Bộ Giáo dục nên rút lại đề xuất "chọn nghề, hướng nghiệp" cho học sinh tiểu học

21/10/2020 02:18

(Arttimes) - Với học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở việc tổ chức học nghề còn không có hiệu quả, thì học sinh tiểu học hoàn toàn không nên đặt vấn đề đó.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, trong đó có đề xuất về việc hướng nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học, thầy giáo Lương Quang Thuấn, một nhà giáo nghỉ hưu tại Hải Dương đã gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.

Trước khi bàn về có cần hay không cần dạy nghề cho học sinh tiểu học, hãy đối chiếu xem việc này có đúng yêu cầu “giảm tải” do chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra hay không?

Hàng chục năm nay, hội thảo các cấp, diễn đàn từ cấp trường đến cấp Bộ đều hô hào giảm tải, nhưng tiếc thay thực tế lại ngược lại.

Mặt khác, cần nhớ rằng học sinh tiểu học mới đang học nói, học viết, tập đọc, tập làm những bài tính sơ đẳng.

Học sinh tiểu học mới chỉ được yêu cầu trang bị những kiến thức rất phổ thông, rèn những kĩ năng đơn giản nhất.

Nếu thực hiện chủ trương dạy nghề cho học sinh tiểu học, thì nghĩa là học sinh tiếp tục không được giảm tải mà tiếp tục tăng tải.

Với chủ trương này, các giáo viên tiểu học cũng phải tăng tải.

Theo tôi hiểu, muốn "hướng nghiệp" cho học sinh tiểu học hay giúp các em "chọn nghề” thì giáo viên phải học thêm. Vậy phải chăng là giáo viên lại “được” Bộ Giáo dục cho học các lớp “bồi dưỡng kiến thức dạy nghề”?.

Phải chăng đây sẽ là căn cứ để lập “dự án bồi dưỡng dạy nghề cho giáo viên tiểu học”?.

Là giáo viên, chúng tôi rất lo ngại phải có thêm các giấy phép con - chứng chỉ "hướng nghiệp", "chọn nghề" cho học sinh.

Giáo viên chúng tôi không còn lạ gì các loại chương trình “bồi dưỡng”, kế hoạch 5 hoặc 7 ngày, nhưng thực tế chỉ học 2 ngày với những danh sách học viên kí lưu không.

Giáo viên chẳng dại gì phản ứng, bởi vì thoát ngồi chịu tra tấn thêm vài ngày là sung sướng lắm rồi.

Bài học điển hình về “dự án” VNEN vẫn còn nóng hổi.

Không biết giờ này còn ai tuyên truyền cho VNEN không? Hồi đó có không ít giáo viên được bố trí trả lời phỏng vấn, họ ca ngợi lắm cách bố trí lớp học “kiểu chia mâm”.

Nhưng sau đó nhiều tỉnh, thành phản đối VNEN, và rồi các giáo viên lại nói khác về VNEN. Nay VNEN ở đâu, còn hay đã biến mất? Có ai phải chịu trách nhiệm?

Giáo dục - Bộ Giáo dục nên rút lại đề xuất 'chọn nghề, hướng nghiệp' cho học sinh tiểu học

Thêm bộ môn này có nghĩa cả giáo viên và học sinh đều phải tăng tải 

Dạy nghề cho học sinh phổ thông có thật sự hiệu quả?

Bây giờ Bộ đề ra chủ trương "hướng nghiệp" cho học sinh tiểu học, nhưng Bộ đã làm thống kê về tính hiệu quả của việc tổ chức dạy nghề cho học sinh trung học phổ thông và trung học cơ sở?

Hãy xem có bao nhiêu học sinh trung học phổ thông và trung học cơ sở sử dụng kiến thức học nghề để được hành nghề?

Có bao nghiêu học sinh sử dụng kiến thức học nghề từ trường phổ thông, để bổ trợ cho quá trình học ở các trường đại học, cao đẳng?

Thực tế mục tiêu nhắm đến khi tham gia học nghề của học sinh phổ thông, đó là có chứng chỉ học nghề để thêm điểm cộng vào điểm thi tốt nghiệp.

Người viết nhận thấy, việc bắt học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở thực hiện học nghề để lấy một chứng chỉ, đều là lãng phí thời gian, tốn tiền bạc của bố mẹ mà thôi.

Thực tế cha ông ta đã tổng kết “trăm hay không bằng tay quen”, người làm nghề thành thục rồi, vậy mà bỏ một thời gian sau quay lại làm còn bị bỡ ngỡ.

Vậy thì học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” vài kiến thức sơ đẳng về nghề nghiệp, vài buổi thực hành để biết trên đời này có nghề như thế, sao có thể đủ điều kiện hình thành kĩ năng?

Hầu hết học sinh học xong rồi bỏ đó, thật lãng phí một cách vô nghĩa.

Chỉ khi nào chứng chỉ nghề nghiệp là sự đảm bảo, rằng người có nó đủ khả năng tay nghề để tham gia lao động, thì hãy tổ chức dạy.

Học nghề không thiết thực, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập văn hóa của học sinh vì bị chi phối thời gian.

Việc tổ chức các trung tâm dạy nghề, cấp chứng chỉ cho học viên đủ điều kiện tìm việc làm là cần thiết, nhưng chỉ là phục vụ cho những người thực sự người có nhu cầu.

Đưa dự án dạy nghề cho học sinh phổ thông, thuyết trình thì rất hay, nhưng hiệu quả đến đâu có lẽ là giáo viên ai cũng biết.

Giáo dục - Bộ Giáo dục nên rút lại đề xuất 'chọn nghề, hướng nghiệp' cho học sinh tiểu học (Hình 2).

Đưa dạy nghề vào cấp tiểu học nhưng chưa chắc đã định vị được hiệu quả 

Học sinh tiểu học có nên cho học nghề?

Với học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở việc tổ chức học nghề còn không có hiệu quả, thì học sinh tiểu học hoàn toàn không nên đặt vấn đề đó.

Học sinh tiểu học mà đọc thông, viết thạo, làm các phép tính trong chương trình một cách thành thục đã là quý, là thành công lắm rồi.

Học sinh tiểu học tư duy đơn giản, trực quan, nên chỉ cần những tiết học thủ công, như chương trình trước cải cách là đủ. Học sinh tiểu học, với những tiết “học mà chơi” luôn hấp dẫn và mang lại hiệu quả thiết thực.

Giáo dục - Bộ Giáo dục nên rút lại đề xuất 'chọn nghề, hướng nghiệp' cho học sinh tiểu học (Hình 3).

Với độ tuổi tiểu học, chỉ cần những tiết thủ công đơn giản, vừa học vừa chơi 

Tiết học thủ công trong chương trình phổ thông đã có từ thập niên 50 của thế kỉ 20, rất thiết thực bước đầu rèn cho học sinh bàn tay khéo léo, và sáng tạo.

Đó chính là bước đầu của rèn luyện kĩ năng quan sát, bước đầu biết cầm các dụng cụ như kéo, compa, sử dụng thước đo, bước đầu hiểu khái niệm về lao động. Yêu cầu với học sinh cấp một (tiểu học), như thế thôi đã là quá đủ.

Vậy nên người viết tha thiết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rút lại đề xuất "chọn nghề", "hướng nghiệp" cho học sinh tiểu học, đồng thời xem xét lại chất lượng và hiệu quả thực sự của công tác dạy nghề cho học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

                                                     Theo Lương Quang Thuấn - Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết "Bộ Giáo dục nên rút lại đề xuất "chọn nghề, hướng nghiệp" cho học sinh tiểu học" tại chuyên mục PHÁP LUẬT. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).