Thủy điện xả lũ khiến dân mất trắng: Phải bồi thường

04/11/2020 18:54

Các căn cứ xác định bồi thường gồm: hành vi trái pháp luật; thiệt hại xảy ra; quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với hậu quả để lại.

Công ty CP Thủy điện Đăk Mi (chủ đầu tư công trình thủy điện Đăk Mi 4) phát đi thông báo lúc 15 giờ ngày 28/10 về việc vận hành hồ thủy điện Đăk Mi 4 (tăng lưu lượng xả tràn lần 2). Theo thông báo của công ty này, thời điểm bắt đầu xả lũ là 15h30 cùng ngày, lưu lượng xả tràn dự kiến lên đến 11.400 m3/giây. Lưu lượng thủy điện Đăk Mi 4 đang xả xuống hạ du là 5.100m3/s. Việc xả lũ đột ngột và quá lớn cộng với mưa to khiến xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ bị thiệt hại rất nặng nề. Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch huyện Nam Giang (Quảng Nam) cho rằng, chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại cho dân.

Pháp luật - Thủy điện xả lũ khiến dân mất trắng: Phải bồi thường

Thủy điện xả lũ khiến dân mất trắng: Phải bồi thường. Ảnh minh họa

Hoàn toàn chia sẻ và ủng hộ yêu cầu của phía lãnh đạo huyện Nam Giang, LS Trương Xuân Tám cho biết thủy điện thông báo xả lũ cho dân trước 30 phút so với kế hoạch, với lượng xả quá lớn, dân đang đi tránh bão không thể chạy về kịp dọn đồ đạc đến nơi an toàn gây thiệt hại nặng nề cho dân là thủy điện sai.

Ông Tám cho biết, những thiệt hại về người, tài sản của cả người dân và địa phương do thủy điện xả lũ là rất rõ ràng, vì vậy, chính quyền địa phương cần yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ hành vi vi phạm; người dân tổng hợp cụ thể thiệt hại cả về người về của, kể cả các công trình hạ tầng của địa phương để khởi kiện, yêu cầu chủ đầu tư phải bồi thường, kể cả phải yêu cầu khởi tố, xử lý hình sự theo đúng quy định pháp luật.

Khi có đủ căn cứ, cơ sở khẳng định chủ đầu tư làm sai quy định, sai quy trình gây thiệt hại cho dân, chính quyền sẽ hỗ trợ, hướng dẫn người dân hoàn thiện các thủ tục khởi kiện, từng người dân sẽ là chủ thể đứng ra khởi kiện chủ đầu tư. Với các công trình hạ tầng trên địa bàn thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương, chính quyền địa phương có thể là chủ thể đại diện đứng ra khởi kiện.

Về các căn cứ để yêu cầu chủ đầu tư vận hành thủy điện phải bồi thường cũng rất rõ ràng, cụ thể vị LS cho biết có 3 căn cứ: Thứ nhất, có hành vi trái pháp luật; Thứ hai, có thiệt hại xảy ra; Thứ ba, có quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với hậu quả để lại.

"Như vậy, ở đây người dân là nạn nhân của việc chủ đầu tư vận hành thủy điện xả lũ quá đột ngột, bất ngờ, trong bối cảnh người dân bị động, không có khả năng phản ứng kịp thời gây thiệt hại nặng nề về người và của là chủ đầu tư sai.

Do đó, bồi thường thiệt hại là rất sòng phẳng, rõ ràng, chủ đầu tư xây dựng thủy điện không phải là nhà hảo tâm, không phải cơ quan làm từ thiện phát hàng cứu trợ, vì thế, người dân không cần phải xin hỗ trợ từ thủy điện trong trường hợp này mà là yêu cầu chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, bồi thường", vị LS nhấn mạnh.

Ông Tám cũng lưu ý, việc thống kê thiệt hại phải rất cụ thể và phải được quy đổi chi tiết bằng tiền, ví dụ, thiệt hại về trâu bò là bao nhiêu tiền, nhà cửa là bao nhiêu, hoa màu, tài sản trị giá bao nhiêu..., phải rất cụ thể, chi tiết. Việc xác minh thiệt hại thời điểm này theo ông Tám là khó khăn, tuy nhiên, trong bối cảnh lũ lụt, lại cộng thêm thủy điện xả nước lớn khiến nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi, người dân mất trắng việc trưng cầu nhân chứng xung quanh chính là bằng chứng chứng minh cho hậu quả của hành vi sai trái do thủy điện xả lũ quá lớn, thời gian xả lũ quá gấp, chính quyền và người dân không kịp trở tay.

Nói thêm về việc thủy điện xả lũ, LS Trương Xuân Tám nhận định, việc thủy điện xả lũ để bảo đảm an toàn cho hồ đập là cần thiết, tuy nhiên, xả lũ gây thiệt hại cho người dân hạ du khiến dư luận xã hội bức xúc cũng xảy ra và tồn tại từ nhiều năm qua. Điều này cho thấy tính chủ động của chủ đầu tư vận hành thủy điện chưa cao, chưa đủ khả năng đưa ra các cảnh báo, dự báo về lượng nước tích trữ, thời điểm tích trữ cũng như thời điểm xả, dẫn đến việc tích nước trước mùa lũ, khi lũ đến trở tay không kịp, phải xả đột ngột, xả trong đêm, xả lượng nước lớn mới gây ra thiệt hại lớn cho người dân.

Việc này đã lặp lại quá nhiều lần, vì thế, ông Tám cho rằng, cần thiết phải có bài học thích đáng cho những người vận hành thủy điện thiếu trách nhiệm, vô cảm, dẫn tới những việc làm sai. Theo ông Tám, việc xử lý cũng phải thực hiện nghiêm minh theo đúng pháp luật, kể cả trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm xử lý hình sự nếu cần thiết.

Theo Báo Đất Việt

Bạn đang đọc bài viết "Thủy điện xả lũ khiến dân mất trắng: Phải bồi thường" tại chuyên mục PHÁP LUẬT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).