng kềnh nên trông càng thấp hơn làm kém phần nào tính cách lẫm liệt.

Từ xa, những người lính dẫn chó ra xạ trường rộng lớn, bao vây bằng những phiến gỗ, thả chó chạy về phía chúng tôi. Kỵ mã Nhật nhảy phóc lên ngựa, dục ngựa truy đuổi gây náo động khắp xạ trường vì tiếng chó sủa, tiếng vó ngựa lộp bộp, tiếng người xem cổ võ, không rõ cho phe nào: muốn chó chạy thoát thân hay các xạ thủ ngắm bắn đích xác?

Khi người kỵ mã đầu tiên đuổi cách con chó vừa tầm mũi tên, anh lắp tên vào dây cung, bắn. Con chó hạ rú lên một tiếng áo não, nhưng không chết vì đầu mũi tên đã buộc vải tẩm mực đỏ để đánh dấu. Xạ trường như muốn nổ lên vì tiếng hò hét inh ỏi. Những kỵ mã khác cũng liên tục buông tên và những con chó kêu rú thảm thương lại làm nổi lên những tiếng kêu la sảng khoái huyên náo của đám khán giả hiếu động.

Khi những con chó cuối cùng lẩn mất, quan nhân cho ngựa chạy quanh trước phái đoàn mấy vòng để biểu dương uy vũ và kính chào. Trông họ không có vẻ gì là mới trải qua một cuộc chiến đấu cực kỳ nặng nhọc, vất vả.

Rời khỏi dinh Nhật, quan nội tán bảo các tướng tá:

- Quân lính Nhật tuy là nam di như ta dưới mắt người thượng quốc (Tàu), nhưng các ông cố đạo Tây Dương đã đi qua nhiều nước như ông Bori (Borri) người nước Ý, ông Rốt (Rhodes) người Pháp Lan Tây đều bảo tôi: đánh giặc giỏi nhất là người Nhật, tuy họ lùn nhất; thứ là người Việt, tuy các ông mảnh khảnh; cao nhất là người Tàu nhưng tài chiến đấu lại kém nhất so với người Nhật, người Việt.

Quan cai cơ hỏi:

- Trình quan nội tán, thế tại sao hôm nay chúng ta lại tìm nơi đây lập pháo đài?

Quan nội tán cười:

- Vậy quan cai cơ nghĩ là lập pháo đài chống ai?

- Thì tất nhiên chúng ta dùng để chống quân Trịnh, quân tàu chứ chẳng lẽ còn chống ai. Quân Trịnh thì thủy chiến rất kém, không thể đọ sức với thủy quân ta, việc đó ai cũng biết. Còn quân Tàu thì bách chiến trên biển khơi...

Các tướng tá tuy không nói gì, nhưng đều tỏ vẻ đồng ý với cai cơ. Nội tán nói:

- Các vị lầm rồi. Các vị bị những trang sử cũ ám ảnh nên không chịu mở mắt nhìn sự thật đấy thôi. Tàu!

Chúng ta từ ngàn năm quen sợ tài nghệ tuyệt hảo của người Tàu nên hễ động tới Tàu là không tiếc lời thán phục. Các vị may mắn sống ở đất này, có người ngoại quốc lui tới hàng ngày mà không biết Tàu đã bị hạ giá rồi sao?

Quan nội tán dừng lại, chỉ ra Vũng Thung, nơi những thương thuyền ngoại quốc đậu:

- Các vị xem. Những chiếc tài đồ sộ kia băng qua trùng dương, sóng to, gió lớn như chơi so với những chiếc thuyền Trung Quốc chỉ có khả năng đi dọc bờ biển, khác nhau một trời, một vực thì tài năng của đôi bên chẳng lẽ không đấnh giá được sao? Đã có thuật đóng tàu thì phải có thuật hàng hải, thuật thiên văn, địa lý, thuật tính toán, thuật luyện quân, thuật chế tạo súng đạn, thuật tác xạ... Tàu hết thời rồi, các vị ạ. Họ cũng sững sờ, bối rối, lo sợ như chúng ta trước sức mạnh mới lạ của Tây Dương này.

- Những người Tàu đa mưu, đa trí lắm. Quan lớn có đọc Tam Quốc Chí, thấy Khổng Minh, Gia Cát Lượng...

- Thì tôi tự cho mình là học trò Khổng Minh, thứ học trò dở của ngài, nhưng tôi biết có hai Khổng Minh: một trong sử, một trong truyện. Tôi biết lọc lựa cái nào khả dĩ thực hiện được để ứng dụng và cái nào bịa đặt để mua vui. Các vị cần biết cơ mưu trong binh thư Trung Quốc còn giá trị, nhưng kỹ xảo chế tạo súng đạn của họ lỗi thời rồi. Đừng nói Tây Dương, chỉ nói riêng xứ Đàng Trong mình đây cũng đã bỏ xa Trung Quốc đấy.

- Làm sao quan lớn biết được, quan lớn quá tự tin không?

- Tôi có tiếp các giáo sĩ ngoại quốc thuộc dòng Tên qua lại thân thiết với Trung Quốc. Các vị ấy cho biết người Tàu đang nhờ họ xây dựng các lò đúc súng đại bác kiểu Tây Dương, song họ chưa chịu. Trong khi đó, gần hai chục năm nay, chúng ta đã nhờ ông Cờ Ruy (Joso La Cruy) nhà chuyên môn Bồ Đào Nha lập pháo tượng ở Phường đúc, gần Kim Long để chế đại bác, súng trưởng.

- Quan lớn nghĩ là người Tàu không bao giờ dòm ngó xứ ta nữa?

- Hiện thời thì chưa đâu. Nhưng trong tương lai, khi dòng dõi chính thống của nhà Lê bị thay đổi, mới có chuyện đó. Phải - chúa Trịnh thừa thông minh để giữ vững địa vị “không đế, không bá, quyền nghiêng thiên ha”. Nhưng tới khi có chuyện chấm dứt thì Trung Quốc sẽ dùng thủy lục quân đánh chiếm Thăng Long. Nhưng họ không đủ sức đánh vào các hải cảng xứ Đàng Trong, nhất là bây giờ bờ biển kéo dài ngàn dặm về phương Nam. Ở tại Thăng Long, người Tài bị hai thế lực từ miền Nam đánh ra: thứ nhất là tượng quân, loại binh chủng mà Trung Quốc khiếp sợ hơn hết, sẽ băng rừng bún đánh vu hồi; thứ hai là thủy quân mang đại bác, ngược Nhị Hà tấn công. Đại quân Trung Quốc sẽ tan vỡ. Nói tóm lại, với sức mạnh và tài đánh giặc của ta, sẽ không bao giờ còn chuyện Trung Quốc xâm lăng ta như thời xưa nữa.

Quan cai cơ ngạc nhiên:

- Thế lập pháo đài ở Trà Sơn, không chống Trịnh, chống Tàu thì để chống ai?

- Các vị biết đấy còn hỏi làm gì?

- Chúng tôi quả thật chưa rõ, xin quan lớn chỉ dạy.

- Kinh dịch dạy ta phải tránh tĩnh mà năng động để nhận chân và tùy thời đối đãi với hoàn cảnh mới.

Suy nghĩ kỹ hãy nói, bàn bạc kỹ hãy làm. Dịch cũng dạy chúng ta phải luôn có phương tiện, dụng cụ mới để thích nghi, ứng phó chứ không chỉ lý sự suông. Kẻ địch ngày nay đáng lo ngại chính là Tây Dương. Họ đã đặt Thiên triều vào tình trạng lạc hậu. Muốn chống với Tây Dương thì phải có pháo đài tốt, bố trí đại bác lớn để phòng thủ chờ lúc họ trở mặt.

Một tiếng thở phào và nhiều tiếng lao xao “chuyện trước mắt mà không thấy”. “Chà! Đáng lo thật” phát ra trong đám tướng tá. Cai cơ nói:

- Quan lớn mưu sự như thần. Việc trước mắt mà chúng tôi không ai nghĩ tới. Phải, họ dễ trở mặt như chơi. Mà khi họ đã trở mặt thì súng đạn, tàu bè của họ khủng khiếp lắm.

Lúc chia tay, quan nội tán bảo riêng tôi:

- Chú về thưa lại quan trấn thủ là tôi rất cảm tạ sự đón tiếp nồng hậu của ông bà. Tôi chỉ xin quan lớn trân trọng tâm thân vàng ngọc để chúa nhờ khi người trăm tuổi, con dân được cậy trong cảnh đất nước chưa yên. Mệnh trời không phải không vượt qua được nếu ta có ý chí. Tuy nhiên việc đời không thể nói theo hết ý mình.

Tôi có cái cẩm nang này, chú tạm giữ, chưa vội trao lại cho bà lớn. Rồi sau này, khi gặp một biến cố lớn, sự tình gay cấn không phải giải quyết được, chú hãy mở ra. Tôi không quyết chắc điều tôi nói là đúng song cũng nên tham khảo để tìm cách xử trí tốt nhất trước khi hành động.

Tôi cần cuốn Cẩm nang, xúc động nói:

- Quan lớn đã từng lừng lẫy với cẩm nang trao cho sứ bộ Văn Khuông lúc ra Thăng Long năm trước thì tôi chắc cẩm nang này cũng là lời thần dạy bảo. Tôi xin hết lòng tuân thủ. Xin chúc quan lớn thượng lộ bình an.

Tiểu tuyết của nhà văn Nguyễn Văn Xuân

Xem thêm: 

Kỳ nữ họ Tống (Kỳ I)

Kỳ nữ họ Tống (Kỳ II)

Kỳ nữ họ Tống (Kỳ III)

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ nữ họ Tống (Kỳ 4)" tại chuyên mục XÃ HỘI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).