Nam cán bộ, công chức ở Huế mặc áo dài đi làm: Nên mừng trước đã!

12/09/2020 06:50

Việc triển khai cho nam cán bộ, công chức mặc áo dài truyền thống đến công sở vào thứ 2 đầu tháng của Sở VHTT Thừa Thiên Huế đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trước những tranh luận về việc nam giới mặc áo dài đến công sở, chiều 8.9, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Thừa Thiên Huế, cho biết đơn vị này đang tiếp tục lắng nghe ý kiến dư luận về việc triển khai thí điểm cho cán bộ, công chức của sở mặc áo dài truyền thống khi đến công sở, kể cả nam giới.

Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu văn hóa Tùng Hiếu, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ vấn đề này.

Theo ông, việc thí điểm nam giới mặc áo dài truyền thống đến nơi làm việc vào thứ 2 đầu tháng của Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế có hợp lý?

- Qua nay, tôi có tìm hiểu rất kĩ về vấn đề này và cũng có theo dõi về những quan điểm, tranh luận của nhiều người.

Tôi nghĩ việc này ban đầu mang tính chất thử nghiệm và sẽ có những điều chỉnh phù hợp về sau. Nhưng trước mắt tôi thấy nó phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mà lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện. Đây là dịp giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về văn hóa, con người và thiên nhiên của Huế.

Huế có sông Hương, núi Ngự, rộng hơn Thừa Thiên Huế có chợ, lễ hội, làng nghề. Phần lớn những giá trị của Huế thuộc về văn hóa, lịch sử. Còn thiên nhiên ở đây không phải hùng vĩ hơn, đẹp hơn các tỉnh miền Trung khác.

Giá trị đáng trân quý người ta đến Huế thuộc về giá trị văn hóa, lịch sử. Cho nên dùng một "phương tiện" để tạo chú ý, nhấn mạnh những giá trị văn hóa, lịch sử rất phù hợp với hiện tại.

Việc một chính quyền địa phương như Huế có chủ trương bảo tồn, phát huy di sản của truyền thống, văn hóa Việt là một bước thử nghiệm. Tôi chưa thấy có phản đối nào từ các cơ quan chức năng, cán bộ chính quyền, đoàn thể về việc này. Như vậy, đây là tín hiệu rất tốt, đáng mừng trước đã.

Xã hội  - Nam cán bộ, công chức ở Huế mặc áo dài đi làm: Nên mừng trước đã!

Áo dài - quốc phục dân tộc. Ảnh: Sở VH -TT Thừa Thiên - Huế

Vậy còn nhiều người cho rằng việc nam giới mang “áo dài, khăn đóng” gây khó khăn trong quá trình làm việc, ông nghĩ sao?

- Bên cạnh việc thấy được những lợi ích từ việc nam giới mặc áo dài truyền thống đi làm thì cũng cần nhìn nhận những điều chưa phù hợp. Những cán bộ viên chức không phải là diễn viên, người quảng bá mà họ còn sự vụ hành chính nên đôi khi vướng bận trong quá trình làm việc.

Tuy nhiên, tôi tin người trong cuộc sẽ có kế hoạch đúng đắn để cách tân vừa phù hợp với cán bộ viên chức cho việc thuận tiện trong công việc mà không làm biến chất áo dài truyền thống.

Vậy theo ông, ở Việt Nam, chúng ta có nên soi xét về chuyện áo dài phải đúng nguyên bản với những gì người xưa đã từng mặc?

- Tôi nghĩ không nhất thiết, nếu cần điều chỉnh ở khía cạnh nào đó để thích nghi với nhu cầu cuộc sống hiện nay thì nên điều chỉnh.

Nếu chỉ có tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện điều này thì liệu như vậy nó có quá ít và sức lan tỏa sẽ không nhiều?

- “Mùa xuân thì rộng lớn mà báo hiệu cho mùa xuân thì chỉ có một con én lẻ loi”. Nhưng "con én" đầu tiên báo hiệu mùa xuân quan trọng lắm. Vì từ đó, tôi tin nó nhân rộng ra và tạo nên một truyền thống mà các tỉnh có thể bắt tay vào làm.

Theo ông, làm sao để người trẻ hiện nay yêu áo dài?

- Tôi xin dùng câu thành ngữ là “Của cho không bằng cách cho”, nếu truyền thông, giới nghiên cứu muốn giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc sắc thì cách giới thiệu cho người trẻ thế nào rất quan trọng.

Cách đó là làm sao cho người ta hãnh diện, nâng cao giá trị khi tiếp thụ giá trị văn hóa đó. Thông qua việc giáo dục, tuyên truyền giúp người trẻ luôn thấy mình năng động nhưng họ vẫn hãnh diện vì khoác lên trang phục truyền thống đó.

Theo LĐO

Bạn đang đọc bài viết "Nam cán bộ, công chức ở Huế mặc áo dài đi làm: Nên mừng trước đã!" tại chuyên mục ÂM NHẠC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).