Nhà văn Võ Khắc Nghiêm - "Thổi giá lên, thổi giá xuống" hay chuyện Bệnh viện Bạch Mai phê duyệt trúng thầu rồi bất ngờ hủy thầu

24/10/2020 06:30

(Arttimes)- Mới đây, nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã có những lời gan ruột, chia sẻ trên Arttmes rằng: "Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn từ chủ trương xã hội hóa các hoạt động Y tế, Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và nhiều ngành khác…Tuy nhiên do còn thiếu những ràng buộc chặt chẽ về luật và phẩm chất cán bộ nên gần đây qua thanh tra, điều tra đã phát hiện khá nhiều sai sót trong liên kết, liên doanh, mua sắm thiết bị y tế mà điển hình là việc thổi giá lên gấp nhiều lần… như những cơn bão càn quét nhiều ngành khắp đất nước mà việc cơ quan điều tra khởi tố một số vụ án chỉ mang tính điển hình cho “những đồng chí đã bị lộ”".

Y tế - Nhà văn Võ Khắc Nghiêm - 'Thổi giá lên, thổi giá xuống' hay  chuyện Bệnh viện Bạch Mai phê duyệt trúng thầu rồi bất ngờ hủy thầu

Bệnh viện Bạch Mai

Tưởng chừng việc đó sẽ chấp dứt nhưng mới đây tại Bệnh viện Bạch Mai lại có một sự việc, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bất chấp việc, hồ sơ dự thầu của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Minh Hồng có sự gian lận về năng lực, kinh nghiệm nhưng đơn vị này vẫn được Bệnh viện Bạch Mai phê duyệt trúng gói thầu với giá hơn 22 tỷ đồng. Sau đó, bệnh viện này lại ra quyết định hủy gói thầu trên.

Gian lận hồ sơ vẫn trúng thầu tại bệnh viện Bạch Mai

Theo tài liệu của PV, ngày 28/7/2020, ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã ký Thông báo mời thầu và Hồ sơ mời thầu đối với gói thầu số 01: Cung cấp dịch vụ giặt là đồ vải y tế và đóng gói đồ vải phẫu thuật, tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2020-2021. Giá mời thầu là 25.590.631.000 đồng, vốn lấy từ nguồn thu dịch vụ kỹ thuật y tế.

Y tế - Nhà văn Võ Khắc Nghiêm - 'Thổi giá lên, thổi giá xuống' hay  chuyện Bệnh viện Bạch Mai phê duyệt trúng thầu rồi bất ngờ hủy thầu (Hình 2).

Hồ sơ mời thầu của Bệnh viện Bạch Mai.

Đáng chú ý, trong Hồ sơ mời thầu, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra các điều kiện kỹ thuật bắt buộc các đơn vị tham gia dự thầu phải đáp ứng. Cụ thể, về năng lực tài chính, doanh nghiệp phải đạt doanh thu bình quân hàng năm tối thiểu là 25,6 tỷ đồng, tính từ ngày 1/1/2017 trong vòng 3 năm trở lại.

Về kinh nghiệm, nhà thầu tham dự phải từng ký hợp đồng cung cấp dịch vụ giặt là với giá trị tối thiểu 17,9 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2017 đến thời điểm đóng thầu. Có đội ngũ cán bộ quản lý chuyên môn, cán bộ quản lý xưởng giặt, cán bộ phụ trách kỹ thuật vận hành thiết bị, cán bộ kỹ thuật vận hành thiết bị cấp hơi… có trình độ, bằng cấp chứng chỉ, có kinh nghiệm trong công việc tương tự.

Trên cơ sở đó, đến ngày 4/9/2020, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã ký quyết định số 2175/QĐ-BM phê duyệt cho Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Minh Hồng (địa chỉ tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) trúng gói thầu số 01 với giá 22.798.925.800 đồng.

Thế nhưng trên thực tế, Công ty Minh Hồng đã không trung thực trong kê khai hồ sơ dự thầu để lọt qua các điều kiện bắt buộc do Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra.

Y tế - Nhà văn Võ Khắc Nghiêm - 'Thổi giá lên, thổi giá xuống' hay  chuyện Bệnh viện Bạch Mai phê duyệt trúng thầu rồi bất ngờ hủy thầu (Hình 3).

Kết quả lựa chọn nhà thầu được Bệnh viện Bạch Mai công bố trên cổng Đấu thầu quốc gia.

Cụ thể, Công ty Minh Hồng chỉ là doanh nghiệp chuyên giặt là cho các khách sạn ở Quảng Ninh, chưa từng ký hợp đồng giặt là với các bệnh viện, cũng chưa từng ký hợp đồng giặt là nào có giá trị trên 17,9 tỷ đồng nên không thể đáp ứng điều kiện về kinh nghiệm trong thực hiện hợp đồng tương tự. Trong danh sách các nhà thầu được phê duyệt trên Cổng đấu thầu quốc gia, cũng không hề có tên Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Minh Hồng. Rõ ràng, đây không phải là một nhà thầu lớn, có đủ năng lực và kinh nghiệm.

Việc hủy quyết định trúng thầu sẽ khiến ngân sách bị thiệt hại

Theo tìm hiểu của PV, không lâu sau khi ký quyết định phê duyệt trúng thầu cho doanh nghiệp Minh Hồng, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã ban hành quyết định hủy kết quả thầu của gói thầu trên. Thông tin đăng tải trên cổng đấu thầu quốc gia thể hiện rõ việc hủy gói thầu này.

Y tế - Nhà văn Võ Khắc Nghiêm - 'Thổi giá lên, thổi giá xuống' hay  chuyện Bệnh viện Bạch Mai phê duyệt trúng thầu rồi bất ngờ hủy thầu (Hình 4).

Thông báo hủy thầu của Bệnh viện Bạch Mai.

Theo quy định hiện hành, việc hủy thầu là quyết định của bên mời thầu (BMT) và BMT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định đó.

Trong từng trường hợp hủy thầu, nếu nhà thầu và các bên liên quan có kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, cơ quan thanh tra, kiểm tra cần phải làm rõ căn cứ mà BMT đưa ra quyết định hủy thầu có đúng quy định của pháp luật hay không; tránh tình trạng BMT tùy tiện hủy thầu.

Theo quy định việc hủy thầu trước hết phải căn cứ theo quy định của pháp luật và phải được đánh giá, xem xét có khách quan, xác đáng hay không. Nếu việc hủy thầu là khách quan, đúng quy định thì BMT khi đó phải có trách nhiệm đền bù một số chi phí phát sinh trong quá trình tham gia thầu cho các bên liên quan.

Một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cho hay: Theo quy định hiện hành, đối với gói thầu 25.590.631.000 đồng, sau khi quyết định hủy gói thầu, Bệnh viện Bạch Mai sẽ phải mất hàng trăm triệu đồng tiền phí đối với các dịch vụ, như: Tư vấn lập Hồ sơ mời thầu; Đánh giá Hồ sơ mời thầu; Tư vấn thẩm định Hồ sơ mời thầu và Kết quả lựa chọn nhà thầu. Việc một đơn vị công lập như Bệnh viện Bạch Mai hủy kết quả trúng thầu đã ký sẽ dẫn đến thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho ngân sách Nhà nước.

Tháng 9/2020, dư luận hết sức chú ý trước thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 3 cựu lãnh đạo BV Bạch Mai gồm: Nguyễn Quốc Anh (61 tuổi, quê Nam Định), nguyên Giám đốc bệnh viện; Nguyễn Ngọc Hiền (60 tuổi, quê Nam Định), nguyên Phó giám đốc bệnh viện; và Trịnh Thị Thuận (46 tuổi, quê Thanh Hóa), Kế toán trưởng - Trưởng phòng Tài chính kế toán bệnh viện. Theo đó ba bị cáo nêu trên bị bắt tạm giam để điều tra về hành lợi dụng chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, đã làm trái quy định của nhà nước để doanh nghiệp nâng khống giá thiết bị lên gấp nhiều lần.

Góc nhìn của nhà văn Võ Khắc Nghiêm: 

"Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở chữa bệnh danh tiếng lâu đời nhất Thủ đô cũng bị cuốn vào cơn bão thổi giá khiến cho ba vị nguyên giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng cùng bị khởi tố do thông đồng liên kết với Công ty công nghệ y tế BMS thổi giá thiết bị robot Rosa lên gấp 4 lần và robot Mako lên gấp đôi, khiến cho hàng ngàn bệnh nhân phải trả viện phí tư 4 triệu lên 23 triệu mỗi lần điều tri .

Với cách ăn chia 50/50, bệnh viện và công ty BMS đã “cướp”hơn 10 tỷ đồng của người bệnh. Hiện công an đang điều tra 27 đề án xã hội hóa ,liên kết của bệnh viện này cùng 10 đề án đã thanh lý không hề được Bộ Y Tế phê duyệt, vi phạm nguyên tắc định giá tài sản dùng để liên doanh và thiếu sự đồng thuận trong lãnh đạo, cán bộ, nhân viên.

Gần bệnh viện Bạch Mai có đường Xã Đàn được coi là con đường đắt nhất hành tinh với hơn 1km tốn 700 tỷ bao gồm cả đền bù, chẳng hiểu đã thổi giá bao nhiêu?".

PV

 

Bạn đang đọc bài viết "Nhà văn Võ Khắc Nghiêm - "Thổi giá lên, thổi giá xuống" hay chuyện Bệnh viện Bạch Mai phê duyệt trúng thầu rồi bất ngờ hủy thầu" tại chuyên mục Y TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).