Văn học ẩm thực: Khi miếng ăn được nâng thành nghệ thuật

29/09/2020 23:19

(VHNT) - Đã từng có một thời, những trang văn viết về ẩm thực có một sức hấp dẫn không thua kém bất cứ một thể thức văn học kinh điển nào. Cho đến hiện nay, những cây bút viết về ẩm thực hay và dài hơi có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong số đó có nhà văn Nguyễn Quang Thiều và nữ nhà văn Di Li.

Những câu chuyện văn chương về ẩm thực được gợi mở từ tùy bút “Mùi của ký ức” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều cùng bộ đôi tùy bút “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” và “Nửa vòng trái đất uống một ly trà” của nhà văn Di Li. Mỗi nhà văn có một cách tiếp cận riêng với văn hóa ẩm thực. Sự khác biệt về sức cảm và nhãn quan của hai thế hệ khiến mỗi trang viết về chuyện ăn uống có một sức hấp dẫn khác nhau. 

1 mảnh đất bỏ hoang và 2 hướng khai phá

Văn học ẩm thực là một thể loại hiếm người viết ngay cả trên thế giới. Trong suốt thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, các tác phẩm văn học ẩm thực xuất hiện không nhiều, điển hình có thể kể đến các tùy bút ẩm thực của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Băng Sơn. Thế nhưng, cái thời vang bóng của những cây bút kinh điển viết về ẩm thực đã là quá khứ rất xa. 

Văn  - Văn học ẩm thực: Khi miếng ăn được nâng thành nghệ thuật

Tùy bút ẩm thực “Mùi của ký ức” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Thực tế mà nói văn học ẩm thực nay giống như một mảnh đất bỏ hoang không có ai khai phá. Phải chăng ẩm thực không đủ sức hấp dẫn để người viết có thể chắp cánh thành những áng văn giàu hương vị, giàu cảm xúc hay những cây bút hiện đại không đủ sức tìm ra được cách khai phá mới mẻ cho những giá trị văn hóa ẩn tồn trong ẩm thực?

Đời sống văn chương nay có thể ít ỏi những trang văn viết về ẩm thực nhưng không thiếu những trang viết có sức nặng và giàu giá trị. Như một sự kết thừa, tiếp nối vào dòng chảy của văn học ẩm thực, những nhà văn như Nguyễn Quang Thiều hay Di Li với tư duy và cá tính sáng tạo độc lập đã mang đến những hình sắc mới cho tác phẩm viết về ẩm thực đã xuất hiện đến gần một thế kỷ qua.

Cuốn “Mùi của ký ức” bao gồm 18 tùy bút ẩm thực của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Như tên gọi của cuốn sách, 18 câu chuyện là tập hợp của những hồi ức da diết về làng Chùa (nay thuộc Ứng Hòa, Hà Nội) và những món ăn làng. Tác giả chia sẻ rằng: “Tôi viết cuốn sách này để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ tôi và những người làng Chùa đã khuất. Suốt trong những năm tháng ấu thơ cho đến khi rời làng đi học xa, cùng như những đứa trẻ trong làng, tôi lớn lên trong hai thế giới: Thiên nhiên hoang dã và lề thói phong kiến… Từ lúc lên năm, sáu tuổi, chúng tôi đã phải nấu ăn. Bởi thế tất cả những món ăn của người làng Chùa tôi đều biết cách nấu như mổ lợn, mổ gà vịt, gói giò xào, nấu thịt đông, nấu canh cua canh cá, kho cá,…”. Những hồi ức trong sách của tác giả vì thế đều gắn với những món ăn của người mẹ, người cha, người bà và cả những cư dân làng Chùa nay đã thành người thiên cổ.

“Mùi của ký ức” mở ra một không gian mênh mang, hoang dã và đầm ấm qua lời kể da diết và điềm tĩnh của người đàn ông đã đi quá nửa đời người, trong ấy là nỗi xót xa khi thiên nhiên bị tàn phá, khi con người càng ưa chuộng những xã giao hiện đại mà mất dần đi tính tính kết nối giữa người với người, với thiên nhiên tinh khiết, và không thể không thôi hoài niệm về những ký ức yêu thương với những người phụ nữ đã góp phần kiến tạo nên con người và sự nghiệp của nhà văn. Đấy là những người bà, người mẹ luôn hiện ra trong khói lam chiều mỗi khi nhà văn nhớ về những món ăn nơi thôn dã.

Nếu thế giới văn chương ẩm thực của nhà văn Nguyễn Quang Thiều là một miền ký ức thân thuộc, dân dã thì khi viết về ăn uống, nữ nhà văn Di Li lại mang đến một sự bạo liệt của một người trẻ ưa khám phá thấy được ngay ở tựa sách với những cái tên đầy sức gợi. Bộ đôi tùy bút ẩm thực “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” và “Nửa vòng Trái Đất uống một ly trà” mang phong cách khác hẳn văn phong ẩm thực của các thế hệ đi trước. Xuyên suốt 107 câu chuyện về ẩm thực, tác giả không sử dụng những câu từ hoa mỹ nhưng luôn bộc lộ khả năng tái hiện sinh động về ẩm thực bằng cả năm giác quan. Có thể coi đây là bộ đôi tùy bút ẩm thực đầu tiên viết về những món ăn vòng quanh thế giới và Việt Nam.

Với phong cách hiện đại và hài hước mà không kém phần yêu thương, da diết cùng những món ăn quê nhà, 53 câu chuyện trong “Tôi đã ăn ca cánh đồng hoa” là không gian đêm Noel trên thành phố cảng rực sáng ánh đèn với món bánh đa cua của Bà Cụ trứ danh, nỗi khổ sở khi đi ăn phở Thành Nam, những món ăn kỳ quặc suốt nẻo miền Tây, những ngày lang thang quà vặt Sài Gòn sau cơn mưa mùa nhiệt đới, ký ức về cô hàng bánh cuốn vùng biên giới đã dẻo tay cuốn bánh suốt vài thập niên, và cả tình người đong đầy trong những món ăn xưa cũ nơi phố Hội. Trong khi đó, “Nửa vòng Trái đất uống một ly trà” là một kỳ công khác của nữ nhà văn khi trên đường thiên lý qua hàng trăm thành phố khắp các lục địa Âu, Á, Phi, nhà văn đã lưu giữ lại qua vị giác những thước phim tư liệu sống động về các vùng văn hóa thông qua ẩm thực. 

Như hai cách khai phá mảnh đất văn học ẩm thực, những trang viết của nhà văn Nguyễn Quang Thiều và Di Li mang đến cho người đọc không chỉ là vị ngon của món ăn mà còn chứa đựng sự thấu cảm vị nghệ thuật qua giá trị văn hóa của ẩm thực. Nói như, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, trong cuốn “Mùi của ký ức”, Nguyễn Quang Thiều đi về làng quê, đi về gia đình, đi về ký ức. Di Li trong 2 cuốn sách của mình là đi ra, đi ra với thế giới, đi đến những nền văn hóa khác nhau. Tâm trạng của Nguyễn Quang Thiều là ngậm ngùi trở lại ký ức còn của Di Li là háo hức, cái gì cũng muốn thử, cái gì cũng muốn nếm, cái gì cũng muốn “ngó tận mắt, sờ tận tay”. Ở đây hai thế hệ, có hai cách viết khác nhau.

Từ vị nghệ thuật đến những ám ảnh sợ hãi

Để viết về chuyện ăn uống quả thực là một thử thách lớn đối với mỗi nhà văn muốn đặt bút khám phá mảng văn học độc đáo này. Viết làm sao để vượt lên sự bình thường của chuyện miếng ăn hằng ngày để nâng lên tầm nghệ thuật? Viết về ẩm thực vừa dễ vừa khó. Dễ ở chỗ viết về những món ăn thân quen như đời sống diễn ra hằng ngày. Khó ở chỗ từ những món ăn thuần túy người viết phải truyền tải được một câu chuyện văn chương, một ý tứ nghệ thuật vào trong trang viết. Nếu không sẽ dễ bị đánh đồng với một cuốn cẩm nang, một cuốn sách dạy kĩ thuật nấu ăn bình thường.

Văn  - Văn học ẩm thực: Khi miếng ăn được nâng thành nghệ thuật (Hình 2).

Bộ đôi tùy bút ẩm thực “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” và “Nửa vòng Trái đất uống một ly trà” của nữ nhà văn Di Li

Nhà văn Di Li cho rằng, có sự mẫu thuẫn khi nhiều người coi chuyện ăn là tầm thường, đưa vào văn chương thì không xứng đáng. Có thể viết một cuốn sách về ăn uống không giá trị bằng một cuốn sách phê bình hay một cuốn tiểu thuyết chăng? Văn học không lệ thể loại hay đề tài mà người viết văn chuyên nghiệp, viết văn ở đỉnh cao thì viết cái gì cũng có thể hay được, càng những chuyện tầm thường, vớ vẩn mà viết được thành hay. Đỉnh cao của nghệ thuật chính là sự giản dị và khi đến tận cùng của nghệ thuật là đạt được sự giản dị mà vẫn thăng hoa, vẫn hay được thì lúc đó người viết đạt được đến sự chuyên nghiệp.

Rõ ràng, mặc dù việc ăn uống dường như mâu thuẫn và đối chọi với văn chương nghệ thuật, nhưng khi được đưa vào trong trang viết, nó luôn hấp dẫn người đọc, cũng bởi ẩm thực khi đó không chỉ đơn thuần là khoái khẩu mà còn là mã code của văn hóa, tôn giáo, lịch sử, mỹ học và tính cách dân tộc. Vượt qua những chuyện tầm thường để trở thành nghệ thuật, trở thành văn chương, dưới ngòi bút của nhà văn, ẩm thực gọi ra được một vùng văn hóa, những đặc trưng của vùng miền, của quốc gia. Điều này, có thể thấy rõ trong những tùy bút ẩm thực của Nguyễn Quang Thiều hay Di Li.

Nói về điều này, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, ở mỗi một dân tộc đều có một mã code văn hóa trong đó ẩm thực là một con số nào đó. Đồng quan điểm, nhà văn Di Li bày tỏ quan điểm, từ món ăn đọc được rất nhiều thứ ở đó, cho nên một nhà văn của Mỹ đã nói rằng: Hãy chỉ cho tôi biết bạn ăn gì tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai. Đúng là như vậy! Mã code văn hóa có thể thấy được qua những món ăn. Sự ăn thực sự là một hành trình khám phá ra những thông số về văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền. 

Nói theo nghĩa đen, văn học ẩm thực mang đến nhiều hơn chỉ đơn thuần là những thông tin về đồ ăn, thức uống, nó cung cấp cho người đọc những thông điệp của thời đại. Phải chăng đời sống con người trong thời đại hiện nay với nỗi ám ảnh của thực phẩm bẩn, với những sợ hãi về chất lượng bữa ăn hàng ngày, cũng nên được nhà văn phản ánh trong những trang viết về ẩm thực của mình?

 “Văn chương luôn có tính lịch sử. Đọc những cuốn sách viết về ẩm thực của Thạch Lam chúng ta không thể thấy được những dấu ấn về nỗi ám ảnh với thực phẩm. Thế nhưng, có thể 50 năm hay 100 năm sau nữa độc giả có thể đọc Di Li hay Nguyễn Quang Thiều để thấy rằng thập niên 20 của thế kỷ 21 các nhà văn lo sợ về ẩm thực đến mức nào. Những ám ảnh về ẩm  thực xuất hiện đầy rẫy qua những trang sách của Di Li. Đó là dấu ấn mang tính lịch sử của thời đại mà mọi cái đều đáng ngờ, ngay cả miếng ăn vào miệng, người ta cũng phải ngờ vực như bây giờ” – nữ nhà văn Di Li chia sẻ.

Còn đối với nhà văn Nguyễn Quang Thiều, viết về ẩm thực không chỉ bàn về vẻ đẹp, một hành vi văn hóa, một sự hưởng thụ trong nghệ thuật ẩm thực, mà chúng ta đang đứng trước một thách thức…bên mâm cơm của chúng ta luôn có một bóng ma đứng cạnh. “Những thứ tôi viết ra, nói ra, không phải hoài cổ, tôi không phải kể về cái làng nhỏ bé của tôi, tôi kể vì một ý nghĩa, tôi nói về một văn hóa, tôi nói về một sự tinh sạch của con người trước kia”.

Như cách nói của nhà báo Phan Đăng, qua những trang viết về ẩm thực, bên cạnh những rung động trước cái đẹp của ẩm thực, chúng ta có quyền cho những sợ hãi, chúng ta có quyền cho những run rẩy, chúng ta có quyền cho những lo âu. Bởi suy cho cùng sự lo âu, sợ hãi cũng là để bảo vệ cái đẹp.

GK

Bạn đang đọc bài viết "Văn học ẩm thực: Khi miếng ăn được nâng thành nghệ thuật" tại chuyên mục NÔNG NGHIỆP. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).