Vứt bỏ bình xịt thơm miệng sau khi biết 5 mẹo này

16/09/2020 18:40

Hôi miệng là một hiện tượng gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới gây không ít phiền toái cho người bệnh, nhất là khi giao tiếp, ngay cả với người thân, đặc biệt khi gặp đối tác quan trọng.

Nguyên nhân gây hôi miệng

Có nhiều nguyên nhân gây hôi miệng, đó là do thức ăn sót lại trong miệng hay giữa các kẽ răng, bị vi khuẩn phân hóa, sẽ tạo ra mùi hôi hoặc do bệnh về răng (nhiễm trùng ở nướu răng, răng sâu có lỗ hổng thuận tiện cho vi sinh vật trú ẩn, tăng sinh; hoặc do bựa vôi đóng vào chân răng là môi trường tốt cho vi sinh vật gây bệnh tác dụng vào và đưa đến hôi miệng...), bệnh về lưỡi (lưỡi bị viêm, loét là nơi các mảnh vụn thực phẩm dễ dính lại và là môi trường tốt cho vi khuẩn phân hủy protein tạo ra mùi hôi); hoặc do miệng khô bởi giảm tiết nước bọt (nước bọt có nhiệm vụ giữ miệng ẩm, giúp tiêu hóa thực phẩm, giảm các thay đổi về tính acid trong miệng và tiêu hóa tinh bột) và khi tính acid trong miệng cao, vi sinh vật tăng sinh nhiều hơn, hoặc do ăn một số thực phẩm có dầu làm hơi thở hôi như tỏi, hành hoặc món ăn nhiều đạm, chất béo.

Hôi miệng thường gặp nhất là những người mắc các bệnh về đường hô hấp (viêm mũi, họng, viêm amiđan mạn tính, viêm xoang) hoặc do viêm phổi mạn tính hoặc do ung thư phổi. Hôi miệng cũng bắt gặp ở bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh viêm loét dạ dày - hành tá tràng… Và những người hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào, xì gà) hầu hết có hôi miệng do viêm nhiễm trường diễn đường hô hấp.

Y tế - Vứt bỏ bình xịt thơm miệng sau khi biết 5 mẹo này

Lạm dụng dung dịch xịt thơm miệng làm tăng thêm hôi miệng.

 

Nhược điểm của dung dịch xịt thơm miệng

Dung dịch xịt thơm miệng không có tác dụng điều trị nguyên nhân gây hôi miệng cho nên hôi miệng không thể khỏi khi dùng chúng và tác dụng của nó chỉ kéo dài trong khoảng 4-6 giờ. Hơn nữa, nếu lạm dụng có thể làm cho nguyên nhân hôi miệng tăng lên.

Các loại dung dịch xịt thơm miệng có tác dụng “đánh lừa” cảm giác của người sử dụng và làm cho người sử dụng cảm thấy tự tin hơn trong một thời gian nhất định nào đó (trừ những dạng thuốc xịt có chứa dược phẩm trị liệu chuyên biệt được bác sĩ kê đơn). Bởi vì, nếu dùng lâu dài dung dịch xịt thơm miệng, chứng hôi miệng không những không mất mà có thể nặng thêm. Nguyên nhân là do thành phần xịt giúp dung dịch bay hơi nhanh (trong đó có cồn) làm khô niêm mạc miệng, mất độ ẩm tự nhiên của khoang miệng, từ đây làm cho các vi sinh vật có sẵn ở niêm mạc miệng, họng (vi khuẩn, virut, vi nấm) phát triển nhanh hơn và sản sinh ra nhiều độc tố hơn (một số vi sinh vật gây bệnh còn có khả năng sinh ra khí có mùi hôi) làm cho họng, miệng càng bị viêm nhiều hơn và hôi miệng càng tăng nặng hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng.

Hơn nữa, mùi thơm đánh lừa cảm giác của người bệnh, làm cho người bị hôi miệng nhầm tưởng rằng mình đã hết hôi miệng cho nên bỏ quên hoặc sao nhãng chữa trị các nguyên nhân gây ra hôi miệng (viêm họng, viêm amiđan, viêm xoang, viêm phổi hoặc cứ tiếp tục ăn các loại gia vị gây mùi hôi như tỏi... hoặc tiếp tục hút thuốc) hoặc quên vệ sinh răng miệng hàng ngày làm cho hôi miệng càng ngày càng trầm trọng thêm. Nhất là với người có tình trạng vệ sinh răng miệng kém, việc sử dụng quá thường xuyên dung dịch xịt thơm miệng, không chỉ dừng ở mùi hôi càng gia tăng mà còn gây ra những bệnh lý răng miệng nặng nề hơn mà người dùng không hề biết.

 

Thay vì dùng dung dịch xịt chúng ta có thể dùng những cách sau để điều trị dần 

Súc miệng nước muối

Y tế - Vứt bỏ bình xịt thơm miệng sau khi biết 5 mẹo này (Hình 2).

Nước muối có khả năng sát trùng, kháng khuẩn hiệu quả. Việc sử dụng nước muối hằng ngày không chỉ giúp trị hôi miệng nhanh chóng mà còn giúp cải thiện các bệnh về răng lợi.

Nên pha nước muối đậm vừa phải (không quá nhạt, cũng không quá mặn), dùng hỗn hợp này để ngậm và súc miệng ngày 2 lần.

Dùng tinh dầu tràm

Tinh dầu tràm có công dụng kháng khuẩn, giúp loại bỏ vi khuẩn gây hôi miệng. Mùi hương dịu nhẹ của tinh dầu tràm khiến hơi thở của bạn thơm mát dễ chịu. Nó rất dễ kiếm và không gây tác dụng phụ.

Bạn có thể nhỏ 1 giọt tinh dầu tràm vào kem đánh răng trên bàn chải, đánh răng kỹ trong 2 – 5 phút, ngày 2 lần sáng và tối, sau đó súc miệng thật sạch lại với nước ấm để có được hiệu quả tốt nhất.

Dùng trà xanh

Nhờ khả năng kháng viêm, kháng khuẩn hiệu quả, trà xanh cực kỳ hữu dụng trong việc chữa trị các bệnh về răng miệng như hôi miệng, viêm lợi, sâu răng… 

Để chữa hôi miệng, bạn đun lá chè với nước, dùng uống và súc miệng thường xuyên trong ngày. Nước chè càng đặc càng có tác dụng diệt khuẩn cao, tuy nhiên chỉ nên dùng súc miệng chứ không nên uống vì dễ bị say.

Dùng lá ổi

Theo Đông y, lá ổi vị đắng tính ấm, có công dụng giải độc. Khoa học hiện đại chứng minh, lá ổi non có 7-10% là tanin - chất kháng khuẩn đem lại hiệu quả cao trong việc trị hôi miệng. Ngoài chất tanin, lá ổi còn chứa oxalic, phosphoric có tác dụng  làm trắng răng, loại sạch mảng bám và khử mùi hôi miệng hiệu quả.

Cách sử dụng: Lá và ngọn non lá ổi rửa sạch, vò nát rồi cho vào nồi, đổ thêm nước đun sôi, cho vào một thìa muối rồi khuấy đều. Dùng nước này súc miệng hằng ngày, sẽ thấy mùi hôi miệng cải thiện đáng kể. 

Dùng gừng 

Ngoài khả năng hỗ trợ chữa cảm cúm, đau bụng..., gừng còn có công dụng trị hôi miệng hiệu quả. Chỉ thái lát gừng tươi, cho vào nước đun sôi khoảng 5-10 phút rồi để nguội. Dùng nước này súc miệng ngày 3-4 lần hoặc nhiều hơn nếu có điều kiện.

Bạn cũng có thể dùng chung nước gừng với nước trà xanh.

Súc miệng với mật ong

Mật ong có tác dụng kháng khuẩn, giúp làm sạch khoang miệng, loại bỏ vi khuẩn gây mùi. Có thể pha mật ong với nước và chanh hoặc bột quế rồi dùng súc miệng nhiều lần trong ngày, chứng hôi miệng sẽ giảm đáng kể.

Bạn đang đọc bài viết "Vứt bỏ bình xịt thơm miệng sau khi biết 5 mẹo này" tại chuyên mục GIẢI TRÍ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).