Một loài chim trên sóng

14/09/2020 15:47

Đỗ Chu sinh năm 1944 tại Bắc Giang. Ông là nhà văn thành công trong thể loại truyện ngắn và bút ký văn học. Truyện ngắn Một loài chim trên sóng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông. Tác phẩm được tặng thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012.

Bìm bịp kêu đâu đó, thế là mùa nước lên, những con chim cánh nâu ức cổ mang màu đỏ như lửa bay là là ngang qua mặt đê, ngang qua mặt người. Chúng bay gần lắm, tưởng như với tay ra là tóm được, nhưng khốn thay chính lúc ấy ta lại đứng sững lại vì quá ngỡ ngàng và thế là chúng mất hút trong bãi dâu. Trời trong xanh. Mây trắng ngổn ngang tầng tầng lớp lớp.

Dưới sông Cầu nước trôi băng băng, con sông già nua vốn thường uể oải lờ đờ mà nay bỗng quay cuồng với những vùng xoáy trông vào đến khiếp. Vài ba con thuyền ngược dòng nặng nhọc, buồm kéo lên đón gió nam tuy vậy vẫn phải có thêm dăm người khom lưng cõng dây kéo, họ bước chậm chạp ven bờ.

Nhưng bên trong đê lại là một khung cảnh khác hẳn, thật êm ả. Cánh đồng rộng không một bóng người, vừa gặt chiêm xong, mặt ruộng khô ráo còn trơ những gốc rạ. Giữa đồng là một dãy chuôm nước trong veo, đấy là vết chân ngựa ông Gióng, móng ngựa sắt cắm sâu vào đất, để lại kỷ niệm muôn đời. Dãy chuôm chạy từ những vùng đất xa xôi về tới đây thì chấm hết.

Thuở ấy ông Gióng qua làng chúng tôi rồi leo lên núi Sơn, bay về trời. Ông Gióng đánh tan giặc là đi luôn, cho nên trên núi giờ vẫn đang còn đền thờ ông. Buổi hai bà cháu tôi dắt nhau xuống Sơn là một buổi nắng đẹp. Bóng tôi bóng bà lồng dưới đáy chuôm. Chúng tôi tắt qua cánh đồng để lên đê. Bà không quên dặn tôi chớ có bao giờ lội xuống đùa nghịch dưới những cái chuôm ấy nữa. Tất nhiên là tôi biết sợ rồi.

Hồi năm ngoái tôi suýt chết đuối ở chỗ này. Tôi theo lũ bạn trong làng ra đồng vầy nước, rồi thình lình hai chân tôi bị ai tóm chặt lôi tụt xuống. Tôi sặc sụa vẫy vùng mà không sao thoát ra khỏi đám rong đuôi chó dầy dịt, những bụi rong ngoi trên sóng Đỗ Chu sinh năm 1944 tại Bắc Giang. Ông là nhà văn thành công trong thể loại truyện ngắn và bút ký văn học.

Truyện ngắn Một loài chim trên sóng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông. Tác phẩm được tặng thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012. Một loài chim theo nước vật vờ như những cánh tay ma. Khi tôi được lũ bạn kéo lên thì bụng đã trương phềnh. Tôi được chúng đặt lên bờ cỏ, nằm thẳng cẳng, đứa dặn chân vào bụng cho nước ộc ra, đứa quỳ xuống hai tay chắp lạy lia lịa. Chúng khấn xin cô Nỗng cho tôi được sống.

Những cái chuôm vốn mang một truyền thuyết đẹp, từ ngày cô Nỗng chết hoá thành ngao ngán quá thể. Tôi như con cá ươn thở ngáp một lúc lâu thì hồn vía nhập về, lúc tỉnh lại lũ bạn xúm quanh hỏi ở dưới ấy thế nào, có gặp cô Nỗng không, tôi đáp không gặp ai cả nhưng sợ lắm, đúng là có người, có rất nhiều người đưa tay giằng co rủ rê mình ở lại. Mà không phải mình đang chìm xuống nước, nó cứ mang máng như thể đang bay lên trời.

Hôm sau bà tôi sửa lễ mang tôi ra miếu cô, thắp hương tạ lỗi. Trong miếu chẳng thấy có gì ngoài một cái bình vôi lăn. Bà bảo tôi ngồi trước cửa miếu, dưới bóng cây đề cổ thụ, lầm rầm kể cho tôi rõ bí mật cuộc đời khốn khổ của cô. Người đã phải sống một kiếp trầm luân như thế là ta phải thương yêu, phải kính cẩn, chớ có hỗn hào. Sinh thời cô là một người con gái cao lớn khác thường, bàn chân to như bàn cuốc, tay dài như tay vượn mà hiền hậu lắm.

Văn  - Một loài chim trên sóng

 

Nhưng người như thế ai dám lấy về làm vợ chứ, lâu dần cô thành ế chồng. Tính nết mỗi ngày một thất thường, lắm lúc như người hoá dở. Trai làng nhiều người sức vóc lực lưỡng nhưng hễ thoáng nghe tiếng cô là lảng trốn, có người bị cô đuổi kỳ cùng, ba ngày không dám bén mảng về nhà. Cô chết thê thảm. Dắt một con trâu mộng lầm lũi ra giữa đồng, vật nhau với trâu từ sớm đến xế chiều, tiếng chân người chân trâu quần thảo huỳnh huỵch.

Hôm sau làng xóm thấy xác cô xác trâu nổi trên mặt chuôm. Mái tóc đen nhánh như mun phủ loà xoà lên khuôn mặt bầm tím, cái miệng há rộng như cười cợt. Còn con trâu thì bị bẻ gãy cả hai sừng, nó bị rút tung ruột ra, hai hòn dái cũng bị cô bóp lòi ra, nát bét.

Bà tôi ngồi thở than trước miếu. Các anh bây giờ là người hay quỷ ma xấc xược cốc láo làm vậy, rồi tai ương có lúc
sập xuống cho mà xem. Sống trên đời đã có người là phải có thần có thánh, ai xui các anh vào chùa vặn chân tay phật, vứt những thứ thối tha vào chỗ linh thiêng. Những quân vô sư vô sách, những đứa tham lam mưu kế, những phường lừa thầy phản bạn... tất thảy nếu không chịu sửa mình rồi sẽ phải gặp nhau ở đáy địa ngục. Bị hoả thiêu, bị quỷ sứ moi gan móc mắt. Có sống thêm ngày nào ở đời cũng mới chỉ là sống tạm, nào có vui sướng gì cho cam, còn phải qua nhiều kiếp nữa chứ, vậy mà các anh chẳng hay biết gì, các anh hỗn loạn nhốn nháo quá...

Giọng bà khe khẽ, nằng nặng, khắp vùng này không có tiếng nào khó nghe như tiếng làng tôi, chợt nghe là nhận ra ngay, chẳng trộn vào đâu được. Người ta kêu “ối trời đất quỷ thần ơi”, thì làng tôi mọi người lại kêu “ới ểu ơi là ếu ơi, ế leo ơi”. Thiên hạ ngày tết gói bánh chưng vuông, bánh chưng làng tôi lại tròn và dài như cây cột.

Làng người ta gặp năm đình đám mở hội thi múa hát kèn sáo, rước cờ rước kiệu, còn làng tôi thì khác hẳn, đám đông đàn ông cởi trần chân đất, mỗi người đóng một cái khố, hò nhau khiêng những quả pháo rõ to mang ra ngoài đồng đốt ầm ầm như súng thần công - Năm nào có đốt pháo là thấy có trẻ con bị chết cháy - họ xem sự chết như thế là một sự may. Người ta gọi chỗ đi ngoài là hố xí, làng tôi gọi là chuồng trồ, còn phân thì gọi là khuẩn, khuẩn lợn, khuẩn chó, khuẩn người.

Củ khoai lang thì gọi là con củ! Những người thông thạo lịch sử bảo gốc tích tổ tiên chúng tôi từ trong Thanh - Nghệ mò ra đây lập ấp, mà cũng có thể là những tù binh Chiêm Thành bị vua Lê vua Lý thích trán xăm mặt rồi đày về đây khẩn hoang. Tóm lại nguồn gốc kể ra chẳng lấy gì làm vẻ vang cho lắm. Mà sự tối tăm mờ mịt xem ra có phần hơi nhiều.

Trong khi đó các làng xung quanh là cả một vùng văn hiến. Làng nào cũng một đống ông Nghè một bè ông Cử, có người vác đó đi đơm tép gặp khoa thi vội rửa chân tay vớ luôn nghiên bút làm bài vèo một cái là đỗ. Có ông mít đặc biết tuốt nói năng mộng mị một hồi được phong trạng, tục gọi là Trạng Lợn. Con cháu họ về sau cũng vẫn một cái mẹo ấy mà hóa cử nhân tiến sĩ rất nhiều lại như con gái làng tôi thì vụng đại đủ đường, ăn nói líu lo ngọng nghịu lại đi một nhẽ, nhiều cô nghiện thuốc lào, vừa nhóm bếp vừa rít điếu cày chân thò vào lửa không rút ra nổi, có cô nói khí không phải, say thuốc đái cả ra quần.

Chả bù cho các cô gái làng bên, họ ăn nói mới duyên dáng làm sao. Có cô động mở miệng là thành vè rồi. Trẻ con cùng lứa chúng tôi, có đứa nổi tiếng thần đồng. Nhìn chiếc lá bàng rơi nó nói đấy là thông điệp của trời gửi cho đất, trong khi chúng tôi chỉ chầu chực chờ cho cây rụng thêm lá thì tranh nhau thu về nhóm nồi cám lớn. Bởi vậy thật không dám kêu oan khi bà tôi gọi tôi là đứa tối tăm như cái hũ nút. Ai đã chui vào trong cái hũ rồi đậy nút kín lại xem nó tối đến như thế nào thì chắc sẽ hiểu tình cảnh của tôi đáng lo ngại đến đâu.

Thế đất làng tôi là cái thế con cua bấy nằm giữa đồng lụt, cho nên dân tình đời này qua đời khác buồn bã là phải. Dẫu có muốn khôn xem chừng cũng khó mà lại nổi với thiên hạ. Tôi từ khi biết bưng bát cơm trên tay trong cái đầu không óc của mình chỉ thấy những ngậm ngùi, muốn ứa nước mắt.

Thương từng bước chân người làng sao mà lật đật, những bước chân mạnh mẽ quá mức cần thiết, đi thế thì đã nhàn nhã làm sao được. Rồi những tiếng mẹ gọi con, vợ gọi chồng í a í ới chiều hôm nghe sao chất phác quá chừng... thôi thì trâu ta ăn cỏ đồng ta, cái phận làng mình nó như vậy, thì thương luôn cái phận ấy. Mỗi bước đi trên mảnh đất làng với tôi đủ là một nỗi niềm, một yêu dấu.

*

Trong đầu tôi có óc không nhỉ, điều đó tôi không được rõ lắm, nhưng quả thật tôi chỉ thấy hào hứng mỗi lần được theo bà đi bán ruộng. Nhà neo người, chỉ có hai bà cháu, nhưng ruộng nương thì không biết ở đâu ra mà nhiều thế, hình như làng nào cũng có ruộng nhà mình.

Vậy nên hễ có ai đánh tiếng muốn mua ruộng là bán liền, rẻ mấy cũng bán cho xong. Thủ tục mua bán thật đơn giản, đối với tôi nó là chuyện dễ ợt. Dạo đó tôi đã lên mười, cũng đã có thể cầm bút ký tên mình lên giấy, nhưng người ta không cần tôi ký chỉ điểm chỉ là đủ. Hoá ra ngón tay cái của con người ta lạ lắm, không ai giống ai, nhúng nó vào đĩa mực nho rồi ép lên bản văn tự, như thế là ổn thoả.

Hay nhất là sau đó bao giờ cũng có một bữa ăn thịnh soạn. Tôi được mời ngồi ngang hàng với những ông già, họ vừa gắp thịt tới tấp vào bát tôi vừa phỉnh khéo: “Cậu này lớn lên ắt sẽ là người sướng!” Mũi tôi nở to bằng cái bánh rán, tôi cũng gật gù như các cụ trong lúc đám đàn bà trẻ con chạy tít mù ở xung quanh. “Chị cả đâu nhỉ, cho thêm tí muối chanh, thịt gà muối chanh là phải vị lắm. Dạ có. Bố thắng buồi lấy mấy cái tăm. Dạ tăm đấy ông ạ. Chuẩn bị thau nước và cái khăn bông, lấy nước trong bể ấy nhá”...

Những ngón tay lòng khòng búng nhẹ vào thau nước rồi vuốt qua lên miệng, có người dùng đũa tre quệt ngang mồm. Bữa ăn kết thúc.

Tôi mong lâu lâu lại có dịp được theo bà đi làm cái công việc vui vẻ đó. Nhưng bà tôi thì khác, bà lấy làm đau lòng vì không giữ nỗi gia sản tổ tiên để lại, nhiều lần thấy tôi săn đón hỏi han bà chửi tôi là đứa phá gia chi tử, quân vén tay áo đốt nhà táng, bà còn lo sau này không khéo tôi hoá thằng ăn mày đầu đường xó chợ.

Nhưng ruộng ở xa nếu có người hỏi mua là bà vẫn cứ phải gọi tôi cùng đi. Lần này hai bà cháu xuống Sơn, bán ruộng cho cụ chánh Hương. Tôi chưa một lần gặp cụ Chánh, cũng chưa đến đó lần nào, nhưng trên núi Sơn đang có một đồn Tây và làng Sơn là một làng tề, chuyện ấy trẻ con làng tôi đều biết. Thường mỗi lần gặp trẻ con làng Sơn chăn trâu ngoài đồng chúng tôi đều réo gọi chúng là bọn Việt gian, không thèm chơi với lũ Việt gian. Chúng không bao giờ cãi lại, có ý lảng ra xa.

Tôi hỏi bà:

- Cụ chánh Hương có theo Tây không?

Bà tôi im lặng hồi lâu mới trả lời:

- Không. Cụ Chánh là người tốt. Chẳng qua cũng chỉ vì cái thế đời bó buộc bắt cụ phải ra làm việc. Anh Ty làng ta con rể quý của cụ đây, mày có biết anh Ty không đã?

Anh Ty đang đi vệ quốc đoàn, anh ấy ở ngoài chiến khu Việt Bắc.

- Đúng rồi. Còn gì nữa?

- Anh Ty là chồng chị Tâm con cụ Chánh, khi anh Ty đi bộ đội thì chị Tâm về dưới Sơn.

- Đúng rồi, còn gì nữa?

- Con chỉ biết có vậy thôi bà ạ.

- Ngày bố mày bị giặc giết, anh Ty và cụ Chánh khiêng bố mày về làng. Rồi hôm đưa bố mày ra đồng cụ Chánh khiêng một đầu quan tài còn anh Ty thì đội mũ rơm cho mày, bế mày đi ở phía trước. Năm ấy mày lên ba, chẳng nhớ được cái gì, suốt dọc đường chỉ thấy mọi người khóc thì cũng khóc theo. Nhà ta không có họ hàng gì với anh ấy, nhưng đấy là một người cháu phải mang ơn. Khi lớn lên đừng bao giờ quên chuyện ấy. Loạn lạc mãi rồi cũng phải có lúc được yên hàn, nhưng chẳng hiểu bà có sống nổi tới ngày anh ấy trở về hay không.

Văn  - Một loài chim trên sóng (Hình 2).

 

Bà tôi thở dài, giọng bà cứ nhỏ dần, thoáng trong gió. Chắc bà buồn vì cảm thấy cái ngày anh Ty trở về còn xa lắm. Tôi nắm lấy bàn tay gầy khô của bà mà không biết nói gì.

tà áo tứ thân nhuộm vỏ quạch đã bạc màu của bà, dải khăn mỏ quạ trùm trên đầu bà, cây gậy trúc bà cầm nơi tay, những lời bà thầm thì dặn dò, mãi mãi in trong tâm trí tôi.

- Cháu nhìn lên trên núi kia. Mỏm cao nhất là đền thờ ông Gióng. Còn mỏm bên cạnh là bốt giặc, bốn xung quanh có hàng rào thép gai, bên trong tua tủa những súng. Chúng nó có cả ống nhòm, đến ngón chân bà cháu ta bám trên mặt đường chúng cũng nom thấy. Những gì bà cháu nói chuyện với nhau thì ở xa chúng không biết nổi, nhưng chúng có thể đoán ra cả đấy. Thỉnh thoảng chúng lại gọi nhau bằng máy “lô phôn”, ở xa cả chục cây số cũng vẫn nghe rõ.

Tôi cảm thấy sợ luôn cả trái núi trước mặt. Đoạn đường dẫn vào làng Sơn rút ngắn dần. Càng tới gần cổng làng tim tôi càng đập mạnh vì bồi hồi lo lắng. Lần đầu tiên tôi chợt nghĩ ra rằng không phải chuyến đi bán ruộng nào cũng vui cả, như chuyến đi này chẳng hạn, giá đừng bán chác gì lại hơn, thà cứ để mặc đấy cho cỏ mọc.

*

Ngôi nhà cụ Chánh nằm ở giữa làng. Một ngôi nhà ngói năm gian có hàng hiên rộng, tựa lưng vào núi, ngoảnh nhìn ra sông. Hàng cột hiên nhẵn bóng, chân cột có kê đá. Bậc thềm cũng bó bằng đá. Bức tường bao quanh nhà và cái cổng đồ sộ, tất cả đều là đá. Ngoài cổng có hai con chó đá chôn xuống đất. Từ con đường làng san sát những đá, leo lên những bậc đá mỏi chân rồi mới tới được nhà ông. Một cái ngõ chập chùng xếp toàn là đá. Tôi chẳng bao giờ được tới một nơi nào lạ mắt như nơi này, có thể nói làng Sơn là một quần thể kiến trúc của đá.

Ông già đạo mạo, râu tóc bạc phơ nom phúc hậu đang đứng trên thềm nhà đón chúng tôi.
- Hai bà cháu hiện ra ở ngoài đê là tôi đã thấy ngay. Thằng cháu mau lớn nhỉ, kể từ ngày chú ấy qua đời, tôi cũng ít có dịp lên trên ấy.

- Cám ơn cụ. Nắng nôi quá, hai bà cháu tôi tính đi sớm để chiều còn về. Thấy cụ cho người nhắn là tôi mang cháu xuống ngay, văn tự ruộng tôi cũng có bọc trong người đây rồi.

- Việc ấy là việc nhỏ, lo lúc nào xong lúc đó. Cụ cứ để văn tự đây, tôi cất vào góc tủ này rồi chiều cháu Tâm về nó sẽ đếm tiền gửi cụ chu đáo. Nhưng hôm nay hai bà cháu chưa về ngay được, hãy nghỉ lại dưới này, đợi cháu Tâm có việc qua sông về, nó cũng đang có ý quyến luyến muốn được chuyện trò lâu lâu với cụ đấy.

- Chuyện gì mà tôi nghe cụ nói có phần hệ trọng?

- Nó sắp ra ngoài vùng tự do với thằng Ty, chỉ nay mai có người thông thạo đường đất đến đón là nó xin phép tôi, xin phép cụ theo người ta ra ngoài đó. Nói riêng để cụ biết, dạo này bọn lính tráng trên đồn nhiều lắm, chẳng mấy hôm chứng không xuống làng bắt phu phen tạp dịch, chúng bắt cả đàn bà con gái lên đồn, người gánh nước, kẻ vác đá vác tre, đã có vài ba cô bị hãm hiếp. Nhục lắm cụ ạ. Tôi tính phải cho con Tâm trốn đi mới sớm mong thoát được cảnh ấy, gần đây trên đồn có một thằng đội ta mới chuyên về, hắn thường lảng vảng xuống đây luôn, hắn ra mặt chòng ghẹo con bé, tôi làm sao giữ nổi.

- Cụ tính thế là phải quá, cô Tâm ra ngoài vùng kháng chiến sớm muộn cũng được gặp chồng. Ngoài ấy nghe nói vui lắm, hội họp suốt đêm, người nhanh nhẹn tốt nết như cô ấy thì chưa biết chừng có khi còn được chọn đi làm cán bộ.

- Tôi cũng chả dám mong xa thế, chỉ cần vợ chồng chúng nó gặp được nhau là đủ mừng rồi.

Ngang chiều chị Tâm về. Tôi ngồi ở bậc thềm trông ra đê, thấy có hai người đang đi vào làng, một người chị cùng một cô bé, cả hai đều áo dài trắng, quần đen, nom kiểu cách thanh lịch như người ngoài tỉnh về quê. Cụ Chánh bảo đúng là chúng nó rồi đấy, con bé đi bên cạnh chị Tâm là cái Diễm, chị Tâm phải gọi mẹ cái Diễm là dì ruột, nó ở bên Thị Cầu, cũng chập tuổi tôi, nhà có cửa hàng buôn nước mắm, có cả mấy cái thuyền vẫn xuống Hải Phòng cất nước mắm mang lên trên này.

- Nó đẹp lắm ông nhỉ?

- Cũng vừa phải thôi, nhưng xem ra có duyên thầm, người có duyên thầm mời quý cháu ạ.

Ông Chánh nhìn tôi tủm tỉm cười, rồi ông nắm lấy bàn tay bé bỏng của tôi. Bàn tay tôi lúc nào cũng mềm nhão, lại hay đổ mồ hôi mỗi khi mệt mỏi.

- Cháu có bị hen không?

- Cháu hen đấy ông ạ, hôm nào trở trời là cháu lại lên cơn, khó thở lắm, nghe có tiếng lạo xạo trong ngực. Tôi đưa cái ngực lép kẹp ra cho ông xem.

Bệnh hen khó chữa lắm. Nghe nói nếu tìm được mật quạ và tầm gửi cây gạo làm thuốc thì may ra khỏi, nhưng tìm đâu ra. Có điều những đứa trẻ hen lại thường học giỏi, mà sống có tình, cũng là ông trời bắt chịu cái khổ này thì cho phần vinh kia.

- Cháu học dốt lắm, đầu óc cháu lan man những chuyện vớ vẩn đâu đâu mà bài thì lại không thuộc.

- Lớn lên cháu sẽ học được, rồi ra cháu không dốt đâu, đừng lo lắng gì cả.

Nghe ông nói vậy tôi cũng vững tâm hơn. Tôi úp hai bàn tay ướt đẫm mồ hôi xuống viên gạch lát trên thềm, hình hai bàn tay tôi hiện lên trên nền gạch khô ráo.

Ông Chánh lẳng lặng nhìn vào tội, rồi trước khi quay vào trong nhà tôi thấy ông buông một câu bâng quơ:

- Một cái mầm quặt quẹo yếu đuối, nhưng sẽ cứng cáp dần lên, đấy là nhờ ông trời có mắt.

(Còn nữa)

Đỗ Chu

Bạn đang đọc bài viết "Một loài chim trên sóng" tại chuyên mục PHÁP LUẬT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).