Đại học Trung Quốc mở cửa giữa Covid-19

01/09/2020 18:06

Sinh viên Trung Quốc có thể trở lại trường học với các quy định nghiêm ngặt trong sinh hoạt để đảm bảo an toàn.

Các trường đại học Trung Quốc đã mở lại lớp học trực tiếp cho học kỳ mùa thu này sau nhiều tháng đóng cửa để ngăn Covid-19 lây lan. Sinh viên ở Bắc Kinh, Nam Kinh và Thượng Hải cho biết khi trở lại trường, họ phải nộp báo cáo lịch trình di chuyển chi tiết và chỉ được ở trong khuôn viên trường.

"Nhưng chúng tôi chưa được thông báo rõ về quy trình đăng ký cụ thể hay những lý do gì được xem là hợp lệ để ra ngoài", một sinh viên ở đại học Nhân dân Trung Quốc nói.

Trường đại học Nhân dân Trung Quốc chưa phản hồi về thông tin trên, tuy nhiên một thông báo trên mạng xã hội xác nhận sinh viên phải nộp đơn đăng ký mới được rời khỏi khuôn viên trường.

Hồ sơ mua sắm của chính phủ Trung Quốc cho thấy hàng chục trường đại học đã mua các hệ thống giám sát "kiểm soát đại dịch" dựa trên công nghệ nhận dạng gương mặt, truy vết tiếp xúc và kiểm tra thân nhiệt để áp dụng với sinh viên.

Nhiều hệ thống với hàng chục camera có thể thu thập dữ liệu gương mặt và nhiệt độ, cũng như yêu cầu sinh viên nhập thông tin nhiều lần mỗi ngày.

Thế giới - Đại học Trung Quốc mở cửa giữa Covid-19

Sinh viên đi qua cổng có camera nhận diện gương mặt để vào đại học Bắc Kinh hôm 31/8. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi bất ngờ thấy hàng chục camera trong ký túc xá, 6 cái mỗi tầng", một sinh viên đại học Bắc Kinh, cho biết.

"Cứ như có ai đang theo dõi bạn từ lúc dậy tới lúc đi ngủ", một sinh viên khác nói.

Một hệ thống trị giá 429.000 tệ (hơn 62.000 USD) tại Đại học Khoa học và Công nghệ Liêu Ninh sử dụng camera cảm ứng nhiệt, nhận diện gương mặt hiện đại, có thể phát hiện người không đeo khẩu trang. Hệ thống này còn xây dựng "báo cáo thân nhiệt" hàng ngày và lưu trữ lịch sử thân nhiệt của sinh viên trong 30 ngày.

Đại học Nam Xương ở tỉnh Giang Tây cũng chi 158.000 tệ (23.000 USD) đầu tư một hệ thống theo dõi và lưu dữ liệu về lịch trình đi lại của sinh viên bằng cách sử dụng số thẻ căn cước và nhận dạng khuôn mặt của họ.

Hệ thống giám sát tại đại học Sư phạm Thiên Tân thu thập thông tin chi tiết về gia đình của sinh viên, địa chỉ những nơi họ đến ngoài khuôn viên trường và cách họ đến trường đại học. Hệ thống này cũng có thể gửi lời nhắc nhở tới sinh viên và giáo viên, và những người không tuân thủ quy định có thể bị nhân viên nhà trường đánh dấu.

Các quy định mới còn làm nảy sinh nhiều thách thức trong đời sống cá nhân. Những sinh viên đang quay lại trường đại học Nam Kinh cho biết họ phải đặt thời gian ở phòng tắm ký túc xá giữa các đợt khử trùng.

"Nhiều sinh viên không thể tắm rửa", một sinh viên họ Liu nói, thêm rằng một số người lẻn vào phòng tắm mà không cần đặt lịch trước.

Có hơn 20 triệu sinh viên đại học ở Trung Quốc và hầu hết sống chung trong ký túc xá, tạo ra thách thức lớn trong công tác phòng dịch cho giới chức y tế. Các biện pháp kiểm soát "tương tự phong tỏa" tại các trường đại học gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc, khi chúng gợi nhớ về thời kỳ cao điểm dịch bệnh hồi tháng ba.

Đáp lại những chỉ trích, quan chức Bộ Giáo dục Trung Quốc trong cuộc họp báo tuần trước cho hay những biện pháp trên không bắt buộc áp dụng với các trường đại học, nhưng sinh viên không nên rời khuôn viên trường nếu không cần thiết. Họ cũng cho hay "các chiến dịch y tế yêu nước" sẽ là chìa khóa để tái mở cửa thành công các trường đại học, và những bài học về "tinh thần chống đại dịch" là bắt buộc.

Nhiều sinh viên cho biết các quy định trên thực tế có thể "luồn lách". Theo Liu, việc kiểm tra nhiệt độ tại các cổng trường rất lỏng lẻo, trong đó bảo vệ chỉ cầm nhiệt kế đứng ở khoảng cách xa.

Những người khác nói rằng họ sợ công nghệ giám sát mới sẽ tồn tại lâu hơn đại dịch. "Tôi nghĩ rằng sinh viên phần nào lo lắng, nhưng không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận nó", Mei, sinh viên tại đại học Bắc Kinh, cho biết.

Theo VNE

Bạn đang đọc bài viết "Đại học Trung Quốc mở cửa giữa Covid-19" tại chuyên mục NHIẾP ẢNH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).