Quan niệm về địa ngục của người Việt

28/08/2020 16:53

(VHNT) - "Phật tại tâm và địa ngục cũng tại tâm" đó là quan điểm của TS. Trần Trọng Dương trong buổi tọa đàm "Địa ngục trong tâm thức người Việt" vừa được tổ chức vào 18h ngày 26/8 vừa qua

Buổi tọa đàm có sự tham gia của hai diễn giả TS. Hán Nôm Trần Trọng Dương và TS. Văn học Mai Anh Tuấn cùng nhiều nhà nghiên cứu, những người yêu thích văn hóa, lịch sử.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã có nhiều thảo luận về thế giới Phật giáo trong tâm thức người Việt, đặc biệt là đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt đầu thế kỷ 20. 

Khi nhắc tới khái niệm địa ngục,  TS. Trần Trọng Dương và TS. Mai Anh Tuấn đồng quan điểm "Địa ngục là câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên ở mọi nền văn hóa, mọi tôn giáo khi con người đối diện với cái chết". Người ta luôn quan tâm đến thế giới sau khi chết. Sự thu hút tìm hiểu về thế giới sau khi chết khiến không chỉ người Việt mà hầu hết các dân tộc đều sáng tạo, lấy các hình ảnh của thế giới thực tại nhằm làm sinh động thế giới bên kia, trong đó có địa ngục.

TS. Trần Trọng Dương cho rằng: Không có nghi ngờ gì rằng, những hiểu biết của người Việt về thế giới bên kia phần lớn được kiến tạo từ tư tưởng Phật giáo vốn đã được tưới tắm và giáo dưỡng trong nhiều thế kỷ.

Các diễn giả cho rằng mọi tôn giáo đề có hai thế giới thiên đàng và địa ngục. Với Phật giáo, thế giới tồn tại hai loại hình khác nhau là thực hữu và tâm cảnh.

Khi con người chết đi, đọa xuống địa ngục thì phải chịu đày đọa ở dưới địa ngục. Theo quan niệm của Nhà Phật khi chết đi thì người ta sẽ bắt đầu một kiếp sống mới và kiếp sống mới đó như thế nào chính là do nghiệp của người đó tạo thành. Các khái niệm Nghiệp, luân hồi, quả báo tạo nên một thế giới quan của Phật giáo.

Theo TS. Trần Trọng Dương: Địa ngục là một khái niệm của thế giới quan Phật giáo, vốn được tìm thấy trong Kỳ Na giáo (Jainism) và Ấn giáo (Hinduism). Các diễn giả và người tham dự đều đồng quan điểm cho rằng ở Việt Nam cũng như nhiều nơi khác, quan niệm về địa ngục thay đổi theo từng thời kỳ khác nhau, quan niệm về địa ngục của được tích hợp vào các ngôi chùa qua chạm khắc cũng theo tư duy về thế giới bên kia của thời kỳ đó. 

Xã hội  - Quan niệm về địa ngục của <a href=người Việt" src="/uploads/media/ngo-quang-minh/2020/08/27dsc020271.jpg" width="450" height="301" />

Hai diễn giả tại tọa đàm

Địa ngục – Một cách thức răn dạy

TS. văn học Mai Anh Tuấn nhấn mạnh chính việc có "Tòa án dưới âm phủ" khiến cho những giáo lý Phật giáo về khuyến thiện dễ dàng được hiện thực hóa. Ông cho rằng chính việc nhân dân tin rằng có âm phủ và sự trừng phạt dưới âm phủ mà người ta phải tự tu dưỡng đạo đức và không làm việc ác. 

Đặt ra câu hỏi: Tại sao trong các ngôi chùa được coi là nơi thanh tịnh, yên bình lại có những hình ảnh ghê rợn về địa ngục. TS. Trần Trọng Dương và TS. Mai Anh Tuấn cho rằng việc có những hình ảnh ghê rợn về các tầng địa ngục là một cách răn đe để người ta không làm ác. Phật giáo đã sử dụng những cực hình của chính đời sống nhân gian để hiện thực hóa thế giới ở  địa ngục.

Tương ứng với cách giáo dục có  thưởng, có phạt. Phật giáo ngoài việc cho chúng ta thấy một thế giới Niết Bàn nếu con người niệm Phật, làm việc thiện thì thế giới địa ngục được xây dựng để răn đe con người không được làm ác. Phật giáo chỉ ra rằng, một người làm việc ác sẽ bị đày xuống các tầng địa ngục, và bị đày bao nhiêu tầng địa ngục lại do người đó đã gây ra bao nhiêu việc ác lúc còn sống.

TS. Trần Trọng Dương cho rằng: Người ta khi nhỏ, đứa nào cũng đã từng bị ám ảnh về ma, với những câu chuyện huyền hoặc vu vơ do người lớn đem dùng để dọa – dỗ. Cách giáo dục con trẻ như thế chủ yếu bắt đầu từ các bà các mẹ, những người lân mẫn chốn cửa chiền, rồi lan tỏa ra đầu sông bến chợ, đền phủ miếu lăng.

Khi chia sẻ về địa ngục TS. Trần Trọng Dương đưa ra quan niệm mà anh tâm đắc: “Địa ngục không ở đâu xa. Địa ngục ở chính chúng ta, ở tâm ở mỗi con người. Phật không ở đâu xa. Phật ở trong trái tim của mỗi con người."

Buổi tọa đàm "Địa ngục trong tâm thức người Việt" được Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách "Các tầng địa ngục theo Phật giáo" do Nhã Nam xuất bản. 

Quang Minh

Bạn đang đọc bài viết "Quan niệm về địa ngục của người Việt" tại chuyên mục PHÊ BÌNH - LÝ LUẬN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).