Thiên tình sử Bùi Thị Xuân - Trần Quang Diệu có một không hai

11/09/2020 15:02

Vào nửa cuối thế kỷ XVIII, có một đôi vợ chồng tướng lĩnh dường như được sinh ra để gắn bó với nhau và gắn bó với phong trào Tây Sơn đến hơi thở cuối. Vợ là Bùi Thị Xuân. Chồng là Trần Quang Diệu.

Hai người cùng phò tá Nguyễn Huệ từ áo vải làm nên nghiệp đế, cùng trở thành những bề tôi lương đống tận trung với triều đại Tây Sơn. Ở hai người cùng có sự nhân hậu độ lượng của bậc chính nhân, cùng hiên ngang không khuất phục kẻ thù, cùng sẵn sàng chấp nhận hy sinh, lấy cái chết oanh liệt làm sáng tỏ đại nghĩa và khí tiết.

Theo truyền thuyết phía Bắc Bình Định, Trần Quang Diệu thuộc dòng dõi thế gia vùng núi Hoài Ân thuộc phủ Bồng Sơn. Cha của Diệu văn võ kiêm toàn nhưng chán thời loạn nên giấu mình chốn sơn thôn. Ông từng ra tay giết một con cọp đực để bảo vệ dân làng. Hậu quả của việc này là cả gia đình ông chết thảm vì cọp cái xuống núi báo thù, trừ Trần Quang Diệu lúc đó còn rất nhỏ, được lão bộc đặt vào một cái giỏ mây treo lên ngọn dừa nên thoát chết.

người ở ẩn trong núi Kim Bồng là võ sư Diệp Đình Tòng, một lần đi qua đây, nghe chuyện thương tâm liền nhận nuôi Diệu. Sống trong hang núi cùng ông và Diệu còn có một chú cọp con lông trắng như tuyết, là con của đôi cọp dữ đã chết. Cọp mẹ trước khi đi báo thù đã tha con gửi trước hang động, nơi lão võ sư ẩn náu.

Thật kỳ lạ, bạch hổ rất ngoan ngoãn trước ông Diệp, nhưng lại vô cùng hung hăng với Diệu, dường như bản năng mách bảo nó rằng Diệu là con của kẻ thù. Mỗi lần lão võ sư dạy võ cho Diệu, bạch hổ rướn mình huơ chân học theo. Trong một lần cùng luyện võ, chú cọp con nổi máu sát sinh vồ Diệu. Bị lão võ sư quát mắng, bạch hổ tủi hờn bỏ hang núi đi mất dạng. Trước khi tạ thế, Diệp Đình Tòng nói rõ căn nguyên, dặn Diệu tìm kiếm, thu phục bạch hổ và giữ thân rèn chí, chờ ngày cứu dân cứu nước.

Thời thế tao loạn, người dân lầm than, năm 1771, một viên biện lại tên là Nguyễn Nhạc lên Tây Sơn Thượng Đạo lập căn cứ khởi nghĩa. Diệu băng núi đầu quân dưới cờ Nguyễn Nhạc, mau chóng trở thành một yếu nhân của phong trào. Bằng tài hùng biện và võ công xuất chúng, Diệu đã lôi cuốn được đông đảo trai tráng về theo nhà Tây Sơn.

Nghĩa sĩ mới về, thường do Trần Quang Diệu huấn luyện thuần thục rồi mới chuyển cho Nguyễn Huệ rèn thêm và khép vào đội ngũ. Nguyễn Huệ khi ấy với cương vị đệ nhị trại chủ, kề vai sát cánh với các võ tướng. Nguyễn Huệ rất am tường võ nghệ binh thư, sâu sát và sắc sảo việc quân nhung nên Diệu rất nể. Huệ thường khen Diệu “trung dũng không ai bằng” và lấy sự kính trọng để biệt đãi Diệu.

Ban đầu Diệu đem thân thờ Nhạc nhưng dần dần lại gắn bó với Huệ là do phục tài, cảm nghĩa, thanh khí tương cầu. Khi Huệ nhờ cậy hay sai bảo điều gì, dù khó khăn đến đâu Diệu cũng không từ. Trong thời gian phụng mệnh đệ nhị trại chủ Nguyễn Huệ đi chiêu mộ anh tài, Trần Quang Diệu đã gặp gỡ người bạn đời trăm năm của mình. Câu chuyện tình của họ có thể gọi là kim cổ kỳ duyên.

Chuyện rằng chàng tráng sĩ trên lưng ngựa rong ruổi đường rừng, đến con suối nọ xuống cho ngựa uống nước và định rửa chân thì bị một con cọp trắng tấn công. Cọp và người quần nhau chí tử. Thế võ nào của Trần Quang Diệu, cọp trắng cũng hóa giải được. Thấy vậy, Diệu lờ mờ nhận ra nó chính là bạch hổ thuở nào.

Trong lúc Diệu phân tâm, bị cọp trắng bung trảo chụp trúng vai, máu chảy ướt lưng. Giữa lúc tính mạng Diệu nghìn cân treo sợi tóc, một thiếu nữ bất ngờ xuất hiện, vừa hét lớn vừa vung nhanh song kiếm. Cọp trắng bị chém trọng thương, buông Diệu bỏ chạy. Nàng định rượt theo nhưng Diệu ngăn lại. Thiếu nữ ấy là Bùi Thị Xuân.

Trần Quang Diệu được Bùi Thị Xuân đưa về trang ấp ở làng Xuân Hòa. Anh kết nghĩa của nàng là Ngô Văn Sở biết qua nghề thuốc, hết lòng cứu chữa cho Diệu. Ngô Văn Sở là cháu của Ngô Mãnh, một đô thống của chúa Nguyễn. Gia đình Ngô Mãnh bị gian thần Trương Phúc Loan hãm hại, ông dắt cháu nội rời quê lánh nạn. Trong bước giang hồ lâm lụy cơ hàn, hai ông cháu được cha Bùi Thị Xuân cưu mang giúp đỡ. Bùi công đãi Ngô Mãnh như khách quý và nhận Ngô Văn Sở làm con nuôi. Cảm kích ơn sâu, Ngô Mãnh đem hết sở học truyền dạy cho Bùi Thị Xuân.

Trong những ngày dưỡng bệnh ở nhà họ Bùi, tận mắt thấy Bùi Thị Xuân và Ngô Văn Sở tập luyện võ nghệ, Trần Quang Diệu bèn đem chuyện Tây Sơn dấy nghĩa ra thuyết phục hai người bạn mới. Từ đây bắt đầu thiên tình sử thiêng liêng của đôi trai gái kỳ tài Bùi Thị Xuân - Trần Quang Diệu và tình bạn thâm sâu giữa Trần Quang Diệu với Ngô Văn Sở.

Vẽ lại sơn trại, Diệu thưa chuyện cùng Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ. Nhạc rất mừng, vì từ lâu đã nghe tiếng Bùi Thị Xuân, bèn cử Nguyễn Huệ cùng Diệu xuống Tây Sơn hạ đạo cảm tạ Bùi công, mời nữ kiệt và Ngô Văn Sở gia nhập nghĩa quân.

Khi Nguyễn Huệ đích thân xuống thu nạp, Bùi Thị Xuân đến ra mắt đệ nhị trại chủ Tây Sơn không chỉ một mình, mà còn dẫn theo một đội nữ binh do mình đào tạo và một đàn voi rừng đã được rèn dạy thuần thục. Dãy gò Dinh ven sông Côn là bãi tập voi của người con gái xinh đẹp này. Điều làm Nguyễn Huệ hết sức xúc động, đó là dù chưa tụ nghĩa, nàng đã tự thêu cho mình một lá cờ đào có mấy chữ vàng “Tây Sơn nữ tướng”. Nguyễn Huệ, ngay buổi hội kiến đầu tiên với Bùi Thị Xuân, đã không giấu nỗi ngạc nhiên trước tài nghệ và bản lĩnh của cô gái mới gặp, trân trọng gọi nàng là “cân quắc anh hùng” - bậc anh hùng trong giới khăn yếm.

Ít lâu sau, Nguyễn Nhạc đích thân đứng ra mai mối, tác thành mối nhân duyên Bùi Thị Xuân - Trần Quang Diệu.

Ngày Bùi Thị Xuân theo chồng về căn cứ An Khê, những người trước nay chỉ nghe đồn đại về tài cung kiếm của nàng đều ngạc nhiên vì cô dâu mới rất kiều diễm. Rất tiếc chân dung Bùi Thị Xuân không còn lưu truyền qua di ảnh. Người đời sau chỉ có thể mường tượng dung nhan nữ tướng qua đôi câu thơ vịnh của danh sĩ Nguyễn Trọng Trì:

Hoàng hôn thành đốc bi già động Hữu nhân diện tỷ phù dung kiều

Tạm dịch: Tiếng tù và làm lay động bóng hoàng hôn nơi góc thành Có một người gương mặt đẹp như đóa phù dung.

Lúc bấy giờ Nguyễn Nhạc mới xưng vương, phong Trần Quang Diệu làm Đô đốc, Bùi Thị Xuân làm Đại tổng lý. Người vợ trẻ của vị tướng soái được nghĩa quân tôn xưng là bà Đô đốc. Trong thời gian đầu của khởi nghĩa, Trần Quang Diệu theo Nguyễn Nhạc đi đánh dinh tuần phủ, mở rộng căn cứ. Bà Đô đốc cùng bà vợ Nguyễn Nhạc đi buôn trầu làm ruộng để nuôi quân. Ngoài ra bà còn mở trường dạy võ ở Phú An, các nữ binh trong quân đội Tây Sơn đều do một tay bà đào luyện.

Văn  - Thiên tình sử Bùi Thị Xuân - Trần Quang Diệu có một không hai

Ảnh minh họa

*

Năm 1773, quân Tây Sơn chiếm thành Quy Nhơn từ tay Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên, làm chủ một vùng rộng lớn.

Năm 1775, quân Trịnh chiếm kinh thành Phú Xuân của chúa Nguyễn. Huệ vương Nguyễn Phúc Thuần bỏ trốn vào phía Nam. Nguyễn Nhạc tạm thời liên kết với chúa Trịnh để diệt Nguyễn. Trịnh Sâm thỏa mãn vì chiếm được Phú Xuân và không muốn tiến xa vào Đàng Trong, đã phong cho Nhạc tước Đại công. Năm 1776, rảnh tay về phía Bắc, Nguyễn Nhạc xưng Tây Sơn vương, giao Nguyễn Huệ mở chiến trận vùng Gia Định, truy đuổi quân Nguyễn. Đôi vợ chồng trẻ Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân đều theo Nguyễn Huệ xuất chinh.

Năm 1777, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ chỉ huy cuộc hành quân mới vào Gia Định. Các tướng lĩnh tòng chinh có Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng. Huệ vương Nguyễn Phúc Thuần, hoàng tử Dương (mới được lập làm vương) và hoàng tử Phúc Đổng (anh của Nguyễn Ánh) đều bị giết trong chiến trận. Nguyễn Ánh lúc bấy giờ chạy với một nhóm nhỏ, chợt đụng đầu cánh quân của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Có người trong nghĩa quân Tây Sơn nhận ra Nguyễn Ánh, chỉ cho nữ tướng. Bùi Thị Xuân bắt được Ánh, thấy còn quá nhỏ thì động lòng thương hại. Nữ tướng đưa tay cặp chiếc giáo của Ánh và nói: “Thương người con nít dại dột. Ta không thèm giết. Hãy đi đi !” .

Về việc Nguyễn Ánh thoát chết trong trận này, giáo sĩ C.B.Maybol ghi lại như sau:

“Ông ta (tức Ánh) còn rất trẻ khi người Đàng Ngoài vào Huế và được đưa chạy theo chúa, ban đầu vào Quảng Nam, sau đó vào Nam Bộ. Khi Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ chiếm Sài Gòn, ông mới 15 tuổi. Người ta kể rằng ông đã bảo vệ cuộc rút lui của chú mình, cùng với quân Đông Sơn do Đỗ Thanh Nhơn chỉ huy. Khi Huệ vương bị bắt. Nguyễn Ánh khó khăn lắm mới thoát khỏi tay quân Tây Sơn, tìm được chỗ trú thân ở đảo Thổ Châu. Nhưng trước khi đến được đây, khi còn cách bờ biển 200km, ông ta phải lưu lạc trong thế bị truy lùng ở vùng Nam Long Xuyên...”.

Chính trong hoàn cảnh này, Nguyễn Ánh đã bị Bùi Thị Xuân đang dẫn bộ binh truy quét phát hiện và bắt được rồi tha mạng cho. Hai mươi lăm năm sau, Nguyễn Ánh bắt được bà. Hắn nhốt người phụ nữ đã từng gia ân cho mình trong cũi sắt và sau đó, còn bắt bà chứng kiến cái chết thảm khốc của những người thân yêu nhất đời bà rồi mới đem bà ra hành quyết.

Tháng 7 năm 1784, vua Xiêm nhân việc Nguyễn Ánh cầu viện, đã cử một đạo quân năm vạn tên và ba trăm thuyền chiến hội quân với Ánh kéo về nước ta. Chúng chiếm được Sa Đéc, Vĩnh Long và nhiều vùng đất khác. Quân Xiêm trong khi giúp Nguyễn Ánh đã không quên cướp bóc, sát hại dân lành.

Nguyễn Huệ được tin, vội vã điểm binh vào Gia Định. Trong trận chiến lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Huệ và Võ Văn Dũng chỉ huy quân thủy, Trần Quang Diệu cùng Bùi Thị Xuân chỉ huy quân bộ. Tương truyền tướng Xiêm là Lục Côn đang dẫn bộ binh đi tới thì gặp quân mai phục của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Tên tướng Xiêm thấy Bùi nữ tướng đường kiếm tuyệt luân, sắc đẹp chim sa cá lặn, đứng ngó sững sờ nên trở tay không kịp, bị bà chém bay đầu.

Binh lính giặc thấy chủ tướng bị giết, chạy tán loạn. Quân Tây Sơn khép chặt vòng vây, quân Xiêm liều chết mở đường máu thoát thân. Hai cánh quân Tây Sơn phối hợp nhịp nhàng đưa quân Xiêm và quân Nguyễn vào bẫy, lập nên chiến công vang dội. Năm vạn quân Xiêm với hơn một vạn quân Nguyễn chỉ còn sống sót khoảng vài ngàn người. Nguyễn Ánh lại một phen mất mật, trốn sang Xiêm tỵ nạn.

Sau chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, nhà Tây Sơn chuẩn bị đánh lấy Phú Xuân bị nhà Trịnh chiếm giữ từ năm 1775. Trần Quang Diệu nhận trọng trách mở con đường từ Tây Sơn Thượng đạo ra Bắc. Nghiên cứu về những con đường hành quân của Nguyễn Huệ, Lê Trọng Khánh viết: “Theo tài liệu Quảng Ngãi tỉnh chí viết bằng chữ Hán dưới thời Nguyễn tôi đã tìm được, có nhiều đoạn cho biết rằng khi hành quân đánh quân Trịnh, bộ binh Tây Sơn đi đường rừng. Trần Quang Diệu là người mở con đường ấy từ vùng rừng núi phía tây Quy Nhơn chạy suốt ra Nghệ Tĩnh. Nhân dân thuộc các dân tộc ít người anh em miền tây Nghĩa Bình là lực lượng chính mở ra con đường ấy”.

Con đường này có một ý nghĩa chiến lược rất quan trọng, đảm bảo bí mật các cuộc hành quân tác chiến của Nguyễn Huệ, nhờ vậy mà nghĩa quân Tây Sơn có thể di chuyển nhanh vì không gặp phải cản trở nào của đối phương và khi xuất hiện thường khiến địch bất ngờ.

Trên con đường rừng này, theo kế hoạch của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn bí mật hành quân, một cánh thọc sâu bao vây đèo Hải Vân từ phía Bắc, tiêu diệt toàn bộ quân địch, một cánh quân khác tiến vào Phú Xuân. Khi 400 thuyền tiên phong do Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy theo đường biển tiến chiếm Vị Hoàng, thì đại binh do Nguyễn Huệ trực tiếp thống lĩnh cũng theo đường biển chở tượng binh tiến ra Bắc.

Lúc đó, một vùng từ sông Gianh trở ra đến Vị Hoàng vẫn còn nhiều phòng tuyến quân Trịnh. Nhà nghiên cứu Lê Trọng Khánh hình dung: “Trong khi trên bộ địch chưa giải quyết hết, một cánh bộ binh khác của Tây Sơn tiến ra làm việc tảo thanh quân Trịnh, từ Bắc sông Gianh ra Thanh Nghệ Tĩnh, tiêu diệt toàn bộ thế lực quân Trịnh, nối liền hành lang từ Phú Xuân ra Bắc.”

Cuối năm 1788, được tin quân Thanh sang xâm lược nước ta, Nguyễn Huệ lập tức lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Quang Trung. Sau lễ lên ngôi, hoàng đế Quang Trung xuất binh ra Bắc. Con đường do Trần Quang Diệu mở lại diễn ra cuộc hành quân thần tốc của bộ binh Tây Sơn, dẫn đầu là đội tượng binh do Hoàng đế Quang Trung thống lĩnh, đi đến đâu bổ sung lực lượng đến đấy, ruổi về Thanh Hóa, ban Hịch bình Thanh trước ba quân tại chân núi Thọ Hạc:

“Đánh cho để đen răng
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”

Sau khi hội quân với Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở tại Tam Điệp, Ninh Bình, vua Quang Trung chỉ huy đại quân về Thăng Long, xuất hiện thình lình như sấm sét. “Ngày mồng 5, trời còn chưa sáng, Nguyễn Huệ thân chinh đốc chiến, cho hơn hai trăm voi đực tiến lên trước, quân cứng mạnh tiến theo sau, đánh kịch liệt hồi lâu.

Quân kỵ bên Thanh đều cỡi ngựa. Ngựa trông thấy voi đều hý lên, quay đầu chạy. Bộ binh nhà Thanh bị voi chà đạp, bèn rút vào đồn trại, giữ rào lũy, bắn ra để tự thủ. “Giặc” lùa voi, xông pha tên đạn, nhổ rào lũy tiến lên. Hứa đề đốc, Trương tiên phong và Thượng tả dực đều chiến đấu mà chết. Các quân nhà Thanh đổ vỡ tan tành”.

Nếu Bùi Thị Xuân không dày công khổ luyện đàn voi rừng, quân đội Tây Sơn thiếu đội tượng binh, thì trận đánh Thanh sẽ khuyết một lực lượng quan trọng và độc đáo.

Lúc bấy giờ, Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu ở đâu? Không thấy sử sách nhắc tên hai người trong trận đánh lịch sử này. Vua Quang Trung dốc toàn lực để chống quân xâm lược. Các tướng lĩnh quen chiến trận đều được huy động: Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Lộc, Đặng Văn Long, Võ Văn Dũng... thảy đều xung trận. Vậy thì đôi vợ chồng tướng lĩnh xuất sắc nhất của nhà Tây Sơn sao lại có thể điềm nhiên đứng ngoài cuộc chiến?

Chúng ta biết rằng sau chiến thắng Quân Thanh chừng ba tháng, vào tháng 3 năm Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung đã giao Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm ở lại trông coi Bắc Hà, còn mình về Phú Xuân. Điều đó chứng tỏ tình hình ở phía Nam vẫn còn những vấn đề khiến ông lo ngại. Quân Nguyễn luôn luôn rình rập thời cơ để ngóc dậy.

Mặt khác, sự rạn nứt trong quan hệ với vua anh Nguyễn Nhạc trước đó khiến ông không yên tâm. Chắc chắn trước khi thân chinh đại phá quân Thanh, Quang Trung đã để lại một bộ phận quân binh tinh nhuệ phòng bị mặt Quảng Nam, bảo vệ triều đình tại Phú Xuân. Đội nhuệ binh này do những tướng lĩnh được Quang Trung tin cậy nhất - Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân phụ trách.

Ngoài ra, từ khi còn là Bắc Bình Vương, chưa lên ngôi vua, Nguyễn Huệ đã có ý dời từ Phú Xuân ra Nghệ An để tiện khống chế Nam Bắc. Sau thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược Thanh, ông càng quyết tâm biến ý định trên thành hiện thực.

Trần Quang Diệu được giao trọng trách trông coi xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô. Và theo Hoàng Xuân Hãn, trung đô được xây xong trước tháng 10 năm 1789. Trong bức thư Quang Trung gửi La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp đề ngày mồng 5 tháng 10 năm ấy, viết rằng: “ Trẫm nay đóng đô tại Nghệ An, cùng tiên sinh gần gụi. Rồi đây tiên sinh hãy ra mà giúp nhau để trị nước”. Tuy nói vậy, nhưng từ đó đến cuối năm 1791, Quang Trung vẫn tạm thời chưa rời Phú Xuân, giao Trần Quang Diệu trấn giữ Nghệ An vì thời gian này phiến loạn dấy lên không ngớt.

Mùa xuân năm Tân Hợi 1791, Ai Lao liên tục xua quân cướp phá vùng biên giới nước ta, vua Quang Trung cử Trần Quang Diệu mang binh vấn tội. Đáng kể nhất là cuộc nổi dậy của hoàng thân Lê Duy Chỉ liên kết với thổ dân biên giới định chiếm Nghệ An, Đại Đô đốc Trần Quang Diệu và phó tướng Lê Văn Trung khổ công đánh dẹp gần một năm trời.

(Còn nữa)

Trần Thị Huyền Trang

Bạn đang đọc bài viết "Thiên tình sử Bùi Thị Xuân - Trần Quang Diệu có một không hai " tại chuyên mục ĐỐI THOẠI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).