Trừ điểm giấy phép lái xe được thực hiện thế nào?

07/09/2020 17:45

Cục CSGT cho biết, số điểm của tài xế sẽ không thể hiện trực tiếp trên bằng lái mà được mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống.

Xã hội  - Trừ điểm giấy phép lái xe được thực hiện thế nào?

Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ đưa ra 28 nhóm hành vi mà tài xế sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền và trừ điểm bằng lái. Ảnh: Văn Huế

Đang xây dựng cơ sở dữ liệu chung

Theo Nghị quyết số 123/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2020, Chính phủ thống nhất quy định về điểm của GPLX là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính) theo hướng GPLX được cấp 12 điểm/năm. Nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại GPLX.

Trong khi đó, dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, Bộ Công an đưa ra 28 nhóm hành vi mà tài xế sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền và trừ điểm bằng lái. Trong đó có các lỗi như chạy quá tốc độ 10-20km/h, chở quá số người vượt trên 50-100% số người được phép chở, không nhường đường cho xe ưu tiên, vi phạm các quy định về ATGT trên cao tốc…

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, quy định cấp điểm cho bằng lái sẽ là biện pháp quản lý văn minh và toàn diện. Quy định này giúp cơ quan Nhà nước có thể theo dõi quá trình chấp hành luật của tài xế sau vi phạm, đồng thời khi được thực thi nó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của tài xế.

Ông Bình cho rằng, hiện nay chúng ta đang quản lý người điều khiển phương tiện giao thông theo từng hành vi đơn lẻ. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đều đã có hệ thống trừ điểm.

Giải thích về số điểm 12 được cấp cho bằng lái, ông Bình cho biết, con số này tương ứng với 12 tháng dựa theo kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng. Số điểm này không thể hiện trực tiếp trên bằng lái mà được mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu.

“Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống. CSGT chỉ cần kiểm tra nhanh trên máy sẽ biết tài xế còn bao nhiêu điểm”, ông Bình phân tích.

Trong thời hạn một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu người lái xe không bị trừ hết điểm thì cơ quan chức năng sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp. Tuy nhiên, trong một năm mà tài xế không vi phạm thì sẽ không được cộng tích luỹ điểm sang năm kế tiếp (như năm 2020, tài xế không bị trừ điểm nào thì năm 2021 vẫn chỉ được cấp 12 điểm chứ không được cộng dồn điểm của năm 2020 thành 24 điểm). Trong trường hợp bị trừ hết điểm, GPLX bị coi không còn hiệu lực, tài xế phải học và thi lại GPLX.

Đại tá Bình thông tin thêm, hiện Bộ Công an đang chỉ đạo Cục CSGT triển khai phần mềm xử lý vi phạm. Khi phần mềm này ra đời, toàn bộ phương tiện vi phạm, GPLX của người vi phạm đã có trong dữ liệu và dữ liệu này sẽ song song với việc phần mềm quản lý cấp đổi GPLX.

Theo quy trình, khi một tài xế vi phạm giao thông bị phát hiện, CSGT ra quyết định xử phạt sẽ nhập dữ liệu vào phần mềm này. Từ đó, sẽ kiểm soát được tất cả những lỗi lái xe đã vi phạm và khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống. CSGT chỉ cần kiểm tra nhanh trên hệ thống sẽ biết tài xế còn bao nhiêu điểm. Nói cách khác, hệ thống dữ liệu sẽ do CSGT nhập và quản lý.

“Cũng giống như xử phạt nguội vi phạm giao thông như hiện nay, tài xế chỉ cần vào trang web của Cục CSGT sẽ biết được mình bị trừ bao nhiêu điểm với từng lỗi cụ thể”, lãnh đạo Cục CSGT cho biết.

Lo phát sinh tiêu cực

Xã hội  - Trừ điểm giấy phép lái xe được thực hiện thế nào? (Hình 2).

Cục CSGT cho biết, số điểm của tài xế sẽ không thể hiện trực tiếp trên bằng lái mà được mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống

Đồng tình với việc trừ điểm GPLX đối với một số hành vi vi phạm giao thông, nhưng luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) băn khoăn, việc trừ điểm GPLX là để tăng cường công tác quản lý, đồng nghĩa với việc tăng cường thẩm quyền cho CSGT. Mà việc tăng cường thẩm quyền cho lực lượng CSGT dễ dẫn đến nguy cơ phát sinh tiêu cực.

“Việc tăng thẩm quyền cho lực lượng chức năng mà không thực hiện nghiêm túc sẽ tăng cơ hội cho họ, một số người vin vào đó để nhũng nhiễu, tiêu cực. Chẳng hạn, một tài xế được thông báo sắp hết 12 điểm trừ trong năm nay, họ sẽ tìm cách đưa tiền để lực lượng chức năng bỏ qua vi phạm.

Vậy, việc giám sát sẽ được thực hiện thế nào để đảm bảo không có tiêu cực?”, luật sư Cường nói và đề xuất, với những hành vi vi phạm giao thông cố ý như: Vượt đèn đỏ, không đội MBH, lạch lách, đánh võng, chở quá tải, chở quá số người... có thể áp dụng tước GPLX vài năm hoặc lỗi nào nghiêm trọng thì tước GPLX vĩnh viễn.

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Xuân Hiệp, Đoàn Luật sư Hà Nội, cũng tại dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, Bộ Công an đề xuất việc cấp bằng lái từ khâu sát hạch, theo dõi việc chấp hành pháp luật sau khi được cấp bằng lái (trừ điểm) và thi sát hạch lại (nếu bị trừ hết điểm) đều sẽ do bộ này quản lý. “Khi mọi hoạt động nêu trên đều do ngành Công an quản lý, nếu không có cơ chế giám sát, rất có thể sẽ lại nảy sinh tiêu cực”.

Ông Lê Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH vVận tải Trung Thành cho hay, năm 2003, chúng ta từng áp dụng hình thức bấm lỗ trên GPLX. Đến năm 2007, Nghị định 146 ra đời chính thức bãi bỏ quy định bấm lỗ bằng lái, mà thay bằng hình thức phạt khác là tước GPLX theo thời hạn. Và đến giờ, Bộ Công an tiếp tục đề xuất trừ điểm GPLX.

“Về cơ bản thì đây là chủ trương được dư luận ủng hộ. Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm phải liên thông toàn quốc, làm sao để dễ dàng kiểm tra, đối chiếu... và phải có sự giám sát chéo để tránh tiêu cực”, ông Long nói.

ĐBQH Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng tình với quy định trừ điểm, song cũng bày tỏ lo ngại khi công việc này chỉ do một đơn vị thực hiện, rất dễ dẫn đến sai sót, có tiêu cực. “Có thể người vi phạm sợ phải thi lại bằng nên dẫn đến có sự “mặc cả” với CSGT trong việc xử phạt. Chính vì vậy, trong việc này để phòng tránh tiêu cực thì trách nhiệm đầu tiên là của Bộ Công an”, ông Hoà nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN, nhiều nước cũng đã áp dụng thành công hình thức này. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh, công khai, minh bạch thì sẽ có tác dụng tốt góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đối với người điều khiển phương tiện.

Theo ông Quyền, để việc này được công khai, minh bạch, đòi hỏi cơ quan thực thi phải áp dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu dùng chung để các cơ quan quản lý, người dân cùng giám sát. Đơn vị chủ trì sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tiêu cực.

Theo Báo giao thông

Bạn đang đọc bài viết "Trừ điểm giấy phép lái xe được thực hiện thế nào?" tại chuyên mục NHIẾP ẢNH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).