Vợ chồng nhà tư sản Đỗ Đình Thiện: Một lòng yêu nước và cách mạng (kỳ 2)

02/09/2020 15:25

Tháng 8 năm 1943, nhà cách mạng Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La, về hoạt động ở Hà Nội. Trong Đảng, đồng chí được giao phụ trách tài chính, tức là nắm “tay hòm chìa khóa” của đoàn thể.

>>> Vợ chồng nhà tư sản Đỗ Đình Thiện: Một lòng yêu nước và cách mạng (kỳ 1)

Nhà máy in tiền và đồn điền Chi Nê

Trong cuộc đời của ông bà Đỗ Đình Thiện, có lẽ đồn điền Chi Nê (thuộc xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa binh) là nơi gắn bó với nhiều kỉ niệm sâu sắc nhất. Như trên đã nói, đồn điền này được ông bà tậu từ năm 1943. Trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, nhu cầu chi tiêu rất cấp bách, nhất là để phục vụ quốc phòng.

Để có máy móc, thiết bị in tiền, ông bà Thiện đã mua lại nhà in Taupin, một nhà máy in hiện đại của người Pháp ở Hà Nội hiến cho Chính phủ. Sau đó dành một địa điểm trong khu trung tâm đồn điền Chi Nê để Bộ Tài chính đặt máy in tiền đầu tiên của nhà nước ta trong thời kì đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tháng 11 năm 1946, máy móc, thiết bị in, mà chủ yếu lấy từ nhà máy in Taupin, đã được di dời về đồn điền Chi Nê để sẵn sàng in tiền phục vụ công cuộc kháng chiến. Ngay khi nổ ra cuộc Toàn quốc kháng chiến, Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến đã có mặt tại đây từ lúc nửa đêm ngày 19.

Và đến ngày 24 thì Trưởng ban Tài chính của Đảng, ông Nguyễn Lương Bằng, cũng đã có mặt. Nhà máy với các gian xưởng, nhà kho... nhanh chóng đi vào vận hành và đã in được một số tiền đáp ứng yêu cầu về tài chính trong thời gian đầu kháng chiến.

Ít lâu sau Tết Đinh Hợi (1947), đồn điền Chi Nê được đón một vị khách đặc biệt: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để giữ bí mật, Người thường đến vào buổi tối, có lần nghỉ lại qua đêm. Mỗi khi Bác đến, mọi người đều náo nức, ông Thiện thường bảo các con hát múa cho Bác vui. Nghe đến câu hát “Bác chúng em mắt như sao râu hơi dài”, Bác tủm tỉm cười, đôi mắt cũng “cười” theo, rồi đưa tay lên vuốt chòm râu đã điểm bạc.

Một lần, từ đồn điền Chi Nê, Hồ Chủ tịch đi kinh lí Thanh Hóa, xong việc quay trở lại khi đã quá nửa đêm. Bác đi thăm nhà máy vào khắp các nhà, nói chuyện với anh em công nhân và tự vệ khiến ai nấy đều tin tưởng. Trong lúc đi thăm đồn điền thì có chiếc “bà già”, máy bay do thám của Pháp bay qua.

Văn  - Vợ chồng nhà tư sản Đỗ Đình Thiện: Một lòng yêu nước và cách mạng (kỳ 2)

Đồn điền Chi Nê nơi Nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa binh. Ảnh Tư liệu

Mặc dù mọi người đã đào sẵn một số hầm cá nhân bên vệ đường, Bác vẫn nhắc vợ chồng ông Đỗ Đình Thiện nên tìm nơi sơ tán cho các cháu nhỏ. Nhật kí của ông Lê Văn Hiến còn ghi rõ lời của Bác hôm ấy, 21/2/1947: “Tôi lấy làm lạ sao nó chưa đánh nơi này. Nó sẽ đánh đấy!”.

Quả nhiên ngày hôm sau, tám chiếc máy bay khu trục của Pháp tới thả bom nơi đây, hai quả đã rơi trúng đồn điền làm hư hại nhà cửa và đốt cháy hai vựa cà phê.

Cả gia đình anh Đỗ Đình Thiện nằm trú dưới các gốc cây trong vườn cà phê, trở thành người chứng kiến vụ đánh phá, may không ai bị gì.

Hay tin máy bay Pháp oanh tạc đồn điền Chi Nê, Cụ Hồ đã gửi thư thăm hỏi:

“Chú thím Thiện. Được tin chú thím, nhà Hiền và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải không sợ. Còn trời còn nước còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ.

Kháng chiến thành công, ta làm ra của khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khỏe. Hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng”.

Ở chiến khu Việt Bắc

Ít ngày sau vụ máy bay Pháp oanh tạc đồn điền Chi Nê, ông bà Đỗ Đình Thiện đưa cả gia đình lên chiến khu Việt Bắc, giao lại đồn điền cho Ban Kinh Tài của Đảng quản lí. Tại Việt Bắc, ông Thiện đã đảm nhận một số nhiệm vụ công tác như: Giám đốc trưởng Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Trưởng phòng Quỹ Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

Bà Thiện thì được giao giữ kho tiền và tài liệu của Đảng và sau đó là Thủ quỹ của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Trong năm làm Giám đốc trưởng Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (1948-1950), ông Đỗ Đình Thiện tình nguyện không nhận lương để “dễ điều hành” công việc.

Ở Việt Bắc, gia đình ông Đỗ Đình Thiện được Cụ Hồ và các đồng chí lãnh đạo thường xuyên qua lại thăm hỏi. Đầu năm 1951, Đại hội Đảng rồi tiếp đó là Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt diễn ra tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Nhà ông bà Đỗ Đình Thiện ở gần ngay nơi diễn ra Đại hội, cách không đầy một cây số. Những ngày này, không khí sôi nổi, nhộn nhịp từ Đại hội “tràn sang” cả nhà ông bà. Nhà thường xuyên đông khách, trong đó có nhiều vị là chỗ quen biết với ông bà Thiện từ lâu và cả các đại biểu từ miền Nam ra.

Ông Đỗ Đình Thiện vốn người vui tính và yêu văn nghệ, đã lập ra một đội văn nghệ gia đình gọi là Đoàn kịch Mê Linh. “Diễn viên” toàn là con cháu trong nhà; kịch bản, đạo diễn đều do một mình ông Thiện đảm nhiệm. Đoàn kịch đã biểu diễn phục vụ nhiều buổi, được cán bộ công nhân nhà máy Trần Hưng Đạo và bà con địa phương yêu mến. Trong những ngày diễn ra Đại hội Đảng. “đoàn” đã có vinh dự phục vụ Đại hội với hai tác phẩm: Thi đua lập công và Cao sinh Cao mẫu...

Năm 1952, ông bà Đỗ Đình Thiện chuyển sang nhận công tác ở Ngân hàng Trung ương vừa được thành lập. Khoảng cuối 1953 đầu 1954, khi cần huy động nhân lực, vật lực cho mặt trận Điện Biên Phủ, bà Thiện đã xung phong đi dân công làm đường hàng tháng trời phục vụ chiến dịch.

Con gái cả của ông bà, chị Đỗ Thanh Liên, khi đó đang là học sinh lớp 8 đã xung phong đi phục vụ tiền phương. Tiễn con gái lên đường đi chiến dịch, ông Thiện nói với con: “Bố mẹ rất tiếc không có con trai lớn để tham gia đánh giặc, bố mẹ rất kiêu hãnh về việc làm này của con”.

Những năm cuối đời

Năm 1953, khi mới 49 tuổi, ông Đỗ Đình Thiện xin nghỉ mọi công tác vì lí do sức khỏe. Trong chuyến tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp năm 1946, ông từng bị tai nạn: Một lần trên đường đi Normandie, xe ô tô ông Thiện ngồi, mà lẽ ra đã được bố trí để Bác ngồi, bị mất lái đâm vào đống đá ven đường và bị lật ngửa.

Ông Thiện may mắn thoát chết, nhưng cũng từ đó ông bị bệnh chóng mặt, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và khả năng làm việc trí óc. Liệu còn có lí do gì khác cho việc ông Thiện xin nghỉ công tác sớm như vậy hay không thì đó vẫn là câu hỏi không có trả lời! Chỉ biết rằng thời điểm ông rời chính trường cũng là lúc bắt đầu diễn ra những biến động lớn, từ phong trào chỉnh huấn chỉnh quân rồi giảm tô, giảm tức và tiếp theo là cải cách ruộng đất…

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông cùng gia trở về Hà Nội, sống tại nhà riêng ở 76 phố Nguyễn Du. Năm 1958, ông Đỗ Đình Thiện được bầu là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ở cương cho đến trước khi mất. Ông sống giản dị, không có lương hưu và hưởng chế độ tem phiếu bìa N (loại dành cho Nhân dân, mức thấp nhất thời bao cấp).

Khi ông Thiện lâm bệnh vào nằm ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, các bác sĩ đã rất lúng túng không biết xếp ông vào tiêu chuẩn nào, vì thấy ông được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cùng nhiều cán bộ cao cấp vào thăm, trong khi lương và cấp bậc của ông lại rất khiêm tốn (thời đó thuốc điều trị phụ thuộc vào hai yếu tố này).

Ông Đỗ Đình Thiện mất ngày 2/1/1972, hưởng dương 68 tuổi. Tổng bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh cùng nhiều cán bộ cao cấp đã đến viếng ông và chia buồn cùng gia đình. Song lễ tang ông không có điếu văn: thời đó chưa có lệ đọc điếu văn đối với một người hưởng tiêu chuẩn “nhân dân” như ông. Ông ra đi lặng lẽ, nhưng đã để lại niềm tiếc thương vô hạn và kỉ niệm đẹp trong lòng người thân, họ hàng, bạn bè, đồng chí từ thành phố đến thôn quê.

Văn  - Vợ chồng nhà tư sản Đỗ Đình Thiện: Một lòng yêu nước và cách mạng (kỳ 2) (Hình 2).

Gia đình ông Đỗ Đình Thiện được Cụ Hồ và các đồng chí lãnh đạo thường xuyên qua lại thăm hỏi. Ảnh Tư liệu

Từ lâu, ông được bạn bè mệnh danh là “Mạnh Thường Quân”, người nổi tiếng hào hiệp thời Chiến quốc nước Tàu. Theo ông Trần Văn Giàu kể lại, tại lễ tang ông Đỗ Đình Thiện, người ta đều nói đến phẩm chất này của ông: Khi không có một xu dính túi cũng như khi có một triệu đồng trong túi, đối với bạn bè không hề thay đổi, lúc nào cũng hết lòng giúp đỡ.

Ông Giàu cũng kể lại rằng, trong một lần tới thăm ông Phạm Văn Đồng, nhân nhắc đến ông Thiện, ông Đồng nói: “Anh Đỗ Đình Thiện là một người rất đặc biệt: Bác Hồ và tôi làm việc cho cách mạng còn phải có lương, nhưng anh Thiện thì không chịu nhận lương!”.

Bà Đỗ Đình Thiện (tức Trịnh Thị Điền) ra đi sau ông vừa tròn hai con giáp, hưởng thọ 84 tuổi. Bà mất ngày 21/6/1996, khi đã vào thời kì Đổi mới. Lễ tang của bà được tổ chức trang trọng, với sự hiện diện của nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Trong thư chia buồn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn viết: “Tôi rất xúc động được tin buồn đồng chí Trịnh Thị Điền (chúng tôi thường gọi là chị Thiện) từ trần. Đồng chí là một người phụ nữ mẫu mực đã suốt đời phục vụ Nhân dân, phục vụ Đảng, từ những ngày đấu tranh gian khổ và hào hùng... Đồng chí Điền để lại một tấm gương sáng cho các thế hệ phụ nữ chúng ta”.

Thời gian có thể xóa đi nhiều thứ, nhưng với những giá trị đích thực thì thời gian chỉ càng tô đậm thêm giá trị và tầm vóc của nó. Những năm gần đây chứng kiến hàng loạt - sự kiện tôn vinh vợ chồng nhà tư sản yêu nước và cách mạng Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền: Đồn điền Chi Nê, nơi từng được đón Bác Hồ trong những ngày đầu kháng chiến và dùng - nơi in tiền cho Chính phủ, nay đã trở thành Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, nơi trưng bày nhiều hiện vật, liệu khẳng định sự đóng góp to lớn của hai ông bà.

Ông Đình Thiện được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tên ông giờ đây được đặt cho một đường phố ở Thủ đô, phố Đỗ Đình Thiện, một con phố lịch sự dài 800m ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Một ngôi trường mầm non tầm cỡ mang tên Đỗ Đình Thiện đã được dựng lên trên chính mảnh đất của đồn điền Chi Nê.

Và đặc biệt có ý nghĩa trong chương trình giáo dục, ở môn Tiếng Việt lớp 5, các em học sinh được học bài về Đỗ Đình Thiện - bài học có tên “Nhà tài trợ đặc biệt của Cách mạng”. Thiết nghĩ điều này không phải sự may mắn cho ông, hay cho bà, những người đến với cách mạng với cả tấm lòng thành, không hề suy tính.

Cái may trước hết là cho các em, những chủ nhân tương lai của đất nước, khi các em được học tập, được ngưỡng mộ những giá trị đích thực mà có thể vì nhiều lí do này khác, có một thời còn ít được biết đến...

Nhóm tác giả: Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Như Mai

Bạn đang đọc bài viết "Vợ chồng nhà tư sản Đỗ Đình Thiện: Một lòng yêu nước và cách mạng (kỳ 2)" tại chuyên mục BẠN ĐỌC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).