Khởi nghiệp thất bại vì mâu thuẫn giữa các đồng sáng lập

08/07/2023 13:35

Thập kỷ vừa qua, phong trào khởi nghiệp bùng nổ. Dù vậy, các thống kê cho thấy, trên 90% các dự án khởi nghiệp thất bại, trong đó, mâu thuẫn giữa các cộng sự là nguyên nhân không nhỏ.

Vừa mất tiền, vừa mất bạn

Theo một số thống kê, có đến 65% công ty khởi nghiệp thất bại vì xung đột giữa các cộng sự, giữa những người đồng sáng lập với nhau.

Các doanh nghiệp chia sẻ, tuổi trẻ sục sôi ý tưởng và nhiệt huyết khiến các cá nhân (thường là bạn bè quen biết) bắt đầu rủ nhau khởi nghiệp. Ban đầu, mọi việc thường khá suôn sẻ và vui vẻ, nhưng theo thời gian và diễn biến kinh doanh mâu thuẫn dần tích tụ và nảy sinh. Lý do có thể đến từ sự khác biệt trong phong cách làm việc, đường lối phát triển, cách đối mặt với khó khăn và thậm chí là tranh cãi về mức độ đóng góp, cách phân chia cổ phần…

Một ví dụ mới đây nhất là vụ tranh chấp xoay quanh thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc, giữa một bên là ông Nguyễn Trọng Thìn (sáng lập) và một bên là Đoàn Hải Trung, người xưng là CEO thương hiệu và “truyền nhân” của ông Thìn. Trước đó, 2 bên từng có thời gian là cộng sự của nhau, từng cùng nhau đồng hành trong nhiều sự kiện nhưng hiện tại, vì nhiều lý do, mâu thuẫn xuất hiện và 2 bên đấu tố nhau trên truyền thông.

Cũng chia sẻ bài học “xương máu” của mình liên quan đến vấn đề này, CEO Blusaigon Tôn Nữ Xuân Quyên cho biết, trước khi có được kết quả với Blusaigon, chị từng thất bại trong khởi nghiệp, mà nguyên nhân chính từ việc “cơm không lành, canh không ngọt” giữa các cộng sự với nhau.

CEO Blusaigon Tôn Nữ Xuân Quyên

Chị Quyên kể, hồi ban đầu khởi nghiệp, công ty của chị chỉ có 3 cổ đông. Tuy nhiên, do không có sự phân công công việc rõ ràng cũng như thống nhất về quyền quyết định, nên “hết người này quyết định đến người kia tham gia quyết định về công việc”. Những mâu thuẫn này cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp về thực phẩm của chị đổ bể và chị phải gánh nợ trong một thời gian dài.

Chia sẻ câu chuyện của mình, ông Nguyễn Trung Dũng, CEO Công ty Dh Foods nhớ lại, năm 1990, ông cùng 4 người bạn thân (A,B,C,D,E – ông Dũng là D) vừa tốt nghiệp đại học ở Ba Lan cùng nhay khởi nghiệp.

Lúc ấy, trong 5 người chỉ mình A có giấy tờ cư trú tại Ba Lan nên có thể mở công ty. Nhóm mở quán ăn, trên giấy tờ A là chủ, 4 người là nhân viên, thỏa thuận miệng với nhau về tỷ lệ cổ phần khoảng 20% mỗi người.

“Vì là bạn thân với nhau nên tôi nghĩ khởi nghiệp cũng như cuộc vui thời đại học nên không có hợp đồng hay ràng buộc bằng văn bản mà cứ lao vào công việc thôi”, ông Dũng chia sẻ và cho biết nhiều ngày nhóm làm việc từ 6 giờ sáng tới 12 giờ đêm. Dù vất vả nhưng bù lại thành quả cũng rất “khá” từ lợi nhuận mang lại. A là người giữ tiền và lo sổ sách, công ty làm ăn rất ổn, đến nỗi nhiều lần A nói “tao đếm tiền thấy vui quá”.

Theo ông Dũng, từ 1 quán ăn, công ty phát triển thêm một số quầy hàng, bán quần áo, thủ công mỹ nghệ, văn phòng phẩm… và rất nhiều thứ, vì thời đó đúng lúc Ba Lan “mở cửa”, chuyển đổi mô hình nên nguồn cung hàng hóa rất thiếu. Công việc của ông Dũng và cộng sự lúc này cũng khá thuận lợi, nhiều lúc nhập hàng về rồi bán gấp 2,3 lần những vẫn chạy như “tôm tươi”. Công ty cũng vì thế dần phát triển và tiền về rất nhiều.

Lúc đó, ông Dũng và A bàn nhau nên nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam để tăng lợi nhuận. Sau đó, ông Dũng về Việt Nam đặt các thúng sơn mài, đồ khảm bạc, tranh sơn mài… Công việc tiến triển vẫn rất thuận lợi.

Nhưng theo ông Dũng, đây là lúc nảy sinh vấn đề. Khi doanh số tăng, tiền nhiều, A cho rằng công ty này công sức của A và ông Dũng lớn nhất, trong khi 3 người còn lại không góp nhiều công sức, không hoàn thành nhiệm vụ thì tỷ lệ cổ phần như nhau là không hợp lý. Do đó, A đề xuất đưa B ra khỏi công ty và bồi thường một số tiền. Ông Dũng cũng không phản đối điều này.

Ông Nguyễn Trung Dũng, CEO Công ty Dh Foods

“Sau B là đến C cũng được đưa ra khỏi công ty với lý do tương tự. Về sau giữa tôi và A xảy ra xung đột lớn và tôi quyết định rời đi. Bạn A hạch toán nói rằng tôi còn nợ công ty và chỉ chia cho một số hàng hóa, còn tài sản, phân phối thì bạn A giữ. Người cuối cùng là E sau này cũng rời công ty và được bồi thường 500.000 USD. E đồng ý rời đi vì số tiền lớn, nhưng thực ra công ty hồi đó đã trị giá nhiều triệu USD rồi”, ông Dũng nói.

Vấn đề “ai quan trọng hơn?”

Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Genesia Ventures Việt Nam cho rằng vấn đề quyền lực và kiểm soát được coi là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra việc căng thẳng giữa các đồng sáng lập. Đặc biệt, khi câu hỏi “Ai quan trọng hơn?" và "Ai cần ai hơn?" được đưa ra.

Cụ thể, theo bà Dung, cần xác định địa vị của từng người trong công ty và mức lương, thưởng, cổ phần. Việc này cần được xác lập công bằng, nếu không sẽ gây ra bức xúc, dẫn đến tâm lý đối kháng, hạ thấp đối phương, nâng cao bản thân để duy trì quyền lực của họ tại công ty.

Cũng theo bà Dung, một nguyên nhân nữa là trong một công ty có nhiều đồng sáng lập, một trong những người sáng tập cảm thấy mình bị “loại trừ”, ý kiến của họ không được lắng nghe thì cũng sẽ tạo ra sự xa cách dần giữa họ.“Những câu hỏi được đặt ra như “tôi có được coi trọng hay không? Tôi chăm chỉ làm việc và đóng góp của tôi có được ghi nhận hay không? Bạn có nhận hết công lao về mình không?”

Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia, Genesia Ventures Việt Nam

Mặt khác, theo bà Dung, giữa những đồng sáng lập nếu không có sự chân thành ghi nhận sự đóng góp của nhau thì sớm hay muộn cũng sẽ có những xung đột.

Nên có hợp đồng ngay từ đầu

Ông Nguyễn Trung Dũng cũng chia sẻ, lần đầu khởi nghiệp đã mất bạn, lại còn nợ đối tác ở Việt Nam tiền: “Nguyên nhân chính của việc thất bại là do thỏa thuận ban đầu chỉ là miệng, chuyện tài chính kế toán cũng không rõ ràng. Chúng tôi khởi nghiệp đơn giản vì là bạn nhậu, đá bóng chứ không phải vì chuyên môn. Do đó, khi khởi nghiệp, các bạn hãy có thỏa thuận, giấy tờ ngay từ đầu rõ ràng, thuê luật sư công chứng đàng hoàng”.

Ngoài ra, ông Dũng cũng nhấn mạnh, khởi nghiệp cần chọn kỹ người đồng hành, chứ đừng chỉ vì chơi thân với nhau mà khởi nghiệp cùng.

Chị Tôn Nữ Xuân Quyên cho rằng khi khởi nghiệp chỉ nên giới hạn số lượng (không quá 5 cổ đông) và phải chỉ nên có 1 người có quyền quyết định cuối cùng. Thỏa thuận này dựa vào các tiêu chí như tỷ lệ vốn góp, khả năng… của các cổ đông.

Ngoài ra, theo chị Quyên, việc phân chia công việc cụ thể theo thế mạnh của từng cộng sự cũng cần được chú ý. Ví dụ xác định doanh nghiệp cần làm những gì thì ai giỏi nhất ở mỗi phần sẽ chịu trách nhiệm cho phần đó. Ví dụ thường thấy sẽ là, Co-founder & CTO - giám đốc công nghệ sẽ chịu trách nhiệm phần công nghệ và phát triển hạ tầng sản phẩm. Co-founder & CFO - giám đốc tài chính sẽ chịu trách nhiệm liên quan tới phần quản lý tài chính, cùng hỗ trợ CEO tham gia nhiệm vụ gọi vốn làm việc gần với nhà đầu tư…

“Thậm chí, trong các cổ đông, nhiều người còn có công việc riêng bên ngoài. Do đó, cần quy định rõ thời gian dành cho công ty cũng như vấn đề lương, thưởng rõ ràng”, chị Quyên nêu.

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên cho rằng nên có hợp đồng rõ ràng ngay từ đầu

CEO Blusaigon cũng chia sẻ, một vấn đề quan trong là cần chú ý làm hợp đồng, thỏa thuận rõ ràng để phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh kiện tụng về sau.

Còn bà Hoàng Thị Kim Dung cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là lựa chọn đồng sáng lập phù hợp về giá trị theo đuổi, cách đối mặt với khó khăn trong công việc và cuộc sống, dành thời gian thế nào cho công ty, tầm nhìn với công ty là gì...

Ngoài ra, bà Dung cho rằng cần chuẩn bị trước cho những “ngày mưa bão". Các đồng sáng lập cần chuẩn bị trước các cách giải quyết những vấn đề, bất đồng có thể xảy ra bất cứ khi nào, bằng việc có sẵn “sách hướng dẫn" cho mình.

Bạn đang đọc bài viết "Khởi nghiệp thất bại vì mâu thuẫn giữa các đồng sáng lập" tại chuyên mục TIN TỨC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).