Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Quyết tâm bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước trong mọi tình huống

27/09/2020 15:37

(VHNT)- Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Lời tòa soạn: Chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Thời báo Văn học Nghệ thuật sẽ lần lượt giới thiệu những thành tựu của đất nước sau 75 năm giải phóng, xây dựng và phát triển qua những cuộc phỏng vấn với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (đăng số 6/2020) và các Bộ trưởng, Lãnh đạo ngành. Tiếp theo bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thời báo Văn học Nghệ thuật trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc thành tựu của Ngành Nông nghiệp qua bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

 

Trong 75 năm qua, kể từ khi nước nhà giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhờ đó, toàn ngành nông  nghiệp đã liên tục giành được những thành tựu to  lớn và toàn diện, làm tròn vai trò nền tảng, trụ đỡ kinh tế trong mỗi giai đoạn khó khăn của dòng chảy  lịch sử phát triển của đất nước.  

Phát huy lợi thế, tạo động lực phát triển mới  

PV: Bộ trưởng đánh giá thế nào về ưu thế cũng như  thách thức của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Thực tiễn của  34 năm đổi mới đất nước, từ Nghị quyết Đại hội Đảng  lần thứ VI năm 1986 và Nghị quyết 10 của Bộ Chính  trị (năm 1988) đến Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày  05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng  khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và  Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ  tướng Chính phủ về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp  theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”… đã thực sự tạo nền tảng và động lực to lớn  cho cuộc cách mạng trong nông nghiệp để từng bước  hướng đến hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với  biến đổi khí hậu.

Việt Nam là nước có nhiều lợi thế để phát triển  nông nghiệp, nhưng cũng là 1 trong 5 nước trên thế  giới được xác định chịu tác động lớn của biến đổi khí  hậu. Trong những năm gần đây, sự tác tác động của  biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ nét và nhanh  hơn so với dự báo. Các hình thái thời tiết cực đoan xảy  ra bất thường như: hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, sạt lở,  xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn xẩy ra ở hầu  khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước; đặc biệt là các  tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nông nghiệp - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Quyết tâm bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho 100 triệu  dân trong nước trong mọi tình huống

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Cùng với đó là những khó khăn, hạn chế về nguồn  lực đầu tư tạo đà cho tăng trưởng; sự cạnh tranh ngày  càng khắc nghiệt từ quá trình hội nhập; dịch bệnh  xuyên biên giới diễn biến phức tạp, có nguy cơ tái  diễn, khó kiểm soát rất cao như: bệnh dịch tả lợn châu  Phi bệnh cúm gia cầm, châu chấu sa mạc… Đặc biệt  là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động và làm  ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến đời sống, kinh  tế, xã hội đất nước nói chung, làm đứt gãy các chuỗi  cung ứng - tiêu thụ nông sản toàn cầu và sản xuất, xuất  khẩu nông sản của nước ta nói riêng.

Nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội mở  ra với nông nghiệp Việt Nam, đòi hỏi phải có bước  phát triển hoàn toàn mới. Chuyển từ lượng sang  chất, từ chiều rộng sang chiều sâu, Chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn  mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát  triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là một  trong những giải pháp toàn diện, đồng bộ, đúng đắn  cho phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Kết quả của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã  hình thành rõ nét 3 trục sản phẩm: Nhóm ngành hàng  cấp quốc gia; nhóm sản phẩm địa phương và nhóm  sản phẩm chủ lực cấp địa phương, gắn với Chương  trình OCOP. Cả ba trục sản phẩm đều phát triển  mạnh và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và nâng  cao thu nhập của người dân, doanh nghiệp. Nông  nghiệp đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng  hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao,  an toàn thực phẩm được coi trọng.

PV: Ngành nông nghiệp có bước đột phá nào đáng kể  không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nhiều ngành  hàng của Việt Nam phát triển hiện đại đồng bộ và tuần  hoàn, như sản phẩm cá tra, sản phẩm sữa. Năng suất  cá tra của Việt Nam cao nhất thế giới và vượt xa các  nước khác với bình quân 215 tấn/ha, có những vùng  cho năng suất trên 300 tấn/ha. Gần 100% sản phẩm  cá tra được sử dụng và chế biến, tạo giá trị gia tăng, góp  phần quan trọng nâng cao hơn hiệu quả của ngành. Từ  một nước nhập khẩu trên 50% sữa, đến nay Việt Nam  đã sản xuất được trên 1 triệu lít sữa và hàng năm xuất  khẩu hàng trăm triệu đô la Mỹ. Các nhà máy sữa đã đạt  tầm khu vực và quốc tế. Cùng với đó, các ngành hàng  khác như cà phê, tôm, rau quả, gỗ và sản phẩm từ gỗ…  ngày càng phát triển với chuỗi sản xuất gắn với nhiều  nhà máy chế biến hiện đại.  

Hiện cả nước có 36 ngàn trang trại; gần 17.000  HTX hoạt động hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp đầu  tư vào nông nghiệp ngày càng nhiều, với quy mô ngày  càng mở rộng, công nghệ hiện đại. Đến nay, cả nước  có gần 13 nghìn doanh nghiệp nông nghiệp, tăng gấp  3 lần so với năm 2015. Chỉ tính riêng trong 3 năm gần  đây có khoảng 16 dự án lớn đầu tư vào nông nghiệp  với quy mô dự án hàng triệu đô la. 

Nhờ đó, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP  toàn ngành bình quân đạt 2,71%/năm; kim ngạch  xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 219,77 tỷ USD, bình  quân đạt trên 36,63 tỷ USD/năm, đứng thứ 2 Đông  Nam Á và đứng thứ 15 thế giới. Nông sản Việt Nam  hiện có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong  đó có 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ  USD. Việt Nam đã trở thành một trong những cường  quốc về sản xuất và xuất khẩu nông sản trên thế giới  với nhiều mặt hàng đứng nhóm đầu trên thị trường  quốc tế như lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cá tra, gỗ  và sản phẩm gỗ …  

Nông nghiệp - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Quyết tâm bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho 100 triệu  dân trong nước trong mọi tình huống (Hình 2).

Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đạt  được những thành quả vô cùng quan trọng góp phần  nâng cao thu nhập của người nông dân, xây dựng vùng  nông thôn ngày càng xanh sạch đáng sống. Hết tháng  7 năm 2020, số xã nông thôn mới là 5.312 xã (59,8%).  Có 143/664 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Thu  nhập người dân nông thôn không ngừng nâng cao.  Thu nhập của cư dân nông thôn năm 2019 đạt 39,3  triệu đồng/người, năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người,  tăng khoảng 1,9 lần năm 2015.  

Cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông  nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm  qua, ngành nông nghiệp đã xây dựng mới và tiếp  tục hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ 8 Chiến lược phát  triển về nông nghiệp, nông thôn; trồng trọt; chăn  nuôi; lâm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phòng chống  thiên tai; cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông  lâm thủy sản... của giai đoạn 2021-2030 nhằm biến  những khó khăn, thách thức mới thành động lực  phát triển trong giai đoạn mới.

Đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm là  nhiệm vụ then chốt  

PV: Trước diễn biến của dịch Covid-19, các doanh  nghiệp cũng như nông dân đã bị tác động như nào và  Bộ Nông nghiệp và PTNT đã khắc phục những hạn chế  này ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước những  diến biến phức tạp và sự tác động khó lường của dịch  bệnh Covid-19 đến đời sống, kinh tế, xã hội nói chung,  và tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta  nói riêng, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định: “Thách  thức lớn, khó khăn nhiều nhưng với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, bám sát thực tiễn… các đơn  vị, địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân cần  bình tĩnh, nhận dạng kỹ, chính xác từng vấn đề để cùng  nhau chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ một  cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả theo nội dung chỉ  đạo của Thủ tướng Chính phủ là biến ‘nguy’ thành  ‘cơ’; ứng phó linh hoạt nhằm bảo đảm vững chắc an  ninh lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân trong  nước trong mọi tình huống. 

Nông nghiệp - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Quyết tâm bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho 100 triệu  dân trong nước trong mọi tình huống (Hình 3).

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Quán triệt tinh thần này, Bộ Nông nghiệp và  PTNT đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp cụ thể;  như: Ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Bộ Nông  nghiệp và PTNT đã tiến hành hội nghị trực tuyến  với 63 tỉnh, thành trên cả nước, các hiệp hội ngành  hàng, các doanh nghiệp bàn giải pháp tháo gỡ khó  khăn, chuẩn bị những điều kiện tích cực nhất phục  vụ sản xuất, sẵn sàng tập trung phát triển thị trường,  đẩy mạnh xuất khẩu năm 2020; đồng thời, phối hợp  với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và các  bộ, ngành liên quan họp bàn đề tháo gỡ khó khăn đối  với một số ngành hàng chủ lực xuất khẩu; chỉ đạo các  đơn vị chức năng xây dựng các kênh trao đổi, cung  cấp, năm bắt thông tin về thị trường xuất khẩu trọng  tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung  Quốc…, để phân tích, đánh giá, dự báo về nhu cầu,  những diễn biến của thị trường nông sản trước tác  động của dịch Covid-19, từ đó đề ra giải pháp ứng  phó kịp thời. Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng  theo lĩnh vực được phân công cũng thường xuyên  xuống cơ sở nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo,  chung tay hành động cùng với doanh nghiệp, người  dân vượt qua khó khăn, thách thức.  

Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, vừa chịu  tác động của dịch Covid-19, vừa phải đối phó với  dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thiên tai bất  thường…; song nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ  của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến các địa  phương, sự vào cuộc tích cực của bà con nông dân,  doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng… nên đã  đảm bảo sản xuất lương thực và thực phẩm để phục  vụ nhu cầu tiêu dùng cho 100 triệu dân trong nước  và xuất khẩu. 

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục  phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh  nghiệp triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc  đẩy xuất khẩu nông sản trước diễn biến mới của dịch  bệnh Covid - 19 trên thế giới; trong đó, đẩy mạnh  phát triển thị trường xuất khẩu; mở rộng thị trường  xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực. Tích cực  đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định  các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các  thị trường tiềm năng, như: Trung Quốc, châu Âu, Liên  minh kinh tế Á - Âu, Hoa Kỳ, Brazil và xuất khẩu thủy  sản sang thị trường Saudi Arabia... 

Cùng với đó, tích cực khai thác hiệu quả cơ hội của  các Hiệp định tự do thương mại đem lại và chuẩn bị  tốt các điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu khi Hiệp định  EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020. Đàm phán tháo  gỡ các rào cản thương mại, phát triển thị trường xuất  khẩu. Nắm bắt tình hình, dự báo diễn biến quốc tế,  điều chỉnh chính sách để có đối sách phù hợp trước  tình hình mới. 

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Lê Thư Hùng (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Quyết tâm bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước trong mọi tình huống" tại chuyên mục ĐỐI THOẠI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).